Chủ nghĩa dân tộc Nga trước làn sóng nhập cư
VOV.VN - Kể từ năm 1991, Nga là nước thu hút đông người nhập cư thứ 2 chỉ sau Mỹ. Thực tế này tạo nên nhiều căng thẳng trong xã hội Nga.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga trở thành thỏi nam châm hút người nhập cư từ nhiều nơi, đặc biệt là từ các quốc gia từng nằm trong Liên bang Xô viết cũ. Tính từ năm 1993, đã có hơn 13 triệu người đến Nga để định cư lâu dài.
Điều tra dân số năm 1989 cho thấy, trên 95% dân số Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, và Turkmenistan vẫn sống ở Trung Á. Nhưng đến tháng 10/2013, theo Cơ quan Di trú Liên bang Nga, đã có tới hơn 9 triệu người thuộc 5 nước cộng hòa ở Trung Á (tương đương 14% tổng dân số khu vực này) hiện đang sống ở Nga.
Sự bùng nổ của kinh tế Nga nhờ dầu lửa trong thập kỷ qua đã tạo ra nhu cầu lớn về nhân công trong bối cảnh dân số Nga có xu hướng giảm. Trong khi đó, kinh tế của nhiều nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (khối SNG - bao gồm một số nước ở Trung Á, vùng Kavkaz và Đông Âu) lại kém phát triển hơn kinh tế Nga.
Thanh niên Nga tại 1 lễ "Tuần hành Nga" (ảnh: Reuters) |
Một số nhà nhân khẩu học và nhà kinh tế học hàng đầu của Nga cho rằng nước này cần thêm nhiều người nhập cư nữa. Yulia Florinskaya, một chuyên gia về nhập cư tại Học viện Khoa học Nga phát biểu: “Trong 10-15 năm tới, nền kinh tế [Nga] sẽ không thể vận hành được nếu thiếu lao động nhập cư.”
Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng, dầu mỏ, và bán lẻ là những doanh nghiệp đi đầu trong việc thuê người nhập cư, sau đó là các công ty vừa và nhỏ.
Làn sóng di cư từ khối SNG sang Nga gia tăng đáng kể như vậy còn là vì công dân các nước SNG có thể vào Nga mà không cần thị thực và đa phần trong số họ đều có khả năng nói tiếng Nga.
Tuy nhiên dân chúng Nga, thuộc đủ các tầng lớp, tỏ vẻ không hài lòng về xu hướng này. Nhiều người than phiền rằng “người ngoài” đang thay đổi thành phố của họ.
“Chúng tôi đang bị ngập lụt vì người nhập cư. Khi tôi ra phố, tôi tự nhủ, liệu đây có còn là Moscow nữa không nhỉ?” – Olga Ryazantseva, một giáo viên ở thủ đô Nga nói. “Những người này, chẳng hạn những người Tajikistan, họ khác biệt với chúng tôi. Họ không coi trọng chuyện giáo dục như người Nga chúng tôi. Họ chỉ muốn có dao và súng thôi”.
Nỗi sợ hãi pha lẫn tức giận như thế này như sôi lên sau khi một cư dân ở quận Biryulyovo đông dân lao động của thủ đô Moscow bị một người đàn ông đâm đến chết. Cảnh sát sau đó xác định hung thủ là một người nhập cư đến từ Azerbaijan. Sau khi truyền thông công bố đoạn clip từ camera an ninh cho thấy hình dạng hung thủ không phải là người Xlavơ, một đám đông dân địa phương đã xông vào một chợ rau bán buôn gần đó – nơi có đông người nhập cư làm việc – để truy tìm hung thủ. Hơn 300 người đã bị bắt sau vụ bạo động này. Tuy nhiên sau đó người ta phát hiện xác một người Uzbekistan đã chết ở gần đó với nhiều vết đâm trên cơ thể.
Phản ứng của nước Nga
Các căng thẳng sắc tộc nói trên đang thử thách bản sắc nước Nga và cách mà nước này nhìn nhận về vị trí địa chính trị của mình. Vẫn còn “choáng” sau những biến động chính trị và kinh tế trong 22 năm qua, nước Nga giờ không rõ lắm liệu mình có nên gắng sức lấy lại vị thế siêu cường một thời hay chỉ phấn đấu đạt một vị trí dễ chịu với tư cách một quốc gia châu Âu.
“Nước Nga đang vật vã đi tìm vị trí của mình trên thế giới,” Andrew Robarts, một sử gia tại Đại học California Riverside nói. “Họ đang cố gắng chuyển từ một đế chế sang một quốc gia dân tộc”.
