Nữ điệp viên nguy hiểm nhất của Đồng minh trong Thế chiến II
VOV.VN - Virginia Hall được biết đến như “Người đàn bà đi khập khiễng”, đã tổ chức mạng lưới điệp viên, các hoạt động phá hoại và giải cứu khắp Vichy nước Pháp, mở đường cho cuộc can thiệp của Đồng minh, nhưng đã sống rất âm thầm cho đến cuối đời.
Trong Thế chiến II, bọn Đức Quốc xã liên tục săn lùng các chiến binh kháng chiến và các điệp viên Đồng minh đã hỗ trợ họ. Nhưng có một đặc vụ nước ngoài mà Đệ tam Đế chế đặc biệt coi trọng - một phụ nữ chịu trách nhiệm về nhiều vụ vượt ngục, các phi vụ phá hoại và làm rò rỉ các hoạt động chuyển quân của Đức Quốc xã hơn bất kỳ điệp viên nào ở Pháp, đã không bị sa lưới.
Tên cô ta là Virginia Hall, nhưng Đức Quốc xã chỉ biết cô là “người đàn bà đi khập khiễng” (“limping Lady”, “la dame qui boite”) và là "Marie của Lyon". “Tôi sẽ đánh đổi bất cứ thứ gì để chạm tay vào người Canada khập khiễng đó,” Klaus Barbie - thủ lĩnh khét tiếng của Gestapo, được cho là đã càu nhàu và thề với tay chân của mình như vậy. Bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của mình, y đã không bao giờ làm được.
Virginia Hall không phải là người Canada, cô đi với vẻ khập khiễng - kết quả của một tai nạn săn bắn quái ác, khiến cô phải cắt cụt chân trái dưới đầu gối. Thay vào đó là một bộ phận giả bằng gỗ nặng bảy pound vô duyên mà cô đặt cho biệt danh một cách đáng yêu là Cuthbert.
Hall được nuôi dưỡng và lớn lên ở Baltimore, Maryland trong một gia đình giàu có và bề thế, không tiếc gì cho tương lai của con gái họ. Ham mê thể thao, sắc sảo và vui tính, Virginia Hall được bình chọn là “người độc đáo nhất trong lớp” theo kỷ yếu thời trung học của cô. Hall bắt đầu học đại học tại Barnard và Radcliffe, nhưng hoàn thành các môn học ở Paris và Vienna, sử dụng thông thạo tiếng Pháp, Đức và Ý, và một chút tiếng Nga.
Sau khi tốt nghiệp, Hall nộp đơn xin làm việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ, mong muốn được nhìn ra thế giới và phục vụ đất nước của mình, nhưng đã bị sốc khi nhận được một lá thư từ chối, có một câu nguyên văn là “Không phụ nữ, điều đó sẽ không xảy ra”, Judith Pearson, tác giả của cuốn tiểu sử Hall “The Wolves at the Door: The True Story of America’s Greatest Female Spy” (tạm dịch: “Sói ở ngay cửa: Câu chuyện có thật về nữ điệp viên vĩ đại nhất nước Mỹ”.
Không bỏ cuộc, Hall quyết định gia nhập ngành đối ngoại “qua cửa sau”, bằng cách làm thư ký tại Đại sứ quán Mỹ ở Warsaw (Ba Lan), và sau đó tại Lãnh sự quán Mỹ ở Smyrna (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong một chuyến đi săn chim với những người bạn Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1933, Hall đã vấp ngã khi trèo qua hàng rào dây thép và khẩu súng vô tình bị cướp cò, khiến bàn chân trái của cô bị thương không thể cứu chữa. Sau khi bị mất chân, cô làm thư ký lãnh sự ở Venice và ở Tallinn (Estonia).
Hồi phục sức khỏe, trở về nhà ở Maryland, Hall lại nộp đơn vào Sở Ngoại vụ, nhưng bị từ chối nhưng không phải vì lý do là phụ nữ, mà vì cô là người cụt chân. Ngay cả thư gửi Tổng thống Franklin D. Roosevelt để người bị tàn tật được tuyển dụng, cũng không được chú ý. Hall từ bỏ Bộ Ngoại giao và trở lại Paris với tư cách là một thường dân vào năm 1940, vào đêm trước cuộc xâm lược của phát xít Đức. Cô lái xe cứu thương cho quân đội Pháp và chạy sang Anh khi Pháp đầu hàng Đức Quốc xã.
Trong một bữa tiệc cocktail ở London, Hall đã “chống lại Hitler”, Pearson viết, khi một người lạ đưa danh thiếp cho cô và nói: “Nếu bạn thực sự muốn ngăn chặn Hitler, hãy đến gặp tôi”. Người phụ nữ đó không ai khác chính là Vera Atkins, một trùm tình báo người Anh được cho là nguồn cảm hứng của Ian Fleming về quý cô Moneypenny xinh đẹp, sắc sảo (nhân vật M- người đứng đầu Cơ quan Tình báo Mật vụ Anh (MI6) và là sĩ quan cấp trên của điệp viên siêu hạng 007-ND) trong loạt phim về James Bond.
Atkins - người chịu trách nhiệm tuyển dụng các đặc vụ cho bộ phận Điều hành các Chiến dịch Đặc biệt (SOE) của Thủ tướng Winston Churchill mới được thành lập - đã rất ấn tượng với kiến thức trực tiếp của Hall về vùng nông thôn Pháp, khả năng đa ngôn ngữ và động cơ khó tin của cô. Năm 1941, Hall trở thành nữ đặc vụ thường trú đầu tiên của SOE tại Pháp, hoàn toàn bằng tên giả và giả mạo giấy tờ với tư cách là một phóng viên người Mỹ của tờ New York Post.
Virginia Hall nhanh chóng tỏ ra có kỹ năng đặc biệt trong việc không chỉ truyền thông tin về các hoạt động chuyển quân và căn cứ quân sự của Đức mà còn tuyển mộ được một mạng lưới điệp viên kháng chiến trung thành ở miền Trung nước Pháp, được đặt tên là Heckler. Trong số những người được tuyển dụng có bác sĩ phụ khoa Jean Rousset và Germaine Guérin - chủ một nhà thổ nổi tiếng ở Lyon. Guérin đã chuẩn bị sẵn một số thùng thư an toàn và chuyển cho Hall những mẩu tin nhỏ mà các nhân viên nữ của mình nghe được từ các sĩ quan Đức đến vui chơi ở nhà thổ.
Nhiệm vụ của SOE là “đốt cháy châu Âu” bằng các chiến thuật phá hoại và lật đổ của du kích chống lại lực lượng Đức Quốc xã. Nghề gián điệp của những năm 1940 thiếu đi sự tinh vi về công nghệ đã giúp nó tạo nên sự sáng tạo. BBC đã chèn các thông điệp được mã hóa vào các chương trình phát thanh tin tức hàng đêm của mình. Hall sẽ gửi các “tin tức” với biên tập viên của cô ta ở New York được gắn với các thông tin về nhiệm vụ được mã hóa cho các sếp SOE của cô ở London.
Pearson - người đã nói chuyện với một số đồng hương lớn tuổi của Hall ở Pháp - cho biết: “Ở Lyon, Hall sẽ đặt một chậu hoa phong lữ màu tím cửa sổ của cô ấy khi có tin cần chuyển đi. “Và tin cần chuyển thường là một thông điệp giấu dưới một viên gạch rời trong một bức tường cụ thể, hoặc có thể đến một quán cà phê nào đó và nếu có một thông điệp nào đó, nhân viên bồi bàn sẽ chuyển cho người liên lạc một chiếc ly có dính thứ gì đó dưới đáy ly”.
Một nhiệm vụ khác mà Hall đảm nhận là giúp các phi công Anh bị bắn rơi hoặc bị rơi trên khắp châu Âu, trốn thoát và trở về Anh. Các phi công bị bắn rơi tìm đường đến Lyon được yêu cầu đến Lãnh sự quán Mỹ và nói rằng họ là "bạn của Olivier". "Olivier" là Hall và cô ấy, với sự giúp đỡ của chủ nhà thổ Guerrin và những người bạn khác, đã che giấu, cho ăn và giúp hàng chục phi công trốn khỏi Pháp để đến Tây Ban Nha trung lập và sau đó trở về Anh.
Hall trở nên khét tiếng với giới lãnh đạo Đức Quốc xã đến nỗi Gestapo gọi cô là “kẻ nguy hiểm nhất trong tất cả các điệp viên Đồng minh”. Tháng 11/1942, Lãnh sự quán Mỹ tại Lyon tiết lộ với Hall rằng, một cuộc xâm lược của đồng minh vào Bắc Phi sắp xảy ra. Để đối phó với cuộc xâm lược, ngày 8/11, quân Đức tiến đến chiếm Vichy France. Đoán trước một cách chính xác rằng việc đàn áp Gestapo và quân đội Đức sẽ ngày càng ráo riết hơn, Hall bỏ trốn khỏi Lyon mà không nói cho ai biết, kể cả những người thân cận nhất của mình.
Khi Barbie và Gestapo đăng dán các áp phích truy nã “người phụ nữ đi khập khiễng”, Hall đã chạy trốn khỏi đất nước theo cách duy nhất có thể - một chuyến đi bộ 50 dặm mệt mỏi qua dãy núi Pyrenees về phía nam, đến Tây Ban Nha. Hướng dẫn viên người Tây Ban Nha của cô lần đầu tiên từ chối nhận một phụ nữ, chứ đừng nói đến một người cụt chân, nhưng cô không nản lòng. Thời tiết tháng mười một lạnh giá và chân giả rất đau đớn hành hạ cô.
Khi đến Tây Ban Nha, cô bị chính quyền sở tại bắt giữ vì vượt biên trái phép, nhưng Đại sứ quán Mỹ đã bảo lãnh để cô được thả. Cô làm việc cho SOE một thời gian ở Madrid, sau đó quay trở lại London vào năm 1943 - nơi cô lặng lẽ được phong làm Thành viên danh dự của Order of the British Empire (MBE).
Nhưng Hall đã không tiếp tục chiến đấu chống Đức Quốc xã. Vì Anh từ chối đưa cô trở lại Pháp với lý do đang bị truy nã, Hall đã đăng ký với Văn phòng Dịch vụ Chiến lược (Office of Strategic Service - OSS) Mỹ - tiền thân của CIA. Năm 1944, vài tháng trước cuộc xâm lược D-Day tại Normandy, Hall lái một con tàu phóng lôi của Anh đến Pháp, và cải trang thành một phụ nữ nông dân 60 tuổi, băng qua vùng nông thôn Pháp để tổ chức các điệp vụ phá hoại chống lại quân đội Đức.
Theo một báo cáo của OSS, nhóm của Hall được ghi nhận là đã làm trật bánh các đoàn tàu chở hàng, làm nổ tung 4 cây cầu, giết chết 150 tên Đức quốc xã và bắt giữ 500 tên khác. Sau chiến tranh, Hall đã được trao tặng Huân chương chữ Thập vì Thành tích xuất sắc - một trong những khen thưởng cao nhất trao tặng các quân nhân Mỹ về lòng dũng cảm trong chiến đấu. Virginia Hall là người phụ nữ duy nhất nhận được giải thưởng trong Thế chiến II. Về nước, Hall tiếp tục làm việc cho CIA cho đến khi nghỉ hưu bắt buộc ở tuổi 60.
Virginia Hall qua đời vào năm 1982, và vì tránh xa sự chú ý và khen ngợi, ngay cả một số thành viên thân thiết nhất trong gia đình của bà cũng không biết hết chi tiết về những hành động táo bạo của bà ở Vichy France. Pearson nói, Hall là “điệp viên của điệp viên cuối cùng”. “Tôi đã cầm trên tay một bản ghi công của Tướng William Donovan (người đứng đầu OSS trong Thế chiến II) từ những năm 1950, trong đó ông ấy nói với Virginia, “Được rồi, bây giờ bà có thể tiết lộ mọi chuyện, nhưng bà ấy vẫn không nói”. “Đó là cách Virginia Hall sống”./.