Kỳ 1:

Giây phút phi công B-52 Mỹ xâm nhập không phận miền Bắc năm 1972

VOV.VN - Các phi công của máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ đã rất căng thẳng và phải tập trung cao độ khi xâm nhập miền Bắc Việt Nam năm 1972 để gây tội ác.

LTS: Nhân kỷ niệm 44 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không của quân đội ta, VOV.VN xin giới thiệu với độc giả những gì đã diễn ra bên trong một chiếc “pháo đài bay” B-52 khi nó xâm nhập không phận miền bắc nước ta. Dưới đây là phần lược dịch một bài viết của viên hoa tiêu Mỹ Paul Novak tham gia trận chiến vào đêm 26/12/1972:

Đội hình khủng B-52

Thực sự đây là “một trong các phi đoàn đáng sợ nhất từng được tập hợp” – Thiếu tá Bill Stocker chỉ huy chiếc máy bay ném bom B-52 dẫn đầu đội hình về sau đã nói như vậy.

Tiếng gầm rú và các rung động có thể cảm nhận cách đó 16km khi 78 chiếc oanh tạc cơ khổng lồ phóng “hết ga” với toàn bộ 8 động cơ phản lực turbo, chiếc này kế chiếc kia, trong khoảng 2,5 tiếng đồng hồ, cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam (Mỹ).

Hàng ngàn quan sát viên ấn tượng trước cảnh tượng đó – màn trình diễn phức tạp của đội hình B-52 lớn nhất từng được triển khai.

Buồng lái máy bay B-52 của Mỹ. Ảnh: thechive.

Hai mươi sáu phi đội B-52 (mỗi phi đội gồm 3 máy bay) di chuyển từ các nơi đỗ được bảo vệ nghiêm ngặt và lăn bánh ra vị trí trên đường băng. Những người theo dõi còn bao gồm cả thủy thủ đoàn trên một chiếc tàu Liên Xô ở ngoài khơi Guam.

Sau đó, 42 oanh tạc cơ B-52 khác nữa rời khỏi sân bay U-Tapao ở Thái Lan. Tất cả hướng về Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng.

Trong khi đó thủy thủ đoàn trên chiếc tàu Liên Xô liên lạc bằng vô tuyến với Hà Nội và thông báo cho Bắc Việt (tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – ND) trước vài tiếng đồng hồ rằng các chiếc máy bay BUFF (“Những gã to béo xấu xí” – Biệt danh của B-52) đang trên hành trình đi tập kích Hà Nội.

Hôm đó là ngày 26/12/1972. Tất cả 120 chiếc B-52 do hãng Boeing chế tạo cùng với hàng chục chiếc máy bay hỗ trợ của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ xuất kích bay tới mục tiêu và trút hàng ngàn tấn bom trong khoảng thời gian là 15 phút.

Trong số này, một số máy bay không bao giờ trở về.

Tôi (Paul Novak) là một đại úy Không quân và là hoa tiêu của một phi hành đoàn 6 người xuất kích từ căn cứ không quân Westover ở Massachusetts, trong đó có cơ trưởng Đại úy Richard “Dick” Purinton, cơ phó Đại úy Malcolm “Mac” McNeill, hoa tiêu radar và phụ trách thả bom Trung tá Jean Beaudoin, sĩ quan tác chiến điện tử Thiếu tá Bob Dickens và pháo thủ đuôi máy bay Thượng sĩ Calvin Creasser.

Chúng tôi nằm trong số các nhóm may mắn đã “bay vượt được hàng rào”, nghĩa là thoát an toàn khỏi lãnh thổ đối phương sau khi trút bom trúng mục tiêu.

Phi vụ ngày 26/12 nằm trong chiến dịch Linebacker II (mật danh của Mỹ để chỉ chiến dịch tập kích chiến lược của Mỹ vào miền Bắc Việt Nam năm 1972, với trọng điểm là Hà Nội và Hải Phòng, bắt đầu vào đêm 18/12 – ND). Phi vụ này là phi vụ thứ 2 của chúng tôi trên bầu trời thủ đô đối phương và là thứ 3 trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.