Những người tham gia “Tuần hành Nga 2013” tại Moscow hôm 4/11/2013. Nhiều người biểu tình mặc đồ đen và hô khẩu hiệu “Nước Nga đoàn kết lại”. Họ chăng các biểu ngữ với nội dung dân tộc chủ nghĩa, kêu gọi người nhập cư về quê hương bản xứ, chẳng hạn như “Nước Nga dành cho người Nga” (ảnh: RIA Novosti) |
Nhiều người Nga đang cố khỏa lấp khoảng trống sau khi Liên Xô tan rã, bằng việc quay trở lại với Cơ đốc giáo Chính thống và niềm tự hào về cội nguồn Xlavơ (trong khi Liên Xô trước đó tự hào về việc mang trong mình nhiều dân tộc với mối quan hệ hữu nghị).
Những tâm lý dân tộc nói trên đã đặt chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thế lưỡng lự.
Ông Putin muốn Nga vẫn là cường quốc trong khối riêng của mình. Việc đặt thêm các hạn chế trên biên giới giữa Nga và Trung Á sẽ gây thêm nguy hiểm cho dự án vốn đã khó khăn của nước Nga về thiết lập một liên minh hải quan, đồng thời đẩy các nước láng giềng vào trong vòng tay của Trung Quốc (Nga thì đương nhiên muốn hạn chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở vùng Trung Á).
Ông Putin hiện đang phải cân bằng giữa một bên là tham vọng về một khối thương mại khu vực và một bên là cơn bực tức của dân chúng đối với làn sóng nhập cư.
Ông đã sử dụng Nhà thờ Chính thống giáo và chủ nghĩa ái quốc Nga để tạo thế đứng chính trị vững chắc và gây dựng cảm nhận mạnh về sự đồng thuận trong xã hội. Nhưng đồng thời, ông khước từ mọi lời kêu gọi thu nhỏ nước Nga. Trong một bài báo có tính tuyên ngôn vào đầu năm 2012, ông Putin bác bỏ chủ nghĩa đa văn hóa và công nhận nỗi lo sợ của dân chúng về vấn đề nhập cư, nhưng đồng thời ông lại kiên định với khái niệm nước Nga là một quốc gia đa dân tộc, với vị thế một cường quốc vắt qua cả châu Âu và châu Á.
Blair Ruble, một học giả về Nga tại Trung tâm Wilson nhận xét: “Tổng thống Putin vẫn chưa dứt khoát trong vấn đề nhập cư”.
Kể từ khi xảy ra các vụ bạo động ở Moscow vào tháng trước, giới chức Nga đã có những động thái để làm yên lòng công luận. Thị trưởng Moscow là Sergei Sobyanin đã cho đóng cửa chợ rau và tiến hành kiểm tra vị thế pháp lý của hơn 1.000 người nhập cư. Các quan chức cũng hứa hẹn thực hiện các cuộc “bố ráp” định kỳ vào thứ 6 và cảnh sát đã đẩy mạnh việc kiểm tra giấy tờ của những người đàn ông tóc đen trên tàu điện ngầm.
Những người tham gia “Tuần hành Nga 2013” ở Moscow hôm 4/11/2013. Những người này tham gia giơ tay theo kiểu trùm phát xít Hitler (ảnh: RIA) |
Trong khi đó, mới đây ông Sergei Ivanov, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga, tuyên bố rằng nền tảng của nền văn minh Nga là các giá trị của tôn giáo truyền thống, văn hóa truyền thống cũng như thế giới quan đối với tất cả các nhóm dân tộc của nước Nga. “Các giá trị này bao gồm gia đình, đạo đức chung, sự tử tế, sự hào phóng, và lòng nhân từ. Và đó là nền tảng tinh thần của không chỉ Chính thống giáo mà cả Hồi giáo, Do Thái giáo và Phật giáo,” ông nói.
Phong trào dân tộc cực đoan
Vladimir Tor là một lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa đã góp sức tổ chức cuộc Tuần hành Nga – một cuộc tập hợp lực lượng hàng năm của những người dân tộc chủ nghĩa, thường diễn ra vào ngày Thống nhất Dân tộc 4/11. Các cuộc diễu hành này thường hô vang các khẩu hiệu chống người nhập cư và đôi lúc trưng ra cả các biểu tượng của chủ nghĩa Quốc xã.
