Nhìn lại 100 ngày đại dịch Covid-19 khiến thế giới quay cuồng
VOV.VN - Khi năm 2019 sắp trôi qua, không ai tưởng tượng rằng đó là lúc một cuộc khủng hoảng nặng nề nhất trong thập kỷ đã bắt đầu.
Khi chỉ còn vài tiếng là bước sang năm 2020, trước khi những chai rượu được khu ra hay màn đếm ngược được bắt đầu, một diễn biến gây ra hậu quả nặng nề nhất trong thập kỷ đã diễn ra.
13h 38 phút ngày 31/12, trang web của chính phủ Trung Quốc thông báo về một "bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân" được phát hiện tại khu vực quanh chợ hải sản ở Vũ Hán - thành phố công nghiệp với 11 triệu dân của quốc gia này.
Sarah và Elizabeth trò chuyện với nhau từ 2 phía đối diện của con đường khi thực hiện quy định giãn cách xã hội tại Syracuse, New York ngày 5/4. Ảnh: Reuters |
Trải qua 100 ngày, loại virus mới này đã khiến hoạt động đi lại trên toàn thế giới "đóng băng", làm ngưng trệ các hoạt động kinh tế và khiến một nửa dân số thế giới phải ở nhà, cũng như lây nhiễm cho 1,5 triệu người, trong đó có cả những lãnh đạo thế giới như Phó Tổng thống Iran hay Thủ tướng Anh. Tính tới ngày 9/4, đã có hơn 88.000 người tử vong vì dịch bệnh này trên toàn cầu.
Ngày 1 (1/1/2020)
Chợ hải sản Vũ Hán vốn thường ngày tấp nập nhưng buổi sáng hôm đó, cảnh sát dán băng dính trên những khung cửa kim loại và giục các chủ cửa hàng nhanh chóng đóng cửa. Các nhân viên chính quyền trong trang phục bảo hộ cẩn thận lấy các mẫu vật từ những bề mặt và đặt chúng trong những chiếc túi nhựa được dán kín.
Những tin tức hoang mang đang dần lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc và lo ngại ngày càng tăng lên sau khi một số tài liệu y khoa cho biết những bệnh nhân được đưa tới các bệnh viện ở Vũ Hán xuất hiện những triệu chứng đáng ngại.
"Về cơ bản chắc chắn là SARS nhưng đừng để các y tá ra ngoài", một tin nhắn cho biết. Một người khác thì nói rằng: "Hãy rửa tay. Đeo khẩu trang. Đeo găng tay".
Ngày 9 (9/1/2020)
Căn bệnh bí ẩn đã được xác định: Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết các bệnh nhân ở Vũ Hán đều đã bị nhiễm một loại virus corona chưa được phát hiện trước đó.
Hai loại virus corona gây nên dịch bệnh SARS và MERS từng gây nên đại dịch trong thế kỷ này và loại virus mới này cũng nguy hiểm không kém. Buổi tối trước hôm đó, 1 người đàn ông 61 tuổi đã tử vong tại một bệnh viện ở Vũ Hán - người được cho là bệnh nhân đầu tiên mắc phải loại virus lạ này.
Ngày 13 (13/1/2020)
Virus corona chủng mới đã lọt ra ngoài khu vực này. Thái Lan ghi nhận ca dương tính với virus corona chủng mới đầu tiên. Đó là một người dân 61 tuổi ở Vũ Hán có biểu hiện sốt cao khi đi qua máy kiểm tra thân nhiệt ở sân bay Bangkok.
Chính phủ Trung Quốc cho biết vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy virus corona chủng mới lây nhiễm từ người sang người. WHO cũng đưa ra thông điệp chính thức tương tự, khi ban hành một thông báo cho biết tổ chức này an tâm với cách phản hồi của chính phủ Trung Quốc.
Các nhà dịch tễ học cho biết tin tức này rất đáng khích lệ. Nhưng các bác sĩ ở Vũ Hán thì lại thấy một bức tranh khác. Những nghiên cứu sau đó cho thấy sau hơn 2 tuần lễ, các bệnh viện trong thành phố đang đối phó với "một sự gia tăng theo cấp số nhân" các ca nhiễm bệnh không có liên quan đến chợ hải sản.
Ngày 20 (20/1/2020)
Ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) - một chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp tại Trung Quốc đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia với một tin xấu: Hai trường hợp dương tính với virus corona chủng mới đã xuất hiện tại tỉnh Quảng Đông ở những bệnh nhân không có liên hệ trực tiếp với Vũ Hán.
Kết luận đã rất rõ ràng. "Chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng đây là hiện tượng lây nhiễm từ người sang người", ông Chung Nam Sơn cho biết.
Ngày 24 (24/1/2020)
Vũ Hán bị phong tỏa. Hầu hết việc đi lại trong và ngoài thành phố đều bị tạm dừng. Hơn 800 ca nhiễm được phát hiện với 25 người tử vong. Thành phố này là nơi đầu tiên trải qua những sức ép nặng nề của dịch bệnh.
Virus corona chủng mới đã đến châu Âu. Bộ trưởng Y tế Pháp Agnès Buzyn khẳng định: "Bạn phải đối phó với dịch bệnh như xử lý một đám cháy".
Ngày 25/1, lệnh phong tỏa ở Trung Quốc mở rộng với 56 triệu dân. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo đất nước đang phải đối mặt với "một tình huống chết chóc".
