Nga vẫn có thể trả đũa hạt nhân NATO ngay cả khi bị hủy diệt
VOV.VN - Ngay cả trong tình huống ban lãnh đạo của Nga không còn tồn tại do một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu từ phía NATO, Nga vẫn có phương án dự phòng để tung đòn trả đũa hạt nhân nhằm vào Mỹ và NATO.
Hệ thống dự phòng đặc biệt này của Nga được kế thừa từ Liên Xô.
Tình huống giả định khủng khiếp nhất như sau: Có tin nhắn báo động, đối phương đã khai hỏa tên lửa hạt nhân nhằm vào Nga. Trong vòng vài giờ, hàng triệu người thiệt mạng. Vài ngày sau đó, trăm triệu người có thể tử vong. Tro xám phủ kín bầu trời và rải rác bên trên đống đổ nát của thủ đô Moscow. Mỹ có thể đã phá tung các trung tâm đầu não “chuyên ra quyết định” ở nước Nga ngày nay. Tuy nhiên, sau đó Washington và thủ đô các nước lớn khác trong NATO cùng chung số phận bị phá hủy.
Chính vì viễn cảnh thảm khốc này mà Nga đã nhiều lần cảnh báo, không có bên thắng kẻ thua trong xung đột hạt nhân.
Gần đây cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ Ben Hodges cảnh báo rằng nước ông sẽ trả đũa bằng một “đòn tấn công hủy diệt” nhằm vào Nga nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Ông Hodges cho rằng Washington có thể tấn công vào hạm đội Biển Đen hoặc phá hủy các căn cứ Nga ở Crimea.
Liên Xô suy nghĩ cách ứng phó đòn phủ đầu của Mỹ
Năm 1980, trong lúc Chiến tranh Lạnh căng thẳng do sự can dự của Liên Xô ở Afghanistan, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ký Chỉ thị 59 “Chính sách Sử dụng Vũ khí Hạt nhân” nhằm trao cho giới lãnh đạo Mỹ thêm sự linh hoạt trong việc hoạch định và tiến hành chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, các rò rỉ về nội dung của văn bản “tuyệt mật” này đã xuất hiện trên trang nhất các tờ báo New York Times và Washington Post khiến dư luận lo ngại về xung đột hạt nhân không kiểm soát.
Tài liệu trên giả định Mỹ sử dụng công nghệ tiên tiến để phát hiện ra các cơ sở hạt nhân của Liên Xô ở các nước, trong đó có Đông Âu. Mỹ lên kế hoạch tấn công chính xác vào các cơ sở đó.
Trong số các tác giả của Chỉ thị 59 có Cố vấn quân sự của Tổng thống Mỹ, William Odom, người tin rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các đơn vị chính quy của quân đội Liên Xô sẽ không dẫn tới một cuộc hủy diệt hạt nhân. Tuy nhiên, Odom và các đồng nghiệp cảnh báo rằng cuộc chiến này có thể kéo dài. Họ ước tính, có thể mất “nhiều ngày và nhiều tuần” để tìm thấy tất cả các mục tiêu xứng đáng cho một cuộc tấn công hạt nhân chính xác.
Năm 1983, Mỹ chuyển giao các tên lửa hạt nhân Pershing II cho Tây Đức. Động thái này làm tăng khả năng các quả tên lửa như vậy rơi xuống đất Liên Xô chỉ trong vài phút.
Lãnh đạo Liên Xô bắt đầu tính đến các phương án đối phó. Họ cố gắng đảm bảo rằng, kể cả khi Liên Xô bị hủy diệt thì kẻ thù của Liên Xô cũng không thể ung dung được mà sẽ cùng chung số phận, từ đó đối phương sẽ không dám động thủ.
Hệ thống “Ngày Tận thế”
Năm 1984, Valery Yarynich - Đại tá trong Lực lượng Tên lửa Chiến lược, trở thành Phó Chủ nhiệm Tổng cục Vũ khí Tên lửa. Chính vị đại tá này được giao phó nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống bán tự động sẽ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa đáp trả nếu ban lãnh đạo Xô viết đã hy sinh khi bị đối phương giội bom hạt nhân trước đó.
