Azerbaijan quyết đoán hơn về dùng vũ lực để lấy lại lãnh thổ Nagorno-Karabakh
VOV.VN - Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Azerbaijan chú trọng giải pháp vũ lực quân sự nhằm thu hồi vùng Nagorno-Karabakh đã mất vào tay người Armenia.
Bối cảnh lịch sử từ khi Liên Xô tan rã
Khu vực Nagorno-Karabakh nằm bên trong lãnh thổ Azerbaijan ở vùng Nam Kavkaz (sát Nga) là một điểm nóng thường trực giữa Azerbaijan và Armenia trong suốt 3 thập kỷ qua. Khu vực với địa hình chủ yếu núi non này được quốc tế và Liên Hợp Quốc công nhận là lãnh thổ thuộc Azerbaijan. Tuy nhiên, từ cuối năm 1991 (thời điểm Liên Xô tan rã) đến nay, nó nằm dưới sự kiểm soát trên thực tế của một nhà nước tự xưng là “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” (còn gọi là “Cộng hòa Artsakh”). Nhà nước tự xưng này không được Azerbaijan và cộng đồng quốc tế công nhận. Thậm chí Armenia – quốc gia ủng hộ toàn diện cho “Cộng hòa Artsakh” cũng không chính thức công nhận “quốc gia” này. Khu vực Nagorno-Karabakh có thành phần dân cư đa phần là người tộc Armenia, với tôn giáo chính là đạo Kitô.
Cuối thập niên 1980, căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa khu vực tự trị Nagorno-Karabakh (thuộc Azerbaijan) với chính quyền Azerbaijan. Đến khi Liên Xô sụp đổ và Azerbaijan tuyên bố độc lập (tách ra từ Liên Xô) thì khu vực Nagorno-Karabakh cũng tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Azerbaijan. Tất nhiên Azerbaijan không chấp nhận việc ly khai của Nagorno-Karabakh. Nhưng “Cộng hòa Artsakh” nhận được sự hậu thuẫn của Armenia. Cuộc Chiến tranh Nagorno-Karabakh tàn khốc đã nổ ra với sự tham gia của nhiều phe, trong đó chủ yếu là Azerbaijan, “Cộng hòa Artsakh” tự xưng, và Armenia. Khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1994, toàn bộ vùng Nagorno-Karabakh và 7 vùng lân cận (vốn thuộc Azerbaijan) đã nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của người Armenia, cụ thể là “Cộng hòa Artsakh” (không được quốc tế công nhận).
Trước khi gia nhập Liên Xô, các nước Azerbaijan và Armenia (ra đời sau năm 1917) từng nổ ra đụng độ quân sự dữ dội liên quan đến vùng Nagorno-Karabakh. Sau khi Azerbaijan và Armenia trở thành các nước thành viên bên trong Liên Xô, lãnh đạo Liên Xô quyết định rằng vùng Nagorno-Karabakh được giữ lại bên trong Azerbaijan nhưng vùng này (tức Nagorno-Karabakh) phải được hưởng quyền tự trị rộng lớn. Liên Xô làm vậy dựa trên những tính toán chính trị nhất định. Tình hình Nagorno-Karabakh tạm yên từ đó cho đến cuối thập niên 1980, khi Liên Xô bắt đầu suy yếu và khủng hoảng.
Sau khi Liên Xô tan rã, cộng đồng quốc tế tiếp tục công nhận chủ quyền của Azerbaijan đối với Nagorno-Karabakh. Vào năm 1993, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lần lượt thông qua 4 nghị quyết (822, 853, 874, và 884) về Nagorno-Karabakh, theo đó họ yêu cầu các lực lượng vũ trang Armenia chiếm đóng vùng này phải rút ngay, hoàn toàn, và vô điều kiện khỏi đây. Tuy nhiên thực tế đã không diễn ra theo 4 nghị quyết đó của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Mối quan hệ giữa Armenia và “Cộng hòa Artsakh” là mối quan hệ “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Truyền thông phương Tây nhìn chung xem “Cộng hòa Artsakh” đơn thuần là tổ chức ly khai của tộc người Armenia chiếm đa số ở Nagorno-Karabakh. Nhưng Azerbaijan coi “Cộng hòa Artsakh” là “chính quyền ngụy” do Armenia lập nên ở vùng đất Nagorno-Karabakh. Azerbaijan xác định những xung đột quân sự của họ ở vùng Nagorno-Karabakh là xung đột giữa họ và nhà nước Armenia. Azerbaijan cũng tung ra bằng chứng chỉ ra rằng các quân nhân thiệt mạng khi giao tranh với quân đội Azerbaijan là những quân nhân thuộc quân đội chính quy của Armenia.
