Đặc nhiệm Liên Xô đã đoạt vũ khí mới nhất của Mỹ ở Afghanistan như thế nào?

VOV.VN - Nhờ mẫu súng có được, các chuyên gia Liên Xô đã phát triển các phương tiện vô hiệu hóa tên lửa Stinger, cứu mạng hàng trăm phi công quân sự

Vũ khí cho phiến quân

Một trong những phương tiện chống máy bay trực thăng, máy bay không người lái và máy bay quân sự hiệu quả nhất trong 50 năm qua là các hệ thống phòng không vác vai (Man-portable air-defense systems - MANPADS), đặc biệt là một số biến thể của Stinger. Fim-92 Stinger được phát triển bởi Tập đoàn General Dynamics (Mỹ) vào cuối những năm 70, được Quân đội Mỹ đưa vào trang bị từ năm 1981. Với hơn 70.000 tổ hợp được sản xuất, Stinger hiện có trong trang bị của quân đội ba mươi nước.

Từ khi đưa quân vào Afghanistan (1979), Không quân Liên Xô làm chủ không trung và gần như không gặp bất cứ trở ngại nào. Sự xuất hiện của trực thăng yểm trợ hỏa lực Mi-24 tại chiến trường này đã quyết định kết quả trận chiến của các đơn vị Liên Xô chống lại Taliban - lực lượng chỉ được trang bị vũ khí cũ, lỗi thời. CIA đã cung cấp cho họ những khẩu súng trường do Anh sản xuất từ Thế chiến I, súng trường tấn công Kalashnikov AK-47, súng máy DShK và súng phóng lựu RPG-17 do Trung Quốc sản xuất, chất lượng thấp. Việc hà hơi tiếp sức các phần tử cực đoan này được thực hiện thông qua nước thứ ba và Mỹ luôn đứng trong bóng tối.

Binh sĩ Liên Xô trên chiến trường Afghanistan; Nguồn: nmpaomsk.ru

Tên lửa phòng không Stinger xuất hiện lần đầu tiên ở Afghanistan vào năm 1986. Quyết định cung cấp Stinger thế hệ mới với tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn cho phiến quân, người Mỹ đã theo đuổi nhiều mục tiêu cùng một lúc - tước bỏ ưu thế của Không quân Liên Xô; thử nghiệm các loại vũ khí mới và các biến thể mới của nó trong điều kiện chiến trường; đó cũng là một kiểu phản ứng “lịch sự” đối với việc Liên Xô cung cấp cho Việt Nam tên lửa Strela. Đây là một trường hợp độc nhất vô nhị khi họ cung cấp cho phiến quân các hệ vũ khí đang phục vụ trong Quân đội Mỹ.

Sự xuất hiện của Stinger đã tạo nên bước ngoặt - Không quân Liên Xô bắt đầu chịu tổn thất nặng nề nếu không nói là nó trở thành một nỗi ám ảnh lớn đối với quân đội Liên Xô. Do đó, việc đoạt mẫu Stinger nhằm hai mục đích - vạch trần việc Mỹ trực tiếp hỗ trợ vũ khí cho phiến quân, và cung cấp cho các nhà khoa học Liên Xô mẫu vũ khí mới nhất của Mỹ để tìm các giải pháp và phát triển phương tiện chống lại nó - trở nên quan trọng và cấp bách. Đó là lý do Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô lúc đó - Đại tướng Sokolov - tuyên bố, những người đầu tiên đoạt được được mẫu vũ khí lợi hại này sẽ được trao tặng danh hiệu Anh hùng.

Cuộc săn lùng không hề dễ dàng

Cuộc săn lùng Stinger diễn ra trong suốt cả năm. Trong một thời gian dài, chỉ có một phần súng Stingers đã qua sử dụng lọt vào tay quân đội Liên Xô, không thể đoạt được cả khẩu nguyên vẹn, chưa nói đến tài liệu kỹ thuật của nó. Ngày 5/1/1987, nhóm trinh sát gồm các trung úy Vladimir Kovtun và Vasily Cheboksarov thuộc đội Đặc nhiệm số 186 (Lữ đoàn đặc nhiệm 22 của Lực lượng GRU, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Liên Xô) tiến hành trinh sát đường không và từ máy bay trực thăng Mi-8 và Mi-24, phát hiện thấy một số phiến quân chạy trên 3 xe máy với tốc độ cao dọc theo hẻm núi Meltakai.

Chiếc Mi-24 chở các sỹ quan đặc nhiệm đã truy đuổi những kẻ bị tình nghi khủng bố. Linh cảm của các sỹ quan trinh sát đã không sai. Ngay khi nhận thấy một cuộc rượt đuổi từ trên không, bọn người đi xe máy đã dừng lại và dùng súng bộ binh bắn như vãi đạn. Chúng cũng lấy ra hai khẩu Stinger và phóng tên lửa. May mắn thay, các tên lửa bay trượt. Trong lúc bom rơi đạn nổ, bọn phiến quân không kịp triển khai ăng-ten trên các tổ hợp và bắn tên lửa như súng phóng lựu thông thường, nhờ đó, những chiếc Mi đã thần kỳ thoát nạn.

Afganistan - chiến trường mà Quân đội Liên Xô đã phải trả giá đắt cả về người và của; Nguồn: vz.ru

Sau đó, trực thăng Liên Xô đã hạ cánh xuống hẻm núi và đổ bộ lính đặc nhiệm. Lực lượng đặc nhiệm bắt đầu quần nhau với phiến quân sơn cước. Kết quả, 16 phiến quân bị tiêu diệt, 1 tên chạy thoát thân và khi Vladimir Kovtun kiểm tra chiến lợi phẩm, đã phát hiện ra không chỉ container súng Stinger FIM-92, mà còn cả một bộ tài liệu kỹ thuật hoàn chỉnh cùng cả địa chỉ nhà cung cấp ở Mỹ; lô Stinger này đến Afghanistan qua đường Pakistan.

Tổng cộng, trong quá trình săn lùng Stinger, quân đội Liên Xô đã có được tám bộ vũ khí này. Hiệu quả mang lại rất lớn, nó là bằng chứng không thể chối cãi về sự can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột ở Afghanistan thông qua việc cung cấp cho phiến quân những vũ khí tối tân nhất. Các nhà thiết kế hàng không Liên Xô và sau đó là Nga đã nghiên cứu và nhanh chóng phát triển các phương tiện hiệu quả để chống lại hệ thống phòng không vác vai Stinger, bằng cách đó, cứu mạng hàng trăm phi công quân sự.

Trong quá trình làm nhiệm vụ quốc tế ở Afghanistan, Vladimir Kovtun bị 7 vết thương, 2 lần được đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô nhưng chỉ được trao hai huân chương Sao Đỏ. Cũng không ai trong số các đồng đội của anh nhận được danh hiệu Anh hùng Liên Xô ngay như đã hứa, họ chỉ nhận được huân chương và huy chương. Mãi đến năm 2012, Trung tá Evgeny Sergeyev được truy tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga và vào ngày 15/2/2019 - ngày truyền thống của Lực lượng đặc nhiệm, danh hiệu Anh hùng nước Nga đã được Tổng thống Nga Putin trang trọng trao cho Vladimir Kovtun, lúc này là Đại tá đặc nhiệm dự bị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên