Nguyên nhân các vụ bạo loạn khiến Thụy Điển rung chuyển?

(VOV) - Một đất nước vốn yên bình, thịnh vượng và giữ vị trí trung lập trong các cuộc chiến tranh bỗng chốc bị cuốn vào cơn lốc bạo động.

Các cuộc bạo loạn mới đây tại Thụy Điển dù chưa bằng những vụ tương tự ở Pháp năm 2005 và Anh năm 2011 (xét về mức độ dữ dội) nhưng vẫn khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Bởi lẽ đất nước Bắc Âu này xưa nay vốn nổi tiếng về ổn định và trật tự, bảo vệ nữ quyền, có phúc lợi xã hội cao cùng với văn hóa cởi mở, khoan dung và thân thiện. Mẫu hình kinh tế-xã hội tiêu biểu của khu vực Scandianavia cố gắng bảo đảm cho ngay cả những người kém may mắn nhất sẽ ít có nguy cơ bị dồn đến bước đường cùng. Nó cũng mở rộng lòng đón nhiều người tị nạn trốn chạy các cuộc chiến tranh hay đàn áp chính trị. Hơn nữa, tình hình kinh tế của Thụy Điển vẫn tốt hơn gấp nhiều lần so với ở Italy, Tây Ban Nha, và Hy Lạp.

Các vụ bạo động tháng 5/2013 bắt đầu ở Stockholm rồi lan sang các khu vực khác bao gồm cả miền Trung Thụy Điển, trở thành một trong những đợt bạo động dữ dội nhất ở quốc gia này trong nhiều thập kỷ qua.

Bạo loạn nổ ra vào hôm 19/5 tại vùng ngoại ô Husby của thủ đô Stockholm, nơi có tới 80% cư dân là người nhập cư. Bạo loạn từ Husby lan ra các vùng ngoại ô khác của Stockholm rồi đến các thị trấn, thành phố ở các vùng khác. Để “giải cứu” thủ đô, cảnh sát phải gọi thêm tăng viện từ những nơi như thành phố Malmo và Gothenburg. Bạo loạn tập trung ở những nơi có nhiều người nhập cư trú ngụ nhưng không giới hạn vào đó mà mở rộng sang cả khu vực người Thụy Điển “gốc” sinh sống tập trung.

Hình ảnh bạo loạn tại Thụy Điển năm 2013 (ảnh: IBL)

Người ta có thể thấy các hình thức đập phá “quen thuộc” trong các vụ bạo loạn đô thị ở Tây Âu như đốt xe hơi, nhà cửa, trường học, thư viện, đập phá nhà hàng, cửa hàng, rạp chiếu phim, ném đá vào cảnh sát và lính cứu hỏa, và thậm chí phóng hỏa vào cả đồn cảnh sát. Lực lượng tham gia chủ yếu là thanh niên, trong đó có những phần tử bịt mặt.

Theo tổng kết sơ bộ, thiệt hại gồm hơn 100 xe hơi bị cháy (có nguồn nói trên 300 xe hơi).

Bên cạnh các nhóm quá khích thể hiện thái độ bằng bạo lực còn có cả những nhóm phản đối một cách hòa bình.

Nhiều người dân địa phương chán ngấy trước tình trạng bạo lực thái quá và công việc kinh doanh bị ảnh hưởng cũng đã bức xúc… xuống đường để phản đối bạo loạn.

Ông lão bị cảnh sát bắn chết

Các vụ bạo loạn này được cho là khơi mào từ chuyện một ông già nhập cư 69 tuổi bị cảnh sát bắn chết ngày 13/5 ở vùng Husby, tâm chấn của đợt bạo loạn Thụy Điển. Ông này là người gốc Bồ Đào Nha đã sống ở Thụy Điển được 30 năm.

