Không quân Liên Xô đã vượt qua không quân phát xít Đức như thế nào?
VOV.VN - Ban đầu, không quân Liên Xô lép vế trước đối thủ phát xít Đức. Nhưng sau đó, nhờ vào nhiều bài học xương máu và nỗ lực lớn, họ đã đảo ngược tình thế.
Không quân Liên Xô hứng chịu thất bại lớn nhất của họ trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược do Hitler tiến hành ở mặt trận phía đông vào năm 1941. Thảm họa này phơi bày các yếu kém hệ thống trong việc xây dựng không quân Liên Xô. Quân đội Xô viết sau đó phải mất vài năm và rất nhiều công sức mới loại bỏ được các điểm yếu này.
Phi cơ Yak-3 - loại máy bay tiêm kích nhẹ nhất và cơ động nhất Thế chiến 2. Ảnh: RIA Novosti.
Lực lượng quân sự Đức Quốc xã tiến vào lãnh thổ Liên Xô trong năm 1941 dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của không quân. Khi đó, một nhu cầu bức thiết đặt ra cho Hồng quân là bắt kịp Luftwaffe (không quân Đức Quốc xã) về mặt công nghệ hàng không. Thế nhưng nhiệm vụ này không dễ dàng chút nào.
Nỗ lực cải tiến
Năm 1942, sau khi Hồng quân Liên Xô hứng chịu nhiều thất bại trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc, các kỹ sư Xô viết đã tiến hành hiện đại hóa các máy bay mà lực lượng không quân Liên Xô (khi đó thuộc lục quân) triển khai chiến đấu.
Các kỹ sư này đã phải lao động cật lực để khắc phục nhược điểm kỹ thuật cơ bản của hàng không Liên Xô – động cơ hoạt động yếu kém. Nỗ lực này ban đầu tưởng là thành công ngay.
Các máy bay Yak của Liên Xô sánh được với các tiêm kích Đức về mặt tốc độ. Tuy nhiên, các trận chiến đầu tiên trên bầu trời Stalingrad cho thấy còn quá sớm để ăn mừng. Các máy bay tiêm kích mới của Đức một lần nữa khiến cho các phi công Liên Xô phải “ngồi chiếu dưới”. Mẫu máy bay Messerschmitt của Đức đã đẩy lùi đáng kể cuộc chơi trở lại tình hình của năm 1941.
Vì sao không quân Liên Xô thất bại trước phát xít Đức năm 1941?
Tình trạng lạc hậu về công nghệ này có thể bù lại bằng sự vượt trội về số lượng. Theo các ước tính của các chuyên gia Liên Xô, một máy bay Đức chọi được hai máy bay Liên Xô. Quân đội Liên Xô vì thế đẩy nhanh đáng kể tốc độ sản xuất máy bay tiêm kích, chấp nhận việc giảm sản xuất các loại máy bay chiến đấu khác, như là máy bay cường kích và máy bay ném bom.
Đồng thời, Liên Xô tiếp tục hoàn thiện các mẫu máy bay vốn là thế mạnh của họ và đang tham gia tác chiến.
Tuy nhiên để giải quyết tận gốc sự yếu kém, Liên Xô phải bắt tay chế tạo các máy bay mới vào năm thứ 3 của cuộc chiến tranh vệ quốc chống phát xít.
Một nữ phi công chuyên bay thử nghiệm máy bay Yak-1 và Yak-3 của Hồng quân. Ảnh: RIA. |
Cuối cùng các máy bay tiêm kích Yak-3 và La-7 không những không chịu khuất phục mà còn vượt trội so với máy bay Đức.
Quá trình cải tiến không đơn giản. Các nhược điểm cấu trúc vẫn còn và điều này khiến tỷ lệ tai nạn của máy bay nằm ở mức cao. Đến cuối cuộc chiến tranh, hơn 15% đội bay của không quân Xô viết được xác định là có khiếm khuyết. Tuy nhiên thông qua phép thử và sai, Hồng quân Liên Xô cuối cùng đã giải quyết được tình trạng lạc hậu về chất lượng.