Thành phố được phòng thủ dày đặc nhất

Năm 1972 Hà Nội được coi là thành phố được phòng thủ chặt chẽ nhất thế giới, được bảo vệ bằng nhiều lớp phòng không và số lượng tên lửa đất đối không (SAM) siêu âm và các máy bay tiêm kích MiG đều do Liên Xô chế tạo.

Trong các chiến dịch không kích trước đó ở miền Bắc Việt Nam (chiến dịch Rolling Thunder vào giữa thập niên 1960 và Linebacker I vào giữa năm 1972), Bộ chỉ huy quân đội Mỹ chưa cho phép máy bay ném bom chiến lược B-52 tấn công lực lượng phòng không Hà Nội.

Oanh tạc cơ chiến lược B-52 của không quân Mỹ xuất kích. Ảnh: YouTube.

Quân đội Bắc Việt (Quân đội Nhân dân Việt Nam - ND) sử dụng các radar cảnh giới với tầm quét khoảng 274km để phát hiện các máy bay B-52 từ xa. Sau đó thông tin về các mục tiêu bị phát hiện này được gửi cho các radar kiểm soát hỏa lực để điều khiển tên lửa SAM. Ở cự ly khoảng 64km, các radar này cung cấp thêm dữ liệu cụ thể hơn nữa về vị trí, độ cao và tốc độ của chiếc máy bay địch đang tiến lại gần.

Trong khi đó các tiêm kích MiG-17, -19 và -21 (hiện đại nhất về công nghệ) – đối thủ xứng tầm của các tiêm kích Mỹ, được tung lên trời để làm chậm đà bay của các oanh tạc cơ B-52 và thông báo độ cao và tốc độ B-52 cho các sĩ quan điều khiển SAM.

Quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ nhằm vào miền Bắc Việt Nam từ 18-29/12/1972. Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” kéo dài 12 ngày đêm này, chúng ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay ném bom B-52.

B-52 đối phó với mối đe dọa SAM bằng các biện pháp chế áp điện tử, như là các thiết bị gây nhiễu tạo ra một “đám mây điện tử” trước radar của đối phương và do vậy giúp che đậy vị trí cụ thể của máy bay. Bay trong phi đội 3 chiếc sẽ tối đa hóa hiệu ứng này, giúp che giấu cả 3 máy bay.

Là hoa tiêu chỉ huy của đội hình 3 máy bay B-52, tôi phải đưa các máy bay trong đội hình tới mục tiêu trong vòng 30 giây dành cho việc ném bom theo hoạch định, phối hợp cuộc tấn công với 117 “gã khổng lồ” B-52 trong các phi đội khác.

Chúng tôi đang bay lướt xuống Quy Nhơn của miền Nam Việt Nam, sau chặng bay 5 tiếng đồng hồ từ căn cứ Andersen và tiếp nhiên liệu trên không ở vùng trời Philippines, khi tôi gọi cho Purinton, “Cơ trưởng, Hoa tiêu, sang phải 3-4-0 (độ)”, cung cấp hướng bay bằng số độ trên la bàn. Âm thanh duy nhất trong khoang máy bay là tiếng gầm đều đều của động cơ.

Nhiệm vụ của tôi còn là cố vấn cho phi hành đoàn về các điểm hành động – đi vào vùng đe dọa, điểm mở đầu của quá trình ném bom, và thời gian tới mục tiêu: “Cơ trưởng, Hoa tiêu, chúng ta cách Vịnh Bắc Bộ 25 phút, chỉ khoảng 1 giờ nữa là tới mục tiêu”.