Hãng tin Reuters và trang web cánh tả World Socialist Website (WSW) dẫn lại bài phỏng vấn của tờ Aftonbladet với nhân vật Risto Kajanto là em vợ của người đàn ông nói trên. Theo đó, nạn nhân cùng vợ trên đường về nhà sau khi đi ăn tiệm thì gặp 1 nhóm thanh niên. Người đàn ông quay về căn hộ rồi ra ban công khua 1 loại dao to bản (dùng làm vũ khí hoặc chặt cây) về phía đám thanh niên - đám này sau đó đã bỏ đi. Lát sau, cảnh sát đến và cặp vợ chồng nọ tưởng là đám thanh niên quay lại, nên đã từ chối mở cửa. Bà vợ nói với cảnh sát bên ngoài rằng bà không bị đe dọa nhưng cảnh sát vẫn dùng vũ lực xông vào căn hộ, bắn chết người chồng ngay trước mặt bà.

Ông Kajano khẳng định đây là những gì mà người chị kể với mình, nhưng lưu ý thêm “chị ấy khi đó đang sốc nặng”. Còn cảnh sát chưa công bố chi tiết nào về người đàn ông bị giết ngoại trừ tuổi tác của ông ta.

Sau vụ ông lão bị bắn, thanh niên trong vùng đùng đùng nổi giận, cho rằng cảnh sát đã quá nặng tay và bắt đầu… đập phá.

Dịch chuyển chính trị và kinh tế

Dân chúng Thụy Điển nhiều người tỏ thái độ ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Thậm chí, khi được hỏi về nguyên nhân bạo động, phát ngôn viên của Cảnh sát Stockholm còn gây ấn tượng bằng câu nói (được tờ Telegraph của Anh trích dẫn): “Chúng tôi chẳng biết vì sao họ lại làm những việc như thế này”.

Một số vị cố gắng thử cắt nghĩa các sự kiện. Có người cho rằng đám thanh niên nổi loạn do dùng ma túy và “phê thuốc”. Có người nói, đơn giản là vì giới trẻ thích nổi loạn, một cách ngẫu hứng, chứ không hẳn là tham gia hoạt động trong một phong trào chính trị nào đó. Phía cảnh sát cũng khẳng định không thấy sự phối hợp nào giữa các vụ bạo loạn.

Ô tô là mục tiêu ưa thích trong các vụ bạo động vừa rồi tại Thụy Điển (ảnh: thetimes.co.uk)

Một số người cho rằng cái chết của ông lão gốc Bồ Đào Nha chỉ là cái cớ mà người ta lợi dụng để phóng tay “gây hấn”. Bản thân Kajano, em vợ của nạn nhân, nói rằng ông lên án bạo lực và khẳng định “tất cả việc đốt ô tô đều là cách phản ứng hoàn toàn sai trái”.

Tờ Economist của Anh cho rằng nhiều thanh niên có tiền án tiền sự. Thực tế nguồn tin của cảnh sát cho biết một số thanh niên bị bắt có tiền án tiền sự. Còn đương kim Thủ tướng Thụy Điển Reinfeldt gọi họ là các phần tử hooligan.

Nhiều tờ báo phương Tây nhận định, vụ bắn chết ông lão là giọt nước tràn ly, khơi dậy sự bất mãn âm ỉ bấy lâu nay trong những người nhập cư, trước tiên là ở vùng ngoại ô Husby của thủ đô.

Thực tế trong 5 năm qua, đây là đợt căng thẳng lần thứ 3 (và là lần nặng nhất) tại Thụy Điển, theo WSW. Các vụ khác là vào năm 2008 (liên quan đến việc 1 nhà thờ Hồi giáo ở miền Nam Thụy Điển), và 2010 (thanh niên đốt đồn cảnh sát ở Stockholm).

Giới cánh tả châu Âu thì cho rằng, điều này là do các mâu thuẫn không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, kể cả đối với những đảng tư sản “mềm mỏng” và gần dân như Đảng Xã hội Dân chủ cầm quyền một thời gian dài ở Thụy Điển.

