Bài học lịch sử cho Tổng thống Biden từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Liên Xô năm 1961
VOV.VN - Cách đây 60 năm, sự tự tin tới mức phi lý cùng sự chuẩn bị không đầy đủ của Tổng thống Mỹ Kennedy đã vấp phải sự cứng rắn và công kích từ nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev trong cuộc gặp ở Vienna tháng 6/1961.
Có lẽ Tổng thống Biden không chú ý đến thực tế là cuộc gặp của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/6 tới tại Geneva trùng với thời điểm kỷ niệm 60 năm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống MJohn F. Kennedy với nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev vào tháng 6/1961.
Tuy nhiên, trong một bài viết trên CBNC ngày 13/6, ông Frederick Kempe, Chủ tịch đồng thời là CEO của Hội đồng Atlantic, một trong những tổ chức nghiên cứu về các vấn đề toàn cầu có ảnh hưởng nhất ở Mỹ cho rằng, không gì có thể đem lại cho ông Biden một lời cảnh báo hữu ích hơn cuộc gặp 2 ngày khi đó - hội nghị thượng đỉnh siêu cường đầu tiên trong kỷ nguyên truyền hình.
Ông Frederick Kempe có hơn 25 năm làm việc cho Wall Street Journal với tư cách là nhà báo nước ngoài. Ông là tác giả của cuốn sách “Berlin 1961: Kennedy, Khrushchev và nơi nguy hiểm nhất trên Trái Đất”, cuốn sách bán chạy nhất của New York Times, được xuất bản với hơn 10 thứ tiếng.
Thượng đỉnh Mỹ-Liên Xô ở Vienna 60 năm trước
Theo ông Kemp, sự tự tin tới mức phi lý và sự chuẩn bị không đầy đủ của Tổng thống Kennedy khi đó, đến cuộc gặp thượng đỉnh chỉ vài tháng sau khi nhậm chức giống như ông Biden bây giờ, đã vấp phải tư tưởng cứng rắn và sự công kích mạnh mẽ của Khrushchev. Nhà lãnh đạo của Liên Xô không ngừng chỉ trích quyết tâm của ông Kennedy trong việc bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở châu Âu, và đặc biệt là Berlin - nơi mà tự do đã trở thành vấn đề quyết định của Chiến tranh Lạnh.
Ông Khrushchev tới cuộc gặp với sự tin chắc rằng, Tổng thống Mỹ Kennedy về cơ bản là yếu đuối và thiếu quyết đoán - một quan điểm đã được “chứng minh” bởi cuộc khủng hoảng Vịnh Con Lợn – cuộc đổ bộ thất bại của những người Cuba lưu vong chỉ 2 tháng trước đó, sự kiện mà ông Kenedy ủng hộ kiểu “nửa vời”.
Ông Khrushchev rời khỏi cuộc gặp ở Vienna với sự tự tin rằng ông có thể tiến tới đóng cửa vĩnh viễn biên giới mở giữa Đông và Tây Berlin. Hai tháng sau, các lực lượng Đông Đức bắt đầu xây dựng Bức tường Berlin với sự hậu thuẫn của Liên Xô, và nó đã tồn tại suốt 28 năm sau đó.
Sự việc đó, khoảng hơn 1 năm trước cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10/1962, có lẽ là khe cửa hẹp nhất mà Mỹ có để thoát khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân với Liên Xô. Ông Kennedy đã hy vọng rằng, bằng việc chấp nhận xây dựng Bức tường Berlin, ông có thể xoa dịu căng thẳng với Moscow và thúc đẩy các cuộc đối thoại về vũ khí hạt nhân. Nhưng thay vào đó, cảm nhận của nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev về sự yếu đuối của Kennedy đã khiến ông nghĩ rằng ông có thể đưa vũ khí hạt nhân tới phạm vi cách biên giới Mỹ 150km mà không phải gánh chịu bất kỳ hậu quả nào.
Sau các cuộc gặp ở Vienna, ông Kennedy đã gặp nhà báo huyền thoại của New York Times, James “Scotty” Reston, tại phòng riêng ở dinh thự của Đại sứ Mỹ để chia sẻ về “bức tranh nghiệt ngã” và “mức độ nghiêm trọng của tình hình”.
“Điều tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Ông ấy gay gắt với tôi”, Tổng thống Kennedy nói với Reston.
Ông Kennedy đã suy nghĩ về những nguy hiểm có thể xảy ra sau đó.
