Nga, Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ “chưa từng thấy”
VOV.VN - Chưa bao giờ quan hệ giữa 2 cường quốc láng giềng này lại toàn diện và đi vào thực chất như hiện nay.
Hai nước đã vun đắp mối quan hệ song phương trong hơn 2 thập kỷ qua (từ khi Liên Xô sụp đổ) nhưng mối quan hệ này đặc biệt phát triển mạnh trong vài năm lại đây và vài tháng gần đây. Tổng thống Nga Putin gọi quan hệ giữa 2 nước đang ở vào giai đoạn tốt nhất trong lịch sử giữa 2 nước.
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nga Medvedev tới Trung Quốc được cả 2 bên hoan nghênh. Truyền thông 2 nước phản ánh nhiều về sự kiện này. Riêng hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, Tân Hoa xã, còn đăng bình luận cho rằng quan hệ giữa 2 quốc gia láng giềng khổng lồ đã bước vào “thời khắc vàng” để đưa hợp tác thực tiễn phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, dựa trên sự tin cậy lẫn nhau và đem lại kết quả thiết thực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay Tổng thống Nga V. Putin hồi tháng 3/2013 tại Moscow (ảnh: AFP) |
Trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Medvedev, hai bên đã tiến hành phiên họp thường kỳ lần thứ 18 giữa thủ tướng 2 nước, và đã ký 21 thỏa thuận bao gồm thông cáo chung, nghị định thư, bản ghi nhớ, để thúc đẩy quan hệ song phương…
Không phải nói nhiều cũng thấy quan hệ ngày một cải thiện giữa 2 nước lớn liền kề nhau này. Tân Tổng thống Vladimir Putin đã chọn điểm đến Trung Quốc trong chuyến xuất ngoại công vụ đầu tiên sau khi đắc cử và Tân Chủ tịch Tập Cận Bình cũng làm điều tương tự đối với nước Nga. Các cuộc tập trận chung rầm rộ có bắn đạn thật giữa hải quân, lục quân 2 nước trong tháng 7 và 8 vừa rồi càng cho thấy mức độ “thân thiết” giữa 2 quốc gia này.
Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Dmitry Medvedev theo lời mời của Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhằm cụ thể hóa lộ trình hợp tác do nguyên thủ 2 nước vạch ra trước đó.
Nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề kinh tế thiết thực (đặc biệt là hợp tác năng lượng) và thúc đẩy quan hệ toàn diện, từ cấp trung ương đến cấp địa phương và các công ty tư nhân.
Quan hệ nhiều tầng bậc và góc độ
Hợp tác song phương diễn ra đa dạng trên nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao (ủng hộ và phối hợp với nhau trong các diễn đàn quốc tế), năng lượng, thương mại, quân sự, vũ khí, đầu tư, công nghệ, sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng, hàng không, văn hóa, giáo dục, giảm nhẹ thiên tai, trao đổi đoàn,… Điểm nhấn mà 2 bên hướng tới hiện nay là hợp tác kinh tế và hiệu quả thực chất.
Trong chuyến thăm 3 ngày vừa qua (21-23/10), Thủ tướng Medvedev cam kết cung cấp thêm cho Trung Quốc 100 triệu tấn dầu mỏ (tổng trị giá 85 tỷ USD) trong vòng 10 năm tới. Công việc cung ứng này sẽ do công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga là Rosneft thực hiện. Hồi tháng 6, Rosneft thuộc sở hữu nhà nước của Nga, cũng đã ký một thỏa thuận 270 tỷ USD để tăng gấp đôi lượng dầu cung ứng cho Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (đeo kính) tiếp trọng thị người đồng cấp Nga Medvedev (ảnh: RIA) |
Bên cạnh đó, 2 chính phủ cùng nhất trí xây nhà máy lọc dầu tại Thiên Tân (Trung Quốc) và Nga sẽ cung cấp dầu thô cho nhà máy này.
Thủ tướng Medvedev tỏ ra hồ hởi và lạc quan về mối hợp tác với Trung Quốc mà ông ca ngợi là đã đạt tới mức độ chưa từng thấy. Ông Medvedev nói, “thỏa thuận [cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc] minh chứng cho việc chúng ta đã đạt tới một mức độ hợp tác cao hơn và hoàn toàn mới mẻ”.
