GRU đã đoạt được những thông tin tuyệt mật nào trong và sau chiến tranh?

VOV.VN - Trên mặt trận vô hình, các lực lượng tình báo Liên Xô đã có những đóng góp vô giá cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Xô viết, đặc biệt trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Tổng cục tình báo GRU là cơ quan tình báo đối ngoại của Bộ Quốc phòng, chỉ huy mạng lưới tình báo quân sự trong Lực lượng vũ trang Liên Xô, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô. Tổng cục và các bộ phận của nó, bao gồm cả tình báo vũ trụ, điện tử và các loại hình khác, tham gia thu thập thông tin phục vụ các Lực lượng vũ trang Liên Xô.

Tháng 11/1918, Hội đồng Quân sự Cách mạng Cộng hòa (RVSR) đã phê chuẩn biên chế của Bộ Chỉ huy Chiến trường thuộc RVSR, bao gồm Cục quân báo với chức năng điều phối các nhánh và cơ quan tình báo, chuẩn bị thông tin tình báo cho Bộ Chỉ huy Chiến trường của Hồng quân. Cục Quân báo trở thành cơ quan trung ương đầu tiên của phản gián quân sự và ngày 5/11/1918, được coi là ngày thành lập của ngành tình báo quân sự Liên Xô (bây giờ Nga).

Tháng 2/1921, để tạo ra một cơ quan chỉ huy duy nhất các lực lượng vũ trang, Bộ Chỉ huy Chiến trường RVSR đã được hợp nhất với Bộ chỉ huy toàn Nga thành Bộ chỉ huy của Hồng quân. Cục quân báo trở thành một phần của thực thể mới được hình thành này. Trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, cán bộ chiến sĩ GRU đã lập được nhiều chiến công xuất sắc mà dưới đây là những thành công quan trọng nhất.

Khẳng định chiến tranh là điều không thể tránh khỏi

Một trong những sĩ quan tình báo Liên Xô nổi tiếng nhất là Richard Sorge - Thư ký Báo chí tại Đại sứ quán Đức ở Tokyo. Vài tháng trước khi chiến tranh nổ ra, ông đã cảnh báo giới lãnh đạo Liên Xô về cuộc tấn công của phát xít Đức. Tuy nhiên, kể từ năm 1937, bản thân Sorge bị nghi ngờ, vì vậy các thông tin của điệp viên này bị cho là "khiếm khuyết về mặt chính trị".

Kể từ tháng 3/1941, Sorge đã đánh động với các thông tin về cuộc chiến sắp xảy ra. Ông không phải là sĩ quan tình báo Liên Xô duy nhất cảnh báo về hiểm họa chiến tranh. Đáng buồn, thông tin đã không được quan tâm đúng mức.

Mạng lưới của “đồng chí Harry”

Vào cuối những năm 1930, sĩ quan tình báo Liên Xô Henry Robinson đã tạo ra một mạng lưới gián điệp đáng tin cậy ở châu Âu chuyên thu thập thông tin về việc phát triển các thiết bị quân sự. Các điệp viên của Robinson đã cung cấp thông tin về việc phát triển và xây dựng các nhà máy sản xuất các loại vũ khí mới có giá trị đặc biệt, không chỉ ở Đức, mà còn ở Pháp, Anh, Italy và các nước khác.

Robinson đã gửi các mẫu đạn pháo mới, mặt nạ phòng độc của Đức, thiết bị dưỡng khí cho phi công, mẫu vỏ giáp cho xe tăng về Trung tâm. Sau khi Thế chiến II bùng nổ, các điệp viên của Robinson tập trung vào các hoạt động tình báo chống lại Đức, theo dõi việc chuyển quân và kế hoạch của Bộ chỉ huy Đức. Robinson là một trong những người đã báo cáo Trung tâm về cuộc tấn công nhằm vào Liên Xô sắp diễn ra.

Luci

Kể từ năm 1942, một trong những điệp viên hiệu quả nhất là Rudolf Ressler, biệt danh "Luci", bắt đầu làm việc cho tình báo Liên Xô. Thông qua nhóm điệp viên, đặc vụ Liên Xô Sandor Rado đã chuyển về Liên Xô những thông tin quan trọng nhất về vũ khí của Đức và các động thái điều quân của quân đội Đức Quốc xã.

Thông tin của Ressler đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân đội Liên Xô tại Vòng cung Kursk - chi tiết về Chiến dịch Thành cổ đã được chuyển về Moscow vài tháng trước khi nó bắt đầu. Ressler cũng cung cấp thông tin về vũ khí, thiết bị của Đức, đặc biệt, đã thông báo cho Moscow về các đặc tính kỹ chiến thuật của xe tăng Panther.

