Mỹ lo sợ Cách mạng XHCN nên từng đẩy nhiều người cấp tiến sang Nga
VOV.VN - Sau khi nổ ra Cách mạng tháng Mười, Mỹ đã vô cùng kinh sợ và quyết định trục xuất hàng loạt người cấp tiến sang nước Nga Xô viết.
Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga 1917 long trời lở đất đã khiến Mỹ vô cùng kinh sợ vào cuối thập niên 1920. Cuộc cách mạng này đã không chỉ thay đổi nước Nga mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Mỹ, tạo ra ở nước này nỗi sợ về việc những người cộng sản có thể lên nắm chính quyền vào bất cứ lúc nào.
Diễu hành Ngày lao động 1/5 ở Mỹ. Ảnh: Public domain. |
Nỗi sợ phong trào Đỏ
Mối quan hệ giữa chính quyền Mỹ và phong trào cánh tả cũng như phong trào vô chính phủ chưa bao giờ tốt đẹp cả. Nhưng riêng vào năm 1919 mối quan hệ này xấu đi chưa từng thấy, ở vào tình trạng có thể coi là chiến tranh. Vào tháng 6/1919, những người theo phong trào vô chính phủ Italy - Luigi Galleani, đã cho nổ bom ở 8 thành phố Mỹ, nhằm vào các thẩm phán, quan chức nhập cư và luật sư.
May thay không ai bị thương trong loạt tấn công này. Nhưng nước Mỹ khi đó phủ một tâm lý lo lắng về việc họ đang trong đêm trước của một cuộc cách mạng kiểu Nga và nội chiến. Một trong các nạn nhân của loạt tấn công tháng 6 đó, chưởng lý Alexander Mitchell Palmer, nói trước Quốc hội Mỹ rằng những người cách mạng đã sẵn sàng “nổi dậy và phá hủy chính phủ”.
Chính Palmer, cùng trợ lý của mình là J. Edgar Hoover (về sau trở thành giám đốc FBI đầu tiên), đã tổ chức các cuộc bố ráp mang tên Palmer – đây là một loạt vụ bắt bớ các nhân vật cánh tả cấp tiến và các phần tử vô chính phủ. Vì phần lớn những đối tượng này là người nhập cư đến từ Tây Âu và Đông Âu nên chính phủ Mỹ có phương pháp hiệu quả để trục xuất họ khỏi lãnh thổ Mỹ.
Cách mạng Tháng Mười thúc đẩy nhảy vọt khoa học công nghệ toàn cầu
“Món quà tặng Nga”
Vào ngày 22/12/1919, 249 người cấp tiến bị bắt đã được đưa lên tàu USAT Buford ở cảng New York và bí mật được gửi sang Nga. Chỉ sau khi tàu nhổ neo ra khơi, gia đình của những người này mới được thông báo về chuyện trục xuất.
Báo chí Mỹ sau đó mừng ra mặt khi đưa tin về chuyện này.
Do Mỹ và nước Nga Xô viết lúc đó không có quan hệ ngoại giao nào cả nên con tàu nói trên rẽ sóng tới Phần Lan (cạnh Nga). Phía Nga được thông báo về hành trình này và rất chờ mong được tiếp những vị khách danh dự. Họ đặc biệt quan tâm đến các thủ lĩnh và nhà tư tưởng vô chính phủ Alexander Berkman và Emma Goldman mà Hoover gọi là “người phụ nữ nguy hiểm nhất ở nước Mỹ”.
Con tàu USAT Buford. Ảnh: Public domain. |
Goldman, còn được biết đến với cái tên “Emma Đỏ”, nhớ lại: “Chúng tôi làm tù nhân trong 28 ngày. Cửa khoang của chúng tôi có lính gác cả ngày lẫn đêm. Lúc chúng tôi lên boong để hít thở không khí trong lành (trong khoảng thời gian ngắn) cũng có lính gác canh chừng. Các đồng chí của chúng tôi bị nhốt trong các buồng tối tăm ẩm thấp, ăn uống thiếu thốn, tất cả chúng tôi đều không biết mình bị đưa đi đâu. Nhưng tinh thần chúng tôi đều rất cao, vì nước Nga tự do, nước Nga mới ở phía trước chúng tôi”.
Con tàu đậu ở Phần Lan, từ đây những hành khách đặc biệt này được quân đội Phần Lan hộ tống tới biên giới với Nga. Hầu hết những người này từng sinh ra ở Đế chế Nga, chiến đấu chống lại Sa hoàng và bị ép phải rời bỏ Tổ quốc. Và giờ đây họ tràn đầy cảm hứng được ở lại đất nước Xô viết mãi mãi.
Và họ đã được những người Bolshevik đón chào nhiệt liệt. Họ bắt đầu định cư ở nước Nga Xô viết.
Phân hóa làm 2 nhóm
Những người về với nước Nga này rốt cuộc lại chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là những người cống hiến hết mình cho Cách mạng Xô viết và nhóm thứ hai bất đồng với những gì diễn ra và cuối cùng họ lại rời bỏ Nga.
Đại diện cho nhóm thứ nhất là Peter Bianki – nguyên là thủ lĩnh của Công đoàn Công nhân Nga rất quyền lực khi còn ở Mỹ. Ông thực sự đã tìm được chỗ cho mình ở nước Nga Xô viết.
Liệt sĩ cách mạng Liên Xô Bianki. Ảnh: Public domain. |
Ngay sau khi đặt chân lên lãnh thổ Nga, Bianki đã lao mình vào mọi loại công việc của nước Cộng hòa Xô viết. Bianki đã khôi phục lại hệ thống vận tải ở Siberia vốn đã bị hư hại trong Nội chiến Nga và làm quan chức thành phố Petrograd (nay là Saint Petersburg). Ông còn làm phó chính ủy trên một tàu bệnh viện ở biển Baltic.
Vào ngày 10/3/1930, Peter Bianki đã bị sát hại cùng với 10 cán bộ đảng cộng sản khác trong một cuộc nổi loạn chống Xô viết ở vùng Altai. Tất cả những người này đã được phong danh hiệu liệt sĩ Xô viết.
Trong khi đó, nhóm hành khách thứ 2 lại tỏ ra thất vọng về những gì họ chứng kiến trên thực địa ở Nga. Cả Emma Goldman và Alexander Berkman đều đi khắp nước Nga, gặp gỡ lãnh tụ Bolshevik Lenin và những người dân thường. Nhưng họ tỏ ra không hài lòng với sự hoạt động của cơ quan an ninh Cheka, cho rằng tổ chức này đã hoạt động quá mức.
Sau khi cuộc nổi loạn của thủy thủ ở Kronstadt năm 1921 bị trấn áp, cả Goldman và Berkman cùng rời bỏ nước Nga và không bao giờ quay trở lại./.