Né chính sách 1 con, nhà giàu Trung Quốc tới Mỹ thuê đẻ

VOV.VN - Không chỉ muốn có thêm con, giới nhà giàu Trung Quốc còn muốn nhập cư vào Mỹ.

Áp lực từ chính sách một con cộng với nhu cầu tìm một nơi an toàn cho số tài sản kếch xù của mình, giới nhà giàu Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để nhập cư vào Mỹ. Nắm bắt nhu cầu này, dịch vụ đẻ thuê đã ra đời và có xu hướng phát triển mạnh ở cả Trung Quốc và Mỹ. Ngày càng có nhiều văn phòng dịch vụ đẻ thuê được thành lập ở cả Mỹ và Trung Quốc nhằm phục vụ giới nhà giàu Trung Quốc vừa muốn có thêm con, vừa có thể di cư đến Mỹ hợp pháp.

Doanh nhân Tony Jiang và 3 đứa con từ "đẻ thuê"

Giải pháp “né” chính sách một con

Trong 2 năm gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc đang rộ lên phong trào thuê người Mỹ đẻ hộ dù phải bỏ ra tới 120.000 USD/ca. Đối tượng sử dụng dịch vụ này đa phần là những cặp vợ chồng mong muốn có thêm đứa con thứ 2 (chính sách một con của Trung Quốc ra đời năm 1979 chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng được sinh duy nhất 1 đứa con), những cặp vợ chồng không có khả năng sinh đẻ và cả những người mong muốn tìm một tấm thẻ xanh cho đứa con của mình. Luật pháp Mỹ cho phép, công dân đủ 21 tuổi có quyền xin cấp thẻ xanh cho cha mẹ mình.

Theo Reuters, chưa có tài liệu nào thống kê số người Trung Quốc cần đến hoặc đã sử dụng dịch vụ đẻ thuê ở Mỹ, tuy nhiên trong 2 năm gần đây, dịch vụ này đang có chiều hướng tăng đột biến ở cả Mỹ và Trung Quốc. Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, nhiều phòng khám, bệnh viện và các tổ chức dịch vụ đẻ thuê ở Mỹ đã thiết kế những trang web bằng tiếng Trung Quốc đồng thời tuyển dụng các nhân viên thông thạo tiếng Trung Quốc để mở rộng tiếp cận tới các khách hàng tiềm năng ở đại lục.

John Weltman, chủ của một trung tâm chuyên dịch vụ đẻ thuê có tên Circle Surrogacy trụ sở ở Boston cho biết, trung tâm của ông đã thực hiện hợp đồng với 6 trường hợp người Trung Quốc trong 5 năm qua. Mỗi năm, trung bình, trung tâm của John Weltman thực hiện khoảng 140 trường hợp đẻ thuê, 65% trong số đó là khách hàng bên ngoài nước Mỹ.

John Weltman cho biết, ông đang xúc tiến mở thêm văn phòng ở California để phục vụ tốt hơn các khách hàng ở khu vực châu Á - nơi mà khách có thể dễ dàng đáp chuyến bay tới khu bờ tây của nước Mỹ. Cùng với việc mở thêm văn phòng ở California, Weltman cũng sẽ mở một văn phòng đại diện ở Thượng Hải trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khi “nhờ đẻ hộ”, các cặp vợ chồng người Trung Quốc cũng phải chấp nhận “quy định khó” của trung tâm là phải thiết lập mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với người đẻ thuê chứ không đối xử với họ theo kiểu mua bán.

Vợ chồng Tony Jiang quyết định sử dụng dịch vụ ở Mỹ sau khi đã tham khảo dịch vụ ở Ấn Độ, Thái Lan, Ukraine

Ở Trung Quốc, đẻ thuê bị coi là bất hợp pháp, do đó các cặp vợ chồng phải giữ bí mật việc thuê người đẻ hộ, hoặc họ phải đi xa trong suốt thời gian “mang bầu”.

Sức hút từ quốc tịch Mỹ

Mong muốn nhập quốc tịch Mỹ của người Trung Quốc không còn là câu chuyện mới mẻ. Lợi dụng Hiến pháp sửa đổi lần thứ 14 của Mỹ cho phép bất cứ ai sinh ra tại Mỹ đều là công dân của nước này, rất nhiều bà bầu Trung Quốc đã tới Mỹ sinh con để nhận tấm “thẻ xanh” cho con mình.

