Ảnh: 900 ngày bị bao vây, thành phố Leningrad đã kiên cường như thế nào?

VOV.VN - Ngày 27/01/1944, Hồng quân Liên Xô đã chấm dứt cuộc bao vây gần 900 ngày của phát xít Đức với thành phố Leningrad (nay là thành phố Saint Peterburg).

Thành phố Leningrad - bây giờ là Saint Peterburg, từng là cố đô của nước Nga, đây cũng là cái nôi của Cách mạng tháng 10. Năm 1941, Hitler đã lập hẳn một kế hoạch đánh chiếm thành phố này, đổi tên thành "Adolfsburg". (Ảnh pháo phòng không bảo vệ bầu trời Leningrad trước nhà thờ St. Issac - RIA Novosti)
Cuộc bao vây Leningrad được biết đến là một cuộc bao vây khốc liệt nhất, kéo dài nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại. 872 ngày là thời gian mà người dân và binh lính thành phố này đã trải qua, anh dũng chống lại những đòn tấn công tàn khốc của quân Đức. (Ảnh huy động quân đội tại quân khu Leningrad, mùa hè 1941 - Wikipedia)
Trước khi bị bao vây, thành phố Leningrad có khoảng 3 triệu người sinh sống. Phải mất 20 năm sau, đến thập niên 1960s, thành phố này mới có thể tái lập lại số lượng dân số này. (Ảnh bức tượng Piotr Đại đế được bảo vệ chống lại các cuộc oanh tạc của quân Đức - Wikimedia Commons)

Chiến thuật bao vây đã và luôn là phương pháp tàn bạo khiến một thành phố phải suy sụp. Chiến thuật này khiến cho quân đội phát xít Đức không chỉ đối đầu với Hồng quân Liên Xô mà họ phải đối mặt với những người dân của thành phố này. (Ảnh người dân Leningrad múc nước từ những vũng nước đọng do bom đạn gây ra, mùa đông 1941 - RIA Novosti)
Việc chiếm Leningrad là việc chiếm đóng nơi đã nổ ra cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, một biểu tượng chính trị quan trọng của Liên Xô. Đồng thời, cũng là chiếm được một căn cứ hải quân quan trọng để phục vụ cuộc đối đầu trên biển giữa hải quân Đức Quốc xã và Hải quân Anh trên biển Baltic.(Ảnh thủy binh hành quân ra mặt trận 1941 - RIA Novosti)
Đây là một trong các trận đánh có tỉ lệ tử vong cao trong lịch sử thế giới và là trận đánh có số dân thường thiệt mạng cao nhất trong toàn bộ Chiến tranh Xô-Đức. (Ảnh lực lượng cứu thương cấp cứu một người bị thương trên đường phố 1941 - RIA Novosti)
Tham gia chiến dịch tấn công Leningrad còn có quân đội Phần Lan. Tuy nhiên, mục tiêu của Phần Lan chỉ là để giành lại eo đất Karelia đã phải cắt nhượng cho Liên Xô sau cuộc chiến tranh năm 1940 nên sự phối hợp giữa quân đội Đức và quân đội Phần Lan là hạn chế. (Ảnh một bà già kéo một thanh niên đang suy kiệt do cuộc bao vây 1942 - RIA Novosti)
Thiếu hụt về lương thực, chất đốt ảnh hưởng nghiêm trọng đến thường dân còn mắc kẹt tại thành phố. Họ đã phải chịu đựng hai mùa đông khắc nghiệt nhất của vùng Vòng Bắc cực lạnh giá từ năm 1941 đến năm 1943. Nhiều người đã chết trong hoàn cảnh vừa đói, vừa rét. Hơn 600.000 người dân Leningrad chết vì đói và rét trong gần 900 ngày bị phong tỏa. (Ảnh RIA Novosti)
Ngày 08/09/1941, con đường cuối cùng liên lạc với thành phố bị cắt đứt khi quân Đức tiến tới hồ Lagoda. Bên cạnh việc cô lập thành phố, Bộ chỉ huy Cụm tập đoàn quân Bắc còn vạch một kế hoạch phá hủy thành phố một cách có hệ thống bằng không quân oanh tạc và pháo tầm xa cỡ lớn. (Ảnh Quân đội Liên Xô cơ động pháo binh bảo vệ Leningrad - RIA Novosti)
Cuộc phong tỏa kéo dài của Đức Quốc xã đã không thể bóp chết được Leningrad. Hơn nửa triệu thường dân đã tham gia xây dựng hàng trăm km chiến hào, hào chống tăng, hàng rào dây thép gai, vật cản chống tăng, hàng nghìn hỏa điểm kiên cố bằng bê tông và ụ súng bằng gỗ đắp đất. (Ảnh cảnh báo người dân khu vực nguy hiểm trong cuộc tấn công pháo binh - RIA Novosti)

Kể từ khi bị cắt đứt với bên ngoài, Phương diện quân Leningrad chỉ còn có thể nhận được súng bộ binh, đạn và pháo hạng nhẹ từ nội địa Liên Xô. Việc bù đắp thiệt hại về vũ khí nặng, nhất là xe tăng phải trông cậy vào các nhà máy tại thành phố, trong đó có nhà máy Kirov chuyên sản xuất xe tăng hạng nặng KV. (Ảnh Phụ nữ đúc kim loại trong Leningrad bị bao vây 1942 - RIA Novosti)