Không những vậy, Thủ tướng Nga còn bày tỏ chưa bằng lòng với kim ngạch thương mại hiện nay giữa 2 nước và muốn nâng lên cao hơn nữa. Ông sốt sắng mong muốn hai bên sẽ nhanh chóng ký hợp đồng để Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.
Ngoài Thủ tướng Lý, ông Medvedev đã gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều quan chức cao cấp khác. Ông còn giao lưu trực tuyến với công chúng Trung Quốc thông qua trang web của Tân Hoa xã – hãng tin chính thức của chính phủ Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là bạn hàng lớn nhất của Nga. Thương mại 2 chiều ước tính vượt mốc 88 tỷ USD vào cuối năm nay, cao hơn nhiều giá trị thương mại Nga-Mỹ. Trung Quốc và Nga phấn đấu đưa con số này lên mức 100 tỷ USD vào năm 2015, và 200 tỷ USD vào năm 2020.
Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Nga. Trong chương trình giao lưu trực tuyến nói trên, Thủ tướng Nga Medvedev cho biết các công ty Trung Quốc đã bắt đầu phát triển vùng Viễn Đông của nước Nga. Theo vị lãnh đạo Nga, các công ty lớn của Trung Quốc đầu tư vào mảng năng lượng, hóa chất và khai thác mỏ, còn các công ty quy mô nhỏ thì chủ yếu rót tiền vào nông nghiệp và một số lĩnh vực khác. Cũng thông qua buổi giao lưu này, ông Medvedev cam kết sẽ bảo vệ các nhà đầu tư Trung Quốc tại Nga.
Thủ tướng Nga Medvedev giao lưu trực tuyến với công chúng Trung Quốc qua website Tân Hoa xã (ảnh: Tân Hoa xã) |
Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương khẳng định nước ông sẵn sàng đẩy mạnh trao đổi thương mại với Trung Quốc và khuyến khích các công ty nước này đầu tư sang Nga. Ông kêu gọi đẩy mạnh xây dựng hạ tầng xuyên biên giới và thúc đẩy cả hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sắp tới Trung Quốc sẽ lại tiếp tục bơm hàng chục tỷ USD vào các dự án bên trong nước Nga, chủ yếu là các dự án về hạ tầng giao thông vận tải, xa lộ, hải cảng, và phi cảng. Trung Quốc hy vọng sẽ nâng mức vốn đầu tư này lên 100 tỷ USD vào năm 2020.
Trong chuyến thăm của ông Medvedev, các ngân hàng Trung Quốc đã ký thỏa thuận để cho Ngân hàng Phát triển Nga vay tổng cộng là 1,9 tỷ USD.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Rogozin cũng tuyên bố chính sách đối ngoại của Nga ưu tiên mở rộng hợp tác theo hướng thực dụng với Trung Quốc, và xem Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga. Ông này kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào hiện đại hóa công nghiệp và xây dựng hạ tầng nước Nga.
Mối quan hệ cộng sinh
Trong quan hệ quốc tế có 1 quy luật khá phũ phàng là hiếm có mối quan hệ thực sự mặn nồng giữa các nước láng giềng, nhất là giữa các cường quốc. Thực tế, quan hệ Trung Quốc và Nga (Liên Xô trước đây) từng có nhiều giai đoạn đầy sóng gió liên quan đến chính sách đối ngoại và tranh chấp biên giới. Hai nước thậm chí đã rơi vào tình trạng đụng độ vũ trang gây thương vong đáng kể hồi năm 1969.
Tuy nhiên quan hệ Trung - Nga đã ấm dần lên từ những năm 1990. Sau khi 2 bên giải quyết ổn thỏa tranh chấp biên giới trên bộ thì mối quan hệ này càng phát triển mạnh mẽ, dựa trên các nhu cầu nội tại của 2 nước cũng như diễn biến tình hình thế giới. Tất nhiên còn quá sớm để nói về một mối quan hệ mang tính huynh đệ ở đây, nhưng rõ ràng giới lãnh đạo và học giả 2 nước đều bày tỏ một sự tin tưởng lẫn nhau ngày càng gia tăng và hai bên coi nhau là đối tác chiến lược.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khủng khiếp, Trung Quốc hiện đang rất "khát dầu mỏ" (ảnh: AP) |
Nhân tố xúc tác dễ thấy là Mỹ. Vừa qua Mỹ thường xuyên căng thẳng với cả Nga và Trung Quốc về nhiều vấn đề (Libya, Syria, Edward Snowden, tin tặc…). Cả Nga và Trung Quốc đều không ưa chủ nghĩa can thiệp Mỹ, và họ ủng hộ nguyên tắc các vấn đề nội bộ của nước nào phải do nước đó giải quyết. Nhân tố này kéo 2 bên xích lại gần nhau, dù họ không nói đến liên minh.
