CSTO là gì và vì sao tổ chức này cử lực lượng tới Kazakhstan?

VOV.VN - Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) ngày 6/1 quyết định cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan trong bối cảnh các cuộc biểu tình bùng phát tại quốc gia Trung Á này.

Hiện một số đơn vị gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể CSTO hiện đã có mặt tại Kazakhstan để giúp duy trì trật tự và ổn định tình hình sau đề nghị từ chính phủ nước này.

Lịch sử CSTO

Được thành lập từ năm 1992, CSTO hiện gồm các nước thuộc Liên Xô trước đây: Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Tất cả các nước tham gia Hiệp ước đồng ý kiềm chế sử dụng vũ lực hoặc đe dọa. Các hành động gây hấn nhằm vào 1 trong số các nước thành viên được xem như hành động gây hấn với tất cả các nước thành viên CSTO.

CSTO triển khai nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên, trong đó các nước lần lượt đảm nhiệm vụ trí này mỗi năm.

Quyết định cử lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO tới Kazakhstan được Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan – hiện là người đứng đầu Hội đồng an ninh tập thể CSTO, công bố.

Nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO

Theo thông tin được đăng tải trên website, lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO là đơn vị được chỉ định để tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của tổ chức này. Đây thường là quân nhân, cảnh sát, lực lượng dân sự được huấn luyện đặc biệt, cùng các lực lượng và phương tiện do các nước thành viên cung cấp. Tổng số nhân viên gìn giữ hòa bình CSTO là 3.600 người.

“Nhiệm vụ chính là bảo vệ các cơ sở nhà nước và các cơ sở quân sự quan trọng, đồng thời trợ giúp lực lượng hành pháp Kazakhstan ổn định tình hình và khôi phục trật tự pháp luật”, CSTO cho biết khi thông báo triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan.

Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO còn có nhiệm vụ giám sát ngừng bắn và thỏa thuận ngừng bắn, tạo điều kiện đàm phán, chống bạo động, thúc đẩy nhân quyền, bảo vệ các cơ sở thiết yếu và đảm bảo việc tiếp cận viện trợ nhân đạo.

Phó Chủ tịch Hội đồng liên bang Nga Konstantin Kosachev nhấn mạnh, mục tiêu đầu tiên và trên hết của CSTO là tập trung vào đảm bảo an ninh và bảo vệ cơ sở hạ tầng quân sự cũng như dân sự, đồng thời hỗ trợ lực lượng hành pháp Kazakhstan đảm bảo trật tự đất nước.

Các nước thành viên CSTO tham gia gìn giữ hòa bình ở Kazakhstan

Ngoài lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đã được điều tới Kazakhstan, còn có lực lượng của các nước thành viên khác.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/1 chia sẻ đoạn video các đơn vị của Nga lên đường tới quốc gia Trung Á.

Theo Sputnik, lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO được cử tới Kazakhstan còn có 70 binh sỹ từ Armenia. Nhóm này sẽ tham gia nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở quân sự quan trọng trong bối cảnh bất ổn vẫn tiếp diễn.

Bộ Ngoại giao Belarus cũng xác nhận cử các đơn vị tới Kazakhstan. Trong khi đó, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon xác nhận nước này sẽ thực hiện cam kết trong khuôn khổ CSTO về vấn đề Kazakhstan. Theo một nguồn tin từ lực lượng hành pháp, Tajikistan cử 200 binh sỹ tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Kazakhstan.

Bộ trưởng Quốc phòng Kyrgyzstan Baktybek Bekbolotov cho biết, nước này sẽ điều các đội phản ứng nhanh tới Kazakhstan.

Việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO chỉ khả thi khi tất cả các nước thành viên đạt thỏa thuận. Đề nghị trợ giúp được Kazakhstan gửi đi sáng sớm ngày 5/1, khi Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev bày tỏ quan ngại rằng các cuộc biểu tình bùng phát tại nước này có thể bị những kẻ âm mưu “có động cơ tài chính” kích động từ nước ngoài.

Tình hình ở Kazakhstan hiện nay

Các cuộc biểu tình bùng phát từ ngày 2/1 ở các khu vực phía tây nam ở Kazakhstan do giá khí đốt tăng cao sau khi chính phủ công bố chính sách giá mới. Giá cả tăng chóng mặt khiến nhiều người xuống đường biểu tình ở các vùng Aktau và Zhanaozen, sau đó lan rộng trên toàn quốc.

Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan, bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong những ngày qua, với nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng thực thi pháp luật, các tòa nhà chính phủ và dân sự bị đốt cháy.

Các hãng hàng không quốc tế đã hoãn hoặc hủy các chuyến bay đến Kazakhstan trong bối cảnh tình hình bất ổn.

Theo Đài truyền hình địa phương Khabar 24, ít nhất 12 nhân viên hành pháp đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình bạo lực ở Almaty, và 353 người khác bị thương. Bộ Y tế sau đó cho biết tổng số người bị thương trong cuộc bạo động trên toàn quốc lên tới hơn 1.000 người.

Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố trên toàn bộ Kazakhstan trong bối cảnh tình hình bất ổn. Tổng thống Tokayev tuyên bố sẽ kiên quyết xử lý những người vi phạm trong các cuộc biểu tình. Theo ông Tokayev, tình hình ở Kazakhstan có thể bị ảnh hưởng bởi các bên nước ngoài, ông chỉ ra các “băng đảng” hoạt động trong nước và cho rằng những người đó đã được đào tạo ở nước ngoài.

Nguồn tin Bộ Nội vụ Kazakhstan ngày 7/1 cho biết, hơn 3.000 người đã bị bắt giữ vì có liên quan đến bạo động, 26 phần tử bạo động có vũ trang đã bị tiêu diệt và 18 người bị thương khi đụng độ với lực lượng an ninh,

Cùng ngày, Tổng thống Tokayev tuyên bố trật tự hiến pháp đã được khôi phục tại Kazakhstan.

“Chiến dịch chống khủng bố đã được triển khai. Các lực lượng an ninh đang làm việc hết sức mình. Trật tự đã được khôi phục ở tất cả các khu vực trên cả nước, Giới chức địa phương hiện đang kiểm soát tình hình”, văn phòng báo chí của Tổng thống Kazakhstan cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Kazakhstan tuyên bố bạo loạn đã được dẹp yên
Tổng thống Kazakhstan tuyên bố bạo loạn đã được dẹp yên

VOV.VN - Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 7/1 cho biết, trật tự hiến pháp về cơ bản đã được khôi phục tại quốc gia Trung Á này sau khi bùng phát các cuộc biểu tình bạo loạn trong một vài ngày qua.

Tổng thống Kazakhstan tuyên bố bạo loạn đã được dẹp yên

Tổng thống Kazakhstan tuyên bố bạo loạn đã được dẹp yên

VOV.VN - Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 7/1 cho biết, trật tự hiến pháp về cơ bản đã được khôi phục tại quốc gia Trung Á này sau khi bùng phát các cuộc biểu tình bạo loạn trong một vài ngày qua.

Hành khách mắc kẹt trên máy bay cả đêm ở Kazakhstan
Hành khách mắc kẹt trên máy bay cả đêm ở Kazakhstan

VOV.VN - Melaniya Pavlova, 21 tuổi, mang hai quốc tịch Nga – Mỹ, đã đến thành phố Almaty để tạm biệt một người bạn, nhưng không may bị kẹt lại Kazakhstan do bạo loạn nổ ra.

Hành khách mắc kẹt trên máy bay cả đêm ở Kazakhstan

Hành khách mắc kẹt trên máy bay cả đêm ở Kazakhstan

VOV.VN - Melaniya Pavlova, 21 tuổi, mang hai quốc tịch Nga – Mỹ, đã đến thành phố Almaty để tạm biệt một người bạn, nhưng không may bị kẹt lại Kazakhstan do bạo loạn nổ ra.

Kazakhstan chìm trong hỗn loạn, Nga không thể “nhắm mắt làm ngơ”
Kazakhstan chìm trong hỗn loạn, Nga không thể “nhắm mắt làm ngơ”

VOV.VN -  An ninh tại Trung Á, khả năng tiếp cận không gian và sự an toàn của cộng đồng người Nga là những lý do khiến Moscow không thể “nhắm mắt làm ngơ” trước cuộc biểu tình bạo loạn tại Kazakhstan.

Kazakhstan chìm trong hỗn loạn, Nga không thể “nhắm mắt làm ngơ”

Kazakhstan chìm trong hỗn loạn, Nga không thể “nhắm mắt làm ngơ”

VOV.VN -  An ninh tại Trung Á, khả năng tiếp cận không gian và sự an toàn của cộng đồng người Nga là những lý do khiến Moscow không thể “nhắm mắt làm ngơ” trước cuộc biểu tình bạo loạn tại Kazakhstan.