Mỹ đã “cuỗm” chiếc MiG-15 mới nhất của Liên Xô như thế nào?

VOV.VN - Do lơ là cảnh giác, mẫu máy bay chiến đấu MiG-15 mới nhất Liên Xô đã bị lọt vào tay chú Sam.

MiG tại Triều Tiên

Chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên không chỉ là điểm nóng đầu tiên trong Chiến tranh Lạnh, mà còn là nơi thử nghiệm các mẫu thiết bị quân sự mới nhất, được chế tạo dựa trên kinh nghiệm chiến đấu trong Thế chiến II. Liên Xô đã cung cấp cho Không quân Triều Tiên một mẫu máy bay chiến đấu MiG-15 mới nhất. Máy bay MiG-15 được phát triển bởi văn phòng thiết kế A. Mikoyan và M. Gurevich vào năm 1946-1947. So với các máy bay được sử dụng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, MiG-15 là máy bay chiến đấu tiên tiến - cánh hình mũi tên và sử dụng động cơ đối xứng ở đuôi. Máy bay được chính thức đưa vào hoạt động vào năm 1949 - một năm trước khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ.

Không quân cả hai phía tích cực tham gia vào cuộc xung đột Triều Tiên. Những chiếc MiG được gửi ra mặt trận được điều khiển bởi cả phi công Liên Xô và Triều Tiên. Nhà nghiên cứu Alexei Shutemov cho biết, máy bay MiG-15 đã ngăn chặn một cách hiệu quả các cuộc tấn công của máy bay ném bom chiến lược B-29 và máy bay ném bom chiến thuật F-80 và F-84. Trong cuộc xung đột, sự kém hiệu quả của máy bay B-29 và vũ khí phòng thủ của chúng trước máy bay chiến đấu phản lực đã được bộc lộ.

MiG-15 - mẫu máy bay chiến đấu tiên tiến của Liên Xô vào thập niên 1950; Nguồn: waterloowarbirds.com

Đối thủ nguy hiểm duy nhất của máy bay Nga là máy bay chiến đấu F-86 Sabre sản xuất năm 1947 của Bắc Mỹ. Nhận thấy cỗ máy của Liên Xô có ưu thế vượt trội trong chiến đấu, Bộ Tư lệnh NATO đã quyết định bằng mọi giá để có được chiếc MiG-15 phục vụ cho mục đích nghiên cứu, và người Mỹ đã thử vận may bằng cách mua chuộc các phi công.

Chiến dịch "Tiền"

Tính toán của người Mỹ dựa trên thực tế là không phải tất cả các phi công Liên Xô và Triều Tiên đều là những người tuyệt đối trung thành và theo đuổi lý tưởng cộng sản, họ cũng là con người, vì vậy, vẫn có thể bị mua chuộc. Do đó, ý tưởng về chiến dịch "Mula" (Chiến dịch Moolah, «Деньжата» trong tiếng Nga là "Tiền") đã hình thành. Quân đội Mỹ đã in truyền đơn bằng tiếng Nga và tiếng Triều gửi các phi công đối phương. Các phi công chiến đấu của hai nước cộng sản được mời bay đào tẩu và được hwuas hẹn hậu thưởng.

Đối với các phi công Liên Xô, các sĩ quan tâm lý chiến Mỹ đã sử dụng các khái niệm khích động như “tự do”, “lòng can đảm”, và khuyến khích họ “bắt đầu một cuộc sống mới”. “Đây là cơ hội của bạn! Hãy thoát khỏi ách cộng sản! Hãy bay trên máy bay phản lực đến với thế giới tự do! Tự do và phần thưởng đang chờ đợi bạn ở phía trước”, được in đậm trên truyền đơn. Dòng chữ nhỏ hơn thông tin rằng Tướng Mark Clark - Tổng Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Liên Hợp Quốc tại Viễn Đông - đảm bảo cho những người đào thoát "nơi ẩn náu, sự bảo vệ, chăm sóc và sự chú ý về nhân phẩm".

Chiếc MiG-15 bị phi công Triều Tiên lái đào tẩu tại một căn cứ quân sự Mỹ; Nguồn: imperhans.ru

Các phi công thậm chí không được yêu cầu cung cấp tên thật của họ. Ở phần cuối của tờ rơi, hé lộ số tiền thưởng cho máy bay “hạ cánh trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu đầy đủ” - 50 nghìn USD. Đáng lưu ý, số tiền, không quá lớn, do nhu cầu gần như không thể tránh khỏi là chuyển từ Triều Tiên sang Mỹ và sắp xếp một nơi cư trú mới cũng như ổn định cuộc sống.

Kết quả

Không một phi công Liên Xô nào bị "tuyên truyền tư sản" mua chuộc. Nhưng người Triều Tiên - những người không sống quá lâu dưới chính quyền cộng sản, hóa ra lại là một "mắt xích yếu". Ngày 21/9/1953, No Gym Sok - phi công trẻ nhất của Không quân Triều Tiên lúc bấy giờ - đã trộm chiếc Mig-15 và hạ cánh xuống sân bay Gimpo ở Nam Triều Tiên. Với chiếc MiG-15, người Mỹ đã trả cho viên phi công này 100 nghìn USD, mặc dù kẻ đào tẩu tuyên bố rằng y không chạy trốn miền Bắc vì lòng tham.

Vấn đề là mẹ anh ta đang ở miền Nam Triều Tiên, và viên phi công trẻ muốn đoàn tụ với mẹ. Ngoài ra, No Gym Suk nói rằng y không còn muốn sống ở miền Bắc. Đặc biệt, ấn tượng tiêu cực về các đồng minh Liên Xô đối với anh ta: Bộ binh Liên Xô, trong những bộ quần áo thể dục bẩn thỉu, quá rộng, đã nhanh chóng phát hiện lập trường chống cộng của y. Họ lạc hậu, ít học, độc ác, không quen vệ sinh, là những người nông dân hoang dã, cặn bã từ tận cùng của thời kỳ đồ đá Xô Viết”, No Suk viết trong cuốn sách «На МиГ-15 к свободе» (tạm dịch là “Đến với tự do trên chiếc Mig-15”).

Phi công người Triều Tiên này sau đó đã sang Mỹ - nơi y lấy tên là Kenneth Rowe và lập nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không. Sau sự cố xảy ra với No Gym Suk, người Nga đã ngừng cung cấp cho Triều Tiên các máy bay chiến đấu MiG-17 mới nhất, vì sợ chúng cũng có thể rơi vào tay đối phương. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên