Kêu gọi “Thánh chiến” vì Syria trên mạng xã hội
VOV.VN - Phương Tây đang rất lo ngại trước việc nhiều người phương Tây lên đường đến Syria theo lời kêu gọi thánh chiến trên mạng.
“Tôi là một người Pháp”, một người thanh niên trẻ đã nói như vậy trong một đoạn video phát trên You Tube khi đang cầm một khẩu AK và mặc chiếc áo trùm kín đầu và ngồi trước một lá cờ sọc đen trắng của mạng lưới al-Quaeda.
“Hỡi các anh em Hồi giáo của chúng ta tại Pháp, châu Âu và trên toàn thế giới, cuộc Thánh chiến ở Syria là bổn phận của chúng ta,” người thanh niên trẻ da trắng tóc vàng nhạt râu quai nón nói giọng miền Nam nước Pháp đang kêu gọi những người xem video của mình tham gia với anh và những người anh em đồng chí của họ chiến đấu tại Syria.
“Có rất nhiều người Hồi giáo trên toàn thế giới và chúng tôi cần tất cả các bạn”.
Những hình ảnh kêu gọi "Thánh chiến" như này rất dễ gặp trên mạng (Ảnh Today) |
Mặc dù Mỹ và các đồng minh châu Âu của mình đã ủng hộ các nhóm nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, họ vẫn coi một vài nhóm nổi dậy khác là những tổ chức khủng bố nguy hiểm có liên quan đến al-Quaeda.
Các quan chức phương Tây nói rằng họ lo lắng về mối đe dọa từ chính những người dân nước mình đang tiến ra nước ngoài để chiến đấu tại Syria và thậm chí có thể quay lại tấn công chính Tổ quốc mình.
“Những người có quốc tịch Pháp đang chiến đấu tại Syria là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với an ninh của Pháp,” một quan chức ngoại giao cao cấp của Pháp đã nói.
Những kẻ cấp tiến đổ dồn đến Syria đã cập nhật được tình hình chiến sự tại nước này thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube và các diễn đàn cá nhân. Các chuyên gia an ninh nói rằng điều này làm cho việc đánh sập các trang mạng đang lôi kéo họ vào vấn đề Syria trở nên cực kì khó khăn.
“Chủ nghĩa Hồi giáo cấp tiến hiện nay không còn đi kèm với việc rao giảng thông qua những người truyền giáo tại các nhà thờ như trước đây. Thay vì thế các cá nhân đang sử dụng Internet như một phương tiện để tuyên truyền”, nhà xã hội học Samir Amghar, tác giả cuốn “Phiến quân Hồi giáo tại Châu Âu”, cho biết.
Trong khi phương Tây đang xem xét việc tấn công Syria, có khoảng 600 người châu Âu đã sẵn sàng tham gia chiến đấu chống lại phương Tây, Liên minh Châu Âu (EU) cho hay.
EU vào tháng 5 cũng đã yêu cầu việc theo dõi tốt hơn nữa các trang mạng xã hội để có thể xác định được những đối tượng tham chiến là người phương Tây.
Một số lượng nhỏ người Mỹ cũng được cho là đã tham gia chiến đấu. Một người phụ nữ đã cải sang đạo Hồi ở Michigan cũng chính là người Mỹ đầu tiên bị chết trong những cuộc nổi loạn vào hồi tháng 5.
Các chuyên gia máy tính và cảnh sát cho rằng việc dập tắt những thông tin tuyển quân trên mạng là cực kì khó khăn bởi số lượng thông tin khổng lồ, sự chậm trễ trong việc thu thập các bằng chứng số, khó khăn trong việc hợp tác xuyên biên giới cũng như sự không chắc chắn trong việc buộc tội ở các nước vốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
“Tôi mô tả đó là một nhiệm vụ lặp đi lặp lại”, ông Shiaz Maher của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Chủ nghĩa Cấp tiến tại King’s College, London nói.
“Bạn cố gắng để dập tắt nó nhưng bằng cách này hay bằng cách khác nó sẽ quay trở lại.”
“Làm thế nào để bạn có thể đương đầu với nó? Câu trả lời đơn thuần là không thể vì nó vẫn ở đó với một số lượng tăng lên đáng kể”.
Hãy đến Syria
Syria giờ đang là chủ đề bao trùm toàn bộ những cuộc thảo luận của người Hồi giáo trên mạng, vượt xa cả những vấn đề xung đột ở Afghanistan, Iraq, Lybia và Mali. Khoảng 40 nhóm phiến quân đang cập nhật những báo cáo trực tiếp ngay tại Syria, ông Laith Alkhouri, người phân tích chính của tổ chức tư vấn về an ninh Flashpoint Global Partners cho hay.
Chỉ sau một vài lần ấn phím là những người Đức, Ý, Bỉ, Anh, Mỹ, Australia Hồi giáo hay mới cải đạo có thể đưa lên mạng những thông tin khuyến khích những người đồng hương của mình rời Tổ quốc và cầm súng chiến đấu tại Syria.
“Hỡi các anh em! Các bạn không cần ai dắt tay mình đến đó (Syria). Chỉ cần một chút nguồn lực và bạn đã có thể ra đi!” một người có nickname là Erwan đã đăng lên diễn đàn của những người Hồi giáo cấp tiến ở Pháp Ansar Al Haqq hôm 23/6. Anh còn đưa lên cả những trang liên kết chỉ ra cách thức dễ dàng nhất để đến Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà chức trách đôi lúc chọn cách đóng cửa hoặc phá hoại trang web của các nhóm mà họ xác định là khủng bố. Đây là cách mà Anh và Mỹ đã làm để giải quyết vấn đề trên mạng liên quan đến một tạp chí tiếng Anh ủng hộ al Qaeda.
Thủ tướng Anh David Cameron trong tháng Sáu đã tuyên bố rằng kể từ năm 2011 cảnh sát đã xóa bỏ 5.700 nội dung trực tuyến liên quan đến khủng bố.
Mặc dù vậy con số này chỉ là “muối bỏ bể” so với con số ước tính khoảng 50.000 trang web cực đoan trên toàn thế giới, theo kết quả thu thập và phân tích dữ liệu từ những diễn đàn thánh chiến toàn cầu của dự án Trang Web Đen của Đại học Arizona.
Một người dân phương Tây sát cánh cùng những chiến binh Syria (Ảnh New York Daily News) |
Trong khi đó chính phủ các nước và các trang mạng xã hội chủ chốt cũng đã nhanh chóng gỡ bỏ toàn bộ những nội dung có tính khiêu khích rõ ràng, bao gồm những hình ảnh về tù nhân bị chặt đầu, thì hầu hết các nội dung còn lại ít rõ ràng hơn vẫn bị bỏ lọt.
Trong nỗ lực để loại bỏ những nội dung mà họ coi là “nguy hiểm” trên các trang web, các nhà chức trách cũng đã phải đưa ra một định nghĩa rõ ràng về những phát biểu chính trị cần được bảo vệ ở hầu hết các nước phương Tây và những lời lẽ mang tính chất khiêu khích cần phải bị cấm.
Nhà xã hội học Amghar nói rằng có rất nhiều những trang web đang cổ súy những tư tưởng cực đoan thay vì kêu gọi bạo lực.
“Nhiệm vụ của những trang này không phải là khuyến khích từng cá nhân tấn công, gây chiến mà chỉ là gìn giữ tư tưởng về thánh chiến trong tâm trí mọi người”, ông nói. “Hậu quả của nó thật khó mà đong đếm chính xác.”
Cả Pháp và Đức đã phải dừng việc cấm đưa những nội dung này trên mạng trong suốt hai năm qua do gặp phải rất nhiều khó khăn để dập tắt những nội dung này trên Internet.
Việc phương Tây chống đối Tổng thống Assad càng làm “vấy bẩn” thêm vấn đề này. Điều này có nghĩa là bất kì người phương Tây nào chiến đấu chống lại chính quyền của ông này và bất kỳ ai trên Internet kêu gọi họ làm như vậy đều dường như là đứng về phía các nhà cầm quyền phương Tây.
Thẩm phán hàng đầu về chống khủng bố của Pháp, Marc Trevidic đã tiên đoán những thách thức trong việc buộc tội trở lại những người phương Tây đang quay trở về nhà bởi việc theo dõi những hoạt động của họ trong các phong trào và các nhóm như Mặt trận al-Nursa thân al Quaeda mà phương Tây coi như là những tổ chức khủng bố là cực kì khó khăn. Việc đăng video tuyển quân đôi khi cũng bị coi là thiếu bằng chứng cần thiết để buộc tội.
“Chúng ta coi việc tuyển quân cho thánh chiến là khủng bố nhưng mọi thứ không hề đơn giản như vậy”, Trevidic đã tuyên bố trước Ủy ban Chống khủng bố của Quốc hội vào tháng 2.
Pháp đã mở 5 cuộc điều tra về khủng bố liên quan đến Syria nhưng không có trường hợp nào được chuyển lên tòa án, theo nguồn tin của Bộ Tư pháp nước này.
Các chuyên gia an ninh cho rằng có rất nhiều lợi ích trong giám sát những thông tin cực đoan được đưa lên mạng.
“Đó là công cụ tuyệt vời phục vụ công tác tình báo”, nhà tội phạm học Alain Bauer, một cựu cố vấn an ninh cho cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho hay.
“Tình báo phương Tây cần phải “trao huy chương” cho Facebook, YouTube và nhiều trang khác nữa”.
Theo một báo cáo hôm 24/5 của Quốc hội Pháp về khủng bố thì 80% các vụ án khủng bố được đưa ra tòa án nước này là hoàn toàn dựa trên các bằng chứng từ Internet.
“Họ dần đã nhận thức rất rõ khi nào phải dập tắt hoàn toàn những luồng thông tin này và khi nào thì cần phải giám sát thêm”, ông Maher nói.
Việc các nhà cầm quyền cố gắng gỡ bỏ các nội dung này trên trang web thường là quá chậm trễ và không có hiệu quả. Thường phải mất hàng tháng thì YouTube mới đáp ứng nhu cầu của chính quyền gỡ bỏ các nội dung có tính khiêu khích. Trong thời gian đó thì hàng trăm bản khác đã được copy và đẩy lại cùng với hàng loạt những video trên Twitter.
Một hệ thống cho phép người dùng đánh dấu những nội dung không phù hợp thì có thể sẽ đẩy nhanh quá trình này. Nhưng kể cả như vậy thì việc mỗi phút có tới tổng cộng 27 giờ video được đẩy lên YouTube cũng làm cho hệ thống này trở nên quá chậm chạp.
“Chỉ mất khoảng 5 phút để đẩy một video dài 1 tiếng nhưng phải mất tời 5 tháng để YouTube có thể nhận biết được video này”, Alkhouri từ Flashpoint nói.
Một phát ngôn viên của Google, cơ quan chủ quản của YouTube, nói rằng tập đoàn này phản ứng nhanh chóng ngay khi người dùng đánh dấu nội dung bị cấm theo chính sách của họ, ví dụ như là khiêu khích bạo lực.
Với số lượng nội dung khổng lồ như vậy thì cảnh sát phương Tây cần một công cụ thông minh hơn cho phép họ chỉ rõ và phân tích những nội dung nguy hiểm nhất. Tuy nhiên hầu hết các nước đều không có công cụ này, ông Hsinchun Chen người cũng tham gia dự án Trang Web Đen của Đại học Arizona nói.
“Việc này cũng tương tự như việc uống nước cùng một lúc ở 5 vòi nước khác nhau, nội dung thì cứ tuôn ra ào ào và bạn không thể kiểm soát được nó”.
Cổng Trang Web Đen của Chen dựa chủ yếu vào việc đào sâu và phân tích nội dung và dữ liệu từ nhiều ngôn ngữ để thu thập và tìm ra những trang web có nội dung khủng bố. Ông nói rằng hệ thống tương tự để thu thập thông tin mới chỉ được các cơ quan an ninh của Mỹ và Israel sử dụng.
“Các cơ quan an ninh là chuyên gia trong lĩnh vực điều tra nhưng hầu hết họ đều không phải là chuyên gia về khoa học máy tính. Họ không có nguồn lực và khả năng để thu thập một lượng thông tin khổng lồ như vậy một cách có hệ thống”, Chen nói. “Đáng ra họ phải có hệ thống như vậy vì nó hoàn toàn có sẵn.”
Điều này cũng làm nổi bật lên vấn đề về an ninh vốn đang nổi cộm lên ở Mỹ kể từ khi cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ rằng Cơ quan An Ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đang thu thập một lượng lớn dữ liệu từ các cuộc gọi điện thoại cũng như trên Internet.
Trong bản báo cáo tháng 5 của mình, một ủy ban của Quốc hội Pháp đã yêu cầu tăng cường khả năng kỹ thuật của việc tự động hóa việc giám sát Internet. Tuy nhiên ủy ban này cũng nói thêm rằng việc tuyển dụng những kỹ sư tay nghề cao là cực kì khó khăn.
Mối đe dọa khẩn cấp và lâu dài
Đấu tranh chống lại những nội dung cực đoan trên mạng đòi hỏi hợp tác cùng phản ứng xuyên biên giới bởi một trang web có thể xuất hiện ở một nước nhưng lại đặt máy chủ ở một nước khác.
Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin có thể bị chậm và bản chất nhạy cảm của các trường hợp khủng bố có thể làm chậm thêm quá trình phản ứng này.
“Ngay khi bạn nhắc đến khủng bố và an ninh quốc gia thì cũng có những luật lệ hoàn toàn khác biệt cho vấn đề này”, Troels Oerting, Giám đốc Trung tâm Tội phạm Trên mạng thuộc Cảnh sát châu Âu nói.
“An ninh quốc gia là vấn đề mang tính riêng biệt của từng quốc gia, nó không mang tính quốc tế”.
Một ví dụ là Malika el Aroud, một công dân Bỉ-Marocco bị Thụy Sỹ kết án năm 2007 vì đã điều hành một trang web tuyển những binh lính Hồi giáo chiến đấu cho Afghanistan tại nước này và một trang khác tại Bỉ. Một tòa án tại Bỉ cũng đã kết án tù cô vào năm 2010.
Cảnh sát đang rất nỗ lực để có thể vạch ra những nguy cơ trước mắt và những nguy cơ lâu dài do thông tin của những binh lính chiến đấu ở Syria trở về gây nên.
“Nếu tôi là một sỹ quan an ninh ở Paris và mối lo lắng hàng đầu của tôi là đảm bảo rằng không có gì xảy ra ở ga xe điện ngầm thành phố, tôi sẽ không lo lắng về những gã kêu gào đến Syria”, ông Maher nói.
“Nguy cơ ngay trước mắt đến từ những gã đang chế bom ở ngoại ô Paris’, ông nói. “Bạn phải cân bằng những nguồn lực cho phù hợp với những mối đe dọa trước mắt và những mối đe dọa mới phát sinh và phải mất hàng năm trời để chín mùi”./.