Dè chừng quân đội tàng hình
(VOV) - Các chiến binh sẽ trở nên thực sự đáng sợ khi họ có thể tàng hình trước cả mắt thường lẫn thiết bị cảm ứng.
Xưa nay chúng ta mới nghe nói nhiều đến kỹ thuật ngụy trang và công nghệ tàng hình điện tử chống radar cho máy bay và tàu chiến. Nhưng với sự phát triển như vũ bão của khoa học, con người đã chế ra được các vật liệu giúp người sử dụng có thể tàng hình ngay cả trước mắt thường hoặc các thiết bị điện tử nhận diện bằng tia hồng ngoại hay nhiệt cơ thể. Khi một đội quân tàng hình được nhờ vào các chất liệu này thì bất kỳ một đối phương nào cũng phải dè chừng vì rất khó có thể tấn công một đội quân như vậy cũng như tự vệ trước sự tấn công của nó.
Công nghệ “Tàng hình Lượng tử” do hãng Hyperstealth Biotechnology phát triển là một trong những công nghệ tàng hình mới nhất hiện nay với rất nhiều ưu điểm. Hãng Canada này là một công ty hàng đầu chuyên thiết kế trang phục, thiết bị ngụy trang cho quân đội, cảnh sát.
Trong một bài viết gần đây đăng trên website công ty này, Chủ tịch của Hyperstealth Biotechnology là Guy Cramer đã giới thiệu tổng thể về công nghệ mới này.
Vật liệu tàng hình giúp người lính trở nên trong suốt (ảnh: soldiersystems) |
Bẻ cong ánh sáng
Nếu những gì tác giả Guy Cramer viết là chính xác thì Tàng hình Lượng tử quả là một vũ khí vô cùng lợi hại cho các đơn vị quân đội trên chiến trường. Bởi vì vật liệu Tàng hình Lượng tử này, theo Cramer, có khả năng bẻ cong sóng ánh sáng quanh mục tiêu cần bảo vệ, khiến mục tiêu hoàn toàn vô hình. Nó giúp loại bỏ các đặc điểm nhận dạng mục tiêu qua thị giác, hồng ngoại (nhìn trong đêm), và nhiệt. Nó thậm chí có thể che giấu cả bóng của mục tiêu (thử nghiệm cho thấy, có thể giảm tới 95% bóng của mục tiêu). Ngoài ra nó còn có các ưu điểm vượt trội so với các phương pháp tàng hình khác, như nhẹ, không cần điện, và … khá rẻ.
Cramer khẳng định, 2 nhóm tư lệnh riêng rẽ trong quân đội Mỹ và 2 nhóm tư lệnh riêng rẽ khác trong quân đội Canada đã trực tiếp kiểm nghiệm vật liệu do hãng Hyperstealth Biotechnology chế tạo và xác nhận vật liệu trên thực sự hoạt động được mà không cần camera, pin, đèn hoặc gương. Vẫn theo lời Cramer, cả quân đội Mỹ và Canada đều ghi nhận thiết bị này có tác dụng làm vô hình trước các ống kính hồng ngoại và dụng cụ quang học nhiệt.
Chủ tịch hãng thiết bị ngụy trang Canada cung cấp một số bức ảnh minh họa cho công nghệ tàng hình và thiết bị của mình. Tuy nhiên, ông chú thích luôn, vì lý do an ninh, đây chỉ là các bức ảnh được chỉnh sửa nhằm minh họa ý tưởng thôi, chứ không phải là ảnh chụp vật liệu thật.
Tác giả chia sẻ, trong một lần thuyết trình tại hội nghị về khoa học tàng hình hồi tháng 5/2011 với đa số người dự là lính đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ, một biên tập viên của tạp chí Thời đại Quân sự (của Anh) đã xin phỏng vấn ông về chủ đề Tàng hình Lượng tử. Tuy nhiên, lúc đó, ông cũng chỉ có thể đưa cho nữ biên tập viên này và giới truyền thông những bức ảnh “minh họa”. Cũng giống như trong bài viết gần đây, Cramer khi ấy chỉ có thể miêu tả cho nữ nhà báo về các ứng dụng của “bẻ cong ánh sáng” chứ không thể trình bày cụ thể phương thức đạt được điều đó. Thực sự thì, các buổi làm việc giữa ông và Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ đều mang tính nội bộ cao, còn công nghệ “bẻ cong ánh sáng” vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện.
Ảnh minh họa ý tưởng, do Cramer tạo ra. Trong ảnh là trợ lý của Cramer (nguồn: Hyperstealth) |
Cramer cho biết, hiện nay mới chỉ có các lực lượng có thẩm quyền của Canada, Mỹ và Anh là được phép tiếp cận và sử dụng công nghệ này. Cramer thậm chí còn nói thêm, hãng của ông đã phát triển cả biện pháp phát hiện bất cứ ai “nhại” theo công nghệ Tàng hình Lượng tử.
Công nghệ mới này được Cramer phát triển từ cuối năm 2008 đầu 2009.
Các kịch bản ứng dụng Tàng hình Lượng tử
Tuy không tiết lộ cách bẻ cong ánh sáng nhưng Cramer có trình bày các tình huống ứng dụng Tàng hình Lượng tử trong quân sự.
1. Phi công nhảy dù thoát hiểm:
Một phi công bung dù trên vùng địa hình trống trải của đối phương. Chiếc dù của anh ta được làm từ vật liệu Tàng hình Lượng tử, khiến đối phương không phát hiện ra được anh khi đang rơi từ từ trong không trung. Kẻ thù biết đích xác vị trí máy bay rơi và người phi công có chưa đầy 1 tiếng đồng hồ để tìm nơi lẩn trốn. Anh ta sẽ chùm chiếc dù tàng hình lên toàn thân và do đó sẽ tàng hình trước cả mắt thường và các thiết bị cảm biến, trừ phi lính phe kia vấp phải người anh ta. Khi này, người phi công có thể đánh tín hiệu radio cho đồng đội biết tọa độ đến ứng cứu.
