Đặc nhiệm KGB (Liên Xô) vô hiệu hóa khủng bố bên trong Đại sứ quán Mỹ ở Moscow 1979 ra sao
VOV.VN - Dù vô hiệu hóa được tên khủng bố trong Đại sứ quán Mỹ, đặc nhiệm KGB vẫn bị lãnh đạo phê bình nghiêm khắc. Sau đó trình độ tác chiến của họ được nâng cao nhiều…
Tiếng chuông điện thoại vang lên ở bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow vào lúc 14h30 ngày 28/3/1979 (giờ địa phương). Một người đàn ông Xô viết ở đầu dây bên kia. Anh ta hỏi liệu có thể xin thị thực đi Mỹ.
Lọt qua hàng rào cảnh vệ
Sau cú điện thoại từ người lạ mặt nói trên, bí thư thứ hai của Đại sứ quán Mỹ Robert W. Pringle bước ra bên ngoài để gặp người này trên phố Tchaikovsky (nay là đại lộ Novinskiy), nơi đặt đại sứ quán.
Hai người nói chuyện gì đó với nhau rồi sau đó Pringle dẫn người mới quen vào bên trong đại sứ quán, đi qua các cảnh vệ Liên Xô vốn không có thẩm quyền ngăn ai đó đi cùng một nhân viên ngoại giao Mỹ vào trong một cơ sở mà trên lý thuyết là lãnh thổ của Mỹ ở hải ngoại.
Ngay khi hai người bước qua cổng đại sứ quán, tình hình xấu đi nhanh chóng.
Tờ New York Times thuật lại vụ việc: “Ngay sau khi người đàn ông Liên Xô leo lên 4 bậc để vào phòng chờ, một thư ký nhận thấy anh này có đeo gì đó ở eo. Anh ta cởi áo choàng và nói mình buộc bom vào người, sẵn sàng cho nổ nếu không được phép rời khỏi Liên Xô”.
Giờ đây các nhân viên đại sứ quán bị nhốt bên trong tòa nhà với một gã đàn ông có vẻ bất ổn về thần kinh đang đe dọa nổ bom tự sát, phá tung cơ sở này.
Đặc nhiệm Liên Xô nhanh chóng được điều tới.
Đại sứ Mỹ cho phép nổ súng nếu cần thiết
Đại sứ Mỹ tại Liên Xô lúc đó, Malcolm Toon, cho biết: “Giới chức Xô viết có mặt tại hiện trường vào lúc 16h30. Người ta nhanh chóng xác định đó là một công dân Xô viết và đây là vấn đề của Liên Xô”.
Cùng thời điểm đó, nhóm đặc nhiệm Alfa của cơ quan tình báo-an ninh KGB, dưới sự chỉ huy của Gennadiy Zaytsev, đã chuẩn bị phương án giải cứu đại sứ quán Mỹ.
Zaytsev nói trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau đó: “Chủ tịch KGB ra lệnh cho chúng tôi tới đại sứ quán. Chúng tôi không loại trừ phải sử dụng vũ khí. Chúng tôi quyết định thương lượng với tên tội phạm vì chúng tôi không biết điều gì về hắn cả. Nhiệm vụ này được giao cho tôi”.
Hoạt động sắp diễn ra của đặc nhiệm Liên Xô có tính nhạy cảm cao độ do tình trạng Chiến tranh Lạnh thời đó. Mỹ và Liên Xô là các đối thủ ý thức hệ, đứng trước nguy cơ kích hoạt một cuộc Thế chiến thứ 3 có dùng tới vũ khí hạt nhân. Nếu binh sĩ Liên Xô nổ súng trong đại sứ quán Mỹ (tức trong lãnh thổ Mỹ) thì điều này có nguy cơ làm trầm trọng quan hệ song phương của hai siêu cường sở hữu vũ khí hật nhân với số lượng lớn, từ đó làm ảnh hưởng đến cả phần còn lại của thế giới.
Đặc nhiệm Liên Xô sau đó đã nhanh chóng thảo luận chi tiết với đại diện của đại sứ quán Mỹ và với Bộ Ngoại giao Liên Xô về chiến dịch sắp xảy ra.
