Chính sách dầu mỏ của Saudi Arabia góp phần làm Liên Xô sụp đổ ra sao?
VOV.VN - Saudi Arabia mới đây mở một cuộc chiến giá dầu tác động lên kinh tế toàn cầu. Trong lịch sử, các biện pháp tương tự đã góp phần làm Liên Xô sụp đổ.
Chi phí khai thác dầu luôn và vẫn đang thấp ở các nước thành viên Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong đó có Saudi Arabia, Iraq, và Iran. Do vậy, một số thành viên khối OPEC luôn có sẵn sự lựa chọn là cắt giảm hoặc tăng giá các sản phẩm dầu lửa trên thị trường thế giới theo ý mình nhằm chi phối nền kinh tế toàn cầu. Saudi Arabia – nước hàng đầu về khai thác dầu mỏ, từng thực hiện sự lựa chọn này trong quá khứ, và điều này đã khiến cho Liên Xô suy yếu.
Một mỏ dầu của Saudi Arabia. Ảnh: Global Look Press. |
Khủng hoảng dầu mỏ 1973
Vụ giảm giá dầu gần đây (đầu năm 2020) chẳng là gì so với sự sụt giảm vào năm 1973. Vào ngày 7/10 năm đó, toàn bộ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ Arab (OAPEC), được hậu thuẫn bởi Ai Cập và Syria, đã ngừng bán dầu mỏ cho các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến Yom Kippur chống lại Ai Cập và Syria. Các nước này là Canada, Nhật Bản, Hà Lan, Anh Quốc, và Mỹ. Lệnh cấm vận đi kèm với sự cắt giảm dần sản lượng hàng tháng. Vào tháng 12/1973, sản phẩm của OAPEC chỉ bằng 1/4 mức của tháng 9/1973.
Vào năm 1973, sản xuất dầu của Mỹ chỉ chiếm 16,5% sản lượng toàn cầu. Mỹ khi ấy là nước nhập khẩu dầu chính. Mặc dù Mỹ và các nước khác mà các quyết định của OAPEC nhắm tới là các khách hàng lớn, chi phí khai thác thấp ở các nước OAPEC đã cho phép họ duy trì cán cân thanh toán dù không bán dầu cho Mỹ, Anh, và các nước khác. Quyết định năm 1973 của OAPEC đã kích hoạt một cuộc suy thoái toàn cầu và khủng hoảng kinh tế. Vào cuối thời kỳ cấm vận vào năm 1974, giá dầu đã tăng từ 3 USD/thùng lên thành 12 USD/thùng, và ở Mỹ, giá dầu còn cao hơn nữa.
Các thủ lĩnh Saudi Arabia thu lợi lớn và nhanh chóng trở nên giàu có. Tình hình này cũng có lợi cho Liên Xô, đất nước đã tăng việc khai thác dầu và khí tự nhiên, nhanh chóng trở thành một trong các nhà sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới. Lúc này, dầu khí chiếm tới hơn một nửa thu nhập quốc dân của Liên Xô.
Trong khi đó, ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi, GDP sụt giảm tới 6%. Nhưng Mỹ chuẩn bị đòn chống trả bằng cách thuyết phục Saudi Arabia hành động theo lợi ích của Mỹ.
Mỹ giành thế thượng phong ra sao
Khủng hoảng 1973 để lại những hậu quả dài lâu. Ô tô do Nhật Bản chế tạo có khả năng tiết kiệm nhiên liệu nên đã tiên phong chiếm lĩnh thị trường, trong khi Mỹ và các nước phương Tây bắt đầu tìm kiếm các nguồn dầu mới và cải thiện kỹ thuật khai thác. Trong khi đó Liên Xô vẫn thu lợi nhuận lớn từ việc bán dầu.
Năm 1979, Cách mạng Hồi giáo nổ ra ở Iran khiến sản lượng dầu tại đó giảm mạnh. Điều này khiến giá dầu toàn cầu càng cao hơn nữa. Cuộc chiến tranh Iran-Iraq bắt đầu vào tháng 9/1980 càng đẩy giá dầu lên cao.
