Quân Pháp đã ủng hộ và chống phá Liên Xô trong Thế chiến 2 ra sao?
VOV.VN - Nước Pháp bị chia rẽ nặng nề trong Thế chiến 2, sau khi bị phát xít Đức xâm chiếm. Kết quả, có cả đội quân Pháp chống phá và đội quân bảo vệ Liên Xô.
Các binh sĩ Pháp tình nguyện chiến đấu bên quân đội Đức Quốc xã đã thực hiện việc chống phá Liên Xô với các khẩu hiệu trả thù cho thất bại của Hoàng đế Napoleon và khôi phục lại vinh quang cho Đại quân Pháp bị tiêu diệt ở nước Nga năm 1812.
Tháng 6/1940, quân Đức đánh tan quân Pháp và đặt dấu chấm hết cho nền Đệ tam Cộng hòa. Mặc dù Pháp đã rút khỏi cuộc chiến, không phải tất cả lính Pháp nào cũng hạ vũ khí. Nước Pháp bị chia rẽ. Một số cố gắng trong tuyệt vọng để giải phóng quê hương mình, số khác thì dần quen với một châu Âu mới do phát xít Đức thống trị.
Trên khắp thế giới lực lượng kháng chiến Pháp (“nước Pháp Tự do”, “nước Pháp Chiến đấu”) của tướng de Gaulle chiến đấu chống lại những kẻ hợp tác với chế độ Vichy (làm tay sai cho Đức). Tình trạng đối đầu này lan tới nước Nga xa xôi và lạnh giá.
Trùm phát xít Đức Hitler đã gặp gỡ với Philippe Pétain (Quốc trưởng của Pháp, đứng đầu chế độ bù nhìn Vichy - ND), ở Montoire-sur-le-Loir vào ngày 24/10/1940.
“Chống Nga để bảo vệ nền văn minh”
Thủ lĩnh đảng phát xít Bình dân Pháp, Jacques Doriot, đã bình luận như sau về việc Đức xâm lược Liên Xô vào mùa hè năm 1941: “Đây là cuộc chiến của chúng ta, chúng ta sẽ chứng kiến nó đi tới hồi thắng lợi”. Đảng phát xít này là một trong các tổ chức cộng tác với Đức, hoạt động bên trong nước Pháp bị chiếm đóng. Chính các tổ chức như thế này và chính thể bù nhìn Vichy đã kêu gọi gửi quân Pháp sang Mặt trận phía Đông (để chống Liên Xô – ND).
Ban đầu Hitler nghi ngờ về sự hợp tác này. Vì thứ nhất y cho rằng chiến dịch của mình có thể đè bẹp lực lượng Bolshevik trong không quá 5 tháng. Thứ hai, y không muốn Pháp có cơ hội cải thiện vị thế địa chính trị của mình – và thực tế suy nghĩ này của Hitler là đúng, vì chính quyền Vichy mong muốn sự tham gia của Pháp trong hoạt động quân sự chống Liên Xô sẽ mang lại cho Pháp ưu đãi thời hậu chiến do có công “chống lại chủ nghĩa cộng sản”.
Nhưng cuối cùng Đức xem việc gửi một đơn vị quân sự gồm các binh sĩ Pháp tình nguyện tới mặt trận Xô-Đức sẽ là một động thái tuyên truyền tốt. Và thế là, vào mùa hè 1941, các trạm tuyển quân đã mở cửa cho những ai mong ước được “bảo vệ nền văn minh trước sự mọi rợ của phương Đông” (ngôn từ của phe phát xít - ND).
Lính lê dương Pháp
Không như nước Tây Ban Nha láng giềng, đã có một sư đoàn đông tới 18.000 người, quá trình tuyển binh ở Pháp rất chậm chạp. Trong khi nhiều phần tử dân tộc chủ nghĩa Tây Ban Nha háo hức trả đũa những người Bolshevik vì đã dính líu vào Nội chiến Tây Ban Nha thì người Pháp lại không hào hứng với đi tới bất cứ nơi đâu gần đất nước Liên Xô xa xôi và thù địch với họ.
Trong suốt quá trình tồn tại của mình, lực lượng Lê dương tình nguyện chống chủ nghĩa Bolshevik thu hút không quá 7.000 thành viên, và đơn vị đầu tiên của chúng chỉ có 2.353 người.
Sau khi tới trại lính Borgnis-Desbordes, các lính lê dương đã vấp phải nỗi thất vọng đầu tiên. Thay vì được phát quân phục Pháp, chúng chỉ được cấp quần áo màu xám – loại quân phục tiêu chuẩn của quân đội phát xít Đức. Chỉ có phù hiệu ở tay áo có cờ tam sắc là cho thấy đây là người Pháp. Trở thành Trung đoàn bộ binh số 638 bên trong quân đội Đức, lực lượng lê dương này được cử tới Mặt trận phía Đông vào mùa thu năm 1941.
