Người phụ nữ Tây Ban Nha dâng hiến trọn đời cho Liên Xô và tình báo cách mạng
VOV.VN - África de las Heras cống hiến cả đời cho ngành tình báo Liên Xô. Từng ra tiền tuyến trong Thế chiến II, người phụ nữ Tây Ban Nha này đã đối mặt với nhiều hiểm nguy và về sau được thăng lên hàm đại tá, chỉ đạo cả một mạng lưới điệp viên vô giá ở nước ngoài.
Heras được đánh giá là một trong các điệp báo viên hiệu quả nhất của Liên Xô. Toàn tâm toàn lực cống hiến cho sự nghiệp, Heras đã có hơn 45 năm phục vụ trong công tác tình báo mạo hiểm của Liên Xô trên khắp thế giới. Bà trung thành tuyệt đối với Liên Xô và chấp nhận nhiều hy sinh đời tư trong sự nghiệp hoạt động bí mật của mình.
Điệp vụ đầu tiên
Đối với tình báo Xô viết, África de las Heras (được sinh ra ở Marốc) là một món quà quý báu đúng thời điểm. Ở tuổi 28, người phụ nữ này đã ngụp lặn trong các hoạt động đấu tranh chính trị và quân sự ở Tây Ban Nha, tổ chức bạo động vũ trang, trốn tránh nhà cầm quyền, và chiến đấu cho phe Cộng hòa trong Nội chiến Tây Ban Nha. Điều quan trọng nhất đối với Liên Xô: Bà tự nhận mình là một chiến sĩ cộng sản.
Năm 1937, Heras được tuyển vào ngành tình báo Liên Xô. Người tuyển bà là Aleksandr Orlov – một điệp báo viên Xô viết hoạt động ở Tây Ban Nha. Năm đó, Heras được đặt mật danh “Patria” và nhận được lệnh đầu tiên từ Moscow - đưa một lượng lớn tiền từ Paris tới Berlin.
Sử dụng vỏ bọc của một công dân Canada, Heras đã thất bại trong nỗ lực vượt biên giới bằng tàu hỏa. Hộ chiếu giả của bà có một lỗi. Mặc dù không bị bắt giữ, tân điệp viên này đứng trước một sự lựa chọn khó khăn: hoặc từ bỏ nhiệm vụ nguy hiểm, hoặc liều mình vận chuyển số tiền này. Cuối cùng bà đã hoàn thành nhiệm vụ. Sự nghiệp tình báo Xô viết của bà bắt đầu từ đây.
Thế chiến II
Sau khi Alexandr Orlov đào tẩu sang Mỹ vào năm 1938, các cán bộ phụ trách Heras lo ngại danh tính của bà cũng như bản chất thật sự của công việc bà làm sẽ bị lộ nên họ quyết định triệu bà về Liên Xô – Tổ quốc mới của bà.
Một trong các học trò của Heras nói với báo Nga trong một cuộc phỏng vấn: “Bà ấy không thích sống trong các khách sạn đắt tiền. Bà thường nhắc nhở mọi người thế này, “chúng ta đi chiến đấu chứ không phải đi nghỉ dưỡng”. Nhưng ngành tình báo không quên bà và đã cung cấp cho bà các khóa học. Bà nhanh chóng và tự nhiên làm chủ kỹ thuật vô tuyến điện và những thứ khác”.
Khi Thế chiến II bùng nổ, Heras nhận thấy đây là cơ hội ra tiền tuyến. Khi ấy bà đã nói: “Tôi phải dằn lòng để khỏi nhảy cẫng lên vì sung sướng và hét to hết cỡ: Hurrah! Mình sẽ ra mặt trận. Mình là người hạnh phúc nhất thế gian”.
Ở Mặt trận phía Đông, Helas - lúc này đã là một công dân Liên Xô hoàn toàn, liên lạc bằng vô tuyến điện với đơn vị kháng chiến mà bà được giao phụ trách.
Bà tuyên bố: “Tôi long trọng thề rằng chừng nào còn sống thì sẽ không đầu hàng kẻ thù. Trước khi chết, tôi sẽ phá hủy điện đài và bộ mã bằng lựu đạn”.
Heras phải trải qua gian khổ như các thành viên nam trong đơn vị nói trên. Heras cũng khắc kỷ, chịu đựng sự căng thẳng kéo dài và các khó khăn vật chất khác tại mặt trận. Duy chỉ một yếu tố làm khó bà, đó là thời tiết băng giá ở nước Nga (trong khi bà lại sinh ra ở châu Phi).
Một học trò của Heras nhớ lại: “Một ngày nọ, chỉ huy đơn vị thấy cô gái Tây Ban Nha bé nhỏ run lẩy bẩy, lấy tay hơ trên lửa mà các ngón tay cứ cứng đờ ra, không chịu ấm lên. Người chỉ huy, tên là Kuznetsov, lập tức cởi áo len của mình và đưa cho Heras. Nhờ đó Heras mới ấm toàn thân”.
Heras đã mất vị hôn phu của mình, là một sĩ quan người Byelorus hy sinh ngoài mặt trận.
Đám cưới theo lệnh cấp trên
Ngay sau chiến tranh, tổ chức đã bố trí cho Heras làm điệp viên ngầm. Khi Chiến tranh Lạnh tăng tốc, Liên Xô mở rộng mạng lưới điệp viên ở nhiều nước phương Tây. África de las Heras khi ấy trở thành một trong các tài sản chính của Liên Xô ở nước ngoài. Tổ quốc mới của Heras yêu cầu thực hiện một sự hy sinh riêng tư chưa có tiền lệ trong đời bà: Bà phải cắt đứt mọi mối quan hệ với bạn bè, người thân, kể cả chị gái đang sống ở châu Âu.
Trong vai trò sĩ quan tình báo, bà được cử đi công tác ở Berlin, Paris, và sau đó vào năm 1948 ở Nam Mỹ, nơi bà đã hình thành và quản lý một mạng lưới cơ sở mật dưới vỏ bọc một cửa hàng đồ cổ ở Montevideo (Uruguay) trong 20 năm.
Để củng cố vỏ bọc của Heras và nâng cao hiệu quả hoạt động tình báo của bà, Moscow quyết định rằng bà cần có sự hỗ trợ từ một người chồng. Vào năm 1956, tổ chức thông báo với bà rằng bà sẽ có một đồng chí đến ở cùng với tư cách là chồng. Giovanni Antonio Bertoni – một sĩ quan tình báo Xô viết được sinh ra ở Italy, nhanh chóng đến bên bà. Dần dần, cặp đôi phát triển tình cảm riêng tư bên cạnh mối quan hệ công việc.
Sử gia Vladimir Antonov viết trong cuốn sách của mình về tình báo Liên Xô: “Không chần chừ, bà chấp nhận đề xuất từ thượng cấp và bước vào cuộc hôn nhân với một người lạ. Mặc dù Heras và Bertoni lấy nhau theo sắp xếp của Moscow nhằm hỗ trợ cho hoạt động tình báo của họ, hôn nhân giữa hai người cuối cùng lại tràn ngập hạnh phúc”.
Khi đồng đội đồng thời là chồng bà qua đời vào năm 1964, quả phụ Heras tiếp tục làm việc ở Nam Mỹ trong 3 năm nữa trước khi quay về Moscow, nơi bà dạy nghiệp vụ tình báo cho thế hệ sĩ quan tình báo mới của Liên Xô.
Những năm cuối đời, Heras viết như sau: “Tổ quốc tôi là Liên Xô. Nó đã ngấm vào tâm trí tôi, trái tim tôi. Cả đời tôi gắn với Liên Xô... Thời gian và những gian khó trong đấu tranh không làm lung lay niềm tin của tôi. Trái lại, các khó khăn đó luôn là động lực, một nguồn năng lượng cho cuộc đấu tranh tiếp theo của tôi. Nhờ đó tôi có thể sống ngẩng cao đầu, lòng đầy thanh thản. Không ai và không thứ gì, kể cả cái chết, có thể lấy đi của tôi niềm tin đó”.
Nữ điệp báo viên huyền thoại này của Liên Xô từ trần vào ngày 8/3/1988. Đại tá tình báo África de las Heras được chôn cất ở nghĩa trang Khovanskoye, thủ đô Moscow của nước Nga./.