Plutonium CIA đánh mất trên dãy Himalaya là thủ phạm gây lũ lụt ở Ấn Độ?
VOV.VN - Lũ lụt hoành hành ở bang Uttarakhand thuộc dãy Himalaya vào tháng 2 vừa qua, cướp đi sinh mạng nhiều người đã khiến người dân Ấn Độ đặt câu hỏi có phải Plutonium CIA đánh mất trên dãy Himalaya đã gây ra lũ lụt ở đây?
Chiến dịch “Chiếc Mũ”
Năm 1964, Trung Quốc cho nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lòng hồ khô tại bãi thử Lop Nur ở đông nam Tân Cương. “Chiến dịch 59-6”, như nó được gọi, là một thiết bị hạt nhân 22 kiloton, mạnh hơn nhiều so với quả bom ném xuống Hiroshima. Với vụ thử hạt nhân này, Trung Quốc đã trở thành quốc gia vũ trang hạt nhân thứ năm của thế giới.
Chương trình hạt nhân của Trung Quốc được cho là một mảng đen đối với tình báo Mỹ. Các hồ sơ chính phủ được giải mật gần đây cho thấy, Mỹ đã bị sốc khi biết rằng vụ nổ được sử dụng nhiên liệu uranium mà không phải Plutonium. CIA rất cần thông tin về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, nhưng Lop Nur rất biệt lập. Nơi gần nhất mà CIA có thể thu nhận được thông tin là dãy Himalaya của Ấn Độ, vì vậy họ đã tiếp cận chính phủ nước này với đề xuất về một hoạt động tình báo chung. Ấn Độ, quốc gia đã chiến đấu với Trung Quốc chỉ hai năm trước đó, đã đồng ý.
Trong khi các nhà công nghiệp-quân sự đang vò đầu bứt tai về cách thu thập thông tin tình báo, một cuộc gặp tình cờ giữa Tướng Curtis LeMay và vận động viên leo núi Barry Bishop tại một bữa tiệc cocktail ở Washington DC đã dẫn đến một trong những ý tưởng kỳ lạ, không thành công nhất trong lịch sử CIA. LeMay đã nảy sinh một cảm hứng - dùng các nhà leo núi giỏi nhất của Mỹ để đặt một thiết bị quan sát chạy bằng năng lượng hạt nhân trên đỉnh dãy núi vĩ đại nhất thế giới.
Đầu năm 1965, CIA bắt đầu tập hợp một đội leo núi, đặt mật danh là Chiến dịch Chiếc mũ (“Operation Hat”) và chọn Nanda Devi cao 7.816m - đỉnh núi cao nhất nằm hoàn toàn trong biên giới của Ấn Độ để đặt thiết bị gián điệp. Nanda Devi tạo ra hai lợi thế cho người Mỹ - tầm nhìn xa tới miền Tây Trung Quốc và có được sự giúp đỡ của một quốc gia mà Mỹ vừa hỗ trợ trong cuộc giao tranh biên giới năm 1962 với Trung Quốc, trong việc theo dõi các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Trung Quốc.
Thất bại nghiệt ngã của CIA
Trong cuốn “Nanda Devi: A Journey to the Last Sanctuary” (tạm dịch là “Nanda Devi: Hành trình đến Thánh địa cuối cùng”), nhà văn người Anh Hugh Thompson kể lại việc các nhà leo núi Mỹ được yêu cầu giả vờ rằng họ đang tham gia một “chương trình độ cao” để nghiên cứu tác động của lượng oxy thấp lên cơ thể và sử dụng kem dưỡng da chống nắng của Ấn Độ nhằm làm đen da để không gây nghi ngờ cho người dân địa phương. Những người khuân vác hành lý hạt nhân được cho biết đó là một “kho báu thuộc loại gì đó”. Trước đó, những người leo núi, theo tạp chí Mỹ Outside, đã được đưa đến Harvey Point - một căn cứ của CIA ở Bắc Carolina - để tham gia khóa học về “gián điệp hạt nhân” và “tâm lý người châu Á”.
Tháng 10/1965, một nhóm 18 nhà leo núi Ấn Độ và Mỹ đã mang thiết bị là một “thùng kim loại cỡ lò nướng với 5 cánh tản nhiệt” nặng khoảng 57kg, được gắn một ăng-ten dài 1,8m, cùng bảy phiến Plutonium nặng 5kg (nguồn voiceofeast.net nói là 24kg) để đặt trên đỉnh Nanda Devi - đỉnh núi cao thứ hai của Ấn Độ, gần biên giới Ấn Độ-Trung Quốc phía đông bắc. Tàu thám hiểm Kiên trì (“Perseverance”) của NASA đang di chuyển trên sao Hỏa hoạt động bằng chính loại pin Plutonium này. Tuy nhiên, một trận bão tuyết đã buộc nhóm chuyên gia phải bỏ dở cuộc leo núi khi còn cách đỉnh khoảng 548m. Họ để lại các thiết bị gồm một ăng-ten, 2 bộ liên lạc vô tuyến, 1 bao pin và các phiến Plutonium trên một cái “giá”, với hy vọng sau mùa đông sẽ trở lại và đặt cảm biến vào đúng vị trí.
