Năm 1996, Taliban cũng từng hứa hẹn hòa bình, ân xá và không trả thù ở Afghanistan
VOV.VN - Nhân việc Taliban vừa hứa hẹn sẽ theo đuổi hòa bình, ân xá, và không trả thù, chúng ta cùng ngược dòng thời gian xem họ đã hứa hẹn những gì vào năm 1996 khi họ lần đầu lên nắm quyền ở Afghanistan.
Những lời ngọt ngào của năm 2021
Tại một buổi họp báo mới đây ở thủ đô Kabul, phát ngôn viên phe Taliban Zabiullah Mujahid chỉ rõ rằng Taliban của ngày hôm nay không còn là nhóm năm xưa, khi Taliban lần đầu nắm chính quyền toàn quốc vào năm 1996.
Phát ngôn viên Mujahid nói vào tháng 8/2021: "Không ai sẽ bị làm hại ở Afghanistan. Tất nhiên, có sự khác biệt lớn giữa chúng tôi hôm nay và cách đây 20 năm".
Giới quan sát đã nhận thấy sự điều chỉnh nhất định trong thái độ của Taliban ngày nay đối với vai trò của phụ nữ và trẻ em gái. Các nhà báo nữ đã trở lại màn hình truyền hình sau khi Kabul thất thủ, thậm chí còn phỏng vấn cả một thủ lĩnh Taliban trong chương trình truyền hình trực tiếp. Bên cạnh đó, phát ngôn viên của Cục chính trị Taliban còn đăng lên mạng xã hội Twitter đoạn video ghi cảnh một học giả theo phái Taliban đang khuyên các nhân viên nữ tại các bệnh viện hãy trở lại làm việc.
Những cảnh tượng này rất khó có thể nghĩ đến trong thời kỳ Taliban cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, khi liên quân Mỹ tiến vào quốc gia Nam Á này để lật đổ Taliban.
Những lời hứa không phải lần đầu và thực tế xù xì giai đoạn năm 1996
Cũng chính vào giai đoạn năm 1996, Taliban đưa ra những hứa hẹn tương tự.
Vào ngày 27/9/1996, các lực lượng Taliban chiếm được thủ đô Kabul và tràn vào thành phố này từ mọi hướng sau một chiến dịch quân sự kéo dài 15 ngày trên toàn Afghanistan (còn đợt tháng 8/2021 này họ chỉ cần 10 ngày để đạt được mục tiêu tương tự). Nhóm nổi dậy Hồi giáo cực đoan khi ấy cũng vấp phải ít sự kháng cự từ quân chính phủ.
Theo một bài báo vào ngày 27/9/1996 trên tờ Washington Post, Taliban khi ấy ít được Mỹ biết đến. Về mặt địa chính trị, Taliban đã rơi khỏi tầm chú ý của Washington.
Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Taliban vào năm 1996, Mohammad Abbas Stanikzai, nói rằng "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để mọi quy tắc, quy định của đạo Hồi được thực hiện trên thực địa. Nhưng trong khả năng của chúng tôi, chúng tôi muốn thiết lập một chính phủ Hồi giáo không phản đối thế giới hiện đại". Ngày nay Stanikzai đóng vai trò Cục trưởng Cục chính trị của Taliban.
Thời 1996, các loa phóng thanh của Taliban cầu nguyện cho chế độ pháp quyền và kêu gọi vãn hồi trật tự, hứa hẹn hòa bình.
Nhà báo Cooper viết trên Washington Post vào ngày 6/10/1996 rằng ban lãnh đạo Taliban cố xây dựng cho mình hình ảnh không chỉ của người bảo vệ Hồi giáo mà còn là của người đã cứu rỗi thế giới.
Lúc đó khoảng 250.000 cư dân Kabul - phần lớn là người có học và giàu có, đã trốn chạy lên vùng lãnh thổ phía Bắc hoặc sang Pakistan. Nhưng thủ lĩnh Taliban khi ấy là Mohammad Omar cũng hối thúc các cư dân Kabul hãy ở lại, và cho rằng ở lại sẽ an toàn hơn vì đã có các dân quân tuần tra trên phố.
Ngay lập tức khi ấy, một chỉ huy của Taliban tên là Musa đã tuyên bố ân xá cho tất cả các sĩ quan và binh lính của chính phủ đã đầu hàng. Ông này nói: "Taliban sẽ không trả thù. Chúng tôi không có hận thù cá nhân. Nếu người dân thấy ai đó phải chịu trách nhiệm về các tội phạm trong quá khứ, chúng tôi sẽ xét xử anh ta theo luật Hồi giáo (Sharia).
Mặc dù Taliban đã hứa hẹn không trả thù nhưng việc trả thù đã xảy ra vài tiếng đồng hồ sau khi nhóm này nắm quyền vào năm 1996. Cựu Tổng thống Najibullah bị đánh đập sưng vù, thi thể bầm dập của ông sau đó bị treo lên bên cạnh xác đầy vết sẹo của em trai tại một bục cao kiểm soát giao thông.