Cụ thể, mặc dù chế độ chính trị Thụy Điển được coi là một dạng “Xã hội chủ nghĩa” (tất nhiên theo kiểu tư bản) với chế độ phúc lợi rất dễ chịu, nhưng nó đã giảm bớt vai trò của nhà nước (từ những năm 1990). Theo WSW, bản thân Đảng Xã hội Dân chủ đã điều chỉnh đường lối, nghiêng nhiều sang hữu, chủ trương tư nhân hóa tài sản nhà nước, thực hiện bỏ vai trò điều tiết kinh tế của nhà nước, giảm dần trợ cấp phúc lợi xã hội, và được ủng hộ bởi các đảng mà WSW cho là giả danh cánh tả (như Đảng Xanh và Đảng Tả).  

Các chính đảng chủ yếu của Thụy Điển bao gồm Đảng Xã hội Dân chủ (được nhiều người biết đến), Đảng Ôn hòa cầm quyền (chủ tịch Đảng là Thủ tướng Thụy Điển đương nhiệm Fredrik Reinfeldt) và đảng cực hữu Những người Dân chủ Thụy Điển – những đảng này đã ủng hộ chiến tranh ở Libya và việc Thụy Điển trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến tranh này năm 2011. (Thụy Điển đã gửi không quân đến tham gia thiết lập vùng cấm bay tại Libya). Riêng đảng có tên là Đảng “Tả” cũng bị cho là rất hung hăng trong việc ủng hộ cuộc chiến này.

Đảng Ôn hòa (cầm quyền từ năm 2006 đến nay) là một đảng trung hữu. Đảng này chủ trương và trên thực tế đã thực thi cắt giảm (nhưng không cắt bỏ hẳn) quỹ phúc lợi xã hội.

Thủ tướng đương nhiệm Reinfeldt thừa nhận bất bình đẳng gia tăng từ trước khi ông lên nhậm chức. Tuy nhiên, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà sau khi ông này lên nắm quyền vào năm 2006 thì lại nổ ra tới 3 đợt bạo loạn lần lượt vào các năm 2008, 2010, và nay là 2013.

Đảng trung hữu lên cầm quyền, còn đảng cực hữu giành nhiều phiếu ủng hộ trong các cuộc thăm dò. Hiện Đảng cực hữu Những người Dân chủ Thụy Điển (khác đảng Xã hội Dân chủ) là đảng lớn thứ 3, chủ trương chống nhập cư, có nguồn gốc trong phong trào tân phát xít.

Đảng cực hữu đổ lỗi mọi chuyện vừa qua cho việc nhập cư. Tờ Economist của Anh viết: “Cơn phẫn uất chống lại người nhập cư gia tăng. Những người Dân chủ Thụy Điển, một đảng cực hữu theo đường lối chống nhập cư, từng gây sốc khi giành 5,9% số phiếu trong cuộc bầu cử 2010 và lần đầu tiên đã có ghế trong nghị viện. Đến nay Đảng này tiếp tục củng cố địa vị. Theo cuộc thăm dò dư luận của 1 viện nghiên cứu thì đây là đảng có cơ sở rộng rãi thứ 3 của Thụy Điển.”

Đảng “Những Người Dân chủ Thụy Điển” quy lỗi về các cuộc bạo động này cho một “chính sách nhập cư thiếu trách nhiệm tạo ra các vết rạn nứt sâu sắc” trong xã hội Thụy Điển. Lãnh đạo đảng này, Jimmie Akesson, cho rằng giải pháp duy nhất là bớt nhập cư.

Lực lượng cảnh sát tham gia chống bạo động tại Thụy Điển (ảnh: PressTV)

Bên cạnh đó, mặc dù tình hình kinh tế ở Thụy Điển không tệ như ở nhiều nước Tây Âu và Nam Âu, nhưng khủng hoảng kinh tế thế giới và nạn thất nghiệp vẫn có tác động nhất định không thể xem nhẹ. Các chính phủ kế tiếp nói chung không thành công trong việc giảm một cách đáng kể tình trạng thất nghiệp và “nghèo” kinh niên trong giới trẻ.