Ngày 31 (31/1/2020)
Cuối ngày 31/1, dịch bệnh này ghi một dấu mốc mới khi đã lan rộng hơn dịch SARS. Các ca nhiễm đều lần lượt được xác nhận ở Anh và Tây Ban Nha trong khi Italy phát hiện các ca bệnh đầu tiên.
Ngày 36 (4/2/2020)
Xuất hiện ca tử vong đầu tiên vì dịch Covid-19 bên ngoài Trung Quốc. Người dân Vũ Hán có các triệu chứng viêm phổi nghiêm trọng tuần trước đã tử vong tại một bệnh viện ở Manila, Philippines.
Ngày 50 (19/2/2020)
Bệnh nhân 31 được phát hiện tại Hàn Quốc, các nhà chức trách lại gia tăng lo ngại. Bệnh nhân 31 là một người phụ nữ 61 tuổi, tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa tại một nhà thờ ở Daegu và theo các nhà chức trách xác định, người này đã có ít nhất 1.160 tiếp xúc nguy cơ.
"Sau đó, virus bùng nổ", Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhận định.
Ngày 56 (25/2/2020)
Thế giới vượt mốc 80.000 ca mắc Covid-19. Lần đầu tiên kể từ dịch bệnh bùng phát, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 bên ngoài Trung Quốc vượt số ca nhiễm bên trong quốc gia này.
Italy ghi nhận ca tử vong đầu tiên cách đó 4 ngày và ngày 25/2, đã có 11 ca tử vong. 50.000 người ở phía bắc Italy đã trải qua 4 ngày bị phong tỏa.
Ngày 66 (6/3/2020)
Số người chết vì dịch Covid-19 ở Italy tăng gấp 6 lần trong 6 ngày: Hơn 230 người Italy đã tử vong vì dịch bệnh này trong khi có hơn 1.200 ca nhiễm mỗi ngày. "Hệ thống y tế có nguy cơ bị quá tải và chúng ta sẽ gặp vấn đề với việc chăm sóc tích cực nếu cuộc khủng hoảng theo cấp số nhân này tiếp diễn", Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhận định.
Ngày 71 (11/3/2020)
Trong một bài phát biểu hiếm hoi tại Phòng Bầu Dục, Tổng thống Trump thông báo chính quyền của ông đang thực hiện "nỗ lực quyết liệt và toàn diện nhất trong lịch sử hiện đại để đối phó với một loại virus từ nước ngoài". Số ca mắc Covid-19 ở Mỹ đã vượt 1.000 trường hợp với hơn 116.000 ca bệnh trên toàn cầu.
WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Ngày 77 (17/3/2020)
Các quốc gia châu Âu tự cách ly với nhau và cách ly với thế giới bên ngoài. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên chiến với đại dịch Covid-19. Số ca tử vong ở Italy hiện đã vượt 450 ca/ngày và sẽ sớm vượt Trung Quốc. Các ca mắc Covid-19 ở Tây Ban Nha tăng gấp đôi lên hơn 17.000 ca vào cuối tuần. 3/4 số ca tử vong vì dịch Covid-19 là ở châu Âu.
Ngày 83 (23/3/2020)
Thủ tướng Anh Boris Johnson ra lệnh đóng cửa các cơ sở kinh doanh không cần thiết và yêu cầu mọi người ở nhà. Gần 400 người chết trong 1 ngày ở Tây Ban Nha, số ca tử vong cao nhất cho tới thời điểm đó. Nhưng con số này lại chỉ ở mức thấp nhất, ít nhất là trong 2 tuần kế tiếp tại quốc gia này.
Hơn 5.000 ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận ở New York, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở Mỹ lên 20.000. Cuối tuần đó, Mỹ ghi nhận số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới.
Hơn 3,5 tỷ người trên khắp thế giới đang phải ở trong tình trạng cách ly xã hội.
Ngày 93 (2/4/2020)
20h 40 phút (giờ GMT), Đại học Johns Hopkins cho biết số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 1 triệu người với hơn 50.000 người tử vong vì dịch bệnh này. Trong số các ca mắc Covid-19 có cả Thủ tướng Anh - người hiện vẫn đang phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực.
Số ca tử vong ở Tây Ban Nha là hơn 950 ca/ngày. Bên kia Đại Tây Dương, gần 250.000 ca mắc Covid-19 được ghi nhận ở Mỹ với khoảng 6.000 ca tử vong. Các bệnh viện dã chiến được xây dựng tại Công viên Trung tâm ở New York và những xe tải đông lạnh được sử dụng để bảo quản các thi thể. Tổng thống Trump cảnh báo sẽ có "2 tuần rất đau thương" ở phía trước.
Ngày 99 (8/4/2020)
Tại một số quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, số ca nhiễm mới và số ca tử vong đang giảm. Trung Quốc ghi nhận ngày đầu tiên không có ca tử vong nào và thận trọng mở cửa lại các thành phố.
Các loại vaccine đang nhanh chóng được nghiên cứu nhưng sẽ không thể cung cấp với số lượng lớn trong ít nhất 18 tháng nữa.
Thế giới ghi nhận hơn 75.000 người chết và 1,3 triệu người mắc Covid-19. Khoảng 270.000 ca đã hồi phục.
Một tương lai bất định về đại dịch Covid-19 vẫn ở phía trước và thế giới chưa biết liệu khi nào cuộc sống có thể quay lại bình thường./.