Phát thanh - công cụ hữu hiệu của những người cộng sản

(VOV) - Phát thanh tỏ rõ là vũ khí tuyên truyền cực kỳ lợi hại của chế độ XHCN Nga trong suốt thời gian tồn tại của mình.

Ngay từ đầu, V. I. Lenin, người thầy của cách mạng vô sản thế giới, cùng các đồng chí của mình đã nhận thấy rõ sức mạnh của phương tiện truyền thông này và ra sức tận dụng nó cho sự nghiệp cách mạng. Trong tay họ, phát thanh trở thành công cụ không thể thiếu để giành chính quyền và thực thi chuyên chính vô sản tại nước Nga.

Sóng phát thanh không cần “hộ chiếu”, có thể dễ dàng vượt qua biên giới và xuyên thủng bức màn sắt thông tin của chủ nghĩa đế quốc bao vây nước Nga Soviet non trẻ. Ở trong nước, nó giúp Trung ương Đảng Bolshevik nhanh chóng liên lạc và chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng, các lực lượng vũ trang công nông và quần chúng cách mạng.

“Tất cả chính quyền về tay nhân dân”

Phát thanh đã phát triển sớm ở nước Nga từ thời Sa hoàng. Kỹ sư tài năng người Nga, Aleksandr Popov, lần đầu tiên trình diễn việc truyền giọng nói con người qua làn sóng điện vào năm 1904. Các đài phát thanh quy mô đầu tiên của Nga thuộc lực lượng hải quân nước này.

Lenin trong 1 buổi thu âm tại điện Kremlin năm 1919 (ảnh: Ria Novosti)

Vào đêm trước của cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại năm 1917, những người Bolshevik đã truyền các chỉ thị tới các nhóm tuần tra vũ trang thông qua làn sóng phát thanh. Họ yêu cầu công nhân đường sắt chặn các chuyến tàu chở các tiểu đoàn lính trung thành với chính phủ tư sản lâm thời, không cho chúng đến thành phố Saint Petersburg (tức Petrograd, thủ đô nước Nga khi ấy). Thủy thủ nổi loạn tiến hành chiếm đài phát thanh hải quân. Hôm sau Lenin viết bài gửi đồng bào Nga thông báo về việc trao quyền cho Ủy ban Cách mạng Vũ trang.

Sau khi thủ đô Soviet được rời về Moscow, đài phát thanh tại Khodinsk trở thành “chiếc loa của cách mạng Nga”, phát đi các sắc lệnh của chính quyền, điện gửi các quốc gia và dân tộc khác, cũng như tin tức từ hãng điện tín Nga.

Vào thời điểm đó, phát thanh có lợi thế hơn cả văn bản giấy vì nước Nga có tới hàng triệu người mù chữ. Phát thanh chính là 1 tờ nhật báo không biết đến giấy hay khoảng cách, theo như cách nói của Lenin. Sự thực, phát thanh vào thời điểm đó đã vượt qua cả đường sắt để giúp nước Nga kết nối các vùng xa xôi trên quốc gia có lãnh thổ chiếm tới 1/6 diện tích địa cầu này.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát thanh, Lenin đã tạo điều kiện cho nhiều kỹ sư xuất sắc của nước này được về làm tại phòng thí nghiệm công nghệ radio tại Nizhini-Novgorod. Vào đầu thập kỷ 1920 phòng thí nghiệm này chế được máy phát sóng ngắn vươn được sang cả Anh, Pháp và Iraq. Cuối thập kỷ này Moscow bắt đầu phát sóng sang các nước khác, đầu tiên là bằng tiếng Đức, sau đó bằng các thứ tiếng châu Âu khác.

Sóng radio vươn tới các vùng hẻo lánh của Liên Xô năm 1929 (ảnh: Ria Novosti)

Năm 1924, các công dân Nga được quyền mua máy thu thanh dùng cho mục đích cá nhân, và các tờ nhật báo bắt đầu in lịch phát sóng.

Về nội dung, các chương trình phát thanh ngày một đa dạng, ngoài các diễn văn và nội dung có tính tuyên truyền.

Báo chí thuộc Đảng Cộng sản Liên Xô khi ấy đặc biệt quan tâm đến phản ứng của công chúng đối với các chương trình phát thanh.

