Lầu Năm Góc tìm giải pháp tối ưu cho va ly hạt nhân
VOV.VN - Sự kiện va ly chứa mật mã dùng tấn công hạt nhân gần như nằm trong tầm với của nhóm đối tượng xông vào trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021 như giọt nước tràn ly buộc cơ quan giám sát của Lầu Năm Góc đánh giá quy trình an toàn và tìm giải pháp tối ưu cho “vật bất ly thân” của Tổng thống Mỹ.
Va ly hạt nhân
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Tổng thống John F. Kennedy lo ngại những phần tử cực đoan trong giới lãnh đạo Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Liên Xô mà không được sự chấp thuận của ông; ông cũng muốn mình có thể phát động cuộc tấn công hạt nhân chiến lược ở mọi nơi và va ly hạt nhân ra đời từ đó.
Va ly hạt nhân (tiếng Anh: nuclear football, cũng còn được gọi là atomic football, President's emergency satchel, Presidential Emergency Satchel, button, black box, hay chỉ là football) là một va ly đựng thiết bị được sử dụng để kích hoạt một cuộc tấn công hạt nhân. Mỹ là quốc gia đầu tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và cũng là nơi khai sinh chiếc va ly hạt nhân đầu tiên.
Có ít nhất 3 va ly được giao cho Tổng thống, Phó Tổng thống Mỹ và một người sống sót được chỉ định (thường là một thành viên nội các do Tổng thống chỉ định thực hiện mệnh lệnh trong trường hợp Tổng thống và Phó Tổng thống “có chuyện”). Va ly mang mã để thực hiện cuộc tấn công hạt nhân được kích hoạt bằng một thẻ nhựa này không bao giờ rời Tổng thống. Trong va ly còn chứa các danh sách hầm bí mật mà Tổng thống có thể trú ẩn nếu Mỹ bị tấn công hạt nhân; các kế hoạch tác chiến hạt nhân đáp trả đối phương đã được chuẩn bị sẵn; thiết bị kích hoạt hệ thống thông tin khẩn cấp, giúp Tổng thống Mỹ phát biểu trước toàn dân trong vòng 10 phút.
Sau khi Tổng thống lựa chọn phương thức tấn công, dùng mã xác nhận được niêm phong, mệnh lệnh sẽ được chuyển đến Lầu Năm Góc; tiếp theo, lệnh được chuyển đến Sở chỉ huy chiến lược Mỹ tại Căn cứ không quân Offutt tại Nebraska. Từ đây, lệnh tấn công được đưa đến đội thực hành, sử dụng mật mã đã được mã hóa. Nếu mật mã phải trùng khớp với mật mã đội thực hành đang giữ trong két sắt, cuộc tấn công sẽ mở màn. Về cơ bản, quyền kích hoạt cuộc tấn công hoàn toàn thuộc về Tổng thống. Cuối năm 2020, khi cựu Tổng thống Trump nhập viện điều trị vì mắc Covid-19, chiếc va ly hạt nhân cũng được xách theo ông trong suốt thời gian này, điều này là minh chứng về tầm quan trọng của nó.
Trên lý thuyết, Tổng thống là người kích hoạt nhưng Bộ trưởng Quốc phòng sẽ trực tiếp thực hiện. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể kháng lệnh nếu nghi ngờ động cơ của Tổng thống. Tuy nhiên, điều này sẽ phạm luật đảo chính và Tổng thống có thể bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng, chỉ định Thứ trưởng Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ. Theo Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, về lý thuyết, Phó Tổng thống có thể tuyên bố Tổng thống không đủ tỉnh táo đưa ra một quyết định đúng đắn, nhưng khi đó Phó Tổng thống cần phải được đa số thành viên Nội các ủng hộ.
“Sự cố” với va ly hạt nhân, Lầu Năm Góc tìm giải pháp ứng phó
BBC đưa tin tháng 4/1999, Tổng thống Mỹ Bill Clinton rời cuộc họp thượng đỉnh NATO rất vội đến nỗi để quên cả va ly hạt nhân. Theo quy định, một sĩ quan mang theo chiếc va ly luôn đi cùng Tổng thống Mỹ khi ông rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, đoàn xe của Tổng thống Clinton khi đó rời địa điểm họp để trở về Nhà Trắng rất nhanh mà "quên" mất viên sĩ quan nọ, anh ta buộc phải tự xoay xở để trở về Nhà Trắng.
