Khoảnh khắc Chiến tranh Việt Nam và nỗi ám ảnh đối với cựu binh Mỹ
VOV.VN - Người cựu binh Mỹ từng trải qua những khoảnh khắc ám ảnh trong Chiến tranh Việt Nam không ngờ có dịp được gặp lại người bên kia chiến tuyến.
LTS: VOV.VN xin giới thiệu một bài viết đăng trên trang web philly.com của Mỹ nói về cuộc hội ngộ xúc động giữa một cựu binh Mỹ từng tham chiến và bị thương nặng ở Việt Nam với một cựu chiến binh Quân đội nhân dân Việt Nam. Tít phụ trong bài do VOV.VN đặt.
Tình cờ gặp con gái của cựu thù
Ông Dennis Murphy nhìn thấy người phụ nữ trẻ khi cô đang đứng ở tầng 1 của tòa nhà chính bên trong Đại học Rosemont, ngơ ngác nhìn xung quanh. Ông nghĩ mình nên nói lời chào.
Cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam giới thiệu bộ quân phục của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam mà ông Nguyen Thu tặng lại cho ông. Ảnh: Philly. |
Đây là ngày đầu tiên Nguyen Phuong có mặt trong khuôn viên Đại học Rosemont. Cô nói với Murphy – nhân viên tiếp nhận tân sinh viên của ngôi trường đại học Công giáo này, rằng cô mới từ Việt Nam sang để theo học chương trình thạc sĩ.
Murphy nói với cô là mình từng đến Việt Nam một lần, để tham chiến ở đó.
Cô Phuong đáp: “Cha tôi cũng chiến đấu trong cuộc chiến chống Mỹ (mà người Mỹ thường gọi là Chiến tranh Việt Nam- ND), bên phía miền Bắc".
Ông Murphy nhớ lại mình từng bị đối phương bắn tới 5 phát và suýt chết ở Việt Nam.
Sau đó, Murphy và bố của Phuong, ông Thu, đã trao đổi với nhau qua mạng Skype và khi gặp gỡ trực tiếp. Họ nhận ra, có thể thời chiến tranh, họ chiến đấu trong phạm vi cách nhau khoảng 48km.
Giờ đây hai người đàn ông đã 65 tuổi này gặp lại nhau ở Philadephia, Mỹ. Họ gác quá khứ qua một bên và gây dựng tình bạn bè thông qua chiếc cầu nối là Phuong- con gái ông Thu.
Cha của Phuong nói với Murphy: “Nếu tôi có quyền lựa chọn, tôi sẽ chọn cầm bút hơn là cầm súng”.
Murphy biết số phận mình phải sang Việt Nam. Ông gia nhập Lục quân Mỹ vào năm 1969.
Sinh ra ở Philadelphia và lớn lên ở hạt Delaware, Murphy là thành viên trong một gia đình Công giáo Ireland sùng đạo. Gia đình Murphy có tới 6 người con nên có những khó khăn về tài chính. Ông tốt nghiệp trung học Monsignor Bonner. Sau đó ông chuyển tới đại học cộng đồng địa phương để theo học các lớp ban ngày. Ban đêm ông làm việc ở một nhà máy dệt.
Ông ra nước ngoài vào tháng 8/1970, trở thành quân nhân trong lữ đoàn Bộ binh hạng nhẹ số 196 và đóng quân ở khu vực Quân đoàn 1 thuộc chế độ “Việt Nam Cộng hòa” (tức “Vùng 1 chiến thuật” của ngụy - ND) nằm ở vùng giáp phía bắc của miền Nam Việt Nam.
Chàng trai 20 tuổi khi đó được giao sử dụng súng phóng lựu.
Giây phút khắc nghiệt của cuộc chiến
Murphy nhớ lại khoảnh khắc chiến tranh, khi một đồng đội kêu lên: “Tôi không muốn chết. Cứu tôi với, Murphy ơi.”
Murphy túm lấy đồng đội của mình và bắt đầu lôi người bạn đi. Nhưng đúng lúc ấy một viên đạn xuyên qua mắt cá của Murphy làm anh ngã xuống. Thêm một viên đạn nữa bắn trúng khớp phải của anh và sượt qua trán. Murphy lĩnh thêm 3 phát đạn nữa, hai ở lưng và một ở đùi.
Murphy biết mình không thể cứu bạn được nữa rồi.
Sau khi trúng đạn, Murphy giả vờ chết, rồi bò ra chỗ an toàn, miệng thì thầm cầu Chúa.
Chiến tranh tàn khốc qua lời kể của một “con tốt”
Sau đó Murphy phải trải qua hàng tuần điều trị tích cực tại một bệnh viện ở Nhật Bản, rồi tiếp đó là 6 tháng điều trị ở Quân y viện Valley Forge. Vết thương đã liền sẹo. Nhưng lưng của anh không còn có cảm giác như hồi trước nữa. Với những thương tật trong chiến tranh như thế này, Murphy được nhận các Huân chương Silver Star và Purple Heart của Mỹ dành cho các quân nhân.
Murphy nói trong nước mắt: “Tôi đã rất may mắn”.
