Những lần Đại quân của Napoleon thua trận trước quân đội Nga
VOV.VN - Đánh bại quân đội của Hoàng đế Pháp Napoleon trên chiến trường không phải là điều dễ dàng. Nhưng quân Nga đã vài lần làm được như vậy.
Trận chiến Maloyaroslavets
Vào ngày 19/10/1812, Đại quân của Hoàng đế Pháp Napoleon sau một tháng vất vưởng ở thủ đô Moscow trống trơn (Nga lúc đó thực hiện vườn không nhà trống – người dịch) đã rời bỏ thành phố này sau khi đã đốt phá. Họ rút lui về các tỉnh phía tây của Đế chế Nga, nơi họ cố đợi qua mùa đông lạnh giá. Hoàng đế Pháp quyết định đi vòng tới Kaluga ở phương nam, nơi ông ta có ý định chiếm lấy các kho lương thực giàu có dành cho quân Nga.
Nhưng quân Pháp đã bị cắt đứt bởi các lực lượng Nga dưới quyền chỉ huy của tổng tư lệnh quân đội Nga, Mikhail Kutuzov. Vào ngày 24/10, hai bên đụng độ tại thị trấn nhỏ Maloyaroslavets. Trong cuộc giao tranh dữ dội, thị trấn nhỏ bất hạnh này đã thay đổi chủ tới 8 lần. Vào cuối trận chiến, thị trấn gần như tan hoang hoàn toàn.
Nhân chứng Eugene Labaume hồi tưởng: “Các con phố chỉ có thể nhận ra qua vô số tử thi nằm la liệt dưới đất. Cứ mỗi bước đi, chúng tôi lại phải bước qua những cánh tay, chân bị cắt lìa, và những phần thi thể bị nát vì đạn pháo. Tất cả những gì còn lại của các ngôi nhà ở đây là một đống tro tàn bốc khói”.
Cuối cùng, Kutuzov ra lệnh cho quân lính của mình rút về các vị trí phòng ngự ở phía nam thành phố.
Mặc dù Maloyaroslavets khi đó vẫn nằm trong tay quân Pháp, người Nga đã giành được một thắng lợi chiến lược quan trọng. Quân Pháp giờ đã kiệt sức, không còn muốn đột phá tiến về khu nhà kho theo hướng Kaluga nữa. Thay vào đó, họ rút lui dọc theo đường Smolensk, mà hồi mùa hè họ còn hành quân trong chiến thắng tiến về Moscow.
Chiến thắng tại Krasny
Trên đường tiến về biên giới phía tây của Đế chế Nga dọc theo đường Smolensk, đối mặt với chiến thuật tiêu thổ kháng chiến của người Nga, Đại quân Pháp tan rã dần một cách thấy rõ. Họ đối diện với thảm họa thiếu lương thực, gần như toàn bộ ngựa đã mất, mà mùa đông thì đang ập đến. Ngoài ra, lính Pháp còn thường xuyên hứng chịu các đòn đánh chớp nhoáng của đội kỵ binh, đội lính Kozak, và các cuộc phục kích của du kích.
Một số đội quân Nga vẫn nằm sát với vị trí quân Pháp, đợi chờ cơ hội để tấn công quân viễn chinh giờ đã kiệt quệ. Thời cơ đó xuất hiện khi đoàn quân Pháp bị căng mỏng ra dọc theo con đường từ Smolensk tới Krasny.
Một loạt trận đánh diễn ra từ ngày 15-18/11/1812, trong đó quân Nga cô lập và đánh bại từng đội quân của Thân vương Eugene de Beauharnais và các nguyên soái Louis-Nicolas d’Avout và Michel Ney.
Bản thân Hoàng đế Napolenon chỉ huy các hoạt động tác chiến gần Krasny, với ý đồ đợi chờ các đội quân trên đuổi theo kịp. Tuy nhiên, khi ông ta nhận được tin đối phương có ý định cắt đứt đường rút lui của mình thì ông ta cùng cận vệ và một bộ phận binh sĩ của mình đột kích qua đội hình quân Nga và tiến về phía tây, tới thành phố Orsha.
Sau trận đánh tại Krasny, Đại quân Pháp hùng mạnh một thời hứng chịu 10.000 thương vong. Thêm 26.000 quân Pháp nữa bị phía Nga bắt làm tù binh. Đại tá Denis Davydov của trung đoàn kỵ binh Akhtyr nói: “Toàn bộ các đám quân Pháp khi nhác thấy các nhóm binh sĩ của chúng tôi trên đường liền vứt bỏ vũ khí của chúng”.
Vỡ trận trên sông Berezina
Nếu trận chiến Krasny làm suy yếu đáng kể Đại quân Pháp thì trận chiến ở sông Berezina tiêu diệt hoàn toàn đội quân này. Cho tới ngày nay, người Pháp vẫn sử dụng thành ngữ “c’est la Bérézina” (có nghĩa: đó là Berezina) để nói về một sự hủy diệt hoàn toàn.