Khi nhóm chuyên gia trở lại núi vào mùa xuân năm sau tìm thiết bị để cài đặt, chúng đã không cánh mà bay. Từ năm 1965 đến 1968, CIA đã thực hiện tổng cộng 8 hoạt động thực địa trong khu vực nhằm cả tìm kiếm thiết bị đầu tiên và bắt đầu lắp ráp và vận hành một thiết bị khác. Mặc dù cuối cùng đã đặt được một thiết bị Plutonium lên Nanda Kot gần đó, họ vẫn không tìm thấy thiết bị thu phát bị mất của mình. Thiết bị được đặt thành công cũng nhanh chóng bị chôn vùi dưới tuyết và ngừng hoạt động nhiều tháng sau đó, không thu được thông tin tình báo hữu ích nào.
Hơn nửa thế kỷ sau và sau nhiều cuộc truy tìm, không ai biết được chuyện gì đã xảy ra với những nang Plutonium. Nanda Devi đã bị đóng cửa đối với các cuộc thám hiểm của người nước ngoài cho đến năm 1974 vì lo ngại thiết bị gián điệp sẽ bị tìm thấy và sử dụng. Đại úy Manmohan Singh Kohli, một nhà leo núi và là người chỉ hủy cuộc thám hiểm phía Ấn Độ cho biết, lượng Plutonium có khối lượng “bằng một nửa quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima”. Các thanh nhiên liệu là hợp chất của 2 đồng vị Plutonium - Pu-238 (có chu kỳ bán rã 87 năm) và Pu-239 (có chu kỳ bán rã 24.400 năm); Pu-239 là đồng vị chính được sử dụng trong vũ khí hạt nhân. Có người cho rằng, lượng Plutonium bị mất có thể đang nằm trong một sông băng, có thể bị nghiền thành bụi, len lỏi về phía đầu nguồn sông Hằng.
Ở Ấn Độ, chuyến “thám hiểm” thất bại được giữ bí mật cho đến năm 1978, khi tờ Washington Post đăng tải câu chuyện được báo Inside viết rằng, CIA đã thuê những nhà leo núi Mỹ để đặt thiết bị dùng năng lượng hạt nhân trên hai đỉnh của dãy Himalaya nhằm do thám Trung Quốc; xác nhận cuộc thám hiểm đầu tiên đã kết thúc do mất thiết bị vào năm 1965, cuộc thám hiểm thứ hai diễn ra hai năm sau đó và đã “thành công một phần”; năm 1967, nỗ lực thứ ba đặt một bộ thiết bị mới trên ngọn núi Nanda Kot liền kề cao 6.861m, đã thành công. Tổng cộng có 14 nhà leo núi người Mỹ đã được trả 1.000 USD mỗi tháng để đặt các thiết bị do thám trên dãy Himalaya trong 3 năm…
Tháng 4/1978, Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Morarji Desai đã “ném bom” vào Quốc hội khi tiết lộ rằng, Ấn Độ và Mỹ đã hợp tác ở “cấp cao nhất” để lắp các thiết bị chạy bằng năng lượng hạt nhân này trên đỉnh Nanda Devi. Việc tiết lộ đã gây ra một cuộc náo động chính trị lớn ở Ấn Độ, vì nhiều người Ấn Độ coi Himalaya là vùng đất “linh thiêng”. Điều thú vị hơn, theo các tài liệu mới được giải mật, chính phủ Ấn Độ dường như không biết rằng cả 2 điệp vụ của CIA trên dãy Himalaya đều được thực hiện với sự cộng tác trực tiếp của tình báo Ấn Độ. Các bức điện từ Bộ Ngoại giao Mỹ đã giải mật cùng tháng nói về khoảng 60 người biểu tình bên ngoài đại sứ quán ở Delhi chống lại “các hoạt động bị cáo buộc của CIA ở Ấn Độ”.