Bước nhảy từ số lượng lên chất lượng
Trong không chiến, ưu thế số lượng không mang lại chiến thắng. Trên trời rất khó đè bẹp đối thủ chỉ bằng số lượng. Trong trường hợp có khoảng cách về chất lượng giữa đôi bên thì máy bay tiêm kích nào hiện đại hơn, cơ động hơn, dễ tránh truy đuổi hơn sẽ dễ dàng tiêu diệt máy bay đối phương trong một trận chiến riêng lẻ.
Điều này giải thích thực tế là dù có số lượng áp đảo trong hầu hết các trận chiến lớn của Thế chiến 2, không quân Liên Xô thường hứng chịu tổn thất lớn. Bộ tư lệnh Xô viết nhanh chóng nhận ra thực tế này và tìm cách khắc phục. Cơ cấu tổ chức của không quân đã được sắp xếp lại. Máy bay được phân về các đơn vị không quân tách biệt, gắn với các tập đoàn quân và phương diện quân tương ứng.
Phi công Mỹ giao chiến với phi công phát xít Đức trên bầu trời châu Âu
Không quân hợp tác ăn ý với các đơn vị lục quân và cố gắng lập công tập thể.
Liên lạc vô tuyến điện giữa các phi đoàn và các máy bay riêng lẻ cũng được cải tiến. Trước kia, các phi công cần nhất trí về cách phối hợp tác chiến ngay từ khi họ còn ở trên mặt đất. Nhưng khi ở trên không gần như luôn xuất hiện nhu cầu phải ứng biến và thay đổi tất cả đội hình chiến thuật. Về mặt này các phi công Đức đã thực hiện liên lạc bằng vô tuyến điện để tổ chức lại đội hình trên không một cách nhanh chóng.
Từ năm 1942-1943 trở đi, các phi công Liên Xô bắt đầu làm tương tự. Thay đổi này nhanh chóng mang lại kết quả tích cực. Các tổn thất của không quân phát xít Đức vào mùa hè và mùa thu năm 1942 vượt qua con số 7.000 máy bay – chiếm hơn 70% tổng số thiệt hại trong thời kỳ này.
Chinh phục bầu trời
Các trận không chiến giai đoạn 1942-1943 trên bầu trời vùng Volga và Kursk diễn ra với mức độ thành công khác nhau.
Hồng quân bắt đầu quá trình phát triển các kỹ thuật không chiến, điều chỉnh cách thức liên lạc và hợp tác bên trong các phi đoàn. Các kỹ sư đã hỗ trợ tích cực cho quá trình này. Năm 1943 các máy bay Liên Xô bắt đầu được trang bị các điện đài mới, cũng đóng vai trò radar.
Anh hùng Liên Xô - phi công Alexander Pokryshkin bên con "chim sắt" của mình. Ảnh: RIA. |
Hoạt động của ngành chế tạo máy bay Liên Xô đạt tới mức độ tối đa: Số lượng các động cơ được sản xuất lớn gấp 3 lần số động cơ bị mất trong chiến đấu. Đến năm 1944 ưu thế của đội bay tiêm kích Liên Xô đạt tới mức độ áp đảo đối phương. Hệ quả là, quân Đức buộc phải thực hiện các biện pháp như cắt giảm đáng kể quy mô của lực lượng máy bay ném bom và tăng cường lực lượng tiêm kích.
Quân Đồng minh đã hỗ trợ đáng kể máy bay cho Liên Xô. Các phi cơ tiêm kích Mỹ và Anh được gửi cho Liên Xô thông qua chương trình Lend-Lease, số lượng lên tới mức chiếm 13% tổng số các động cơ tương ứng được sản xuất ở Liên Xô. Trong số đó có các máy bay nổi tiếng như Air Cobra và King Cobra. Phi công Liên Xô lừng danh Alexander Pokryshkin được cho là từng lái một trong các chiếc Air Cobra đó.
Lao động cật lực cộng với sự hỗ trợ của đồng minh đã đem lại kết quả lớn: Đến cuối năm 1944, lực lượng không quân của Hồng quân đã làm chủ bầu trời. Đây là cơ sở cho sự hình thành một trong các lực lượng không quân tiên tiến nhất trên thế giới./.