Con số khách du lịch Trung Quốc tới Mỹ gần như tăng gấp đôi trong những năm gần đây, từ con số 1 triệu năm 2010 đã tăng lên 1,8 triệu năm 2012, theo số liệu của cơ quan nhập cư Mỹ. Weltman cũng cho biết, những khách hàng Trung Quốc không chỉ muốn con mình được học hành ở Mỹ mà còn muốn chúng mang cả quốc tịch Mỹ.

Một số người giàu Trung Quốc nói rằng họ muốn có một chỗ an toàn ở nước ngoài vì e ngại họ có thể là mục tiêu bị đem ra chỉ trích của công chúng hoặc chính phủ khi xã hội có bất ổn. Ngoài ra, họ cho rằng, tài sản của họ sẽ được bảo vệ tốt hơn khi được gửi ở những nước có quy định pháp luật chặt chẽ.

Hơn nữa, sử dụng dịch vụ đẻ thuê, người Trung Quốc sẽ tiết kiệm được chi phí hơn rất nhiều. Bởi để có được tấm visa vào Mỹ, đòi hỏi phải có một khoản đầu tư kinh doanh tối thiểu ở Mỹ khoảng 500.000 USD. Trong khi đó chỉ với chi phí khoảng 120.000-200.000 USD, cộng với tiền vé máy bay và một số chi phí khác, tổng cộng khoảng 300.000 USD họ sẽ có đứa con thứ 2 và cả gia đình có thể di cư đến Mỹ. Tuy nhiên với mức chi phí này, dịch vụ thuê người đẻ vẫn chỉ dành cho giới nhà giàu ở Trung Quốc.

Sau khi có 3 đứa con, Tony Jiang thành lập trung tâm tư vấn giúp đỡ cho các cặp vợ chồng Trung Quốc có nhu cầu

Những cặp vợ chồng Trung Quốc có nhu cầu, phải trả cho người đẻ thuê khoảng 22.000-30.000 USD; phí dịch vụ khoảng 17.000-20.000 USD; chi phí pháp lý khoảng 13.000 USD. Nếu cặp vợ chồng nào phải mua trứng sẽ phải chi thêm 15.000 USD, cùng với chi phí chăm sóc trước và sau sinh khoảng 9.000 - 16.000 USD.

Trong khi giới nhà giàu Trung Quốc đổ xô tới Mỹ để thuê đẻ, thì hàng trăm cặp vợ chồng Mỹ phải tới Ấn Độ để sử dụng dịch vụ này vì chi phí thuê đẻ ở Mỹ quá đắt đỏ.

Con thông minh và xinh hơn

Theo số liệu từ Ủy ban Dân số Trung Quốc, hơn 40 triệu người Trung Quốc mắc chứng vô sinh. Đáng nói là số người mắc chứng vô sinh ngày càng tăng, chỉ trong 2 thập kỷ qua, con số đó đã tăng gấp 4 lần, lên mức 12,5%.

Vợ chồng doanh nhân Tony Jiang, người Thượng Hải là một ví dụ điển hình. Sau 2 lần sử dụng dịch vụ đẻ thuê tại Trung Quốc không thành công, vợ chồng Jiang tiếp tục tìm đến dịch vụ này tại Thái Lan, Ấn Độ, Ukraine, nhưng cuối cùng lựa chọn Mỹ với lý do hệ thống y tế ở đây thực sự đẳng cấp.

Tháng 12/2010, vợ chồng Tony chào đón một bé gái sinh tại California với người mẹ đẻ thuê là một người Mỹ. Người phụ nữ này sau đó còn đẻ giúp vợ chồng Jiang một cặp song sinh nữa.

Sau khi có được 3 đứa trẻ, bạn bè Jiang tới hỏi han anh về kinh nghiệm tìm người đẻ thuê. Năm 2012, Tony Jiang quyết định thành lập văn phòng tư vấn mang tên DiYi Consulting. Anh đã giúp thực hiện 75 ca đẻ thuê cho các cặp vợ chồng Trung Quốc.