Thiết bị và khả năng giết người của nó do làm ô nhiễm toàn bộ hệ thống sông và sinh quyển, không thể loại trừ mối đe dọa và một khi điều đó xảy ra, nước của sông Hằng, một trong những con sông lớn nhất và linh thiêng nhất châu Á, sẽ bị đầu độc”, tờ Hindustan Times đưa tin. Những lo ngại đó đã được xác nhận khi vào năm 2005 khi dấu vết của Plutonium-235 được tìm thấy. Một trong những nhà leo núi, Jim McCarthy, người khẳng định rằng các thành viên trong nhóm đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi chất phóng xạ trong thiết bị, bản thân ông này bị ung thư tinh hoàn.
Các nhà leo núi cho biết một trạm nhỏ ở ngôi làng miền núi Raini của Ấn Độ trên dãy Himalaya thường xuyên kiểm tra nước và cát từ sông để tìm phóng xạ, nhưng không rõ liệu họ có bất kỳ bằng chứng nào về sự ô nhiễm hay không. “Cho đến khi Plutonium [nguồn hoạt động vô tuyến trong gói pin] suy giảm, có thể mất hàng thế kỷ, thiết bị sẽ vẫn là mối đe dọa phóng xạ có thể rò rỉ vào tuyết Himalaya và xâm nhập vào hệ thống sông Ấn qua đầu nguồn sông Hằng”, tạp chí Mỹ Outside nhận định.
Có đúng Plutonium gây ra lũ lụt ở Ấn Độ?
Tại một ngôi làng miền núi Raini với 250 hộ gia đình trên dãy Himalaya, nhiều thế hệ cư dân tin rằng các thiết bị hạt nhân vẫn nằm vùi dưới lớp tuyết và đá ở những ngọn núi cao chót vót phía trên. Vì vậy, khi Raini bị một trận lũ lớn hồi đầu tháng 2/2021, dân làng đã hoảng sợ và có tin đồn, các thiết bị đã “phát nổ” và gây ra trận đại hồng thủy, khiến 200 người (có tài liệu viết 50 người) thiệt mạng. Các nhà khoa học tin rằng, một đoạn sông băng bị vỡ rơi xuống nước, con đập bị vỡ, nước chảy và cuốn qua các thung lũng tràn xuống hạ lưu là nguyên nhân gây ra lũ lụt ở bang Uttarakhand thuộc dãy Himalaya.
Những người khác tin rằng trận lụt gần đây có thể do biến đổi khí hậu gây ra. Các công nhân cũng đang tiến hành xây dựng trong khu vực để xây dựng đường cao tốc và nhà máy thủy điện mới, có thể đã làm xáo trộn sông băng. Tuy nhiên, sự kỳ lạ không thể phủ nhận của việc băng tan vỡ trong mùa đông đã khiến một số người dân địa phương suy đoán có lẽ Plutonium, vẫn có khả năng tạo ra nhiệt, đã dẫn đến lũ lụt chết người. Đại úy Manmohan Singh Kohli nói, ông không loại trừ lý thuyết hạt nhân nhưng tin rằng thiết bị này “rất khó có thể tỏa nhiệt hoặc tự nổ tung”.
Mỹ đã báo cáo 32 sự cố mũi tên bị gãy (thuật ngữ ám chỉ các vũ khí hủy diệt hàng loạt được coi là mất tích), ít nhất 6 trong số đó là bom hạt nhân. Thảm họa sinh thái và nhiễm độc phóng xạ có thể gây ra bởi các trò chơi gián điệp mà CIA và Ấn Độ đã chơi. Câu chuyện nhắc nhở mọi người rằng, những vấn đề liên quan đến hạt nhân, không thể phó mặc cho các nhà hoạch định chính sách - những người thậm chí không thể nghĩ đến hậu quả trong suốt cuộc đời của họ. Mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ và sự tồn tại bản đồ địa-chính trị có thể thay đổi trong vài thập kỷ, nhưng ô nhiễm phóng xạ tồn tại trong nhiều thế kỷ.
An toàn hạt nhân, kể cả trong trường hợp sử dụng năng lượng hạt nhân, vũ khí hạt nhân, các sứ mệnh không gian, … đều phải được cân nhắc để tránh những hậu quả không thể khắc phục, quy mô lớn và lâu dài của bức xạ. Theo trang voiceofeast.net, điều đáng báo động là các phương tiện truyền thông chọn bỏ qua chủ đề này và có rất ít nghiên cứu về việc phải làm gì với tất cả những thiệt hại xảy ra đối với thiên nhiên và con người bởi chất phóng xạ và công nghệ chưa được kiểm chứng như sóng vi ba tần số cao... Một ngày nào đó trong tương lai xa sẽ có một ủy ban của thế giới làm việc để phân tích và sửa chữa những sai lầm đáng tiếc trong quá khứ./.