Cuộc bao vây phong tỏa Leningrad đã đưa lại thiệt hại lớn về quân sự cho cả hai bên. Phía Liên Xô có 332.059 quân nhân tử trận, 24.324 người bị quân Đức bắt làm tù binh, 111.142 quân nhân bị thương tật. Phía quân đội Đức Quốc xã cũng có hơn 500.000 người chết và bị thương. (Ảnh RIA Novosti)
Mặc dù Liên Xô đã sơ tán khoảng 1.700.000 người nhưng vẫn còn hơn 1.400.000 dân bị kẹt lại tại Leningrad. Sau 871 ngày bị bao vây hoàn toàn, số dân thường bị thiệt mạng vì đói rét lên đến 632.253 người, trong đó khoảng 234.000 người chết đói và chết rét ngay trong mùa đông đầu tiên (1941-1942). Nếu tính cả số người chết vì bom đạn thì con số này lên trên 1 triệu người. (Ảnh RIA Novosti)
Trong những ngày bị phong toả, hồ Ladoga trở thành "con đường sống" của thành phố. Đầu năm 1942, khi mặt băng trên hồ Ladoga đã rắn chắc, Liên Xô đã tổ chức vận chuyển cho mặt trận Leningrad hậu cần. Tuy số lượng hạn chế do các đoàn xe ô tô có trọng tải không lớn nhưng đã giảm bớt nhiều khó khăn cho thành phố. (Ảnh kíp sung phòng không chống trả các đợt không kích của phát xít Đức - RIA Novosti)
Ngày 28/12/1942, phát hiện các tập đoàn quân 16 và 18 của Đức chuyển sang phòng thủ mùa đông, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô phê duyệt kế hoạch chiến dịch "Iskra" ("Tia lửa") nhằm giải vây cơ bản cho Leningrad, thủ tiêu sự uy hiếp của tập đoàn quân 16 (Đức) trên tuyến phía nam hồ Ladoga, khôi phục hoàn toàn và chắc chắn tuyến giao thông giữa Leningrad với nội địa Liên Xô. (Ảnh RIA Novostia)
Ngày 12/01/1943, sau cuộc tập kích đường không với hàng trăm máy bay ném bom thuộc không đoàn 14, hơn 4.500 khẩu pháo từ phía sau trận tuyến của quân đội Liên Xô pháo kích trong 2 giờ 20 phút dọn đường cho cuộc tấn công. Ngày 18 tháng 1 năm 1943, tập đoàn quân 67 của Phương diện quân Leningrad và tập đoàn quân xung kích 2 đã gặp nhau tại các khu công nhân số 1 và số 5, phía Nam Shlisselburg, chọc thủng vòng phong tỏa của quân Đức. (Ảnh RIA Novosti)

Hitler tức tối, khiển trách tướng Georg Lindemann (tư lệnh tập đoàn quân 18). Ông ta yêu cầu: "Tập đoàn quân 18 không được lùi một bước, phải giữ Leningrad trong vòng phong toả". Do đã điều động quá nhiều xe tăng, thiết giáp cho phía Nam mặt trận Xô- Đức, quân đội Đức Quốc xã không còn các binh đoàn cơ giới đủ mạnh để phản kích lấy lại khu vực "cổ chai" Shlisselburg. (Ảnh Tướng Lindemann thăm lính Đức trong chiến hào - Bundesarchiv)

Dư luận các đồng minh của Liên Xô, đặc biệt là Anh và Mỹ đã tỏ ra lo lắng cho số phận của Leningrad khi nó bị bao vây cũng giống như khi Moskva bị quân đội Đức Quốc xã uy hiếp. (Ảnh RIA Novosti)

"Tất cả các dân tộc tự do và tất cả các dân tộc bị chế độ Hitler nô dịch đều hiểu rõ rằng việc tiêu diệt quân đội Đức ở vùng Leningrad có vai trò quan trọng như thế nào đối với việc làm suy yếu sức mạnh của nước Đức Quốc xã. Leningrad đã tỏ ra là một thành phố anh hùng trong cuộc chiến tranh hiện nay. Trận đánh ở Leningrad gây nhiều nỗi lo âu trong người Đức. Nó làm cho họ cảm thấy rằng họ chỉ là người chủ tạm thời ở Paris, Bruxel, Amsterdam, Warsava, Oslo", bình luận của người Anh khi biết Leningrad được giải phóng (Ảnh RIA Novosti)
Năm 1945, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, cùng với Moskva, Stalingrad, Kiev, Odessa, Rostov on Don, Sevastopol, thành phố Leningrad được phong tặng danh hiệu thành phố anh hùng. Tính chất bi hùng của cuộc chống phong tỏa và phá vỡ vòng phong tỏa đã được các thế hệ người Xô Viết trước đây và người Nga hiện nay phản ánh trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Những tác phẩm này thậm chí ra đời ngay khi thành phố vẫn đang bị bao vây và tàn phá nặng nề./. (Ảnh RIA Novosti)

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nga tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm giải phóng Leningrad
Nga tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm giải phóng Leningrad

VOV.VN - Leningrad là biểu tượng chính trị quan trọng của Liên Xô trước đây gắn với cuộc Cách mạng tháng Mười Nga. 

Nga tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm giải phóng Leningrad

Nga tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm giải phóng Leningrad

VOV.VN - Leningrad là biểu tượng chính trị quan trọng của Liên Xô trước đây gắn với cuộc Cách mạng tháng Mười Nga.