Quân dân Liên Xô đón Năm Mới như thế nào trong Thế chiến 2?
VOV.VN - Giai đoạn Thế chiến 2, cuộc sống tại Liên Xô rất khó khăn gian khổ. Cách thức đón Năm Mới cũng khác biệt.
Đây là thời kỳ đen tối và hào hùng trong lịch sử Liên Xô. Trong thời kỳ chiến tranh này (giữa Liên Xô và nước Đức Quốc xã), nhân dân Liên Xô vẫn không đánh mất tinh thần của mình. Những đoạn trích sau từ các cuốn nhật ký giai đoạn 1941-1945 cho thấy họ đã đón chào Năm Mới như thế nào vào thời kỳ đó.
Phát quà tết cho binh sĩ sư đoàn súng trường số 8 của Hồng quân ở mặt trận phía Tây vào ngày 1/1/1942. Ảnh: Sputnik. |
Tết giản dị
Elena Smolina, sinh năm 1929, cho biết tiệc đón năm mới 1942 ở Vologda rất giản dị. “Chúng tôi trang trí cây thông ở trường và hình thành vòng tròn múa quanh cây. Không có ông già Tuyết, không vui đùa, không cười to”. Năm 1943 và 1944 cũng tương tự, các bữa tiệc bao gồm bánh quy bột khô nướng trên lò dầu lửa và thịt hầm đóng hộp.
Tết Dương thực sự đầu tiên là vào năm 1946: “Bác Seryozha - anh trai của mẹ tôi, đến thăm – đây là người duy nhất trong 4 anh em trai của mẹ là còn sống sót sau chiến tranh! Có quà cáp, các món ăn, và niềm vui được thấy người thân trở lại! Món ăn của chúng tôi gồm khoai tây nóng nấu với cá trích, bắp cải dầm, và dưa chuột. Lúc Giao thừa, chúng tôi cùng lắng nghe những lời chúc trên sóng phát thanh, chúc mừng lẫn nhau. Nhưng chúng tôi không thể thức khuya lâu vì ngày 1/1 hôm sau là ngày đi làm!”.
Bột mì cháy trở thành bữa tối
Đối với người dân Xô viết ở các thành phố bị Đức chiếm đóng, câu chuyện không phải là ăn mừng năm mới mà là làm sao để sống sót.
Konstantin Zimin nhớ lại: “Gia đình tôi sống ở một tầng hầm gần tiền tuyến với quân Đức”. Khi đó Zimin là một đứa trẻ ở thành phố Stalingrad. “Ngay sau Tết, quân Đức Quốc xã xua đuổi chúng tôi, dồn chúng tôi vào thế bơ vơ trên phố. Trời lạnh, lặng gió, và có tuyết rơi. Chị gái Klava của tôi mang theo bé Galya 3 tuổi, còn tôi, mới 12 tuổi, cầm tay dẫn em trai Zhenya 6 tuổi. Chúng tôi tìm nơi trú ấn. Chúng tôi thấy một cái bếp mùa hè làm bằng đất sét và dừng chân tại đó. Có một cặp vợ chồng già sống gần đó. Họ cho chúng tôi bột mì cháy nên chúng tôi có cái ăn cầm hơi vào ngày mồng 1 Tết”.
Tết trong thành phố bị bao vây
Tết ở thành phố Leningrad còn đặc biệt hơn khi nơi đây đối diện quân phát xít Đức đang bao vây và tấn công thành phố.
Rimma Vlasova, nhớ về tiệc năm mới 1941: “Họ tìm thấy một cây thông, trang trí cho cây, và mời lũ trẻ chúng tôi tới. Tôi không nhớ có gì vui tại bữa tiệc này bởi vì rất khó làm cho lũ trẻ vui được. Trẻ con đã mệt mỏi vì các vụ ném bom thành phố, cái rét lạnh và nạn đói. Tuy nhiên buổi lễ này vẫn mang lại cho tất cả chúng tôi niềm vui khổng lồ, đáng ngạc nhiên là trong hoàn cảnh hãi hùng khi ấy. Nhưng đáng ngạc nhiên nhất là các món ăn. Thay vì quà, chúng tôi được trao tặng các bình thủy tinh chứa một ổ bánh mì và một miếng xúc xích thịt ngựa nhỏ. Đây là điều diệu kỳ vì chỉ mới đây thôi, chúng tôi chẳng có gì bỏ vào bụng ngoài bánh mì và nước. Niềm vui này khiến chúng tôi lâng lâng. Và rồi chúng tôi vẫn có quà – những bình đựng mứt rất ngọt và ngon. Đúng là món quà quý báu vào thời khắc đó”.
Bữa tất niên của chiến sĩ Liên Xô vào ngày 31/12/1942 tại mặt trận Stalingrad. Ảnh: Tư liệu RBTH. |
Năm Mới nơi tiền tuyến
Trên mặt trận, mọi thứ khắc nghiệt hơn. Chẳng có chỗ để đón Tết.
Leonid Weger, một sĩ quan tình báo Liên Xô, nhớ lại đêm giao thừa 31/12/1942, gần thành phố Stalingrad nổi tiếng: “Chẳng có bữa tối nào cả. Ngồi với những bộ áo ẩm ướt trên người trong tiết trời giá lạnh. Có lẽ đây là cảm giác khó chịu nhất. Đây đúng là một đêm giao thừa ảm đạm. Khi cơn mệt mỏi dịu đi một chút, tôi xách theo khẩu tiểu liên và đi dạo. Ở một khe gần đó, tôi phát hiện một dây thừng và vài con ngựa. Tôi tìm thấy một túi thức ăn của một trong các con ngựa và một số lõi ngô. Tôi lôi một lõi ngô ra gặm và lấy thêm một lõi đút vào túi quay trở về. Vừa nhai ngô, tôi vừa chìm dần vào giấc ngủ...”.
Một số người thực sự đã đón tết ngay giữa trận đánh. Mikhail Obraztsov hồi tưởng lại ngày cuối cùng của năm 1942, anh tham gia vào một cuộc phản kích đẩy lui quân Đức Quốc xã. Ngay sau cuộc phản kích đó là tiệc đón năm mới.
“Sau khi bố trí quân gác tại các chốt, phần lớn chúng tôi tụ tập tại hầm cá nhân. Thượng sĩ mang cho chúng tôi thức ăn nóng, thịt bò hầm kiểu Mỹ và rượu vodka. Chúng tôi uống rượu để tưởng nhớ đồng đội hy sinh, uống vì chủ nghĩa anh hùng của các chiến binh chúng tôi, và mừng Năm Mới. Trong số chúng tôi, một người lính có thân hình vạm vỡ, Kolya Semyonov – đến từ vùng Volga, xin phép hát một bài, và bắt đầu ca bài “Khi tôi là một tài xế”. Anh hát quá phiêu đến nỗi chúng tôi phải nín thở nghe anh hát, mỗi chúng tôi đều tưởng tượng anh ấy chính là nhân vật chính trong bài hát”.
Tết trong đà chiến thắng
Đến năm 1945, tình hình xoay chiều, Hồng quân Liên Xô truy đổi phát xít Đức trên khắp vùng Đông Âu. Người dân các nước từng bị phát xít chiếm đóng đã hòa cùng chiến sĩ Hồng quân ăn mừng năm mới.
Vladimir Mandrik, một du kích Liên Xô, viết về diễn biến sau một trận giao chiến với lính Đức vào ngày 1/1/1945 ở gần Rimavská Sobota, một thị trấn ở miền nam Slovakia.
Sau cuộc đụng độ, Mandrik “thấy một nhóm người Slovakia, khoảng 12 người, tiến lại phía chúng tôi”. “Họ mang theo 30 lít rượu rum Cuba và 50 cân xúc xích. Dân địa phương tụ tập lại để đón Tết cùng chúng tôi vì họ biết chúng tôi chiến đấu hết mình chống lại quân Đức Quốc xã. Người Slovakia hoàn toàn tin tưởng chúng tôi”./.