Các cập nhật như thế bảo đảm các hạng mục trong phần kiểm tra ngay trước lúc ném bom được hoàn tất. Mỗi thành viên trong kíp thực hiện các nhiệm vụ quan trọng vào thời điểm đã xác định trong hành trình bay. Việc không hoàn thành được các nhiệm vụ khi ở trong vùng lãnh thổ đối phương có thể gây nguy hiểm chết người cho toàn nhóm bay.

Vị trí của tôi là ở khoang dưới không có cửa sổ của máy bay, cùng với Beaudoin, một người gốc Pháp có mái tóc xám.

Với tư cách là hoa tiêu radar của chúng tôi (gọi tắt là Radar hoặc RN trong chuyến bay), Beaudoin phải định hướng cho điểm hẹn với máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135, chuẩn bị hệ thống ném bom, định vị điểm ngắm chính xác cho mục tiêu của chúng tôi và thả 24,5 tấn bom.

Sự cố trên Vịnh Bắc Bộ

“Cơ trưởng, Hoa tiêu, chúng ta có vấn đề ở đây”. Thiết bị vị trí hoa tiêu của tôi (thể hiện vĩ độ và kinh độ) bị hỏng. Việc định vị được cập nhật tiếp bởi hoa tiêu radar – anh này thu các con số vĩ độ và kinh độ bằng cách định vị một điểm phản hồi của radar trên mặt đất rồi hướng một bộ tâm ngắm điện tử lên đó, như là chơi game điện tử arcade.

"Pháo đài bay" B-52 bay trên một vùng biển. Ảnh: Boeing.

Cơ trưởng Purinton hỏi: “Hoa tiêu, Cơ trưởng, kế hoạch của anh là gì?”

“Chúng ta có radar. Chúng ta sẽ xác định cự ly và hướng vì tôi không thể sử dụng thiết bị của mình nữa”. Tức là tôi sẽ phải xác định thủ công các vị trí trên mặt đất từ kính radar 0,1m. Sau đó tôi sẽ tính cự ly và hướng từ máy bay trên đồ thị của tôi nhằm đề xuất điểm rẽ và nêu điểm hành động.

Câu hỏi logic của cơ trưởng là: “Anh có muốn Số 2 đảm nhiệm công tác hoa tiêu cho toàn phi đội không?” Tôi vẫn muốn làm hoa tiêu dẫn đường cho cả phi đội. Tôi được đào tạo để làm việc bên các thiết bị điện tử và tôi biết tôi có thể làm được. Chúng tôi cách lãnh thổ đối phương 10 phút.

Tôi trả lời: “Không vấn đề. Tôi có thể dẫn cả nhóm tới mục tiêu.” Chúng tôi đang đi vào vùng lãnh thổ không quen thuộc và tôi nhận ra là việc xác định các vị trí phản hồi của radar là một thách thức rất lớn. Nhiều mốc trên mặt đất gồm toàn cây rừng không phản xạ lại sóng radar. Đây là một vấn đề hóc búa.

Phản ứng duy nhất của cơ trưởng là: “OK”. Anh ấy hiểu tình hình và tin tưởng để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ.

“Phi hành đoàn, Hoa tiêu, chúng ta đang trên vùng biển và đi vào Vịnh Bắc Bộ”.

Vùng đe dọa

“Phi công, Hoa tiêu, sang trái 2-9-0 (độ). Phi hành đoàn, còn 7 phút nữa là tới điểm rẽ tiếp theo. Chúng ta cách bờ biển 96,5km. Còn 17 phút nữa là tới mục tiêu”.

Tôi hướng dẫn sĩ quan tác chiến điện tử Dickens theo dõi các tên lửa SAM, dù cho tôi biết anh ấy đã tập trung vào nhiệm vụ đó rồi: “Tác chiến điện tử, Hoa tiêu, vùng đe dọa tại điểm rẽ”.