2. Đột kích bờ biển:
Camera và thiết bị cảm ứng có đầy trên bờ biển quân thù. Lực lượng đặc nhiệm mặc trang phục Tàng hình Lượng tử bơi lại gần bờ biển ngay giữa “ban ngày ban mặt” chứ không chờ đến đêm để che giấu tung tích. Đội này xâm nhập tuyến phòng thủ của quân thù mà không hề bị phát hiện, hoàn thành nhiệm vụ, rồi rút lui y như khi đến. Kẻ thù theo dõi qua thiết bị cảm biến và camera nhưng không thấy bất cứ dấu hiệu gì bất thường. Bằng chứng duy nhất mà đối phương có thể nhận biết được là dấu giày của đội biệt kích để lại khi đến và lui.
Quân đội Quốc gia Afghanistan cũng là một khách hàng mua trang phục ngụy trang của hãng Hyperstealth (ảnh: Hyperstealth) |
3. Che giấu máy bay trên mặt đất:
Trước kia để giữ bí mật, máy bay phải đưa vào các nhà che. Nhưng nay, với công nghệ mới, máy bay có thể dễ dàng tránh được con mắt của vệ tinh và khinh khí cầu do thám cũng như máy bay không người lái ở bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng như đêm.
4. Bảo đảm an toàn cho tàu ngầm khi nổi gần mặt nước:
Tàu ngầm rất dễ bị tấn công khi nổi lên độ sâu kính tiềm vọng (để quan sát tàu và máy bay đối phương trước khi nổi lên hẳn hoặc khai hỏa tấn công đối phương). Trước nay, kính tiềm vọng chỉ được che giấu phần nào bằng sơn ngụy trang. Nhưng giờ đây, công nghệ Tàng hình Lượng tử cho phép che giấu hoàn toàn cả kính tiềm vọng nổi trên bề mặt nước và bản thân tàu ngầm lơ lửng gần mặt nước.
5. Cận chiến trong nhà, công sự:
Đây là 1 trong các tình huống chiến đấu nguy hiểm nhất mà lực lượng đặc nhiệm và chống khủng bố phải luyện tập kỹ càng thường xuyên. Giờ đây, với Tàng hình Lượng tử, đối phương chỉ biết được có ai ở vị trí nào đó thông qua việc lắng nghe tiếng chuyển động hoặc trực tiếp mở cửa – điều này tạo thế chủ động cao cho đặc nhiệm khi giải cứu con tin.
6. Cả đội xe tăng tàng hình, kẻ thù thất kinh:
Một nhóm xe tăng của “quân ta” giao chiến với kẻ thù. Đối phương chỉ có thể định vị “ta” dựa vào tiếng động cơ xe tăng và tiếng đạn pháo xe tăng, nên hầu như khó có thể bắn trả và dễ bị bao vây tấn công từ cả bên sườn và phía sau. Nhìn qua thiết bị cảm biến, đối phương không nhận diện được gì và sẽ dễ bị mất tinh thần chiến đấu trước đối phương vô hình.
7. Bắn tỉa:
Một tay súng bắn tỉa được lệnh “trừ khử” một nhân vật cấp cao nào đó tại 1 địa điểm cụ thể. Tuy nhiên có những khoảng trống tới hàng dặm. Nếu chưa có Tàng hình Lượng tử, anh ta sẽ phải tìm nơi ẩn náu, che giấu vị trí của mình. Nhưng giờ thì anh ta có thể đàng hoàng vào vị trí tác chiến ngay giữa địa hình trống trải, thoải mái nạp đạn, thay đổi địa điểm ngắm bắn cũng như rút lui khỏi vị trí mà không lo sợ bị phát hiện.
Bước tiến từ công nghệ ngụy trang ‘tắc kè’
Trước khi có công nghệ Tàng hình Lượng tử, Cramer cũng đã phát triển công nghệ Smartcamo hết sức tinh vi. Theo một bài viết khác đăng trên website của hãng, sau khi hãng Hyperstealth giới thiệu 1 đoạn video về Smartcamo tại một hội thảo chuyên đề quốc tế về ngụy trang tại Brussels năm 2010, quân đội Mỹ đã lập tức đề nghị Cramer không đưa video ra trước công chúng nữa.
Trực thăng được phủ lớp ngụy trang thông minh (ảnh: Hyperstealth) |
“Vải” Smartcamo (ngụy trang thông minh) được cấy công nghệ (Nano,…) giúp nó có thể điều chỉnh theo môi trường xung quanh. Một bộ quân phục Smartcamo có khả năng thay đổi màu từ sa mạc sang rừng xanh hoặc các mức trung gian giữa 2 dạng. Hay, một chiếc máy bay được phủ chất liệu này sẽ có màu đất khi đang hạ cánh, hoặc màu xanh da trời khi bay trên cao.
Tuy nhiên, công nghệ này có một số nhược điểm như chi phí cao, nguồn điện nặng, và thời gian kích hoạt hạn chế. Và đây là lý do mà Cramer tiến lên phát triển công nghệ Tàng hình Lượng tử ưu việt hơn hẳn, có thể che giấu hiệu quả các phương tiện quân sự trên không, trên biển, trên bộ trước cả mắt thường và các dụng cụ dò tìm điện tử./.