Azerbaijan bắt đầu mất kiên nhẫn, muốn thay đổi hiện trạng
Sau khi không thành công lắm với giải pháp quân sự trong Cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh đẫm máu, Azerbaijan đã theo đuổi giải pháp ngoại giao chủ động, tích cực để khôi phục lại chủ quyền đối với vùng Nagorno-Karabakh (và cả 7 vùng cận kề khu vực này). Azerbaijan nhấn mạnh đến luật pháp quốc tế, Công ước Geneva 1949, và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 1993 trong xử lý vấn đề này. Họ kêu gọi quốc tế gây sức ép lên Armenia để trao trả các vùng chiếm đóng. Họ cũng sẵn sàng thương lượng để giải quyết vấn đề này. Họ hứa hẹn sẽ trao quyền tự trị ở mức độ cao cho Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên 29 năm đã trôi qua mà tình hình vẫn không thay đổi căn bản. Và Azerbaijan bắt đầu bộc lộ sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận vấn đề này.
Một mặt Azerbaijan vẫn kêu gọi giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế cho Nagorno-Karabakh, mặt khác họ bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến phương án sử dụng vũ lực quân sự để khôi phục lại các lãnh thổ đã mất vào tay người Armenia. Học thuyết quân sự của Azerbaijan được thông qua vào năm 2010 nhấn mạnh đến quyền sử dụng sức mạnh quân sự để lấy lại Nagorno-Karabakh.
Sau gần 3 thập kỷ khá yên tĩnh, các vụ đụng độ quân sự quyết liệt đã xuất hiện trở lại giữa Azerbaijan và phe Armenia. Đợt 1 là vào tháng 4/2016 (ở Nagorno-Karabakh), đợt 2 vào tháng 7/2020 (ở biên giới tây bắc Azerbaijan), và đợt 3 vào tháng 9/2020 (ở vùng cận kề với Nagorno-Karabakh). Tính chất xung đột vũ trang ngày càng khốc liệt hơn. Số lượng thương vong (cả quân sự và dân sự) tăng lên. Nhiều vũ khí hạng nặng và hiện đại hơn được huy động. Như vừa qua, trong đợt giao tranh hồi tháng 7 và tháng 9/2020, hai phe đã sử dụng pháo, tên lửa, xe tăng, và cả phi cơ không người lái vũ trang (UAV). Hình thức tác chiến theo kiểu binh chủng hợp thành, trên quy mô lớn hơn.
Trong cả 3 đợt giao tranh nói trên, hai phía Azerbaijan và Armenia đều đổ lỗi cho nhau là bên khơi mào xung đột. Vẫn có một bức màn phủ lên sự thật bên nào nổ súng trước. Tuy nhiên, theo logic thông thường, Armenia sẽ có xu hướng duy trì hiện trạng nhiều hơn và họ ở thế thủ nhiều hơn. Nếu họ khiêu khích, họ sẽ có nguy cơ bị mất nhiều thứ.
Trong đợt xung đột tháng 4/2016, theo Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov, quân đội Azerbaijan đã tái chiếm một số ngọn đồi ở rìa phía trong của khu vực chiếm đóng mà từ đó phía Armenia đã nã pháo sang vùng kiểm soát của Azerbaijan. Hồi đó, ông Imanov cho biết: Vì các điểm cao này vốn nằm trong lãnh thổ đương nhiên thuộc Azerbaijan (nhưng bị Armenia “chiếm đóng” trên thực tế), nên dù có ký thỏa thuận ngừng bắn, phía Azerbaijan cũng không quay trở lại vị trí ban đầu trước khi bùng phát đụng độ chết người. Nói cách khác, quân đội Azerbaijan sẽ “không trả lại” một số điểm cao mà họ vừa mới “lấy lại” từ tay Armenia.
Trong các năm gần đây, quân đội Azerbaijan đã gia tăng sức mạnh đáng kể, mua sắm thêm nhiều vũ khí hiện đại không chỉ từ Nga mà còn cả từ Israel và một số nguồn khác nữa. Đã nhiều lần, lãnh đạo Azerbaijan và Đại sứ Azerbaijan Imanov khẳng định, quân đội Azerbaijan đủ sức tái chiếm Nagorno-Karabakh.
Trong năm 2020, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Azerbaijan tiếp tục dâng cao trong vấn đề Nagorno-Karabakh. Tại thủ đô Baku đã nổ ra những cuộc biểu tình đòi phải lấy lại Nagorno-Karabakh. Vùng đất này được người dân và lãnh đạo Azerbaijan nhìn nhận không chỉ là chủ quyền, lãnh thổ mà còn là danh dự của họ.
Trong buổi họp báo tại Hà Nội vào ngày 15/7/2020, Đại sứ Azerbaijan Imanov cho biết, nhiều người dân Azerbaijan đã chán nản trước thực trạng đàm phán về Nagorno-Karabakh giậm chân tại chỗ và mong muốn chính quyền của họ áp dụng biện pháp cứng rắn để giải quyết mâu thuẫn.
“Không muốn ngừng bắn”
Còn trong cuộc họp báo ngày 1/10/2020 tại Hà Nội, trước các phóng viên Việt Nam, Đại sứ Azerbaijan Imanov kêu gọi các đối tác quốc tế (trong đó có Việt Nam) như sau: “Không cần kêu gọi ngừng bắn nữa, xin đừng kêu gọi ngừng bắn nữa. Chúng tôi không cần ngừng bắn vào lúc này. Đã có sự ngừng bắn đó trong suốt 3 thập kỷ và các lực lượng chiếm đóng vẫn ở trên đất của chúng tôi. Thay vào đó, quý vị hãy kêu gọi hòa bình ở khu vực của chúng tôi thông qua việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu việc rút khẩn cấp, hoàn toàn, và vô điều kiện các lực lượng chiếm đóng Armenia khỏi Nagorno-Karabakh”.
Đại sứ Imanov tuyên bố tiếp: “Vấn đề này không phải ngày một ngày hai. Chịu đựng cảnh chiếm đóng trong gần 30 năm, người dân Azerbaijan mất dần hy vọng vào cộng đồng quốc tế và biện pháp đàm phán để giải quyết vấn đề này, nên đã lựa chọn hành động giải phóng vùng đất bị chiếm đóng”.
Cũng trong buổi họp báo này, ông Imanov nói rằng “Azerbaijan đang hành động trên vùng đất thuộc chủ quyền của mình và thực thi các biện pháp cần thiết để đẩy lui mối đe dọa cận kề đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Trong khi đó, liên quan đến vấn đề Nagorno-Karabakh, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố: “Chúng tôi đang chiến đấu trên các mảnh đất của chúng tôi. Tôi chắc rằng trong cuộc xung đột này, chúng tôi sẽ đạt được điều chúng tôi muốn. Azerbaijan sẽ khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Tổng thống Ilham Aliyev hứa rằng sẽ “dừng các hành động quân sự ở khu vực Karabakh và vùng cận kề nếu lực lượng Armenia rút hoàn toàn và vô điều kiện khỏi khu vực này”. Hiện tại ông Aliyev đã bác bỏ mọi khả năng đàm phán với Armenia về vấn đề Nagorno-Karabakh.
Như vậy, qua diễn biến trên thực địa chiến trường và các tuyên bố của lãnh đạo và đại diện ngoại giao của Azerbaijan, có thể thấy rõ quốc gia này đã không còn kiên nhẫn như trước đây và có nhiều điều chỉnh trong cách xử lý vấn đề Nagorno-Karabakh, theo hướng cứng rắn hơn, quyết liệt hơn, sẵn sàng chủ động sử dụng vũ lực. Nhiều khả năng, Azerbaijan muốn tạo bước “đột phá” trên chiến trường ngay trước hoặc trong năm 2021 – đúng dịp kỷ niệm 30 năm Nagorno-Karabakh ly khai khỏi Azerbaijan.
Dự báo tình hình Nagorno-Karabakh sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nữa trong các năm tới, khi hai phía Armenia và Azerbaijan đều khăng khăng bảo vệ lập trường của mình và có thông tin nói rằng trên chiến trường Nagorno-Karabakh và vùng cận kề đã xuất hiện các phần tử cực đoan đến từ vùng Trung Đông. Chiến sự Nagorno-Karabakh nếu lan rộng có thể lôi kéo sự tham gia trực tiếp của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và Iran cùng nhiều nhân tố khó lường khác, có nguy cơ biến thành một lò lửa bạo lực mạn tính nữa của thế giới. Cộng đồng quốc tế một lần nữa cần phải chung tay một cách thiết thực và hiệu quả để ngăn chặn tình hình ở đây xấu đi./.