“Phi hành đoàn, Tác chiến điện tử, tôi phát nhiễu điện tử vào 2 hướng: 1h và 9h. Không có uplink nào.” Một “uplink” có nghĩa là radar mặt đất của Bắc Việt đang gửi tín hiệu dẫn đường cho tên lửa. Không uplink là tin tức tốt cho chúng tôi. Vì như thế là chúng tôi sẽ dễ dàng hơn trong việc tránh 2 quả tên lửa của đối phương.

“Phi công, Hoa tiêu, sang phải 3-5-5. Phi hành đoàn, cách bờ biển 32km. Hoa tiêu radar, hoàn thành kiểm tra.”

Chúng tôi cách Hà Nội 113km. Purinton kêu lên: “Tôi phát hiện 1 tên lửa SAM”.

“Tác chiến điện tử có dẫn đường!”

Các quả SAM đột ngột ùa đến sát chúng tôi như một bầy ong nổi giận. Chúng tôi sau đó được thông báo rằng hơn 200 quả tên lửa đã phóng vào 7 đợt sóng B-52 đêm đó. Các oanh tạc cơ của chúng tôi không thể nào chạy trốn các tên lửa đó, vì chúng tôi bay ở tốc độ hành trình 724km/h, trong khi đó tên lửa SAM bay với tốc độ 3.862km/h.

Khi nhận ra chưa bị SAM đánh trúng, chúng tôi lập tức quay lại với công việc và sẵn sàng tung đòn hủy diệt nhằm vào kho xe Văn Điển, cách trung tâm Hà Nội 29km về phía Nam.

“Phi hành đoàn, súng máy” – pháo thủ đuôi Creasser hô. Anh này ngồi phía sau chúng tôi 43m. “Tôi phát hiện máy bay đối phương ở vị trí 7h, đang theo dõi”.

Pháo thủ này phụ trách 4 súng máy 12,7mm, mỗi khẩu có 600 viên đạn. Anh sử dụng radar để theo dõi và ngắm bắn máy bay đối phương. Nhưng chiếc máy bay mà Creasser phát hiện lần này hóa ra lại là một chiếc phi cơ hộ tống của phe ta, chiếc F-4 Phantom II.

Các bàn nhỏ của chúng tôi trên tầng dưới máy bay phủ đầy bản đồ, thước đo độ, bản kiểm tra, đồng hồ, và một loạt thiết bị định hướng. Giữa đồng đồ nghề đó, hoa tiêu radar và tôi tuân thủ quy trình giữ cho phi cơ bay đúng giờ và đúng hành trình để đi vào vùng chuẩn bị rải bom ở Hà Nội.

“Hoa tiêu radar, Hoa tiêu, xác nhận điểm phản hồi là Thái Bình”. Thái Bình là một thị xã cách Hà Nội khoảng 113km.

Beaudoin đặt cự ly radar ở mức 161km, và Hà Nội hiện lên ở vị trí 11h của chúng tôi. Tôi nhìn chăm chú vào đó một lúc, băn khoăn cái gì sẽ đợi chúng tôi ở đây.

“Đúng đấy, Hoa tiêu. Đó là Thái Bình”.

Cường độ trao đổi qua điện thoại nội bộ nóng dần lên khi chúng tôi tiến đến gần mục tiêu. Cơ phó, pháo thủ và cơ trưởng hô có tên lửa SAM phóng lên và nêu hướng tên lửa so với máy bay.

Sĩ quan tác chiến điện tử xác nhận thông tin về tên lửa SAM và nói với chúng tôi rằng các tên lửa này đã khóa mục tiêu lên chúng tôi. Beaudoin và tôi báo cáo các điểm bay, thời gian tới mục tiêu và các điểm hành động, cảnh báo các thành viên trong tổ bay về nhiệm vụ cần thực hiện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cận cảnh tên lửa SAM-2 từng “vít cổ” máy bay B-52 của Mỹ
Cận cảnh tên lửa SAM-2 từng “vít cổ” máy bay B-52 của Mỹ

VOV.VN - Với lối đánh sáng tạo, bộ đội tên lửa Việt Nam đã dùng SAM-2 bắn hạ hàng chục phi cơ chiến lược B-52 – một chiến tích chưa quân đội nào khác làm được.