“Nếu ông ấy cho rằng tôi thiếu kinh nghiệm và không có gan, thì cho đến khi chúng ta loại bỏ được những ý nghĩ đó, chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu với ông ấy”, Tổng thống Kennedy nói khi đó.
Trong bài báo trên New York Times, được bảo mật về nguồn tin mình, ông Reston rằng, Tổng thống [Kennedy] “rất ngạc nhiên trước sự cứng nhắc và cứng rắn của nhà lãnh đạo Liên Xô”. Ông Kennedy rời khỏi Vienna trong tâm trạng bi quan về các vấn đề trên diện rộng và ông “chắc chắn có ấn tượng rằng câu hỏi của người Đức là điều đang đến rất gần”.
Tua nhanh đến ngày hôm nay, sẽ thật là “ngây thơ” nếu cho rằng cuộc gặp ngắn ngủi hơn nhiều giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin vào ngày 16/6 tới - ngay cả khi Liên Xô cũng như của liên minh quân sự Hiệp ước Warsaw đã sụp đổ, sẽ không gặp phải nguy cơ như 60 năm trước..
Có sự khác biệt giữa Tổng thống Kenedy và Tổng thống Biden?
Không ai có thể nghi ngờ kinh nghiệm nhiều năm đối phó với Moscow của ông Biden, nhất là sự “tỉnh táo” của ông Biden trước Tổng thống Nga Putin.
Kennedy đến Vienna ở tuổi 44 với tư cách là tổng thống trẻ nhất từng được bầu ở Mỹ, còn Biden đến Geneva ở tuổi 78 là người nhiều tuổi nhất.
Tuy nhiên, những mối nguy hiểm vẫn nằm ở sự tập trung của chính quyền Biden vào Trung Quốc cũng như nhận thức không tương xứng về những thách thức ngày càng gia tăng mà Nga đặt ra.
Trong một bài viết trên Foreign Affair, ông Michael McFaul, Đại sứ Mỹ tại Moscow dưới thời chính quyền Barack Obama, cho rằng, nước Nga ngày nay không phải là “một quốc gia yếu ớt và đổ nát như những năm 1990. Nga đã trở lại… với sức mạnh quân sự, kinh tế và hệ tư tưởng mạnh mẽ hơn đáng kể so với những gì mà hầu hết người Mỹ đánh giá”
Theo cựu Đại sứ McFaul, ông Putin đã đầu tư rất nhiều vào hiện đại hóa hạt nhân, trong khi Mỹ thì không. Nga cũng đã dành nhiều nguồn lực to lớn để nâng cấp các lực lượng thông thường. Những lực lượng này đã trợ giúp chính quyền Bashar al-Assad ở Syria, họ sẵn sàng đến gần biên giới Ukraine để gây thiệt hại ở đó, và họ cũng “gây ra một mối đe dọa đáng kể cho châu Âu và thậm chí vượt mặt NATO trên một số phương diện, trong đó có số lượng xe tăng, tên lửa hành trình và quân đội ở biên giới NATO-Nga”.
Theo các quan chức Nhà Trắng cuộc gặp giữa ông Biden và ông Putin sẽ hạn chế về mặt thời gian. Ông Biden cũng sẽ không họp báo chung với ông Putin sau đó. Washington cũng hạ thấp kỳ vọng về những kết quả có thể đạt được, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là “cuộc gặp” của các nhà lãnh đạo chứ không phải là “hội nghị thượng đỉnh”.
Trong khi đó, Tổng thống Biden đã rất khôn ngoan trước cuộc gặp với ông Putin bằng việc tập hợp các đồng minh dân chủ, đầu tiên là trong cuộc gặp với Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng việc ký kết Hiến chương Đại Tây Dương mới, sau đó là cuộc họp thượng đỉnh với các nước G7 vào cuối tuần vừa qua, tiếp đến là hội nghị thượng đỉnh với các thành viên NATO và sau cùng là cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu.
Tại Geneva, ông Biden có cơ hội kích hoạt một cuộc đối thoại ổn định chiến lược mà ông hy vọng sẽ khiến mối quan hệ với Moscow trở nên dễ dự đoán hơn. Các quan chức cũng kỳ vọng có sự trở lại của đại sứ mỗi bên, nới lỏng hạn chế đối với các hoạt động ngoại giao và lãnh sự của nhau…
Tuy nhiên, phép thử quan trọng nhất có thể sẽ không được nói đến cho tới nhiều năm sau khi các nhà sử học nghiên cứu các tài liệu được giải mật./.