Ấn tượng phát thanh qua những con số
(VOV) - Trái với suy nghĩ của nhiều người, phát thanh không hề lạc hậu, cũ kỹ và thiếu công chúng, kể cả ở những nước phát triển.
Những con số thống kê của các cơ sở nghiên cứu đã cho thấy một bức tranh sống động về nền phát thanh hiện đại đầy nhựa sống. Thời đại mới, công nghệ mới, phát thanh vẫn biết cách thích nghi và phát triển.
Diện phủ sóng rộng nhất
Khác với sóng phát thanh, sóng truyền hình là sóng phát thẳng, phải đi “thẳng” từ trạm phát đến thiết bị thu thì mới “nét” được. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến truyền hình khó có thể gọn nhẹ, tiết kiệm và có diện phủ sóng cao như phát thanh. Theo tài liệu của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), diện phủ sóng của phát thanh lên tới hơn 95% từng khu vực dân số.
Máy thu thanh có tính cơ động cao, sóng phát thanh dễ bắt (ảnh: adventist) |
Vẫn theo ITU, nếu tính đến yếu tố vệ tinh thì trên thực tế toàn thế giới được bao phủ bởi sóng phát thanh, Ví dụ, hệ thống WorldSpace bao phủ hầu khắp toàn cầu (trừ Bắc Mỹ và Australia) cung cấp dịch vụ phát thanh thông qua 3 vệ tinh địa tĩnh. Tín hiệu của vệ tinh AfriStar trong hệ thống này (được phóng năm 1998) phủ sóng toàn châu Phi với 59 kênh.
Có lẽ vì dễ dàng “bắt sóng” (kể cả với thiết bị đơn giản, dã chiến) nên có tới hơn 75% hộ gia đình ở phần lớn các quốc gia sử dụng máy thu thanh (nguồn: ITU).
Tác giả Tim Bradshaw của tờ Financial Times (Anh) vào tháng 8/2010 cũng chỉ ra rằng, so với năm 2009, quý 2 năm 2010 có thêm nửa triệu người nghe đài ở Anh, làm tăng số người nghe đài ở Anh khi ấy lên 46,8 triệu người, và cứ trong 10 người Anh thì có tới 9 người nghe đài tối thiểu 1 tuần/lần.
Còn ở châu Phi, nhìn chung có khoảng 80- 90% hộ gia đình sở hữu máy thu thanh, theo báo cáo ‘African Media Development Initiative’ (ADMI) của hãng BBC.
Gia tăng số đài phát thanh
Phát thanh không chỉ “khủng” về diện phủ sóng và lượng máy radio, mà còn có số lượng đài phát tăng lên đáng kể, đặc biệt là đối với những đài phát sóng bằng ngôn ngữ bản địa.
Báo cáo ADMI (trên) cho thấy, những đài phát thanh này tập trung chủ yếu ở vùng Đông Phi. Trường hợp điển hình là Uganda, nơi có hơn 150 đài phát thanh, mà 69% trong số đó phát bằng 38 sinh ngữ của Uganda.
Cả nhà cùng nghe đài (ảnh: britanica) |
Báo cáo của BBC cho biết thêm, tại các nước châu Phi vùng cận Sahara từ năm 2000 - 2006, đài phát thanh thương mại địa phương phát triển mạnh, trung bình tăng 360% còn đài phát thanh cộng đồng tăng trung bình ở mức ấn tượng 1.386%. Chẳng hạn, Cộng hòa Dân chủ Congo hiện nay có hơn 150 đài phát thanh cộng đồng so với chỉ 10 đài vào năm 2000.
Theo trang web AudienceScapes thì tại Peru năm 2010, có hơn 1.691 đài phát thanh FM, 75% người dân thành phố lớn nghe đài hàng ngày và 92% nghe đài tối thiểu 1lần/tuần.
Cạnh tranh với truyền hình, tiếp nhận nền tảng mới
Vẫn theo trang web AudienceScapes, ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Baluchistan của Pakistan, 46% thính giả nói rằng họ nghe đài hàng tuần, trong khi đó số người xem tivi là 47%!
Để phục vụ thính giả tốt hơn, ứng dụng phát thanh trong máy điện thoại di động ngày càng được sử dụng rộng rãi. Thí dụ, hơn 30% thính giả nam được hỏi tại Pakistan vào năm 2008 cho biết họ từng nghe phát thanh qua điện thoại của mình (nguồn: điều tra của AudienceScapes).
Phát thanh chiếm ưu thế trong cộng đồng dân cư nghèo (ảnh: adventist) |
Sự xuất hiện của internet một mặt gây sức ép với phát thanh, mặt khác lại mở ra các chân trời mới cho phát thanh trực tuyến. Từ năm 2000, số lượng thính giả nghe đài phát thanh qua mạng internet tăng 27% mỗi năm. Điều tra của JP Morgan vào năm 2010 cho thấy, phát thanh trực tuyến đã thu hút được hơn 80 triệu thính giả tại riêng nước Mỹ.
Đã rẻ nay còn rẻ hơn
Hiện nay người ta có thể xây được 1 đài FM công suất nhỏ 40W với chi phí tầm 4.000- 5.000 USD, theo “UNESCO supported Radio-in-a-Box and others like Radio-in-suitcases”.
Trong khi đó, những chiếc radio bán dẫn chạy bằng pin thường có giá không quá 10 USD.
Đã vậy, còn có những sáng kiến cắt giảm chi phí hoạt động của một máy thu thanh về 0 thông qua các thiết bị không cần đến pin.
Máy thu thanh chạy bằng quay tay, không cần pin (ảnh: campingsurvival) |
Theo hãng Freeplay chuyên sản xuất máy thu thanh chạy bằng dây cót, người dân tại các nước kém phát triển chi trung bình 6% thu nhập của mình để mua pin (tức 24USD/năm).
Tài liệu của ITU cho hay, kể từ năm 2003, Freeplay đã phân phối hơn 400.000 máy thu thanh không dùng pin tới khoảng 40 quốc gia đang phát triển, phục vụ trực tiếp hơn 6 triệu người dân./.