Cận cảnh tên lửa SAM-2 từng “vít cổ” máy bay B-52 của Mỹ

Cận cảnh tên lửa SAM-2 từng “vít cổ” máy bay B-52 của Mỹ

VOV.VN - Với lối đánh sáng tạo, bộ đội tên lửa Việt Nam đã dùng SAM-2 bắn hạ hàng chục phi cơ chiến lược B-52 – một chiến tích chưa quân đội nào khác làm được.

Phương Tây viết về chiến thuật của các phi công “Ace” của Việt Nam
Phương Tây viết về chiến thuật của các phi công “Ace” của Việt Nam

VOV.VN - Với chiến thuật sáng tạo, phi công Việt Nam sử dụng máy bay cũ hơn đối phó hiệu quả với lực lượng không quân đông đảo và dày dạn kinh nghiệm của Mỹ.

Phương Tây viết về chiến thuật của các phi công “Ace” của Việt Nam

Phương Tây viết về chiến thuật của các phi công “Ace” của Việt Nam

VOV.VN - Với chiến thuật sáng tạo, phi công Việt Nam sử dụng máy bay cũ hơn đối phó hiệu quả với lực lượng không quân đông đảo và dày dạn kinh nghiệm của Mỹ.

Quân viễn chinh Mỹ bất lực trước xe đạp thồ của “Việt Cộng”
Quân viễn chinh Mỹ bất lực trước xe đạp thồ của “Việt Cộng”

VOV.VN - Tiềm lực và trình độ công nghệ của quân đội Mỹ lớn hơn quân đội Pháp rất nhiều. Thế nhưng xe đạp thồ vẫn phát huy tác dụng trong kháng chiến chống Mỹ.

Quân viễn chinh Mỹ bất lực trước xe đạp thồ của “Việt Cộng”

Quân viễn chinh Mỹ bất lực trước xe đạp thồ của “Việt Cộng”

VOV.VN - Tiềm lực và trình độ công nghệ của quân đội Mỹ lớn hơn quân đội Pháp rất nhiều. Thế nhưng xe đạp thồ vẫn phát huy tác dụng trong kháng chiến chống Mỹ.

Chiến thuật không chiến xuất sắc của phi công Đức Oswald Boelcke
Chiến thuật không chiến xuất sắc của phi công Đức Oswald Boelcke

VOV.VN - Là phi công quân sự giỏi, Oswald Boelcke rất chú ý đến xây dựng chiến thuật và công tác đào tạo cũng như tinh thần lập công tập thể.

Chiến thuật không chiến xuất sắc của phi công Đức Oswald Boelcke

Chiến thuật không chiến xuất sắc của phi công Đức Oswald Boelcke

VOV.VN - Là phi công quân sự giỏi, Oswald Boelcke rất chú ý đến xây dựng chiến thuật và công tác đào tạo cũng như tinh thần lập công tập thể.

Chiến dịch tâm lý của Mỹ mua chuộc các phi công MiG-15 Triều Tiên
Chiến dịch tâm lý của Mỹ mua chuộc các phi công MiG-15 Triều Tiên

VOV.VN - Trong Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã mở một cuộc tâm lý chiến để dụ dỗ các phi công Triều Tiên đào tẩu cùng với máy bay MiG-15.

Chiến dịch tâm lý của Mỹ mua chuộc các phi công MiG-15 Triều Tiên

Chiến dịch tâm lý của Mỹ mua chuộc các phi công MiG-15 Triều Tiên

VOV.VN - Trong Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã mở một cuộc tâm lý chiến để dụ dỗ các phi công Triều Tiên đào tẩu cùng với máy bay MiG-15.