Lo sợ việc hỏi ý kiến Washington sẽ làm mất nhiều thời gian quý báu, Đại sứ Mỹ Toon đã đơn phương quyết định cho phép đặc nhiệm Liên Xô sử dụng vũ khí trong đại sứ quán.
Đàm phán
Ba đặc nhiệm KGB bước vào đại sứ quán để tiếp cận gã khủng bố, bắt liên lạc với y, tìm hiểu động cơ của y và thuyết phục y từ bỏ ý định đánh bom.
Khi gã khủng bố nhìn thấy đặc nhiệm Liên Xô mặc thường phục, y yêu cầu chỉ một người được ở lại. Hai người rời tòa nhà, chỉ có chỉ huy Zaytsev ở lại để đàm phán.
Zaytsev nhớ lại: “Gã đó tóc nâu, có một trái bom bằng thép không gỉ gắn vào bụng. Y giữ khư khư chốt bom bằng tay phải”.
Sau khi cố nói chuyện với đối tượng, Zaytsev biết người này tên là Yuri Vlasenko, sinh năm 1953, từng thi vào trường Đại học Quốc gia Moscow nhưng trượt.
Vlasenko đòi được phép sang Mỹ để học đại học.
Trao đổi tiếp với đối tượng, Zaytsev xác định gã này có vấn đề về thần kinh.
Zaytsev cho biết, gã khủng bố bộ lộ nhiều sơ hở nhưng lúc đó ông không có đủ kinh nghiệm để tận dụng các sơ hở đó. Sau đó Zaytsev rời khỏi căn phòng, để lại Vlasenko cùng trái bom.
Bắn tỉa, bom nổ, và bị phê bình nội bộ
Trong lúc thương lượng, một số thành viên đội Alfa thấy rằng cần cho Vlasenko thêm thời gian để xả sự bực tức bằng viêc kể về cuộc sống gian khó mà anh ta đã phải trải qua.
Sau 5 giờ đàm phán không có kết quả, đặc nhiệm KGB nhận được lệnh bắt giữ Vlasenko. Họ phun hơi cay vì nghĩ rằng điều này là đủ để buộc Vlasenko phải đầu hàng.
Tuy nhiên Vlasenko đã mở cửa sổ để không khí bên ngoài tràn vào rồi bắt đầu la ó. Nhưng lúc đó y lại tự lộ trước các tay súng bắn tỉa ở bên ngoài và bị bắn 2 phát vào tay.
Đại tá Sergei Golov viết: “Kết quả không như mong muốn. Sau khi đạn găm vào tay tên khủng bố, y liền kéo chốt bom để nổ tung chính mình. Các mảnh kính, khung cửa, và chấn song cửa sổ bị thổi bay qua tôi. Rất may tôi tránh kịp nên vẫn sống sót. Sau đó khu vực lãnh sự bắt lửa”.
Tên khủng bố bị thương nặng do chính quả bom tự chế. Y sau đó tử vong trong bệnh viện.
May cho đội đặc nhiệm Alfa và nhân viên Đại sứ quán Mỹ là phần mạnh nhất của quả bom chưa bị kích nổ do lỗi cơ khí, nhờ đó quả bom không đủ sức phá kết cầu tường của tòa nhà.
Báo chí Xô viết sau đó ca ngợi vụ giải cứu này. Các thành viên đội Alfa cũng được thưởng tiền và khen ngợi vì chiến công giải cứu đại sứ quán mà không để ai ngoài kẻ đánh bom phải chết. Nhưng Chủ tịch KGB Yuri Andropov đã bí mật phê bình nội bộ đội giải cứu này. Cụ thể ông Andropov chỉ trích nhóm này “đã không thể đưa ra quyết định độc lập nhanh chóng và đã kéo dài hoạt động giải cứu một cách không cần thiết”.
Chính sự chỉ trích nghiêm khắc nói trên đã mở đường cho sự phát triển nhanh chóng của lực lượng Alfa: Họ được trang bị các loại vũ khí mới hiện đại và được huấn luyện để đối phó với các kịch bản khác nhau.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, đặc nhiệm Alfa đã thể hiện được kỹ năng của mình khi hành động thành công trong chiến dịch đột kích Cung điện Tajbeg trong cuộc chính biến ở Afghanistan vào ngày 27/12/1979./.