Bài học cải cách y tế Ukraine theo hướng kinh tế thị trường
VOV.VN - Trước kia hệ thống y tế Ukraine vận hành theo lối cũ nên rất kém hiệu quả. Cải cách theo lối thị trường đã làm y tế nước này thay da đổi thịt.
Những năm qua tình hình chính trị xã hội ở Ukraine có nhiều bất ổn. Tuy nhiên họ vẫn đạt được một tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực y tế với việc cải tiến hệ thống theo hướng thị trường. Những cải cách này đã cải thiện đáng kể đời sống của đa phần người dân Ukraine.
Dược phẩm (ảnh minh họa của Reuters). |
Động lực cho sự thay đổi này là bà Ulana Suprun, cựu quyền Bộ trưởng Y tế của Ukraine.
Suprun vốn là một bác sĩ y tế Mỹ. Bà là con gái của người Ukraine di cư sang Mỹ trong Thế chiến 2. Năm 2013 bà cùng chồng quay trở về cố hương, tại đây họ trở thành các nhà hoạt động xã hội trong giai đoạn xảy ra các cuộc biểu tình Maidan năm 2014. Trong thời gian đó, Suprun đã chăm sóc y tế cho những người bị thương trong bạo động.
Năm 2016, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đích thân yêu cầu Tiến sĩ Suprun giúp cải cách hệ thống y tế của Ukraine, khi đó vẫn dựa theo mô hình từ thời Liên Xô.
Áp dụng cách tiếp cận kiểu thị trường, tránh tập trung hóa
Mô hình y tế cũ của Ukraine nói chung rất kém hiệu quả và có nhiều tiêu cực. Cơ sở hạ tầng y tế của Ukraine khi đó đồ sộ nhưng tồi tàn, lạc hậu. Tuổi thọ trung bình của người dân Ukraine khi ấy kém các nước láng giềng tới 10 năm.
Ukraine đã áp dụng các nguyên tắc thị trường vào mọi phương diện của ngành y tế. Các bệnh viện trước đây được quản lý ở cấp trung ương thì nay được phân quyền về cho địa phương quản lý.
Hệ thống bệnh viện cũng được tinh gọn. Thời trước dù bệnh viện tồi tàn đến mấy cũng không bị đóng cửa. Khi ấy số lượng bệnh viện nhiều gấp 5 lần nhu cầu thực tế và bệnh nhân không được phép chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác. Để ngăn chặn tình trạng phình to này, hiện nay người ta khuyến khích cạnh tranh giữa các bệnh viện, cho phép bệnh nhân quyết định bệnh viện nào thì duy trì và phát triển, bệnh viện nào phải đóng cửa.
Chống độc quyền
Cung cấp thuốc và thiết bị y tế cũng là một vấn đề từ thời Xô viết. Tình trạng tham nhũng đã khiến cho nhiều tiền bạc bị bòn rút và bệnh nhân không được đảm bảo nhận được sự chăm sóc y tế cơ bản nhất. Bệnh nhân buộc phải mua băng gạc riêng và thậm chí cả phim X-quang rồi mang tới nơi gặp gỡ bác sĩ. Luật của Ukraine khi đó yêu cầu tất cả các loại thuốc đều phải lấy từ bên trong Ukraine nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nội địa. Hậu quả là tình trạng bảo hộ cho nhà sản xuất, còn cơ hội cho bệnh nhân thì bị cắt giảm. Từng có một bê bối như thế này: Chính phủ Canada đề nghị viện trợ vaccine bại liệt miễn phí nhưng Ukraine lại từ chối, khiến dịch bại liệt bùng phát ở miền tây nước này. Tuy nhiên dưới thời quyền Bộ trưởng Y tế Suprun, nước này đã mở cửa cho các nhà cung cấp nước ngoài và chi phí y tế giảm trung bình là 40%.
Chuyên nghiệp hóa
Nhiều thay đổi khác cũng được thực hiện theo hướng tương tự. Khu vực y tế trước kia là công lập thì nay đã được tư nhân hóa và giảm quy mô. Cải cách cũng cho phép chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên y tế Ukraine mà trước đây gồm nhiều bác sĩ thiếu năng lực.
Các bệnh viện được trao quyền tự chủ trong việc lựa chọn mô hình kinh doanh để xem cái nào hiệu quả hơn. Các bác sĩ không được nhà nước tự động trả lương định kỳ như trước đây nữa mà việc trả lương cho họ phải dựa trên cống hiến của họ. Cơ chế mới khuyến khích các bác sĩ làm việc chăm chỉ hơn để chăm sóc bệnh nhân và phát triển mối quan hệ tốt hơn với họ.
Đào tạo y tế cũng được cải thiện và mức lương cho các nhân viên y tế được nâng cao đáng kể.
Tiến sĩ Suprun giờ đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn tiếp tục các nỗ lực cải cách của mình thông qua khu vực tư nhân.
Đối với Ukraine, cải cách y tế không chỉ là cải cách y tế mà trước hết là cải cách tư duy, cải cách về cung cách quản lý./.