Năm nay Tor lại dẫn đầu một cuộc tuần hành như thế. Tor đại diện cho các nỗ lực kéo nước Nga về “vùng lõi” của nó. Những người ủng hộ ông này muốn nước Nga giảm cung cấp tài chính cho các nước cộng hòa của chính nước Nga ở vùng Bắc Kavkaz, như là Chechnya và Dagestan – một ý tưởng đang ngày càng thu hút sự ủng hộ từ bên trong nước Nga. Không chỉ vậy, họ còn kêu gọi Moscow đặt thêm rào cản visa để ngăn chặn làn sóng người nhập cư từ Trung Á.
Đã từ lâu những người dân tộc chủ nghĩa cấp tiến trở thành một phần trong nền chính trị Nga nhưng chưa có nhóm hay đảng phái dân tộc chủ nghĩa nào phát triển thành lực lượng chủ lưu. Nhưng năm nay, nhiều người xem cuộc tuần hành trên là một bước ngoặt. Các cuộc bạo động chống nhập cư gần đây cho thấy chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng bài ngoại không còn nằm trong một số ít phần tử cực đoan nữa mà đang dần chuyển mình trở thành một trong các mối quan ngại lớn.
Nhân viên thực thi pháp luật bắt giữ 1 người tham gia “Tuần hành Nga 2013” ở Moscow ngày 4/11. Theo RT có khoảng 30 người tham gia diễu hành ở Moscow đã bị bắt giữ vì các vi phạm như đeo mặt nạ, hô khẩu hiệu Quốc xã, sử dụng các biểu tượng bị cấm (ảnh: RIA) |
Lyudmila Alekseeva, đứng đầu Tổ chức Theo dõi Moscow Helsinki cảnh báo: “Trong khi phần đông chỉ ủng hộ chủ nghĩa dân tộc ‘bình thường’, ngày càng có nhiều người quay sang ủng hộ chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến hay chủ nghĩa phát xít”.
Thông điệp từ vụ bạo động Biryulyovo nói trên, theo Vladimir Tor, là: “Nếu anh muốn có luật pháp và trật tự trên phố, nếu anh muốn các thể chế chính quyền hoạt động đúng chức năng… thì hãy xuống đường, lật nhào các ô tô, lấy một số quả dưa hấu và ném thẳng vào đầu bọn người Azerbaijan”.
Tor dự kiến số người tham dự Tuần hành Nga là 30.000, tăng 1/3 so với năm ngoái.
Cuộc tuần hành nói trên khiến nhiều người nhập cư khiếp sợ.
“Tôi sẽ không đi làm vào ngày 4/11. Tôi sẽ chẳng đi đâu cả, nguy hiểm lắm,” Sudoba Numonova, một phụ nữ Tajikistan gần 30 tuổi nói. Cô này mới đến Moscow vào năm ngoái và làm việc cho một cửa hàng của người thân.
Trong khi đó, Wang Qulin, một phụ nữ Trung Quốc kinh doanh ở Moscow, thông qua ứng dụng chat trên di động cũng cảnh báo đồng bào mình không được đi đâu gần nơi diễn ra cuộc tuần hành. Bà Wang nói: “Người Nga vốn có xu hướng bài ngoại. Nhưng giờ đây, sau các cuộc bạo loạn thì mọi người cảm thấy mọi chuyện đều có thể xảy đến với người nhập cư.”
Theo Trung tâm Sova chuyên theo dõi tội phạm do định kiến, đã có hơn 19 vụ sát nhân kiểu này trong năm 2013 tính đến thời điểm hiện nay, cao hơn con số của toàn năm 2012 và là sự gia tăng đầu tiên kể từ mức cao trước đó vào năm 2008.
Giám đốc trung tâm, ông Alexander Verkhovsky, cho biết trong dân chúng ngày càng gia tăng các căng thẳng liên quan đến thái độ, cảm xúc đối với những người nhập cư. Ông cho biết tình hình này càng tệ hại hơn khi các chính trị gia lợi dụng tình cảm dân tộc kiểu này trong các chiến dịch tranh cử.
Alexei Navalny – vị chính trị gia đối lập được xem là đối thủ tiềm tàng của Tổng thống Putin sau khi giành được 27% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử thị trưởng Moscow vào tháng 9 vừa rồi, đã kêu gọi người dân tham gia vào cuộc Tuần hành Nga.
“Tuần hành Nga 2013” ở thành phố Volgorad (nơi từng diễn ra trận đánh lịch sử Stalingrad giữa quân đội Liên Xô và phát xít Đức). Theo RT, ở đây có 60 người bị bắt do cố diễu hành sau thời gian cho phép (ảnh: RIA) |
Mặc dầu cộng đồng Hồi giáo đã có ở Nga hàng thế kỷ, các nghi ngại đối với những người được cho là Hồi giáo đã tăng đột biến sau khi bùng phát xung đột ở Chechnya vào đầu những năm 1990. “Đa phần tâm lý chống nhập cư là chĩa vào những người Nga xuất thân từ vùng Bắc Kavkaz,” Giáo sư Robarts nói.