Ngay trước khi xảy ra Thế chiến thứ 2, Liên Xô có tới hơn 1 triệu máy thu thanh và gần 5 triệu thiết bị tiếp sóng.

Tiếng nói của Đảng trong bom đạn phát xít Đức

Vào trưa ngày 22/6/1941, Đài Moscow thông báo Liên Xô đã bước vào chiến tranh với nước Đức Quốc xã.

Binh lính của Hitler khi ấy đã tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô nhưng các đài phát thanh của nước này vẫn hiên ngang phát sóng. Tiếng nói Moscow vang khắp châu Âu bị chiếm đóng cũng như ở ngay nước Đức.

Các lãnh đạo của Đệ tam Đế chế, đặc biệt là Josef Goebbels, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Thông tin Đức, nhận thấy sự lợi hại của phát thanh Soviet nên đã tìm mọi cách để làm “câm họng” các trạm phát sóng của Liên Xô. Ủy ban Phát thanh Soviet là một trong các mục tiêu chiến lược cho các oanh tạc cơ phát xít Đức. Riêng Yuri Levitan, phát thanh viên chính của Đài Moscow đã “được” đưa vào danh sách phải bị hành quyết hàng đầu nếu Moscow thất thủ.

Người dân 1 thành phố Nga chăm chú lắng nghe phát thanh viên Y. Levitan của Đài Moscow trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 (ảnh: Ria Novosti)

Sau này, Levitan chia sẻ về công việc của mình trong thời kỳ gian khó đặc biệt đó: “Lời lẽ của anh không được thể hiện sự hoảng loạn hay tuyệt vọng. Anh không được phép để cho giọng đọc của mình run rẩy. Tiếng nói của Đài được lắng nghe trên khắp đất nước, ở cả ngoài mặt trận và nước ngoài. Lực lượng kháng chiến và du kích cũng lắng nghe. Phát thanh thắp lên hy vọng và giúp nhân dân quên đi các vết thương và sự mỏi mệt, đồng thời cổ vũ họ tiến lên giành chiến thắng trước quân thù.”

Như vậy phát thanh chính là một binh chủng góp phần quan trọng vào chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

***

Những năm sau chiến tranh, phát thanh tiếp tục khẳng định vị thế “vô song” của mình. Khi đó Liên Xô có 3 mạng lưới phát thanh. Về sau xuất hiện máy thu có khả năng bắt sóng cả 3 mạng trên thì radio được nghe khắp mọi nơi.

Hồi vệ tinh Sputnik bay sát Moscow, một trong 3 mạng phát thanh của Liên Xô ngừng phát sóng hòa nhạc để truyền đi các tín hiệu vô tuyến từ vệ tinh này. Lập tức hàng chục triệu thính giả dính chặt lấy máy thu thanh của mình để theo dõi.

Sau này các chương trình phát thanh của Liên Xô có thêm nhiều chương trình giải trí. Một dấu mốc là việc mở ra vào những năm 1960 đài Mayak (có nghĩa là Hải đăng) phát sóng 24/24, với nội dung là âm nhạc và tin tức. Cho đến năm 1997 (khi đó Liên Xô đã tan rã được 6 năm), đài này có tới 221 triệu thính giả ở các quốc gia thành viên thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ấn tượng phát thanh qua những con số
Ấn tượng phát thanh qua những con số

(VOV) - Trái với suy nghĩ của nhiều người, phát thanh không hề lạc hậu, cũ kỹ và thiếu công chúng, kể cả ở những nước phát triển.

Ấn tượng phát thanh qua những con số

Ấn tượng phát thanh qua những con số

(VOV) - Trái với suy nghĩ của nhiều người, phát thanh không hề lạc hậu, cũ kỹ và thiếu công chúng, kể cả ở những nước phát triển.

Phát thanh vẫn là truyền thông đại chúng số 1
Phát thanh vẫn là truyền thông đại chúng số 1

(VOV) - Trong thời đại số hiện nay, phát thanh vẫn tỏ rõ sự ưu việt trong việc tiếp cận vùng sâu vùng xa và cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi.

Phát thanh vẫn là truyền thông đại chúng số 1

Phát thanh vẫn là truyền thông đại chúng số 1

(VOV) - Trong thời đại số hiện nay, phát thanh vẫn tỏ rõ sự ưu việt trong việc tiếp cận vùng sâu vùng xa và cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi.