Charlie Hebdo: Khi biếm họa không chỉ khiến người ta cười
VOV.VN - Charlie Hebdo thể hiện đặc trưng chính trị phức tạp trong từng thời điểm quan trọng của Pháp thông qua thông điệp trào phúng đơn giản để những độc giả ngoại đạo cũng có thể hiểu.
"Những gì tôi sắp nói có thể nghe hơi kiêu ngạo, nhưng tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ"- đó là câu nói nổi tiếng của Stéphane Charbonnier, tổng thư ký tòa soạn của tuần báo châm biếm Charlie Hebdo của Pháp, một trong 12 người bị giết trong cuộc tấn công vào văn phòng của tạp chí này thứ tư vừa qua trên tờ Le Monde của Pháp năm 2012 khi nói về các mối đe dọa đối với tạp chí sau bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammed.
Nhiều người cho rằng Charlie Hebdo được dán mác phong cách châm biếm chính trị Pháp, rất khác biệt so với Mỹ. Charlie Hebdo thể hiện đặc trưng chính trị phức tạp trong từng thời điểm quan trọng của Pháp thông qua thông điệp trào phúng đơn giản để những độc giả ngoại đạo cũng có thể hiểu.
Những thông tin cơ bản xung quanh tòa soạn này hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu hơn về sự kiện đau lòng xảy ra gần đây với Charlie Hebdo.
Charlie Hebdo là gì?
Charlie Hebdo là tên một tạp chí châm biếm của Pháp xuất bản hàng tuần từ năm 1970 (mặc dù đã có một thời gian dài gián đoạn trong khoảng năm 1981-1992). Tạp chí này được biết đến nhiều nhất nhờ các biếm họa đầy tính khiêu khích như một phần của truyền thống châm biếm chính trị đã có từ rất lâu ở Pháp. Tổng thư ký tòa soạn Stéphane Charbonnier, người đã bị các tay súng Hồi giáo ám sát vào thứ Tư vừa qua đã mô tả vị trí của Charlie Hebdo trong năm 2012 là tờ báo cánh tả, theo chủ nghĩa thế tục, vô thần.
Charlie Hebdo nổi tiếng về các bức họa nhạo báng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, trong đó đặc biệt nhằm vào chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và tiên tri Mohammed. Các bức biếm họa của tạp chí về đề tài này có phần phàm tục và dễ gây kích động. Năm 2011, sau khi xuất bản số báo với lời đe của tiên tri Mohammed: "Phạt 100 roi nếu không chết vì cười", trang web của họ đã bị tấn công và văn phòng Paris bị đánh bom.
Tignous, cây biếm họa thiệt mạng trong vụ thảm sát hôm thứ Tư vừa qua, trước đó đã phát biểu rằng tác phẩm biếm họa tốt nhất không chỉ làm cho độc giả cười và suy nghĩ mà còn khiến họ “xấu hổ vì đã có thể cười trước một tình huống nghiêm trọng như vậy". Điều đó luôn là cảm xúc mà Charlie Hebdo hướng tới.
Cái tên của tạp chí nôm na là "Charlie hàng tuần". Còn về cái tên Charlie, đến nay người ta vẫn còn tranh cãi, hoặc nhằm vào Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, hoặc lấy cảm hứng từ nhân vật hoạt hình nổi tiếng Charlie Brown.
Charlie Hebdo không thật sự nổi tiếng. Lượng lưu hành hàng tuần của tạp chí chỉ khoảng 50.000 bản (so với khoảng 500.000 bản so với đối thủ cùng thể loại là tờ Le Canard Enchaîné (Con vịt bị xiềng), và Charlie Hebdo thường xuyên gặp khó khăn về tài chính. Trong tháng 11 vừa qua, tạp chí này đã phải kêu gọi tài trợ để duy trì hoạt động.
Charlie Hebdo đả kích gì?
Tạp chí đả kích các chính trị gia và những nhân vật nổi bật trên tất cả các lĩnh vực như tôn giáo và văn hóa đại chúng, đặc biệt là Hồi giáo và Hồi giáo cực đoan.