Vladimir Zhirinovsky, có lẽ là nhân vật dân tộc chủ nghĩa nhất nước Nga, đã đề xuất vào ngày 24/10 rằng cần phải dùng dây thép gai để ngăn cách lãnh thổ vùng Kavkaz.
Nhập cư bất hợp pháp
Vào năm 2006, Cơ quan Di trú Liên bang đã nới rộng khung pháp lý cho lao động di cư từ các nước SNG sang, khiến công dân các nước này dễ dàng hơn nhiều trong việc lao động hợp pháp ở Nga. Kết quả là, số lượng lao động nhập cư chính thức bắt đầu tăng vọt và các vấn đề do vị thế bất hợp pháp của lao động bắt đầu giảm.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, giới chức Nga trên thực tế đã hạn chế việc nới lỏng nói trên bằng cách giảm hạn ngạch hàng năm dành cho lao động nhập cư từ mỗi nước. Điều này đã đẩy nhiều người lao động nhập cư vào thế bất hợp pháp.
Hiện tượng nhập cư bất hợp pháp đã dẫn tới nhiều vấn đề lớn. Cảnh sát thường xuyên nhận hối lộ từ những người nhập cư không có giấy tờ.
Năm 2011, cơ quan di trú giới thiệu một hệ thống các “coupon” mà thông qua đó, người nhập cư có thể “mua” quyền được làm việc ở Nga. Điều này đã giúp hợp pháp hóa nhiều người nhập cư.
Theo Irina Ivakhnyuk, một giáo sư nhân khẩu học tại Đại học Quốc gia Moscow và cũng là thành viên của ủy ban chính phủ về chính sách nhập cư, Moscow hiện đang xem xét đề xuất trao cho các vùng của nước Nga quyền hạn lớn hơn trong việc định hạn ngạch nhận lao động nước ngoài. Bà nói, “đây có thể là một sự cải thiện hợp lý đã được chờ đợi từ lâu trong việc quản lý lao động nhập cư”.
Dân nhập cư cũ sợ dân nhập cư mới
Khi chuông điện thoại reo bên trong văn phòng trung tâm Di trú và Pháp lý, các luật sư và nhân viên xã hội nghe máy thường xác định sẽ được nghe giọng nói của lao động nhập cư người Uzbekistan hoặc Tajikstan đang bị cảnh sát giam giữ bất hợp pháp hoặc bị chủ chậm trả lương.
Bắt giữ 1 người tham gia “Tuần hành Nga 2013” ở Saint Petersburg vào hôm 4/11/2013 (ảnh: RIA) |
Nhưng giờ đây nhân viên của tổ chức phi chính phủ này ngạc nhiên nhận thấy có sự gia tăng cuộc gọi của những người nhập cư muốn nhận được trợ giúp pháp lý vì họ đã… phạm tội, Giám đốc trung tâm Gavhar Juraeva cho biết. Đồng thời số trường hợp người bị giam giữ bất hợp pháp hoặc bị tịch thu giấy tờ một cách trái luật đang giảm dần.
Bà Juraeva, bản thân cũng đến từ Tajikistan, cho biết bà lo ngại về thế hệ người nhập cư đến từ quê hương của bà và những nước khác thuộc Trung Á. Giống như những người Nga bản địa, bà không thấy thoải mái với những thanh niên xuất hiện trên đường phố Moscow. Theo bà, họ dường như chỉ thích cuộc sống tiện nghi hơn là gắng sức tìm việc để làm.
Một số khác bày tỏ lo sợ trước chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang lan tỏa trong những người nhập cư.
Một người Nga Hồi giáo thuộc nhóm thiểu số Tatar tại một thánh đường ở trung tâm Moscow nói rằng người này “không còn cảm thấy thoải mái chút nào khi đến đây vì có nhiều thanh niên vênh váo với thái độ rất ‘bá đạo’, mà trước đây thường không như vậy”.
Chuyên gia Florinskaya của trường Kinh tế thuộc Học viện Khoa học Nga cho biết: “Chúng tôi đang bắt đầu có thêm người nhập cư đến từ vùng nông thôn, ít học hơn, nghèo hơn, và nói tiếng Nga kém hơn. Xu hướng này có thể sẽ mạnh hơn nữa trừ phi chúng tôi cải thiện chính sách nhập cư hiện nay”./.