Theo bước chân của Đại quân Pháp xưa
Lính lê dương Pháp được gửi tới Moscow vào đỉnh cao chiến dịch Typhoon (đây là tên gọi của phía Đức cho trận chiến Moscow - ND). Lực lượng này đã tiến sát thủ đô Moscow hơn bất cứ đồng minh nào khác của Đức (như Romania, Hungary, Croatia, Italy, Slovakia..), chỉ cách điện Kremlin có 63km.
Tuyên truyền của Đức và chính quyền Vichy liên tục lặp đi lặp lại rằng lính lê dương là con cháu của Đại quân Napoleon, với sứ mệnh khôi phục danh dự và vinh quang của tổ tiên. Lính Pháp còn tổ chức các chuyến đi thực địa tới Borodino – địa điểm diễn ra trận chiến huyền thoại giữa Pháp và Nga vào năm 1812.
Nhưng trung đoàn bộ binh 638 lại giống binh lính Napoleon theo một cách khác. Chúng đã vấp phải sự phản kích mãnh liệt của Hồng quân Liên Xô, tổn thất tới 500 lính, bao gồm cả các trường hợp chết vì thời tiết lạnh giá và bệnh tật khi rút lui vội vàng.
Bộ phận quân lê dương còn lại được rút về Smolensk và sau đó được huy động để chống du kích ở vùng rừng Belarus. Sau một cuộc đụng độ thất bại nữa với Hồng quân vào năm 1944, quân lê dương được rút ra khỏi mặt trận và giải tán. Nhiều binh sĩ Pháp sau đó được điều chuyển sang Sư đoàn Waffen SS số 33 mới và tham gia bảo vệ boong-ke của Quốc trưởng Hilter ở Berlin.
Lực lượng bị cưỡng ép chiến đấu cho Đức
Không phải tất cả lính Pháp ở Mặt trận phía Đông đều là tình nguyện viên. Có hơn 100.000 cư dân vùng Alsace-Lorraine (vùng tranh chấp giữa Pháp và Đức, và bị Đức sáp nhập vào năm 1940) được Đức phân loại là thuộc về chủng người Đức thuần khiết và ép vào quân ngũ. Tuy nhiên quá trình Đức hóa này xảy ra chỉ vào năm 1942, khi cuộc chiến chống Liên Xô bắt đầu cần thêm nhiều nhân lực.
Hầu hết người ở vùng Alsace và vùng Lorraine nói tiếng Pháp đều nghiêng về bên Pháp nhiều hơn và miễn cưỡng chiến đấu cho Hitler. Họ được bố trí thành các nhóm nhỏ đan xen vào các đơn vị Đức và rồi được đưa sang Mặt trận phía Đông.
Cuộc chiến giữa những người Pháp
Trong khi phe Vichy nỗ lực theo Hitler thì phe de Gaulle của “nước Pháp Tự do” lại tìm cách chặn sự can thiệp của phe Vichy vào Liên Xô. Vào ngày Đức xâm lược Liên Xô, Charles de Gaulle tuyên bố rằng “bất cứ ai chiến đấu chống lại Đức thì đều là đang chiến đấu giải phóng nước Pháp”.
Phe de Gaulle ít có sự lựa chọn. Không thể chống lại phe cộng tác với phát xít ở châu Âu, họ bèn cố gắng giành quyền kiểm soát các thuộc địa của Pháp từ tay Vichy. Nhưng ở một số nơi, phe de Gaulle không được hoan nghênh như người giải phóng. Nhiều người Pháp còn khinh miệt de Gaulle vì đã hợp tác với người Anh mà họ cho là đã bỏ rơi quân Pháp ở Dunkirk cũng như đã tấn công vào hạm đội Pháp ở cảng Mers El Kebir tại Algeria để ngăn lực lượng này đầu hàng quân Đức, khiến cho gần 1.300 thủy thủ Pháp thiệt mạng.
Thủ lĩnh của “nước Pháp Tự do” về nhiều phương diện đã chịu gánh nặng từ việc nhờ Anh giúp đỡ, nên ông không có điều kiện để triển khai kế sách này nọ. Việc đưa quân vào Liên Xô đã trở thành cơ hội để bớt mang tiếng lệ thuộc vào Anh và thiết lập quan hệ lâu dài với một đồng minh mới.
Phi công Pháp trong lực lượng không quân Liên Xô
Ý tưởng ban đầu là đưa một sư đoàn cơ giới Pháp khi đó đang đóng ở Syria sang Mặt trận phía Đông. Tuy nhiên, do sự phức tạp của hoạt động di chuyển này, người ta sau đó quyết định lập một nhóm chiến đấu cơ ở Liên Xô. Vào cuối năm 1942, các nhóm phi công tình nguyện của Pháp bắt đầu tới Liên Xô để phục vụ trong phi đoàn Normandie mới (về sau gọi là trung đoàn).
Tránh bị gắn mác là nhờ cậy Anh, phía Pháp đã yêu cầu được cung cấp các máy bay Liên Xô, dù cho Moscow đang có sẵn các tiêm kích cơ Hurricane do London cung cấp cho họ.
Phải nói rằng các phi công Pháp cực kỳ hài lòng với chất lượng của máy bay Yak-1 (do Liên Xô chế tạo). Một phi công như thế nhận xét: “Nó nhẹ hơn Spitfire, và dường như là bay nhanh hơn và dễ hơn. Cất cánh cũng nhanh, và máy bay rất cơ động... Máy bay rất phù hợp với tình trạng có tuyết, bụi bẩn, và các cánh đồng bất tận ở Nga”.
Về sau Yak-1 bị thay thế bằng Yak-9 (ít cơ động hơn nhưng nhanh hơn và được trang bị vũ khí mạnh hơn). Cuối chiến tranh, phi công Pháp được sử dụng phi cơ Yak-3.
Liên Xô chấp nhận cả con cháu người Nga phe đối lập
Các phi công Normandie cất cánh trong bộ quân phục Pháp và sử dụng cờ Pháp sơn lên máy bay. Bộ chỉ huy Liên Xô hầu như không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của trung đoàn Pháp. Tất cả những điều này đều khác với cách tiếp cận của người Anh trước đó.
Giới chức Liên Xô thậm chí còn cởi mở tới mức cho phép các con cháu của lực lượng Bạch vệ Nga lưu vong sang Pháp (tức là con cháu các đối thủ của phe Bolshevik trong Nội chiến Nga) được tham gia trung đoàn Pháp này. Nhà ngoại giao Nga Alexander Bogomolov đã thể hiện việc Liên Xô không quan ngại về điều này: “Nếu như các anh đột nhiên muốn khôi phục lại chế độ Sa hoàng thì đây không phải là vấn đề với chúng tôi vì 100 triệu người Nga không muốn chế độ đó”.
Khi các thuộc địa Pháp chuyển từ chế độ Vichy sang phe kháng chiến Pháp, các cựu phi công hợp tác với Đức lại... bắt đầu sang Liên Xô. Tất nhiên có những sự dè bỉu nhất định với nhóm phi công này nhưng họ đã nỗ lực vượt lên quá khứ, trong đó có Jacques Andre – người thậm chí trở thành Anh hùng Liên Xô.
Phi công Pháp chiến đấu cả trên không và trên mặt đất
Bộ chỉ huy Liên Xô đánh giá cao kỹ năng của các phi công Pháp nhưng lại chỉ trích bệnh cá nhân thái quá của họ. Hơn một lần họ đã phá vỡ đội hình để một mình tìm diệt máy bay địch. Cứ ngỡ đang bám theo một máy bay đơn lẻ, họ thường nhanh chóng rơi vào thế trận của máy bay Đức và bị bắn rơi. Do các phi công này bị chính quyền Vichy coi là kẻ phản bội, họ thường lập tức bị hành quyết ngay khi bị bắt.
Lực lượng phi công Normandie này (về sau được gọi là Normandie-Nieman) còn tham chiến cả trên bộ. Rất phổ biến việc phi công Pháp đi tuần trong các cánh rừng Belarus và Litva để truy tìm các đơn vị địch. Mặc dù người Pháp đối xử với tù binh nhẹ nhàng hơn người Liên Xô, phiên dịch viên quân sự Igor Eichenbaum nhớ lại rằng các quân nhân Pháp này thường nhảy bổ vào nhóm lính Pháp làm tay sai cho quân Đức rồi hành quyết chúng ngay tại chỗ.
Hồi hương
Phải đến tháng 6/1945, trung đoàn không quân Pháp mới được lệnh quay trở về tổ quốc.
Các phi công Pháp đã trực tiếp bay bằng chính máy bay Yak-3 – “món quà khiêm nhường của Liên Xô dành cho không quân Pháp”. Chính các máy bay tiêm kích này sẽ giúp hồi sinh không quân Pháp.
Trong Thế chiến 2, lực lượng Normandie-Niemen mất 42 phi công nhưng lại hạ được 273 máy bay đối phương, chiếm tới 80% các chiến thắng của “nước Pháp Kháng chiến” trong toàn cuộc chiến./.