Charlie Hebdo đã gây dựng được thương hiệu của mình với tập trung nhằm vào đạo Hồi, các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng như người đạo Hồi. Nhiều người Hồi giáo coi việc vẽ chân dung của nhà tiên tri Mohammed là một sự xúc phạm nghiêm trọng, và Charlie Hebdo đã thách thức đạo Hồi bằng cách thường xuyên xuất bản các biếm họa về nhà tiên tri này, trong đó có ít nhất một lần mô tả Mohammed khỏa thân và đang cúi rạp người.
Những mẩu truyện tranh và trang bìa của tạp chí đã làm nổ ra nhiều chỉ trích, thậm chí có lần Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã đặt ra câu hỏi với tòa soạn: "Đổ dầu vào lửa như vậy là sự thể hiện thông minh, nhạy cảm ư?". Nhưng các biên tập viên và cây biếm hoạ của Charlie Hebdo luôn kiên trì giải thích công việc của họ chỉ là thử thách những điều bị coi là cấm kỵ, khẳng định quyền tự kiểm duyệt, hướng tới đỉnh cao tự do ngôn luận và đảm bảo không châm biếm suông.
Laurent Léger, một phóng viên của Charlie Hebdo may mắn sống sót sau vụ thảm sát đã phát biểu với CNN vào năm 2012: "Mục đích là để cười ... Chúng tôi cười vào những kẻ cực đoan, bất kể người Hồi giáo, Do thái hay Công giáo…Ai cũng có thể là người mộ đạo, nhưng chúng tôi không chấp nhận được những suy nghĩ và hành vi cực đoan".
Charlie Hebdo thể hiện truyền thống châm biếm đả kích tại Pháp, đa phần nội dung của tạp chí không mang trào phúng hay xoa dịu như châm biếm chính trị tại Mỹ. Phong cách của tạp chí này được gọi là "một hình thức chủ nghĩa dân túy phức hợp nhằm mục đích ngăn chặn bất cứ điều gì có thể nổi lên như một thực thể quyền lực tối ưu, thiêng liêng", như lời của Arthur Goldhammer, một dịch giả và phóng viên người Pháp, đã viết cho mục Al-Jazeera nước Mỹ ngày nay.
Sức mạnh của những tờ báo châm biếm chính trị này rõ ràng ở Pháp, ví dụ, tờ Le Canard Enchaîné (Con vịt bị xiềng), không chỉ nhạo báng chính quyền mà còn tiết lộ các vụ bê bối khiến các bộ trưởng nội các Pháp phải từ chức. Les Guignols d'Info, chương trình truyền hình châm biếm với thời lượng 8 phút, cũng có những tác động văn hóa vô cùng lớn.
Tại sao tấn công Charlie Hebdo?
Vẫn chưa thể khẳng định chính xác tại sao 3 nghi phạm được xác định trong các cuộc tấn công lại nhằm vào Charlie Hebdo, nhưng sau đây là một số thông tin quan trọng về bối cảnh.
Không chỉ những thành phần Hồi giáo cực đoan mà nhiều người Hồi giáo coi vẽ lại nhà tiên tri Mohammed, theo bất cứ cách nào, cũng là báng bổ, chưa nói đến phong cách phàm tục, châm biếm của Charlie Hebdo.
Trong khi nhiều người Hồi giáo có thể cho rằng Charlie Hebdo mang tính công kích, đại đa số người Hồi giáo chọn nói không bạo lực. Việc tập trung vào các biếm họa và tính phỉ báng của chúng có thể chẳng qua chỉ là một cách đánh lạc hướng. Lý do thực sự châm ngòi nổ các cuộc tấn công không phải là những bức biếm họa hay bất kỳ động thái nào Charlie Hebdo đã có, mà là tư tưởng và tâm lý của những kẻ giết người.
Những đối tượng thánh chiến vũ trang bị đại đa số người Hồi giáo lên án và cô lập, và chính đại đa số người Hồi giáo là nạn nhân lớn nhất của chúng. Như phóng viên Nahrain al-Mousawi của tờ Globe and Mail đã chỉ ra, những châm biếm cay nghiệt về những kẻ Hồi giáo cực đoan như ISIS vô cùng phổ biến ở các quốc gia có dân số người Hồi giáo chiếm ưu thế.
