Giải mật hoạt động của tình báo Liên Xô và CHDC Đức: Chiến dịch “thư giả”
VOV.VN - Trong nhiều câu chuyện thú vị về lịch sử hoạt động tình báo có việc tình báo Liên Xô soạn một bức thư giả mang danh cựu Thủ tướng Đức Konrad Adenauer.
"Sức mạnh của các cơ quan tình báo"
Trong cuốn sách mới phát hành "Sức mạnh của các cơ quan tình báo", ra mắt năm 2020 tại Đức có nhiều câu chuyện thú vị về lịch sử hoạt động tình báo. Tuy nhiên, "Sức mạnh của các cơ quan tình báo" không phải là cuốn sách duy nhất thuộc loại này được xuất bản trong năm 2020. Cuốn sách mới khác của Heribert Schwan “Điệp viên trong hành lang quyền lực” tháng 3/2020, kể về công việc của các cơ quan tình báo CHDC Đức (Đông Đức) trong Chiến tranh Lạnh.
Các điệp viên của "Stasi" của Bộ An ninh Nhà nước CHDC Đức đã thâm nhập vào các cơ cấu chính trị, an ninh và nhà nước của Tây Đức. Gunther Guillaume - một điệp viên nổi tiếng của Stasi là một trong những phụ tá của Thủ tướng Đức Willy Brandt (1969-1974). Heribert Schwan đã nghiên cứu hàng nghìn tài liệu cuối những năm 1980, cho biết, ở Cộng hòa Liên bang Đức có khoảng 2.000 đặc vụ trong và ngoài biên chế làm việc cho tình báo CHDC Đức.
Họ thâm nhập vào các vị trí thân cận của Thủ tướng, các bộ, cơ cấu quyền lực và trụ sở của các đảng phái lớn. Một trong những phương pháp của Stasi gọi là "bẫy mật ong". Các đặc vụ được sử dụng để dụ dỗ đối tượng vào những cuộc tình lãng mạn hoặc tình yêu. Đối tượng sau đó được sử dụng dưới dạng bị khống chế hoặc được tuyển dụng. Các cơ quan tình báo của CHDC Đức thực hiện Chiến dịch Romeo.
Tuyển đặc vụ, họ lựa chọn những người đàn ông ga-lăng, hấp dẫn và nhắm đến những phụ nữ độc thân, thường là phụ nữ trung niên, những người làm thư ký, nhân viên viết mã hay những người làm các công việc khác trong các bộ và ban liên bang của Tây Đức. Các đặc vụ thường mua chuộc, dụ dỗ và tuyển dụng phụ nữ. Đối với những tân đặc vụ khác (không chỉ phụ nữ), hệ tư tưởng đóng một vai trò quan trọng; họ coi mình là những người chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản, hòa bình và tiến bộ; nhiều người làm việc cho các các cơ quan tình báo hoàn toàn vì lợi ích vật chất.
Cố gắng làm mất uy tín của Schroeder
Vào cuối năm 1972, Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (về kinh tế - chủ trương kinh tế thị trường xã hội, trong chính sách đối ngoại - chủ trương lôi kéo Đông Đức) đã cố gắng tổ chức tại Hạ viện một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với lãnh đạo của Đảng Dân chủ Xã hội và Thủ tướng Liên bang Willie Brandt - vị Thủ tướng đã theo đuổi cái gọi là "Chính sách phương Đông mới" nhằm mục đích xích gần đến với CHDC Đức và các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu.
Bonn công nhận chủ quyền của CHDC Đức, biên giới nhà nước giữa hai nước Đức, quan hệ ngoại giao giữa các nước được thiết lập và quan hệ kinh tế liên Đức được tăng cường. Thủ tướng Chính phủ Dân chủ Xã hội đã từ bỏ chính sách trước đây coi CHDC Đức là một "lãnh thổ bị chiếm đóng" của các chính phủ Dân chủ Cơ đốc giáo. Kế hoạch này là để dân chủ hóa dần dần Đông Đức ("thay đổi thông qua xích lại gần") và sự thống nhất tự nguyện của Đức trong tương lai. Bonn cũng công nhận biên giới phía đông của CHDC Đức, xác nhận biên giới của Ba Lan và Tiệp Khắc.