Nhưng vào đầu thập niên 1980, các nỗ lực chung của Mỹ và các nước “thế giới thứ nhất” đã thu được kết quả. Giá dầu bắt đầu giảm do việc sản xuất quá mức. Vào năm 1981, chính quyền Mỹ bỏ sự kiểm soát của nhà nước đối với dầu và các sản phẩm dầu, đồng thời giảm thuế. Giá dầu bắt đầu giảm liên tiếp từ năm 1980 trở đi.
Trong bối cảnh đó, tất cả các nước, trong đó có Liên Xô, bắt đầu tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, bao gồm năng lượng hạt nhân. Vào năm 1986, thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl xảy ra và giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Liên Xô, hình ảnh quốc tế của nước này cũng như ngành năng lượng của họ.
Ngay sau đó, vẫn trong năm 1986, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Casey đã sang Saudi Arabia. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Richard Allen của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Casey đã thương lượng với Quốc vương Fahd. Trong 6 năm trước đó, chính quyền Saudi đã kiềm chế giá dầu, từ từ tăng sản lượng khai thác. Nhưng sau khi Casey quay về, Saudi Arabia bắt đầu tăng mạnh lượng khai thác, ngay cả khi giá dầu vẫn đang thấp.
Giải mã nguyên nhân kinh tế Liên Xô chao đảo và sụp đổ
Giá dầu rớt nhanh chóng, Liên Xô bị suy thoái kinh tế
Trong 4 tháng, hoạt động khai thác dầu của Saudi Arabia đã tăng từ 2 triệu lên 10 triệu thùng/ngày, và giá dầu giảm mạnh từ 32 USD/thùng xuống còn 10 USD/thùng. Đối với nền kinh tế Liên Xô, vốn dựa nhiều vào dầu mỏ, đây là một đòn choáng váng. Riêng năm 1986, Liên Xô mất hơn 20 tỷ USD (xấp xỉ 7,5% thu nhập hàng năm của Liên Xô) và quốc gia này đã bị thâm hụt ngân sách.
Nhưng nền kinh tế Saudi Arabia cũng hứng đủ do giá dầu thấp. Nhưng sao họ vẫn làm vậy? Theo quan điểm của Allen, Casey đã đề nghị bồi thường tài chính cho giới lãnh đạo Saudi để đổi lại việc hạ giá dầu nói trên. Bằng chứng cho quan điểm này là thực tế vào năm 1986, có tới 80% lượng dầu của Saudi được bán thông qua Exxon, Mobil, Texaco, và Chevron – tất cả đều là các công ty Mỹ.
Liên Xô rơi vào suy thoái sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1985-1986. Nền kinh tế chỉ huy của Liên Xô khi ấy vốn đã nhiều khiếm khuyết nay lại càng khó khăn hơn. Vào năm 1986, nợ nước ngoài của Liên Xô là 30 tỷ USD; vào năm 1989, con số này lên tới 50 tỷ USD.
Giá dầu của Saudi Arabia dần hồi phục cho đến đầu năm 2000 thì họ đã quay trở lại với mức lợi nhuận. Tuy nhiên chính quyền Saudi dường như không quan tâm nhiều đến sự phục hồi chậm đó, vì họ đã có các nguồn quỹ lớn được tiết kiệm từ thời kỳ siêu lợi nhuận vào thập niên 1970.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã giúp Mỹ giành lợi thế trong cuộc Chiến tranh Lạnh chống Liên Xô. Sự suy thoái này đã khiến nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev thực hiện nhiều quyết định chính trị không hợp lòng dân. Nỗ lực cải tổ (perestroika) gần như vô vọng do thiếu vốn. Các lời lẽ dân túy của Gorbachev không phát huy tác dụng với dân chúng đang nghèo khó, những người đã bất mãn với các hành động thiếu sâu sắc của chính quyền khi đó. Chính lúc đó, nhân vật Boris Yeltsin bắt đầu chỉ trích gay gắt hệ thống Xô viết…/.