Cuộc đời cô gái trẻ Canada tự nguyện lấy chồng phiến quân Hồi giáo IS
VOV.VN - Cô gái ca ngợi các thành phố dưới quyền kiểm soát của IS “thật đẹp và nền nếp”. Cô ta cũng thản nhiên mô tả cảnh chặt đầu tội phạm trộm cắp.
Cuối năm 2013, bất chấp ý nguyện của các bậc sinh thành, cô gái Umm Haritha, mới 20 tuổi người Canada xách một chiếc valy nhẹ bẫng cùng 1.500 dollar lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Không rõ liệu đám cưới giữa cô Umm Haritha và nhân vật Umm Haritha có được sắp đặt từ trước hay không. Chỉ biết cuộc hôn nhân kéo dài có 5 tháng.
Trở thành góa phụ
Vào ngày 5/5/2014, Abu Ibrahim - tên thật là Taha Shade - lên xe hơi đi dự một cuộc họp ở Deir ez-Zor với các thành viên của phái Hồi giáo đối thủ Jabhat al-Nusra. Bề ngoài, cuộc họp là để hoàn thiện một hòa ước giữa phái IS và phái al-Nusra. Tuy nhiên, cuộc họp đã biến thành một cuộc thanh toán nhau đẫm máu. Một chiến binh al-Nusra cưỡi xe máy lao nhanh tới ô tô của Shade rồi kích nổ chiếc đai bom buộc quanh cơ thể mình.
Lúc đó, Shade cũng mang đai bom của riêng mình. Đai bom tự sát của Shade phát nổ theo và xé thi thể Shade thành từng mảnh nhỏ.
Hai ngày sau, Umm Haritha lên mạng Twitter kể về cái chết của chồng mình, kêu gọi Thánh Allah hãy “hủy diệt những kẻ đã đâm sau lưng người anh em của mình và hồi sinh Abu Ibrahim từ những mảnh vụn thi thể”.
Trong khi Trung tâm Nghiên cứu Quá trình Cực đoan hóa Quốc tế (ICSR) ước tính có tới 2.800 nam giới phương Tây đã sang Syria để thánh chiến, vẫn còn rất ít thông tin về số phận những phụ nữ phương Tây đã sang đó kết hôn với các phần tử thánh chiến kể từ thời điểm cuộc nội chiến Syria bùng nổ cách đây 3 năm.
ICSR đã “định vị” được 28 người phụ nữ như vậy – đây là những người hiện đang tham gia vào các mạng xã hội. Đa phần trong số họ đến từ Pháp, cũng có những người đến từ những nước khác như trường hợp của Umm Haritha - người thiếu phụ quản trị cả một trang blog hướng dẫn những phụ nữ khác muốn tới Syria xây dựng gia đình với các chiến binh jihad trong một vương quốc Hồi giáo caliphate mới được tuyên bố. (Caliphate là nhà nước Hồi giáo theo luật Sharia, với người đứng đầu là một Caliph – người kế nhiệm nhà tiên tri Muhammad).
Từ bỏ cuộc sống khá giả để theo thánh chiến
Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện qua tin nhắn, Umm Haritha cho biết cô tới sống ở Canada từ khi còn bé thơ. Cô đã sống trên đất Canada được 14 năm trước khi chuyển sang Syria. Hồi ở Canada cô là sinh viên đại học và được nuôi dưỡng trong điều kiện “trung lưu”.
Umm Haritha không chịu tiết lộ mình sống ở vùng nào của Canada. Tuy nhiên cô chia sẻ: mình muốn gia nhập cuộc sống thánh chiến là do khát khao “sống một đời danh dự” dưới chế độ luật pháp Hồi giáo hơn là sống theo các đạo luật của những “kẻ vô thần”.
Bốn tháng trước khi rời đi Syria, cô bắt đầu đeo khăn niqab, một tấm mạng che kín khuôn mặt chỉ trừ đôi mắt. Cô cho biết khi ấy đã bị nhiều bạn bè đồng trang lứa ở Canada quấy rối.
“Ở chốn công cộng tôi sẽ bị người ta chế giễu, họ xô đẩy tôi và nói thẳng vào mặt tôi rằng hãy về quê hương bản xứ đi”, cô gái trẻ thuật lại. “Bọn họ nói với tôi bằng cái giọng điệu như thể tôi là kẻ tâm thần và chẳng hiểu gì tiếng Anh”.
“Cuộc sống cứ tệ hại dần, sự quấy rối, sự thiếu vắng quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận đa văn hóa… Rồi đến một ngày tôi nghe thấy Nhà nước Hồi giáo áp dụng luật Sharia (luật Hồi giáo) ở một số thành phố thuộc Syria, thì việc tới những nơi đó tự nhiên trở thành một nghĩa vụ đối với tôi”.
Kể từ khi chồng “qua đời”, Umm Haritha sống chung nhà với các góa phụ của các chiến binh jihad đã “tử vì đạo” ở Manbij, một thành phố 200.000 dân gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ do lực lượng IS kiểm soát.
Trong lúc các nam chiến binh gốc phương Tây ở Syria và Iraq mải mê “tweet” các bức hình về các trận đánh, các chiến lợi phẩm, các thi thể binh sĩ hay các vụ chặt đầu, thì đa số “chị em” chiến binh lại sử dụng mạng xã hội để miêu tả cuộc sống thường nhật ở vương quốc caliphate mới phôi thai này.
Umm Haritha cho hay ở Manbij thuộc quyền kiểm soát của IS, cô được học hành và nhận một khoản thu nhập đều đặn mỗi tháng.
New York của Syria
Trong một lần đăng tải lên mạng xã hội, Umm Haritha chia sẻ bức ảnh một tòa nhà sơn đen mà theo cô mô tả là “đồn cảnh sát Hồi giáo ở Manbij”. Trong một “post” khác, Haritha lại chia sẻ bức hình của một xe tải màu trắng đi tuần trong thành phố, sử dụng loa phóng thanh nhắc nhở cư dân không được quên tụng kinh. Lần khác, cô lại tải lên mạng bức ảnh một “cửa hàng quần áo Hồi giáo mới” dành cho phái đẹp.
Theo lời Haritha, thành phố Raqqa – thành trì của IS ở Syria – có đầy đủ nào là tòa án, cô nhi viện, cảnh sát giao thông và là thành phố “có tính tổ chức cao nhất” mà cô này từng tới.
“Thành phố trông đẹp lắm cơ, thế nên chị em chúng tôi cứ quen miệng gọi vui đó là New York của Syria”, cô gái trẻ Haritha thổ lộ.
Mới đây cô gái Canada này đã miêu tả việc một nam giới bị chặt đầu ra sao rồi đóng đinh lên thánh giá ở Manbij vì tội cướp bóc và cưỡng hiếp một phụ nữ.
Haritha nói cô không thấy phiền lòng gì về mấy trò bạo lực đó. Ngược lại cô ta tin rằng những cách hành xử đó sẽ giúp giảm bớt tỷ lệ tội phạm mà khu vực này phải trải qua kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra.
“Tôi thà thấy cảnh người ta chặt đầu gã đó còn hơn là phải chứng kiến tội cướp hiếp lặp đi lặp lại,” Haritha điềm nhiên nói. “Nếu anh không muốn người khác thấy mình là tên ăn trộm, dâm tặc hay sát nhân thì đừng phạm tội đó nữa”.
Vị thế những người vợ của chiến binh jihad
Melanie Smith, một nhà nghiên cứu liên quan tới tổ chức ICSR, cho biết, mặc dù nhiều nam giới phương Tây đổ xô sang Nhà nước Hồi giáo chỉ để chiến đấu cho tổ chức này, cánh “chị em” lại sang đó để tìm kiếm tổ ấm của mình.
Smith nói: “Nhìn chung, họ sẽ tới đó để xây tổ ấm, mà nếu có được tấm chồng là lính thánh chiến thì sẽ mang lại danh phận nhất định”.
Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của Nhà nước Hồi giáo đã tự phong mình thành vua Caliph Ibrahim, đã kêu gọi người Hồi giáo trên toàn thế giới chuyển sang sinh sống ở vương quốc IS của ông ta.
“Những ai có khả năng di cư sang Nhà nước Hồi giáo thì nên di cư, vì việc di cư sang ngôi nhà của Hồi giáo là một bổn phận”, al-Baghdadi tuyên bố trong một đoạn audio mới đây được phát trên một website thuộc IS.
Umm Haritha cho biết cô ta không có ý định quay trở lại Canada và cho biết thêm hầu hết người nước ngoài sống dưới chính thể IS đều đã xé bỏ hộ chiếu.
Nhà nghiên cứu Joseph Carter của ICSR cho hay, về ngắn hạn, việc công bố nhà nước caliphate “tạo ra một động lực mạnh cho những người đang suy tính về việc tới đó bây giờ”.
“Tuyên bố đó của IS tạo ra một cái gì đó tựa như thật và ổn định”, Carter nói. “Còn việc liệu nhà nước đó có tồn tại được lâu dài mà không bị sụp đổ hay không thì lại là câu chuyện khác”./.
>> Xem thêm: Hậu khủng bố 11/9: Mỹ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa