Quân Thụy Điển giúp Đức đánh Liên Xô trong Thế chiến 2 như thế nào?
VOV.VN - Liên Xô chưa bao giờ đe dọa nước Thụy Điển trung lập nhưng lại có hàng ngàn người Thụy Điển tiến về phía đông để đánh Hồng quân trong Thế chiến 2.
Trong tiến trình Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Thụy Điển đã từ bỏ một phần chính sách đối ngoại của mình.
Khi ấy Thụy Điển chấm dứt chính sách đối ngoại trung lập của mình vừa là do sức ép của Đức Quốc xã vừa là do cách nhìn nhận của họ đối với các động thái của Liên Xô.
Coi vấn đề của Phần Lan là của mình
Thụy Điển cực lực phản đối việc Liên Xô tấn công Phần Lan (láng giềng của Thụy Điển) vào ngày 30/11/1939 và lo sợ rằng khi Phần Lan thất thủ thì đến lượt họ cùng chung số phận.
Do vậy thay vì truyền thống tuyên bố trung lập, Thụy Điển tuyên bố tuy không tham gia vào cuộc Chiến tranh Mùa Đông nhưng giữ cho mình quyền được trợ giúp Phần Lan trong khả năng của mình nếu thấy điều đó là cần thiết.
Thế là Thụy Điển bắt đầu hỗ trợ Phần Lan củng cố quốc phòng. Phần Lan được nhận 800 quả thủy lôi, khoảng 350 khẩu pháo (mặt đất, chống tăng, cao xạ), 135.000 súng, và hơn 20 máy bay.
Không những vậy, các tình nguyện viên Thụy Điển còn tập hợp lại để chiến đấu chống Hồng quân Liên Xô. Tính trung lập chính trị của Thụy Điển không ngăn cấm được các công dân của mình đi hỗ trợ quân đội nước ngoài.
Các binh đoàn Thụy Điển
Tổng cộng 8.260 nam giới đã gia nhập Binh đoàn Tình nguyện Thụy Điển. Lực lượng này không thuần túy chỉ Thụy Điển mà còn gồm 725 người Na Uy.
Phần Lan không quăng đơn vị này vào lò lửa chiến sự ở eo biển Karelian. Họ được đưa tới nơi ít ác liệt hơn, là vùng Lapland.
Sử gia Thụy Điển Erik Appel cho rằng các nỗ lực của các đơn vị quân sự Thụy Điển như thế này đã tiếp sức về mặt tinh thần cho Phần Lan.
Giai đoạn tiến vào lãnh thổ Liên Xô
Khi Phần Lan tham gia cùng quân đội Hilter tiến về phía đông vào năm 1941, Thụy Điển rơi vào thế lưỡng lự. Vì giờ đây họ không còn chiến đấu vì sự “sinh tồn” như trước nữa. Lúc này, số lượng người Thụy Điển tham gia chống Liên Xô giảm so với hồi Chiến tranh Mùa Đông.
Tiểu đoàn Hanko được thành lập. Tiểu đoàn được đặt tên theo một bán đảo mà đơn vị này được điều tới để thực hiện tấn công một căn cứ hải quân của Liên Xô.
Phục vụ trực tiếp phe Hitler
Một bộ phận người Thụy Điển thậm chí còn gia nhập lực lượng Đức Quốc xã. Khoảng 200-315 người đã tham gia lực lượng SS khét tiếng của phát xít Đức sau khi chiến dịch Barbarossa (xâm lược Liên Xô) mở màn.
Báo chí Thụy Điển đã gọi thẳng những phần tử này là Quốc xã. Và về mặt niềm tin, nhóm này đích thị là Quốc xã. Nỗi sợ phong trào cộng sản đã thúc đẩy chúng tiến về Mặt trận phía Đông để “đánh lại chủ nghĩa Bolshevik và đạo Do Thái”.