Những người hoạt động trong lĩnh vực đẻ thuê cho biết, trong khi nhiều khách hàng của họ phải vật lộn với căn bệnh vô sinh thì có không ít người đã có một con, thậm chí con họ đã ở tuổi teen nhưng vẫn mong muốn có thêm con bất chấp chính sách một con của Trung Quốc. Đặc biệt, trong số nhiều khách hàng tìm đến họ có cả quan chức và nhân viên nhà nước, những người bị coi là vi phạm quy định nhà nước khi sinh con thứ 2. Những đối tượng là Đảng viên nếu bị phát hiện đẻ con thứ hai sẽ bị kỷ luật.

Trên thực tế, những người Trung Quốc sinh con thứ hai tại nước ngoài vẫn bị coi là vi phạm luật kế hoạch hóa gia đình nhưng chính phủ Trung Quốc chưa có điều kiện để xử lý, Zhong Tao, một luật sư tại Thượng Hải đã từng thụ lý những trường hợp tương tự cho biết.

Dịch vụ "đẻ thuê" đắt đỏ chỉ giới nhà giàu mới có khả năng

Hiện tại, đối với những trẻ có hộ khẩu ở Trung Quốc, chúng được hưởng một số chính sách ưu tiên về chăm sóc sức khỏe cũng như học phí. Tuy nhiên, những trẻ không có hộ khẩu, trẻ là con thứ hai trong gia đình không được áp dụng những chính sách ưu tiên này. Đối với trẻ em là công dân nước ngoài, bố mẹ chúng phải nộp đơn xin thị thực và giấy phép cư trú.

“Đặt hàng trẻ em”

Jennifer Garcia, chủ một văn phòng tư vấn đẻ thuê ở California cho biết, các khách hàng Trung Quốc thông thường muốn sử dụng trứng và tinh trùng của chính mình để đứa con sinh ra mang ngoại hình đặc trưng. Tuy vậy, giờ đây ngày càng nhiều người cởi mở hơn với ngân hàng trứng. Nhiều người thậm chí tin rằng những đứa trẻ lai sẽ thông minh và xinh xắn hơn hơn.

Người Mỹ sang Ấn Độ sử dụng dịch vụ "đẻ thuê" ở nước này

Tuy nhiên vẫn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng phải có con trai, nên nhiều khách hàng khi sử dụng dịch vụ đẻ thuê đặt điều kiện phải có con trai. Trong khi ở Trung Quốc, họ không được phép lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng ở Mỹ, khi thuê đẻ, họ có thể yêu cầu lựa chọn giới tính thai nhi thông qua một kỹ thuật đơn giản khi tiến hành thụ tinh ống nghiệm. Bên cạnh đó, thông qua kỹ thuật sàng lọc di truyền, các cặp vợ chồng có thể yêu cầu loại bỏ được những yếu tố di truyền không có lợi cho sức khỏe của đứa bé. “Về cơ bản, các cặp vợ chồng sẽ có được một em bé như mong muốn”, Jennifer Garcia kết luận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hai bé gái Trung Quốc chết thảm trong máy giặt
Hai bé gái Trung Quốc chết thảm trong máy giặt

VOV.VN - Cảnh sát địa phương đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc đau lòng nói trên.

Hai bé gái Trung Quốc chết thảm trong máy giặt

Hai bé gái Trung Quốc chết thảm trong máy giặt

VOV.VN - Cảnh sát địa phương đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc đau lòng nói trên.

Chính sách một con: Thế khó của Trung Quốc
Chính sách một con: Thế khó của Trung Quốc

(VOV) - Quả bom dân số khiến Trung Quốc theo đuổi chính sách 1 con. Tuy nhiên, nước này đang phải đối diện với nhiều hệ lụy không mong muốn.

Chính sách một con: Thế khó của Trung Quốc

Chính sách một con: Thế khó của Trung Quốc

(VOV) - Quả bom dân số khiến Trung Quốc theo đuổi chính sách 1 con. Tuy nhiên, nước này đang phải đối diện với nhiều hệ lụy không mong muốn.