“Nhân vật của năm 2021” Elon Musk: Từ kẻ thất bại ê chề đến tỷ phú giàu nhất thế giới
VOV.VN - Ngày 13/12, tạp chí Time của Mỹ đã vinh danh tỷ phú Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, nhà sáng lập của hãng hàng không vũ trụ SpaceX, là “Nhân vật của năm 2021”.
“Nhân vật của năm là người có tầm ảnh hưởng lớn. Rất ít cá nhân có sức ảnh hưởng với sự sống trên Trái đất, thậm chí là ngoài Trái đất như Elon Musk. Trong năm 2021, Musk không chỉ là người giàu nhất thế giới mà còn là minh chứng rõ ràng nhất về sự thay đổi lớn trong xã hội của chúng ta”, Edward Felsenthal, tổng biên tập tạp chí Time, cho biết.
Theo CNN, 2021 là một năm rực rỡ đối với tỷ phú Musk. Ông trở thành người giàu nhất thế giới do cổ phiếu của Tesla tăng. Bên cạnh đó, Công ty SpaceX của ông Musk đã thực hiện chuyến bay đưa những hành khách tư nhân đầu tiên lên vũ trụ mà không có phi hành gia chuyên nghiệp đi cùng.
Nhiều người đã so sánh sự thành công đáng kinh ngạc của Elon Musk với những doanh nhân thành đạt khác như Steve Jobs, Howard Hughes, Henry Ford và Bill Gates. Trải qua thời thơ ấu khó khăn, ông Musk đã có tinh thần làm việc không ngừng nghỉ. Ông được cho là đã làm việc từ 80-120 giờ mỗi tuần.
Tuổi thơ bị bắt nạt
Elon Reeve Musk sinh năm 1971 tại Pretoria, một thành phố ở phía Bắc của tỉnh Gauteng, Nam Phi. Cha ông là kỹ sư và mẹ ông là người mẫu kiêm chuyên gia dinh dưỡng.
Mọi người thường gọi ông Musk là “mọt sách” vì ông dành phần lớn thời gian đọc từ bách khoa toàn thư cho tới truyện tranh và không thích chơi cùng bạn bè. Elon Musk yếu hơn các bạn cùng trang lứa nên dễ dàng trở thành mục tiêu bắt nạt của các bạn cùng trường.
Musk theo học trường dự bị Waterkloof House Preparatory School và Trung học Bryanston High School sau đó tốt nghiệp tại Trường Trung học Pretoria Boys High School.
Năm 10 tuổi Elon Musk đã tiếp xúc với máy tính và cảm thấy hứng thú, chiếc máy Commodore VIC-20. Năm 12 tuổi, lần đầu tiên Musk thể hiện khả năng công nghệ khi bán trò chơi đơn giản mang tên Blastar cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD.
Năm 1994, Musk thực tập tại công ty khởi nghiệp lưu trữ năng lượng tên là Pinnacle Research Institute ở Thung lũng Silicon. Năm 1995, ông theo đuổi chương trình tiến sĩ về vật lý ứng dụng và khoa học vật liệu tại Đại học Stanford ở California, nhưng sau đó quyết định theo đuổi sự nghiệp kinh doanh thay vì ghi danh theo học và cho ra mắt công ty đầu tiên - Zip2 Corporation.
Những thành tựu ấn tượng
Năm 1995, ông Musk thành lập dự án Zip2, cung cấp phần mềm ấn hành nội dung số cho các tổ chức mới và được hãng Compaq mua lại với giá 340 triệu USD vào năm 1999.
Sau đó, Elon Musk thành lập X.com, một ngân hàng trực tuyến. X.com sáp nhập với Confinity vào năm 2000, công ty đã ra mắt PayPal vào năm trước đó và sau đó được eBay mua lại với giá 1,5 tỷ USD vào tháng 10/2002. Vào thời điểm đó, ông Musk là cổ đông lớn nhất của công ty, nắm 11,7% cổ phiếu của PayPal.
Ông Musk gia nhập công ty sản xuất xe điện Tesla Motors vào năm 2004, một năm sau khi công ty được thành lập, trở thành CEO và kiến trúc sư sản phẩm của hãng. Ông Musk đóng vai trò chủ chốt trong công ty khi chỉ đạo thiết kế cũng như định hướng chiến lược. Ông nắm giữ khoảng 32% cổ phần tại Tesla.
Vào tháng 6/2002, Elon Musk thành lập Công ty Space X, đơn vị chế tạo hàng không vũ trụ kiêm công ty dịch vụ vận tải không gian, nắm giữ cương vị CEO kiêm nhà thiết kế chính. Tham vọng của ông Musk là thám hiểm không gian và chinh phục sao Hỏa.
Năm 2006, doanh nhân Musk lập ra SolarCity, một công ty dịch vụ năng lượng mặt trời (hiện là công ty con của Tesla). Năm 2015, ông đồng sáng lập OpenAI, công ty nghiên cứu phi lợi nhuận nhằm mục đích thúc đẩy trí tuệ nhân tạo thân thiện. Tháng 7/2016, ông đồng sáng lập Neuralink, công ty công nghệ tập trung vào phát triển giao diện máy tính trí tuệ. Vào tháng 12/2016, ông Musk thành lập The Boring Company, một công ty xây dựng cơ sở hạ tầng và đường hầm tập trung vào các đường hầm được tối ưu hóa cho xe điện.
Những thất bại ê chề
Để đạt được những thành công rực rỡ kể trên, tỷ phú Elon Musk đã trải qua không ít khó khăn.
Elon Musk từng nộp đơn xin việc tại công ty dịch vụ máy tính hàng đầu của Mỹ Netscape nhưng cuối cùng không nhận được phản hồi từ công ty. Trước lời từ chối này, ông đã thành lập Zip2, công ty chuyên cung cấp các bản đồ cũng như địa chỉ doanh nghiệp, cũng như các trang báo điện tử. Thật không may, Zip2 gặp khó khăn trong những năm đầu và gần như không nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư.
Zip2 được Elon Musk và anh trai của mình thành lập vào năm 1995. Tuy nhiên, ban lãnh đạo của công ty lại muốn phế chức vụ CEO của Elon Musk do họ cho rằng ông không có đủ trách nhiệm cũng như kinh nghiệm điều hành công ty. Sau đó Zip2 được bán cho Công ty Compaq.
Nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp ô tô đã tỏ ra coi thường Tesla khi hãng này mới xuất hiện. Năm 2008, Tesla đứng trên bờ vực sụp đổ do không đủ tài chính. Vào thời điểm đó, Musk quyết định sử dụng tài sản cá nhân để duy trì hoạt động của công ty. Khối tài sản này bao gồm số tiền ông kiếm được từ việc bán PayPal. May mắn thay, các khoản vay cá nhân từ bạn bè đã giúp Tesla tiếp tục đứng vững.
Space X từng bị coi là tốn tiền khi ngốn tới hàng trăm triệu USD cho những lần thử nghiệm tên lửa mới. Ông Musk đã đầu tư 100 triệu USD để phát minh 3 tên lửa đầu tiên, nhưng cả 3 đều phát nổ trước khi được phóng vào quỹ đạo. Thất vọng, chán chường nhưng ông Musk vẫn luôn tin tưởng vào tương lai của SpaceX. Cuối cùng, tên lửa thứ 4 đã được phóng thành công và SpaceX ký hợp đồng 1,6 tỷ USD với NASA./.