Lượng người Thụy Điển là lớn nhất trong các sư đoàn SS mang tên Viking và Norland. Tuy nhiên chưa vượt quá 10% quân số tại mỗi sư đoàn.
Khi Đệ tam Đế chế (tức phát xít Đức) bắt đầu thất thế trên chiến trường, số lượng lính Thụy Điển đào ngũ bắt đầu gia tăng. Sự tàn bạo của quân phát xít Đức ở chiến trường phía Đông đã thức tỉnh những người lính Thụy Điển này, hối thúc họ quay trở lại quê hương.
Mặc dầu vậy, trong hàng ngũ lực lượng Quốc xã cố thủ ở Berlin (Đức) vào năm 1945 vẫn có một số quân nhân Thụy Điển.
Phe Thụy Điển ủng hộ Liên Xô
Số lính Thụy Điển chiến đấu chống Liên Xô nhiều hơn số lính Thụy Điển chiến đấu bảo vệ Liên Xô.
Nhóm thứ 2 này chỉ gồm vài trăm người và họ là những người Thụy Điển sống ở Estonia.
Mùa hè năm 1940, Estonia và 3 nước cộng hòa Baltic khác sáp nhập vào Liên Xô. Chẳng bao lâu sau khi Đức xâm lược Liên Xô, 300 người Thụy Điển ở Estonia đã được huy động vào Hồng quân.
Trong số này cũng có khá nhiều người đào ngũ. Tuy nhiên có những cá nhân đã chiến đấu ngoan cường đến cùng. Chẳng hạn binh nhì Oscar Frieberg đã chiến đấu không chỉ trong trận Stalingrad mà còn cả trong việc truy quét tàn quân phát xít ở Courland vào tháng 5/1945.
Oscar Frieberg kể lại rằng ban đầu do không biết tiếng Nga nên anh giao tiếp với đồng đội bằng cử chỉ. “Lúc đầu tôi không hiểu lắm nhưng sau một thời gian tôi có thể giao tiếp dễ dàng hơn. Ở đây còn có các đồng đội đến từ Uzbekistan, Tatar, Kazakhstan, không ai để ý đến việc tôi là người Thụy Điển”.
Số lượng nhỏ người Thụy Điển chiến đấu cho phe Liên Xô thường là đảng viên cộng sản và họ coi việc chiến đấu này là vinh dự.
Fredrik Åberg là một trường hợp nữa. Anh trở thành lái xe tăng cho quân Nga trong cuộc Chiến tranh Mùa Đông ở eo biển Karelian. “Đồng chí Thụy Điển” này đã sống ở Liên Xô từ thuở Nội chiến Nga. Sau đó, khi Thế chiến 2 đến gần, Åberg lại chiến đấu cho phe Liên Xô, bảo vệ Leningrad.
Pelle Hansson, người Thụy Điển, đã từ Brazil tới Liên Xô để định cư lâu dài vào thập niên 1930. Anh tham gia cuộc chiến Xô-Phần với tư cách là công dân Liên Xô và hy sinh trong trận cuộc chiến đó.
Một trong những trường hợp người Thụy Điển Xô viết nổi tiếng nhất trong Thế chiến 2 là Anders Gustavsson. Nằm trong phái đoàn cộng sản Thụy Điển đến thăm Liên Xô vào giữa thập niên 1920, ông đã ngỡ ngàng trước việc “quyền lợi của giới công nhân được bảo vệ” tốt nhường nào ở đây và thế là ông nhanh chóng quyết định tới định cư lâu dài ở Liên Xô.
Thiếu tá Gustavsson, trong vai trò phiên dịch viên tiếng Đức và thành viên ban tuyên truyền, đã chiến đấu ở Leningrad giữa vòng vây phong tỏa của phát xít Đức, cũng như trong trận chiến Stalingrad và cuộc chiến đấu giải phóng Crimea và đông Phổ. Ông được nhận Huân chương Chiến tranh Vệ quốc cho những thành tích của mình./.