Vị thế kinh tế của bản thân công nhân và thanh niên Thụy Điển gốc cũng ngày càng bấp bênh kể từ khi bắt đầu đợt suy thoái kinh tế thế giới và khủng hoảng nợ công châu Âu. Theo WSW, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên độ tuổi 15-24 là trên 25%, tăng từ mức hơn 22% vào năm ngoái. Bối cảnh chung là cả châu Âu nói chung và Tây Âu nói riêng hiện đang phải vật lộn để tạo công ăn việc làm cho giới trẻ.

Theo OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) thì mức độ gia tăng khoảng cách giàu nghèo của Thụy Điển là lớn nhất hiện nay (so với bất cứ các nước nào khác trong khối OECD gồm các quốc gia phát triển) Từ năm 1995 đến 2010, Thụy Điển tụt 14 bậc trên bảng xếp hạng bình đẳng thu nhập.

“Choáng nhất” có lẽ là tình trạng bất bình đẳng về tài sản. Chẳng hạn, theo nguồn WSW, năm 2007 có 1% số hộ Thụy Điển thuộc nhóm trên cùng kiểm soát 29% tổng tài sản của đất nước, và 10% số hộ trên cùng nắm giữ tới 72% tài sản quốc gia.

Đất lành khiến chim đậu quá nhiều?

Điều kiện sống ở Thụy Điển tốt cả về vật chất và tinh thần. Những người tị nạn chạy sang Thụy Điển được nước này hào phóng chu cấp nơi ở và cho học tiếng Thụy Điển miễn phí…

Trong 10 năm qua, thế giới lại xảy ra nhiều cuộc chiến tranh và xung đột liên miên như là ở Iraq và Syria. Ngoài các nước Bắc Âu thì các nước có người nhập cư nhiều nhất vào Thụy Điển là các nước bị chiến tranh tàn phá trong thời gian qua như Iraq, Syria, Somalia, Afghanistan, và khu vực châu Mỹ - Latin. Làn sóng nhập cư vào Thụy Điển, vì thế, đã cao nay càng cao hơn.

Năm 2012 quốc gia này tiếp nhận khoảng 44.000 người xin nhập cư mới, tăng lên gần một nửa so với năm 2011 (trong khi đó, dân số Thụy Điển đến cuối năm 2012 mới chỉ là 9,5 triệu người). Trước kia xã hội Thụy Điển có độ thuần nhất cao về chủng tộc nhưng tầm 15 năm trở lại đây đã có sự thay đổi lớn. Khoảng 15% dân số Thụy Điển hiện nay được sinh ra ở nước ngoài.

Đảng cầm quyền Những người Dân chủ Thụy Điển cho rằng việc đón nhận nhiều dân nhập cư như thế là không bền vững, gây ra nhiều hệ lụy. Đã thế, trình độ những người nhập cư từ các nước xảy ra chiến tranh nói chung không được cao lắm.

Theo số liệu của OECD, tỷ lệ thất nghiệp trong người nhập cư là 16%. Con số tương ứng của người Thụy Điển bản xứ là 6%.

Khu ngoại ô Husby (trọng điểm của bạo loạn vừa rồi), như đã nói ở trên, người nhập cư chiếm 80%. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vùng Husby (thuộc thủ đô) là 6% - cao gấp đôi so với con số trung bình của toàn bộ Stockholm.

Cư dân ở vùng ngoại ô phàn nàn về trường học dưới tiêu chuẩn và điều kiện nhà ở không được “ngon” bằng ở khu vực trung tâm. Con cái họ nhiều khi học “cấp 2” kém nên không đủ điểm để vào “cấp 3”.

Đối với những người nhập cư chạy trốn khỏi những nơi mà chuyện sống chết rất khó nói như Syria, Iraq, những gì họ được nhận ở Thụy Điển có lẽ là tốt lắm rồi. Nhưng trong bối cảnh cuộc sống của Thụy Điển, như thế dường như là chưa đủ chăng?