Vào ngày 24/11/1812, Napoleon tiến tới sông Berezina ở vùng lãnh thổ ngày nay là nước Belarus. Tại đây, đội quân Danube Nga đông tới 24.000 người dưới sự chỉ huy của Đô đốc Pavel Chichagov đã đợi sẵn bên bờ đối diện. Napoleon còn gần 80.000 lính nhưng chỉ một nửa trong số đó là trong trạng thái đứng thẳng được và cầm được vũ khí.
Bằng một đòn nghi binh, Napoleon cố gắng đánh lừa Chichagov về điểm vượt sông thực sự của ông ta. Nhưng không phải tất cả binh sĩ của Napoleon đều sang được bên kia sông vào ngày 28/11, khi đội quân Danube và đội quân đông 35.000 người của tướng Peter Wittgenstein đã tới được đây từ hướng bắc và tấn công quân Pháp.
Khi quân Nga tới, tinh thần hoảng loạn và sự hỗn loạn xuất hiện tại điểm vượt sông. Quân Pháp kháng cự dữ dội, chiến đấu từ sáng sớm đến đêm muộn.
Người lính tên Jean-Marc Bussy thuộc Trung đoàn Thụy Sĩ số 3 nhớ lại: “Chúng tôi không bắn được. Chúng tôi đánh giáp là cà bằng lưỡi lê và báng súng... Nhiều người trốn trong tuyết. Hàng ngũ chúng tôi mỏng lắm. Chúng tôi không còn dám nhìn sang trái hay phải vì sợ không còn thấy đồng đội ở đó... Xác chết nằm la liệt!”.
Napoleon cùng với bộ tham mưu, cận vệ, và một số binh sĩ cố gắng thoát khỏi cái bẫy này nhưng quân đội của ông ta vẫn hứng chịu tổn thất lớn. Có tới 50.000 lính bị giết, bắt giữ, hoặc chết đuối trong dòng nước băng giá của con sông Berezina. Tổn thất phía Nga ước chừng là 4.000-10.000 người.
“Trận chiến của các quốc gia”
Trận Leipzig, còn được gọi là “Trận chiến của các quốc gia”, có sự lâm trận của quân đội thuộc khoảng 12 nước, với tổng số chiến binh lên tới nửa triệu người. Mãi tới Thế chiến I (tức một thế kỷ sau đó), người ta mới được chứng kiến một trận đánh có quy mô và mức độ đổ máu tương tự.
Quân Nga tạo nên lực lượng tiến công chủ lực trong các đội quân của Liên minh Thứ 6, đóng góp gần một nửa trong số 300.000 quân của lực lượng đồng minh. Còn phía Hoàng đế Pháp chỉ còn khoảng 200.000 lính trong tay.
Chiến sự dữ dội diễn ra trong 4 ngày gần Leipzig ở Saxony bên trong phần lãnh thổ của nước Đức ngày nay. Ở đầu cuộc chiến, Napoleon suýt giành được chiến thắng. Vào ngày 16/10/1813, kỵ binh của Nguyên soái Joachim Murat đột phá vào trung tâm quân đồng minh, tiến vào khu vực cách tổng hành dinh của vua Nga, Phổ, và Áo có 800m. Lực lượng vệ binh Hoàng gia Nga đã kịp thời cứu nguy cho họ, giữ chân quân địch cho tới khi lực lượng tăng viện đến.
Bước ngoặt của trận chiến xảy đến khi các đồng minh Saxon của Napoleon bất ngờ chuyển phe sang Liên minh Thứ 6. Các đơn vị của các bang Westphalian, Württemberg và Baden theo phe Liên minh. Hậu quả là, Hoàng đế Pháp phải sử dụng lực lượng cận vệ của mình để trám vào các lỗ thủng trong tuyến phòng ngự.
Cuối cùng người Pháp thua trận này. Trong lúc rút lui, lực lượng công binh Pháp lại quá vội vã trong việc gài mìn nổ tung cây cầu bắc qua sông Weisse-Elster, cắt đứt luôn đường trốn thoát của 20.000 quân Pháp ở phía sau.
Tổng cộng, Napoleon mất 80.000 lính (tử trận, bị thương, hoặc bị bắt). Tổn thất của phe Đồng minh là 54.000 người.
Thất bại tại Leipzig kéo theo các thảm kịch khác cho Napoleon. Ông ta mất nốt đồng minh lớn cuối cùng – Bavaria, cũng chuyển sang bên phe đối thủ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, quân Pháp phải rút khỏi lãnh thổ Đức và Hà Lan để về tập trung bảo vệ lãnh thổ bản địa của họ./.