Hai nước, một Á một Âu nhưng lại tương đồng trong quan điểm đối với 1 loạt vấn đề gồm tên lửa đánh chặn của Mỹ, Trung Đông (Iran, Iraq, Syria...), Triều Tiên, và cùng dè chừng trước chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương.
Đối với Nga - 1 nước từng hưởng vị thế siêu cường - thì ý tưởng sóng đôi bên 1 cường quốc mới nổi, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á và thế giới quả là không tồi chút nào. Còn Trung Quốc cần tiếng nói và chỗ dựa Nga (cả trên phương diện quân sự) để cân bằng với cả Mỹ và Nhật Bản, “ứng phó” với láng giềng Ấn Độ, đồng thời vươn lên 1 vị trí xứng đáng hơn.
Trên thực tế, hai nước phối hợp nhuần nhuyễn trên sân khấu thế giới và diễn đàn Liên Hợp Quốc, nâng đỡ vị thế cho nhau, hình thành thế đối trọng hiệu quả với phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng.
Cùng là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, cùng phát triển kinh tế thị trường, lại chung đường biên giới dài tới 4.300km, Nga và Trung Quốc có nhiều điều kiện để liên kết và bổ khuyết lẫn nhau.
Ấn Độ cũng là nước lớn và hàng xóm của Trung Quốc, nhưng tranh chấp lãnh thổ căng thẳng giữa 2 bên vẫn còn. Có vẻ như so với Nga (tiềm lực mạnh hơn), Ấn Độ chỉ được Trung Quốc xếp ở “chiếu dưới”.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc có 1 điểm yếu chiến lược là rất khát dầu do tăng trưởng nóng, tầng lớp giàu có đi xe hơi tăng nhanh, trong khi trữ lượng dầu Trung Quốc không lớn, năng lực khai thác thấp, công nghệ vẫn tiêu tốn nhiều năng lượng. Trung Quốc tuy chưa phải là nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất (chỉ bằng 1 nửa so với Mỹ) nhưng vào tháng 9/2013 đã vượt Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, mặc dù đã cố gắng tìm kiếm thêm các mỏ dầu và các nguồn năng lượng thay thế.
Đô thị Trung Quốc ngập tràn xe hơi do mức sống nâng cao (ảnh: AP) |
Trước thách thức này, Trung Quốc phải đa dạng hóa nguồn cung cấp từ bên ngoài, từ Trung Đông truyền thống nhưng nhiều bất định đến các nguồn mới là châu Phi và châu Mỹ Latin. Riêng nước Nga nổi lên như 1 nguồn cung cấp chiến lược – gần, rẻ, và ổn định.
Ngược lại, khi bán dầu cho Trung Quốc, Nga sẽ dễ tạo dựng chỗ dựa vững chắc ở phía đông nam. Đồng thời Nga cũng cần vốn và khả năng xây dựng của Trung Quốc.
Thái độ tích cực bán dầu cho Trung Quốc còn do những thay đổi gần đây trong nhu cầu dầu mỏ thế giới: EU tránh lệ thuộc vào dầu khí Nga, còn Mỹ thì hạn chế nhập khẩu dầu khí và đang áp dụng nhiều tiến bộ công nghệ để khai thác các nguồn dầu khí sẵn có, đặc biệt là từ đá phiến mà Mỹ có trữ lượng rất lớn. Sản lượng dầu và khí của Mỹ đang tăng vọt và người ta thậm chí dự đoán Mỹ sẽ vượt Nga để trở thành nhà sản xuất dầu khí hàng đầu trong thời gian tới. Trong khi đó nền kinh tế Nga phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng (chiếm tới 30% GDP của nước này).
Tất nhiên quan hệ Nga-Trung vẫn tiềm ẩn các nguy cơ, như sự cạnh tranh giữa 2 nước ở Trung Á (nơi Trung Quốc xâm nhập hiệu quả như ở châu Phi), hay áp lực tiềm tàng của dân số Trung Quốc đối với vùng Viễn Đông Nga vốn thưa dân. Bên cạnh đó, Nga cũng không “vào hùa” với các tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông…/.