Một bộ phận dân nhập cư phàn nàn về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử của giới chủ và cảnh sát đối với người nhập cư, và về những bất bình đẳng trong thu nhập và việc làm, dù cho Thụy Điển có chế độ phúc lợi dễ chịu và văn hóa khoan dung.

Cảnh sát - lực lượng thực thi pháp luật và bộ mặt của nhà nước- bị coi là phân biệt đối xử đối với nhóm nhập cư. Có một số báo cáo cho rằng cảnh sát đã gọi những thanh niên nhập cư là bọn lang thang, vượn, khỉ, bọn da đen…

Thậm chí đã có ý kiến phản đối việc cảnh sát nhăm nhăm kiểm tra chứng minh thư đối với những thanh niên da màu, những người trông giống nước ngoài,… nhằm phát hiện những người nhập cư bất hợp pháp. Những người bảo vệ việc kiểm tra chứng minh thư như thế này thì cho rằng đấy chỉ là để quản lý cho hiệu quả song họ lại bị coi là “dân tộc chủ nghĩa”.

Tất nhiên còn có những vấn đề từ bản thân người nhập cư, liên quan đến giáo dục và văn hóa. Đây cũng là một giả thuyết về việc thanh niên nổi loạn vừa rồi ở Thụy Điển.

Chẳng hạn luật pháp Thụy Điển nghiêm cấm việc đánh con cái. Mà những người mới đến thuộc các nền văn hóa khác, có thể cần “cứng rắn” 1 chút trong việc dạy dỗ con cái của mình. Nhưng khi cha mẹ phạt con cái, chúng liền phàn nàn ở trên lớp rằng cha mẹ mình làm thế này thế kia và thế là các cơ quan tổ chức xã hội sẽ nhập cuộc. Kết quả, cha mẹ chùn bước vì không muốn rắc rối, còn con cái thì trở nên quá trớn. Ở quê hương bản xứ, bọn trẻ sẽ được “giáo dục” nghiêm khắc hơn rất nhiều, còn ở đây mọi thứ có vẻ nhẹ nhàng hơn.

Bản thân các bậc cha mẹ nhập cư cũng có khó khăn trong vấn đề hội nhập. Nhiều người trong số họ chưa thích ứng được với xã hội mới và nền văn hóa mới. Có ý kiến cho rằng họ không chịu học tiếng Thụy Điển, trông chờ ỷ lại vào trợ cấp, chỉ chú ý đến tiền, không quan tâm đến con cái, lơ là, bỏ bê việc giáo dục đầy đủ cho trẻ em, từ đó đẩy chúng đến chỗ tham gia những việc vô bổ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Gorbachev kêu gọi ‘cải tổ’ thể chế phương Tây
Gorbachev kêu gọi ‘cải tổ’ thể chế phương Tây

(VOV) - Mikhail Gorbachev, kẻ “có công lớn” làm tan rã Liên Xô, vừa kêu gọi phải cải tổ lại chính nền kinh tế phương Tây do Mỹ đứng đầu.

Gorbachev kêu gọi ‘cải tổ’ thể chế phương Tây

Gorbachev kêu gọi ‘cải tổ’ thể chế phương Tây

(VOV) - Mikhail Gorbachev, kẻ “có công lớn” làm tan rã Liên Xô, vừa kêu gọi phải cải tổ lại chính nền kinh tế phương Tây do Mỹ đứng đầu.

Thụy Điển: Bạo động lan ra ngoài thủ đô Stockholm
Thụy Điển: Bạo động lan ra ngoài thủ đô Stockholm

(VOV) - Cảnh sát phải huy động thêm lực lượng tăng viện mới làm dịu bớt được tình hình. Đất nước vẫn sốc vì cơn khủng hoảng.

Thụy Điển: Bạo động lan ra ngoài thủ đô Stockholm

Thụy Điển: Bạo động lan ra ngoài thủ đô Stockholm

(VOV) - Cảnh sát phải huy động thêm lực lượng tăng viện mới làm dịu bớt được tình hình. Đất nước vẫn sốc vì cơn khủng hoảng.