Nhà thờ Đỏ

Trong Thế chiến II, một mạng lưới tình báo chống phát xít rộng lớn, sau này được gọi là “Nhà thờ Đỏ”, hoạt động ở châu Âu, bao gồm các trinh sát và thành viên của quân Kháng chiến từ các quốc gia khác nhau, và cả các đặc vụ của GRU. Một trong những nhân vật chủ chốt xây dựng Nhà thờ Đỏ là sĩ quan tình báo Liên Xô Anatoly Gurevich.

Trước đó, tháng 3/1940, ông báo cáo với Moscow rằng Đức đang chuẩn bị chiến tranh với Liên Xô. Và vào năm 1941, Gurevich đã thông báo trước về kế hoạch tấn công của quân Đức ở Kavkaz và Stalingrad, giúp Hồng quân Liên Xô có được lợi thế chiến lược trong việc chuẩn bị phòng thủ, đẩy lùi các cuộc tấn công.

Vương miện

Vào đầu những năm 1940, điệp viên Liên Xô Yan Chernyak đã tạo ra một mạng lưới tình báo ở Đức với mật danh là “Vương miện” (Krona). Chernyak đã chiêu mộ được hơn hai chục đặc vụ, những người cung cấp thông tin quan trọng nhất về sự phát triển vũ khí của Đức và các kế hoạch chiến lược của Hitler. Năm 1941, Chernyak có được một bản sao của kế hoạch Barbarossa gửi cho Bộ chỉ huy Liên Xô.

Nhờ thông tin của các điệp viên Chernyak, người ta có thể tạo ra các trạm radar để chống lại các cuộc tập kích đường không của không quân phát xít. Chernyak truyền thông tin về xe tăng và pháo binh Đức, sự phát triển của vũ khí phản lực và hóa học, các công trình nghiên cứu kỹ thuật vô tuyến điện. Chỉ trong năm 1944, ông đã chuyển hơn 12.000 trang thông tin kỹ thuật chi tiết và hơn 60 mẫu thiết bị vô tuyến điện về Moscow.

Trước trận Kursk, Chernyak đã cung cấp thông tin về những chiếc xe tăng mới nhất của Đức "Tiger" và "Panther" vào thời điểm đó. Không giống như "Nhà thờ Đỏ" - bị phản gián của Hitler khám phá, mạng lưới điệp viên "Krona" đã thoát khỏi số phận này. Không một đặc vụ nào của Chernyak bị lộ.

Bí mật nguyên tử

Phát triển vũ khí nguyên tử là nhiệm vụ quan trọng nhất mà Liên Xô phải đối mặt sau khi Thế chiến II kết thúc. Các nỗ lực của một số lượng lớn các đặc vụ GRU là nhằm thu được những bí mật của phương Tây trong lĩnh vực vũ khí nguyên tử, và nếu không có đóng góp của các lực lượng tình báo thì việc phát triển vũ khí hạt nhân đã không thành công.

Nhân vật quan trọng nhất trong hoạt động này là nhà vật lý người Đức Klaus Fuchs. Ông đã nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân từ năm 1941 trong khuôn khổ dự án "Tube Elois" của Anh. Cùng năm đó, Fuchs lần đầu tiên liên lạc với tình báo Liên Xô và chuyển những thông tin đầu tiên cho Moscow, buộc Liên Xô phải đẩy nhanh quá trình phát triển bom nguyên tử - năm 1942, sắc lệnh số 2352ss của GKO "Về tổ chức công việc về uranium" được ban hành.

Tại Anh, thông qua đặc vụ GRU Ruth Werner (còn gọi là Ursula Kuchinski, hay "Sonya"), Klaus Fuchs đã chuyển thông tin về sự phát triển hạt nhân cho phía Liên Xô cho đến năm 1943, khi ông cùng các đồng nghiệp của mình sang Mỹ. Trong khuôn khổ Dự án Manhattan, các nhà khoa học Mỹ và Anh đã hợp lực để tạo ra một quả bom nguyên tử. Fuchs đã được tham gia tất cả các giai đoạn phát triển.

Ông đã chuyển thông tin tuyệt mật cho Liên Xô thông qua Harry Gold, một nhà hóa học từ Philadelphia, được tuyển dụng vào năm 1936. Tổng cộng, từ năm 1941 đến năm 1943, hơn 570 trang thông tin về vật liệu uranium cho dự án phát triển vũ khí hạt nhân ở Liên Xô đã được nhận từ Klaus Fuchs, thúc đẩy nhanh đáng kể quá trình tạo ra vũ khí đối trọng với Mỹ.

Mạng lưới tình báo Arthur Adams

Một nguồn thông tin quan trọng khác cho phía Liên Xô về dự án hạt nhân của Mỹ có được nhờ mạng lưới tình báo của Arthur Adams, điệp viên GRU. Tháng 1/1944, Adams đã tuyển dụng được một nhà khoa học có mật danh là "Kemp" (tên thật của ông ta vẫn chưa được biết đến). Nhà khoa học đã trao cho điệp viên Liên Xô khoảng 1.000 trang tài liệu đã mật và các mẫu uranium và berili.

Tổng cộng, từ năm 1944 đến năm 1946, Adams đã gửi về Moscow hơn 10.000 trang tài liệu mật liên quan đến việc phát triển vũ khí hạt nhân, cũng như các mẫu chất phòng xạ và thiết bị. Mặc dù thực tế là chính Adams đã bị lộ vào năm 1945, nhưng không một đặc vụ nào trong mạng lưới của ông bị lộ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

“Điệp viên nguy hiểm nhất thế kỷ” cứu Liên Xô khỏi đòn tấn công hạt nhân như thế nào?
“Điệp viên nguy hiểm nhất thế kỷ” cứu Liên Xô khỏi đòn tấn công hạt nhân như thế nào?

VOV.VN - Vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki không đơn thuần là một đòn tấn công buộc Nhật Bản đầu hàng, mà còn là thông điệp tới Liên Xô, nhắc nhở ghi nhớ công lao của các chiến sỹ trên mặt trận vô hình, nhờ họ mà vũ khí hạt nhân của Mỹ đã không bao giờ rơi xuống Nga.

“Điệp viên nguy hiểm nhất thế kỷ” cứu Liên Xô khỏi đòn tấn công hạt nhân như thế nào?

“Điệp viên nguy hiểm nhất thế kỷ” cứu Liên Xô khỏi đòn tấn công hạt nhân như thế nào?

VOV.VN - Vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki không đơn thuần là một đòn tấn công buộc Nhật Bản đầu hàng, mà còn là thông điệp tới Liên Xô, nhắc nhở ghi nhớ công lao của các chiến sỹ trên mặt trận vô hình, nhờ họ mà vũ khí hạt nhân của Mỹ đã không bao giờ rơi xuống Nga.

Những vụ thảm sát kinh hoàng của Đức Quốc xã trên đất Liên Xô
Những vụ thảm sát kinh hoàng của Đức Quốc xã trên đất Liên Xô

VOV.VN - Phát xít Đức và các đồng minh từng tìm cách hủy diệt dân số Liên Xô với quy mô lớn chưa từng có. Hàng nghìn thị trấn, làng mạc ở Liên Xô cùng người dân địa phương đã bị quân xâm lược xóa sổ hoàn toàn.

Những vụ thảm sát kinh hoàng của Đức Quốc xã trên đất Liên Xô

Những vụ thảm sát kinh hoàng của Đức Quốc xã trên đất Liên Xô

VOV.VN - Phát xít Đức và các đồng minh từng tìm cách hủy diệt dân số Liên Xô với quy mô lớn chưa từng có. Hàng nghìn thị trấn, làng mạc ở Liên Xô cùng người dân địa phương đã bị quân xâm lược xóa sổ hoàn toàn.

Liên Xô đã che đậy vụ nổ hạt nhân gần Moscow năm 1971 như thế nào?
Liên Xô đã che đậy vụ nổ hạt nhân gần Moscow năm 1971 như thế nào?

VOV.VN - Vụ tai nạn “Ivanovo Hiroshima” có thể dẫn tới nguy cơ một trong những nguồn nước quan trọng nhất của Liên Xô – sông Volga bị nhiễm phóng xạ. Nhưng rất may, điều này đã không xảy ra.

Liên Xô đã che đậy vụ nổ hạt nhân gần Moscow năm 1971 như thế nào?

Liên Xô đã che đậy vụ nổ hạt nhân gần Moscow năm 1971 như thế nào?

VOV.VN - Vụ tai nạn “Ivanovo Hiroshima” có thể dẫn tới nguy cơ một trong những nguồn nước quan trọng nhất của Liên Xô – sông Volga bị nhiễm phóng xạ. Nhưng rất may, điều này đã không xảy ra.