Giải mã nguyên nhân kinh tế Liên Xô chao đảo và sụp đổ
VOV.VN - Từng là siêu cường thứ 2 thế giới với nhiều thành tựu về khoa học-công nghệ nhưng Liên Xô đã phải nhiều lần chật vật trên mặt trận kinh tế rồi sụp đổ.
LTS: Báo điện tử VOV xin giới thiệu bài viết của Sinelschikova lý giải phần nào việc siêu cường Liên Xô bị suy yếu về kinh tế trước khi tan rã.
Nền kinh tế Liên Xô từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng các dòng dài người xếp hàng và những cửa hàng trống trơn lại là hình ảnh quen thuộc mà nhiều người nhớ về Liên Xô. Hàng hóa rẻ nhưng thường xuyên khan hiếm. Đâu là nguyên nhân cho tình trạng này?
Tình trạng khan hiếm hàng hóa tiêu dùng ở Liên Xô. Ảnh: Getty. |
Liên bang các nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (gọi tắt là Liên Xô) kéo dài 69 năm và trên thực tế trong suốt thời gian đó quốc gia này không có nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của thuật ngữ này. Thay vào đó chỉ có nền kinh tế kế hoạch hóa. Mọi thứ được sản xuất theo kế hoạch: đinh ốc, đồ lót, giấy vệ sinh, chung cư, sữa và ô tô. Tất thảy mọi thứ. Mà việc lên kế hoạch cho mọi thứ trong đất nước lớn nhất thế giới thì không đơn giản chút nào!
Quả đúng như vậy. Tất cả các kế hoạch đó được soạn dựa trên hàng trăm bảng cân đối kế toán liên ngành và chúng dài tới hàng chục ngàn trang giấy căng ra nhiều khu vực và không đồng bộ với nhau trong nhiều trường hợp. Thế nhưng các chuyên gia Liên Xô khi ấy vẫn cho rằng nhà nước này không có khó khăn về kinh tế và sẽ tồn tại lâu hơn nữa.
Từ khóa “kế hoạch”
Nếu phải giải thích khái niệm kinh tế Xô viết trong 1 từ thì đó sẽ là Gosplan, có nghĩa “Ủy ban Kế hoạch Nhà nước” trong tiếng Nga. Chính Gosplan đã quyết định tất cả các nhà máy và xí nghiệp ở Liên Xô sẽ sản xuất cái gì và với số lượng bao nhiêu. Trong thực tế điều đó sẽ như thế nào? Đây là một thí dụ: Mỗi sáng, vị bộ trưởng phụ trách xây dựng vận tải sẽ nhận một báo cáo về bao nhiêu bánh xe tàu hỏa cần được sản xuất và ông sẽ thực hiện các biện pháp để bảo đảm đến cuối tháng thì kế hoạch đó được hoàn thành. Ở cấp thấp hơn, các giám đốc nhà máy và quản lý cửa hàng cũng làm theo quy trình tương tự.
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học Nikolai Kulbaka của RANEPA, Gosplan có một vấn đề là nó tính toán không dựa trên nhu cầu của người thực mà là dựa trên ý tưởng của các vị quan liêu về những gì cần sản xuất. Ngoài ra cơ quan này còn không tính đến sự thay đổi nhu cầu, thị hiếu của người dân theo thời gian. Kulbaka nhớ lại: “Chẳng hạn, tôi từng gặp phải một bộ complê nam đắt tiền ở ngôi làng Tajik miền sơn cước, đã vậy bộ quần áo này chỉ có một kích cỡ duy nhất”.
Công nghiệp là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế nhưng hệ thống Xô viết thường xuyên tồn tại trong tâm thế đón nhận một cuộc chiến tranh nữa. Tức là công nghiệp nặng – công nghiệp quốc phòng, luyện sắt và bất cứ thứ khác có thể giúp giành thắng lợi trong chiến tranh, sẽ được ưu tiên và chiếm một tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Như vậy là không còn nhiều chỗ cho sản xuất hàng tiêu dùng thông thường.
Nền kinh tế thị trường theo mô hình “nhu cầu điều tiết cung ứng” đã không tồn tại ở Liên Xô. Hàng hóa được bán theo giá cố định và không có sẵn ở mọi nơi. Một số mặt hàng thậm chí còn được bán với giá thua lỗ bởi vì đó là mức giá mà Gosplan đã định vào một thời điểm nào đó. Các thành phố được chia thành các nhóm khác nhau: một số được nhận hàng hóa trước, một số thì nhận hàng cuối cùng.
Nhiều tiền nhưng vẫn không mua được hàng
Thường thì ở thủ đô Moscow có nhiều hàng hóa được đem bán nhất, nên người dân ở những vùng khác của đất nước sẽ đổ tới thủ đô để mua hàng. Chẳng hạn năm 1939 cơ quan an ninh NKVD báo cáo rằng hàng ngàn người đã tập trung bên ngoài các cửa hàng tạp hóa chính của Moscow: “Sáng sớm ngày 14/4, tổng số khách hàng tụ tập bên ngoài các cửa hàng vào giờ mở cửa là 30.000 người. Vào đêm 16-17/4, con số là 43.800”.
Một tình huống tương tự xảy ra ở Liên Xô vào thập niên 1980, khi người dân ở các thành phố lân cận đổ xô tới Moscow trên các chuyến tàu “xúc xích” để mua xúc xích ở thủ đô do món hàng này không bán ở đâu khác. Lý do đằng sau tình trạng lộn xộn này là vào cuối thập niên 1980, Liên Xô sản xuất khoảng 25 triệu loại sản phẩm nhưng khi ấy không ai hiểu được làm thế nào có thể lên kế hoạch sản xuất và phân phối từ một trung tâm.
Hình ảnh buồn về siêu cường Liên Xô trước khi sụp đổ
Ngoài những trường hợp đặc biệt như trên, sự khan hiếm nói chung là ở mức trung bình. Người dân mua những gì có sẵn, không có nhiều lựa chọn, và ở bất cứ mức giá nào. Người dân Liên Xô không thiếu tiền. Trên thực tế, họ thường có thu nhập cao hơn mức họ có thể tiêu vì đơn giản là hàng hóa không có sẵn. Chỉ có 14% mặt hàng được bán trong cửa hàng, trong khi 86% còn lại được phân phối thông qua nền kinh tế được kiểm soát.
Ví dụ để mua một chiếc ô tô theo cách hợp pháp, bạn phải dành 7-8 năm đợi chờ theo danh sách. Nếu không muốn đợi chờ, thì bạn phải đi mua hàng một cách phi pháp trên chợ đen. Có một vấn đề là cơ hội được đưa vào danh sách đợi chờ này không rộng mở với tất cả mọi người, vì bạn chỉ được xét đưa vào danh sách khi là nhân viên một xí nghiệp nào đó.
Trong khi đó các xí nghiệp không bao giờ phá sản vì đơn giản là không thể làm thế. Luật phá sản đầu tiên đã bị bãi bỏ vào năm 1932. Thay vào đó, các bộ của nhà nước sẽ tái phân phối nguồn quỹ từ các xí nghiệp có lãi cho các xí nghiệp làm ăn không có lợi nhuận. Các xí nghiệp làm ăn lỗ vì bán các sản phẩm với mức giá không hợp lý hoặc không thể bán hàng khiến hàng hóa phủ bụi trong kho. Thực tế này có thể đã làm thui chột các sáng kiến sản xuất. Nhưng cũng không có sự lựa chọn nào khác do không ai muốn bị khép vào tội phá hoại công nghiệp với hình phạt rất nặng, có thể bị bỏ tù hoặc tịch thu tài sản...
Nỗ lực cải cách khựng lại và sự sụp đổ hệ thống
Ban lãnh đạo Liên Xô có ý thức về tất cả các khiếm khuyết đó không? Câu trả lời là có. Vào thập niên 1930, Liên Xô bắt đầu bán cho phương Tây mọi thứ có thể bán được, từ ngũ cốc, lông thú tới các hiện vật quý trong bảo tàng, thường là với giá rất rẻ. Nhưng khi đó đất nước này đang rất cần các khoản vay từ bên ngoài và ngoại tệ.
Vào năm 1987, hàng tiêu dùng chỉ chiếm 24% sản lượng hàng hóa ở Liên Xô. Phần còn lại là dành cho việc quân sự hóa ở mức độ chưa từng có tiền lệ.
Giữa thập niên 1960 người Liên Xô cũng đã nhận thức được có vấn đề trong nền kinh tế của họ. Tờ Pravda (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô – ND) đã đăng tải một bài báo với dòng tít “Mở két sắt bằng kim cương”, ám chỉ rằng tiêu chí chính cho các xí nghiệp cần phải là lợi nhuận và hiệu quả.
Liệu Liên Xô có khả năng tránh được tan rã và vượt qua khủng hoảng?
Alexei Kosygin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (tức Thủ tướng – ND), đứng đằng sau nỗ lực cải cách trong bối cảnh khi ấy. Và điều này có tác dụng, mang lại kết quả ban đầu: Thu nhập quốc gia tăng tới 42%!
Nhưng cuối cùng thì những người phản đối cải cách theo hướng thị trường lại chiếm thế thượng phong. Cuộc bạo động ở Praha (Tiệp Khắc) vào mùa xuân năm 1968 đã khiến Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô cảnh giác với cải cách thị trường và phần nào làm cho người phản đối cải cách thắng thế. Cuối cùng mọi thứ quay trở lại trạng thái xuất phát.
Cựu Bộ trưởng Kinh tế Evgeny Yasin nói: “Tôi và bạn bè nghĩ rằng một cuộc khủng hoảng sắp diễn ra và Liên Xô sẽ phải cải cách. Nhưng điều đó đã không xảy ra”.
Yasin nhớ lại: “Năm 1973, OPEC được thành lập và OPEC quyết định tăng gấp 4 lần giá dầu trong một năm. Liên Xô bắt đầu thu được tiền từ dầu mỏ và hệ thống Xô viết tiếp tục tồn tại, nhờ vào các mỏ dầu được phát hiện ở Tây Siberia trong các năm 1967-1968”.
Những gì xảy ra sau đó, sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống Xô viết, xuất hiện như hệ quả của một điều mà các nhà kinh tế học gọi là “cơn bão hoàn hảo” của một hoàn cảnh độc nhất vô nhị: “Những nền tảng kinh tế yếu kém, tình hình tiêu cực về kinh tế cả trong và ngoài nước, và sự có mặt của những thủ lĩnh muốn thay đổi chế độ”, như cách nói của Giáo sư kinh tế tại Đại học Houston, Paul Gregory. Ông này cho biết, “nếu thiếu một trong các nhân tố này, việc Liên Xô sụp đổ sẽ xảy ra muộn hơn hoặc không xảy ra”./.