Khi hồi phục, Murphy theo học và lấy được bằng cử nhân tại Đại học West Chester và bằng thạc sĩ ở Villanova. Kể từ năm 1977, ông làm trong lĩnh vực giáo dục đại học. Ông làm cho Đại học Rosemont từ tháng 6/2014, chỉ hai tháng trước khi gặp Nguyen Phuong.
Mỗi năm một lần, Murphy thăm các đồng đội đơn vị cũ còn sống, tại Fort Benning ở bang Georgia. Nhưng các lần gặp đó không gây xúc động mạnh cho ông bằng lần gặp gỡ bất ngờ với hai cha con ông Nguyen Thu.
Câu chuyện của người lính Việt
Cô Nguyen Phuong, 27 tuổi, đang làm trong lĩnh vực xuất bản ở Hà Nội thì nhận được học bổng Fulbright để theo học về ngành này ở Mỹ. Cha cô rất hứng khởi với chuyện cô con gái học ở Mỹ. Ông không hề hằn thù quốc gia mà ông từng chiến đấu chống lại.
Các kỷ vật chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: Philly. |
Phuong bắt đầu chương trình thạc sĩ ở Rosemont khi Murphy tình cờ phát hiện ra mối liên hệ với cô qua chiến tranh.
Khi lớn lên, Phuong thấy được tác động của cuộc chiến vẫn còn ảnh hưởng đến cha mình.
Ông Thu tòng quân vào tháng 8/1970 với vai trò lính trinh sát và từng là Tiểu đội phó.
Cô kể, cha mình chỉ giữ lại 2 kỷ vật từ thời kỳ chiến đấu trong 5 năm (1970-1975) – đó là bộ quân phục màu xanh ô-liu và chiếc phù hiệu bằng kim loại của một đồng đội mà ông tự tay chôn cất.
Phuong nhớ khi mình lên 7 tuổi, cô chứng kiến cảnh cha mình mặc quân phục rồi khóc. Khi ấy là tầm năm 1995 hoặc sau đó. Rồi ông kể cho cô về cái chết của đồng đội ông.
Bom nổ. Thi thể của 4 người lính bị xé nát, trong đó có người bạn của ông Thu. Ông gom các mảnh thi thể lại đặt trong một túi nylon rồi chôn trong một ngôi mộ tập thể.
Cha của Phuong không phải là người duy nhất trong gia đình bị tổn thương vì chiến tranh. Mẹ cô có một người anh trai hy sinh trong kháng chiến.
Hòa bình lập lại, cha cô làm quản lý trong ngành viễn thông. Sau khi nghỉ hưu, ông viết một cuốn sách về ngành này.
Mỗi năm ông cũng đều tụ họp với các đồng đội cũ cùng đơn vị. Nhưng chưa bao giờ ông gặp một ai bên kia chiến tuyến.
Khi Phuong kể cho cha về ông Murphy, ông Thu đã rất phấn khích. Sau đó Phuong bố trí cho hai người nói chuyện qua Skype còn cô làm phiên dịch. Cuộc gọi bằng Skype dẫn tới việc lên kế hoạch cho cả hai gặp mặt trực tiếp.
Hội ngộ xúc động
Hồi tháng 7/2015, cha mẹ của Phuong từ Việt Nam bay sang Mỹ, gặp ông Murphy ở nhà ăn của Đại học Rosemont. Hai người đàn ông bước bên nhau, ông Murphy cao hơn ông Thu một cái đầu.
Ông Thu tặng ông Murphy một cuốn sách – cuốn “Nỗi buồn Chiến tranh” (của nhà văn Bảo Ninh – ND) thể hiện sống động góc nhìn của người lính Bắc Việt (tức quân giải phóng). Ông cũng trao tặng Murphy bộ quân phục cũ của mình, được gói ghém cẩn thận như một món quà.
Trong lần gặp gỡ thứ 2, gia đình ông Thu tới thăm Đài tưởng niệm cựu binh ở hạt Delaware và ăn tối tại ngôi nhà của gia đình Murphy ở Wayne. Murphy tặng ông Thu bộ quân phục kaki của mình.
Hồi tháng 11 vừa rồi, cha của Phuong gửi email cho Murphy, trong đó ông có viết rằng ông hiểu Murphy đã xúc động thế nào khi đón nhận bộ quân phục mà ông Thu tặng. Ông Thu cũng cho biết, việc này đã giúp ông hiểu rằng mình có thể tha thứ cho quá khứ.
Về phần mình, Murphy cũng đánh giá cao món quà mà ông Thu đã dành tặng cho cựu thù. Murphy cho biết, món quà đã giúp ông ngộ ra nhiều điều.
Cựu binh Mỹ Murphy nói rằng việc hội ngộ với cựu binh bên kia chiến tuyến đã làm thay đổi ông, giúp ông có thêm góc nhìn mới.
Trong khi đó, cô Nguyen Phuong cho biết, giờ thì mình cảm thấy “khoan dung hơn”. Cô nhận xét: “Nếu hai người lính này - sau tất cả những gì mà họ đã trải qua, lại có thể trở thành bạn bè của nhau thì tất cả mọi người đều có thể làm bạn với nhau”./.