Hệ thống này có tên gọi Perimeter (Chu vi), được đưa vào hoạt động từ năm 1983.
Liên Xô không thể là bên đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa vào nước Mỹ. Và khi ấy có rất nhiều tình huống căng thẳng, chẳng hạn có báo động giả về tên lửa hạt nhân Mỹ đang bay tới Liên Xô.
Những người phát triển hệ thống Perimeter cố gắng tối thiểu hóa sự can thiệp của con người. Tất cả những gì mà Tổng bí thư Liên Xô phải làm sau khi nhận được thông tin về đòn tấn công hạt nhân của đối phương là đặt Perimeter trong tình trạng báo động. Khi ấy một nhóm sĩ quan quân đội sẽ định đoạt việc sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả.
Nhóm sĩ quan đặc biệt nói trên được cách ly bên trong các boong-ke hình cầu đặc biệt nằm rất sâu dưới lòng đất mà bom hạt nhân không thể phá hủy tới được. Các sĩ quan này có 3 tiêu chí để tấn công hạt nhân:
1- Trạng thái của hệ thống Perimeter. Nếu nó được kích hoạt, điều đó có nghĩa là Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô hoặc điện Kremlin đã đặt hệ thống trong tình trạng báo động.
2- Liên lạc với các tư lệnh và lãnh đạo đảng: Nếu mối liên lạc này bị mất, người ta mặc định rằng Ban lãnh đạo cấp cao đã không còn.
3- Dữ liệu về một đòn tấn công hạt nhân của đối phương: Một mạng lưới các cảm biến đặc biệt được sử dụng để đo độ phóng xạ và độ rọi sáng, các cơn địa chấn và sự gia tăng áp lực khí quyển.
Trong tình huống hệ thống này được kích hoạt, Ban lãnh đạo không còn sống, và vụ tấn công hạt nhân của đối phương đã xảy ra, các sĩ quan này có thẩm quyển tiến hành phóng tên lửa chỉ huy. Trong vòng 30 phút, họ đã ra lệnh cho phóng tất cả các tên lửa hạt nhân còn nguyên vẹn. Mục tiêu là Mỹ và các nước NATO.
Một nhân vật phát triển Perimeter, Alexander Zheleznyakov, mô tả một kịch bản kích hoạt hệ thống này như sau: “Hai giờ sau khi lâm chiến, khi dường như không còn ai để chiến đấu nữa thì ở những khu rừng taiga tại Siberia, các nắp bệ phóng ngầm đồng thời bật mở. Hàng loạt ánh bạc khổng lồ vụt lên bầu trời. 30 phút sau đó, Washington, New York, Los Angeles…. Bonn, London, Paris và Rome, Sydney… sẽ cùng chung số phận với Moscow, Leningrad, Kiev, Minsk, Berlin và Praha. Tất cả bị tiêu diệt. Chỉ còn những nhóm nhỏ người còn sống trên các đảo ở Thái Bình Dương, các vùng xa xôi của châu Phi và châu Mỹ Latin”.
Hiện có một câu hỏi là các nhà phát triển Perimeter có nâng hệ thống này lên mức hoàn toàn tự động hay không.
Đại tá Yarynich cho rằng không nên giữ bí mật về hệ thống Perimeter vì mục đích của nó là để răn đe đối phương.
Theo Pyotr Kazulsky - cựu nghiên cứu viên tại Trung tâm Tin học Ứng dụng, ngày nay hệ thống Perimeter đã được nâng cấp, tuy nhiên thông tin này chưa được xác nhận.
Vào tháng 12/2011, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga, tướng Sergei Karakaev tuyên bố rằng hệ thống Perimeter tồn tại cho tới ngày nay và được đặt trong trạng thái báo động./.