Cùng với va ly hạt nhân, một vật dụng "bất li thân" Tổng thống Mỹ là thẻ nhựa, được gọi là “cookie”, chứa mật mã đặc biệt dùng để xác nhận quyết định phát động tấn công hạt nhân của Tổng tư lệnh gửi đến quân đội. Tuy nhiên, Tướng Hugh Shelton, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân dưới thời Clinton tiết lộ vào năm 2010, rằng Clinton đã không biết chiếc thẻ ở đâu trong nhiều tháng trời. Robert Patterson, một cựu sĩ quan không quân, là một trong những người được giao trọng trách mang va ly hạt nhân, xác nhận việc này.
Tướng Shelton và Bộ tưởng Quốc phòng khi đó là William Cohen đã được báo động về vụ việc. Vấn đề thiếu mã đã được giải quyết bằng cách thay đổi mã nhưng họ cũng nhanh chóng hành động để thay đổi chính quy trình rườm rà trước đó. Thời điểm ấy, cả Shelton và Cohen đã giữ kín chuyện này, không hề hé lộ cho truyền thông bởi họ coi đó là "điều đáng xấu hổ". Phải 10 năm sau, vào năm 2010, trong cuốn hồi ký của mình, Shelton mới lần đầu tiết lộ về sự cố đã xảy ra với mật mã hạt nhân.
Ông Clinton không phải là người đầu tiên làm mất thẻ mật mã. Khi đương chức trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Jimmy Carter có thói quen để chiếc thẻ ngay trong túi áo vest. Tuy nhiên, sự cố xảy ra vào một lần ông để quên thẻ trong bộ đồ cũ. Sau đó, nhân viên Nhà Trắng cứ thế đem trang phục của Tổng thống bỏ vào máy giặt khô. Theo ABC News, đến nay chưa có người xác nhận câu chuyện, nhưng cũng không lãnh đạo nào phủ nhận thông tin này.
Tháng 11/2017, khi ông Trump đang ở Bắc Kinh dùng bữa trưa với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, một quan chức an ninh Trung Quốc đã gây gổ với Trợ lý quân sự Mỹ cầm chiếc va ly trong một phòng khác. Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly hồi đó đã can thiệp để đảm bảo chiếc va ly hạt nhân không bị lấy đi, một cựu quan chức chính quyền Trump cho biết.
Theo thông lệ, ngày 20/1/2021, sĩ quan luôn mang va ly hạt nhân tháp tùng Tổng thống mãn nhiệm Trump sẽ xuất hiện trong Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Biden. Tại đây, sĩ quan này sẽ bàn giao chiếc va ly cho một sĩ quan khác được chỉ định. Tuy nhiên, ông Trump khăng khăng đòi rời khỏi Washington trước lễ nhậm chức của ông Joe Biden, nghĩa là chiếc va ly vẫn phải đi cùng ông Trump cho đến khi ông Biden nhậm chức xong. Ông Trump đã được một trợ lý quân sự mang chiếc va ly đi theo đến Palm Beach, bang Florida, và giữ nó gần ông Trump cho đến khi ông không còn là Tổng thống nữa, một nguồn tin nắm được tình hình cho biết.
Các nhà lập pháp vào đầu năm nay đã vận động hành lang để Tổng thống Joe Biden từ bỏ quyền ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân duy nhất của mình, tuyên bố rằng một người không nên có trách nhiệm to lớn như vậy. Gần ba chục thành viên Đảng Dân chủ nói rằng tổng tư lệnh nên tham khảo ý kiến của Phó Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện trước khi ra lệnh tấn công. Nhưng các chuyên gia đã lập luận rằng một sự thay đổi như vậy sẽ lãng phí thời gian quý báu nếu đối thủ đã ra tay trước.
Trong một thông cáo ngắn ngày 20/7, Văn phòng Tổng Thanh tra cho biết sẽ đánh giá quy trình mà các quan chức Lầu Năm Góc có thể phát hiện và phản ứng nếu những chiếc va ly chứa mật mã “bị mất, đánh cắp hoặc xâm phạm”. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết quy trình tái đánh giá được thực hiện vì những quan ngại liên quan đến vụ vây ráp trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1. Hôm đó, khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và nhóm sĩ quan tùy tùng cùng chiếc va ly hạt nhân đang ở Đồi Capitol thì nhóm người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump ập vào làm loạn. Thay đổi quy định và chặt chẽ hóa quy trình sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược sẽ giảm thiểu các rủi ro và trục trặc do cảm tính và sơ suất…/.