Năm 1996, chỉ trong vài ngày, Taliban đã phá bỏ các cam kết của mình. Các thủ lĩnh Taliban thề sẽ chặt bàn tay và bàn chân của bọn trộm cắp, và sau đó họ làm thế thật. Tờ Washington Post vào ngày 3/10/1996 viết rằng khi thấy 2 phụ nữ mặc đồ che kín người chỉ chừa 2 đôi mắt đi xuống một con phố nhộn nhịp thì các chiến binh Taliban nhảy ra khỏi xe rồi dùng ăng-ten radio để quất vào người họ. Một trong 2 phụ nữ đã kêu lên "Vì sao vậy, hỡi anh?".
Ngày hôm sau, các chiến binh Taliban bắt được 2 nam giới ăn trộm kẹo. Để trừng phạt, Taliban hun khói đen mặt 2 người đàn ông này, nhét tiền Afghanistan vào mũi và tai họ, rồi giễu họ qua các con phố bằng xe bán tải.
Taliban đóng cửa các trường học cho trẻ em gái. Đội "cảnh sát đạo đức" của Taliban tiến hành các hình phạt khắc nghiệt để thực hiện các quy tắc kín đáo đối với các trường hợp để râu quá thưa hoặc để lộ mắt cá chân.
Còn Thứ trưởng Ngoại giao Taliban khi đó, Stanikzai, khẳng định "không có vấn đề nào đối với người Afghanistan sống tự do trong khu vực chúng tôi".
Tại một cuộc họp báo vào ngày 1/10/1996, các thủ lĩnh Taliban nói rằng các hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái sẽ chỉ tồn tại đến khi nào sửa đổi các quy tắc cho phép việc tuyển dụng và dạy học cho họ theo cách thức phù hợp với đạo Hồi. Cuối cùng phải đợi đến năm 2001, khi Taliban đã bị lật đổ, thì phụ nữ mới được đi làm và trẻ em gái được đi học trở lại.
Quay trở về hiện tại
Khoảng 2 thập kỷ sau, vào ngày 17/8/2021, Taliban một lần nữa tuyên bố đại ân xá cho "đồng bào" trước đó từng làm phiên dịch viên cho nước ngoài hoặc trong các ngành quân sự và dân sự. Mujahid nói: "Chúng tôi không muốn trả thù ai... Không ai sẽ đi gõ cửa để thẩm tra họ".
Thế nhưng ngày hôm sau, một cuộc đánh giá mật về mối đe dọa dành cho Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng Taliban đang đẩy mạnh việc săn lùng, đi từng nhà, lập các chốt kiểm soát, và đe dọa người thân của các cựu quan chức an ninh Afghanistan cũng như những người từng cộng tác với Mỹ và NATO.
Cựu Tổng thống Ashraf Ghani đã phải bỏ chạy sớm. Ông sau đó phát biểu qua Facebook: "Nếu tôi ở lại đây, một tổng thống được bầu cử của Afghanistan sẽ bị treo cổ ngay trước mắt người dân Afghanistan".
Hiện nay, tương lai cuộc sống dưới thời Taliban rất khó dự đoán. Nhiều người hy vọng cuộc sống sẽ tự do hơn.
Enamullah Samangani - thành viên Ban văn hóa của Taliban, nói rằng "Tiểu vương quốc Hồi giáo không muốn phụ nữ phải làm nạn nhân". Ông này cho biết, Taliban sẵn sàng "cung cấp cho phụ nữ môi trường làm việc và học tập, cũng như cho phép phụ nữ hiện diện trong các cơ cấu chính quyền khác nhau".
Đại diện của cơ quan UNICEF Afghanistan cho biết, các trường học đã được mở cho trẻ em, bao gồm các bé gái, ở Herat và Marouf.
Trong khi đó, một số người khác tỏ ra nghi ngờ các lời hứa của Taliban.
Hosna Jalil, mới 9 tuổi vào năm 2001 (khi Taliban bị lật đổ), vẫn nhớ các năm tháng cô bị đánh đập, sỉ nhục thời Taliban trước đây. Và sau này cô trở thành phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm vào một vị trí cấp cao trong Bộ Nội vụ Afghanistan.
Jalil nhận định: "Họ (tức Taliban - ND) vẫn chưa thay đổi".
Omar Sadr, một nhà chính trị học tại Đại học Mỹ của Afghanistan, nói với Washington Post rằng "nếu quan sát Taliban từ năm 1996 đến nay thì có thể thấy đây là một phong trào đạo đức giả, đạo đức giả ở đây được hiểu theo nghĩa các lời nói của họ không ăn nhập với các hành động thực tế của họ"./.