Tuy nhiên, Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đã không thể lật đổ Brandt, do thiếu chỉ hai phiếu bầu. Về sau, người ta được biết, tình báo Đông Đức đã trả tiền cho ít nhất hai thành viên của Quốc hội Liên bang để bỏ phiếu cho Thủ tướng Brand. Do đó, Willie Brand giữ vững chức vụ của mình và tiếp tục chính sách thân phương Đông. Và Đảng Dân chủ Xã hội đã thắng cuộc bầu cử sớm được tổ chức sớm; lãnh đạo đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Rainer Barzel đã phải ra đi.
Vị trí của Chủ tịch CDU có ứng viên là cựu Bộ trưởng Nội vụ Đức (1953-1961, 1961-1966), Bộ trưởng Quốc phòng (1966-1969) và là Thủ tướng của nước Đức thống nhất Gerhard Schroeder (1998-2005). Nhưng nếu Schroeder hiện đại là người ủng hộ việc thiết lập quan hệ giữa Liên bang Đức và Nga, thì ngược lại, trước đó, nhà dân chủ Cơ đốc giáo Schroeder lại chủ trương tăng cường quan hệ với NATO và Mỹ, cũng như đối đầu với CHDC Đức và Liên Xô. Việc ông lên nắm quyền có thể ảnh hưởng chính sách giảm bớt căng thẳng. Do đó, nhiệm vụ đặt ra làm mất uy tín của Schroeder, để ông này không được tiếp quản ghế.
Nhiệm vụ của Trung tá Portugalov
Nhiệm vụ trên được giao cho Trung tá Nikolai Portugalov, dưới bình phong là một nhà báo quốc tế. Ông là một chuyên gia về Cộng hòa Liên bang Đức. Viên sĩ quan này phải tạo ra một lá thư giả đề năm 1966 mạo danh Thủ tướng Đức Konrad Adenauer đã qua đời. Trong lá thư, cố Thủ tướng Đức Konrad Adenauer “được cho” là đã cảnh báo đảng Dân chủ Cơ đốc giáo không nên bầu Schroeder làm người đứng đầu đảng, nói rằng ông này phụ thuộc quá nhiều vào quan hệ với Mỹ mà bỏ bê quan hệ với Pháp.
Adenauer đã chết và không thể bác bỏ tài liệu. Portugalov đã làm một công việc tuyệt vời - ông đọc thư và hồi ký của vị cựu Thủ tướng quá cố, nghiên cứu bản ghi âm các bài phát biểu. Viên trung tá-nhà báo đã cố gắng đi sâu vào phong cách ngôn ngũ, hành văn diễn đạt và tâm hồn của Adenauer. Năm 1999, trong một cuộc phỏng vấn với Spiegel, nhà báo này nói: “Bản thân tôi cũng từng suy nghĩ gần giống như Adenauer”.
Người ta đã cố gắng lừa dối thông qua các kênh của tình báo Đông Đức để công bố lá thư trên các phương tiện truyền thông hàng đầu của Liên bang Đức. Tuy nhiên, không thành công. Tài liệu đã được xuất bản, nhưng không đạt được hiệu quả mong muốn. Schroeder lần đó không trở thành thủ lĩnh của CDU, nhưng vì một lý do hoàn toàn khác. Vị trí người đứng đầu Đảng Thiên chúa giáo vào năm 1973 đã được đảm nhận bởi một đối thủ khác - Helmut Kohl. Ông này cũng là một người bảo thủ trung thành và năm 1982 trở thành Thủ tướng Liên bang, và là người thống nhất nước Đức./.