Lịch sử cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu
VOV.VN - Mỹ làm mọi thứ trong năng lực của mình để hạn chế hợp tác giữa Nga và các nước châu Âu trong lĩnh vực khí tự nhiên. Nhưng chính khí đốt của Liên Xô đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh tại châu Âu.
Châu Âu hồ hởi đón nhận khí đốt của Liên Xô từ ngày đầu
Khí tự nhiên của Liên Xô lần đầu đến châu Âu ngay sau Thế chiến II. Từ năm 1946, một lượng nhỏ tài nguyên thô này bắt đầu đến Ba Lan và vào thập niên 1950, Ba Lan gia nhập các đồng minh của Nga trong cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa.
Vào thập niên 1960, vai trò của Liên Xô với tư cách một cường quốc khí đốt đã gia tăng đáng kể với việc phát hiện và khai thác các mỏ khí đốt lớn như mỏ Urengoy ở Tây Siberia. Các mạng lưới nhánh của đường ống dẫn khí với công suất gia tăng bắt đầu vươn sang phía Tây.
Các nước Tây Âu, đã bước vào thời kỳ phát triển công nghiệp nhanh chóng, đặc biệt quan tâm đến các nguồn tài nguyên khí đốt nhiều và rẻ của Liên Xô. Họ nhìn thấy ở Moscow một đối tác thương mại ổn định hơn nhiều so với Trung Đông đang nổi lên khi đó.
Bất đồng chính trị giữa phương Tây và phương Đông đã cản trở nghiêm trọng việc khởi động hợp tác kinh tế có lợi cho đôi bên. Quốc gia Tây Âu đầu tiên mà Nga đạt được thỏa thuận khí đốt là Áo, khi ấy được coi là một nước trung lập,
Vào ngày 1/6/1968, hãng Soyuznefteexport của Liên Xô và công ty Áo Österreichische Mineralolverwaltung ký một hợp đồng cung cấp hàng năm 142 triệu m3. Một năm sau đó, Nga ký tiếp các hợp đồng với Italy và Pháp.
Cộng hòa Liên bang Đức, vốn thiếu các nguyên liệu cho ngành công nghiệp đang phát triển nhanh, trở thành đối tác quan trọng nhất của Liên Xô về thương mại khí đốt. Theo thỏa thuận đường ống khí đốt năm 1970, các công ty Tây Đức cung cấp cho Liên Xô các ống thép đường kính lớn chất lượng cao (khi ấy, chỉ có Tây Đức và Nhật Bản là sản xuất loại ống này) để xây dựng các tuyến ống khí đốt mở rộng từ Siberia.
Mỹ cản trở nhưng không thành công
Từ ngày đầu tiên Liên Xô bước vào thị trường khí đốt ở Tây Âu, Mỹ cố gắng đánh bật Liên Xô khỏi thị trường này. Washington cảnh báo các đồng minh châu Âu về “mối nguy hiểm” của việc phụ thuộc vào năng lượng Xô viết. Mỹ hối thúc các nước Tây Âu ngăn chặn sự mở rộng kinh tế của Liên Xô, hứa hẹn với họ sẽ tăng nguồn cung than đá gấp nhiều lần và gợi ý họ chuyển hoàn toàn sang dùng khí đốt của Na Uy. Thế nhưng người châu Âu nhận ra rằng các phương án thay thế kia đều đắt đỏ và không thực tế.
Năm 1981, phản đối việc xây dựng đường ống khí đốt Urengoy-Pomary-Uzhgorod. Đường ống này - do các chuyên gia Liên Xô xây dựng với sự hỗ trợ từ các khoản cho vay của châu Âu, gồm 2 đường ống khí có công suất kết hợp là 60 tỷ mét khối mỗi năm.
Người Mỹ áp lệnh cấm vận lên hoạt động cung cấp thiết bị dầu khí cho Liên Xô. Lệnh cấm cũng áp dụng đối với các thiết bị Tây Âu và Nhật Bản sử dụng công nghệ Mỹ và linh kiện Mỹ. Cuối cùng Liên Xô hoàn thiện dự án một mình, vào năm 1983. Tuy nhiên, khi ấy, Liên Xô chỉ xây được một tuyến đường ống dẫn khí với công suất 32 tỷ mét khối mỗi năm thay vì hai tuyến.
Bất chất sự phản đối của Mỹ, hoạt động cung cấp khí đốt của Liên Xô cho châu Âu tăng 35 lần trong 20 năm tiếp theo. Vào cuối thập niên 1980, 15% toàn bộ lượng khí đốt tiêu thụ ở Pháp xuất phát từ Liên Xô, trong khi ở Đức, con số này lên tới 30%. Một mặt, Liên Xô làm cho châu Âu bị phụ thuộc vào khí đốt của họ; mặt khác, Liên Xô bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của chính châu Âu./.