Điều gì làm cho Charlie Hebdo gây nhiều tranh cãi?
Phong cách châm biếm của Charlie Hebdo về tôn giáo nói chung và Hồi giáo nói riêng diễn ra ở một đất nước mà tôn giáo không có vị trí chính thức nào trong các lĩnh vực công trong khi chủ nghĩa thế tục đã tồn tại từ lâu nay ở Pháp bên cạnh những xung đột về vai trò của đạo Hồi, tôn giáo, chủng tộc và bản sắc văn hóa trong đời sống công chúng Pháp.
Theo bình quân đầu người, cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp chiếm khoảng 10% dân số, là cộng đồng lớn nhất ở châu Âu. Nhiều người là con cháu của những người nhập cư từ các thuộc địa cũ của Pháp ở Bắc Phi. Nhưng việc hòa nhập của người Hồi giáo ở Pháp, hoặc nói cách khác là cách Chính phủ Pháp xử lý những phản kháng của cộng đồng không phải người Hồi giáo đối với việc hòa nhập của cộng đồng người Hồi giáo luôn gặp khó khăn. Nhiều thế hệ của những người nhập cư Hồi giáo vẫn còn bị phân biệt đối xử ở trường học, nơi ở, trên nhiều lĩnh vực.
Cả cánh tả và cánh hữu ở Pháp đều không hoàn toàn coi người Hồi giáo Pháp, ngay cả những người đã sinh sống và làm việc lâu năm ở Pháp thực sự là người Pháp, và điều này được coi là bình thường. Việc một cá nhân có thể đại diện cho hai bản sắc tôn giáo, dân tộc - điều phổ biến ở Mỹ - không được coi là có liên quan gì tới đời sống chính trị. Minh chứng là các điều tra dân số Pháp không hề ghi nguồn gốc dân tộc của công chúng.
Năm 2004, chính phủ Pháp ra lệnh cấm khăn trùm đầu và các biểu tượng nổi bật khác của tôn giáo tại các trường công lập. Năm 2014, Pháp nghiêm cấm che mặt ở nơi công cộng, về mặt lý thuyết lệnh cấm này áp dụng đối với tất cả mọi người nhưng nhiều người cho rằng mục tiêu chính nhằm vào phụ nữ Hồi giáo, chẳng khác gì nói với người Hồi giáo mộ đạo rằng họ không được hoan nghênh tại đất nước này.
Đó là bối cảnh đầy phức tạp và căng thẳng xung quanh khủng hoảng bản sắc dân tộc mà Charlie Hebdo và phong cách châm biếm của tạp chí ra đời. Nhận thức đầy đủ về điều này chúng ta sẽ hiểu hơn tại sao Tòa báo này vẫn cố thủ phong cách châm biếm của mình cũng như những thông điệp ám chỉ khả năng nước Pháp đã không mở rộng vòng tay chào đón người Hồi giáo, và cũng để thấy rằng nếu đặt ở bối cảnh nước Mỹ, những bức biếm họa này có thể mang tính kích động, nhưng ở bối cảnh nước Pháp, chúng có thể không nhằm khuấy động nỗi lo sợ người Hồi giáo.
Charlie Hebdo chống lại việc thể chế hóa tôn giáo, đồng thời vận động tách biệt tuyệt đối giữa nhà thờ và nhà nước, theo lời Biard chia sẻ với tờ The New York Times năm 2012: "Chúng tôi là một tờ báo chống lại các tôn giáo ngay khi tôn giáo đó tham gia vào các lĩnh vực công cũng như lĩnh vực chính trị.…Bạn không có nghĩa vụ phải khẳng định danh tính của mình thông qua một tôn giáo tại một đất nước thế tục,dù chuyện gì có thể xảy ra chăng nữa". Đây là một tiêu chí tối quan trọng trong bản sắc của tạp chí./.