Tài liệu mới của Mỹ tiết lộ phản ứng từ Xô Viết sau vụ ám sát Kennedy
VOV.VN - Liên bang Xô Viết cũng lo rằng họ sẽ bị cáo buộc đã cài cắm “kẻ loạn thần” Lee Harvey Oswald ám sát Tổng thống John F Kennedy.
Trong số hơn 2.800 hồ sơ vừa được công bố trên website của Kho Lưu trữ quốc gia Mỹ từ đêm 26/10 có một tài liệu của Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) J Edgar Hoover đề ngày 1/12/1963. Trong đó, cơ quan này tiết lộ những điều mà họ biết về phản ứng của Liên bang Xô Viết đối với vụ ám sát ông Kennedy cũng như những gì mà các nhân viên FBI có thể đã biết về kẻ thủ ác Lee Harvey Oswald.
Tổng thống Kennedy tham gia một lễ diễu hành tại Dallas ngày 22/11/1963, trước khi bị ám sát. |
Theo những tài liệu này, cũng như phần còn lại của thế giới, Liên bang Xô Viết bị ám ảnh bởi những thuyết âm mưu xung quanh cái chết của ông Kennedy.
Lập luận của Nga
“Theo nguồn tin của chúng tôi, các quan chức đảng Cộng sản ở Liên bang Xô Viết tin rằng có một âm mưu được phe cực hữu ở Mỹ lên kế hoạch rất cặn kẽ để thực hiện một cuộc đảo chính” – tài liệu nêu rõ.
Một đoạn tài liệu được công bố ngày 26/10/2017. |
Nguồn tin của FBI cho rằng vụ ám sát này “không phải là hành động của một người mà là một chiến dịch được lên kế hoạch cẩn thận và có nhiều người tham gia”.
Nguồn tin này cũng lưu ý rằng các quan chức Xô Viết sợ rằng “nếu không có sự lãnh đạo, một số tướng lĩnh vô trách nhiệm ở Mỹ có thể bắn tên lửa vào Xô Viết”.
Điều đó thúc đẩy thêm ý kiến của các quan chức Xô Viết cho rằng “chỉ có kẻ loạn thần mới nghĩ rằng lực lượng cánh tả ở Mỹ, mà đại diện là đảng Cộng sản, lại đi ám sát Tổng thống Kennedy”, trong khi chính quyền của ông chủ trương là các thế lực chính trị cùng tồn tại hòa bình.
Càng lo ngại rằng một nước Mỹ đang hoảng loạn có thể hành động quân sự với mình, Liên bang Xô Viết lại càng muốn hiểu hơn về Lyndon B. Johnson, người kế nhiệm Tổng thống Kennedy. Chỉ vài giờ sau vụ ám sát, ông Johnson tuyên thệ nhậm chức ngay trên chiếc Không Lực Một (Air Force One), bên cạnh là Đệ nhất Phu nhân góa phụ Jacqueline Kennedy, người đã từ chối thay bộ quần áo vẫn còn đẫm máu của chồng.
Ông Johnson tuyên thệ nhậm chức. |
Liên bang Xô Viết cho rằng Lee Harvey Oswald là “một kẻ loạn thần bất trung với đất nước và nhiều thứ khác nữa”.
Tài liệu của FBI vừa công bố cho biết, phía Moscow khẳng định tên này “không bao giờ thuộc bất cứ tổ chức nào của Liên bang Xô Viết và chưa bao giờ được trao quyền công dân Xô Viết”.
Theo tài liệu này, trong một cuộc họp nội bộ, người đứng đầu Cơ quan An ninh quốc gia (KGB) của Liên bang Xô Viết, ông Boris Ivanov đã nói với những người có mặt rằng vụ ám sát Kennedy đã “nêu ra một vấn đề cho KGB và yêu cầu tất cả các nhân viên KGB phải nỗ lực giải quyết vấn đề đó”.
Nguồn tin của FBI cũng cho biết, ông Ivanov tin rằng vụ ám sát Tổng thống Mỹ “đã được lên kế hoạch bởi một tổ chức chứ không phải là hành động của một cá nhân đơn độc”. Ông Ivanov khẳng định, việc của KGB là điều tra vụ việc này đến cùng để xem tổ chức nào có khả năng lên kế hoạch ám sát Tổng thống Mỹ.
Trong một tài liệu đề tháng 5/1964, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) lưu ý rằng lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev tỏ ra không tin lực lượng an ninh Mỹ lại “ngốc nghếch” tới mức cho rằng ông Kennedy bị giết mà không có âm mưu nào ở phía sau. Ông Khrushchev cho rằng sở cảnh sát Dallas [nơi xảy ra vụ ám sát – ND] chỉ là “phụ kiện” cho vụ ám sát này.
Theo nguồn tin của CIA, ông Khrushchev suy luận rằng cánh hữu ở Mỹ đứng sau âm mưu ám sát Kennedy. Khi nguồn tin này nói rằng cả Oswald và kẻ giết hắn ta sau đó là Jack Ruby đều bị điên và chỉ hành động một mình, ông Kruschev nói thẳng rằng ông chẳng tin điều đó.
Vụ ám sát Tổng thống Kennedy: Mỹ hé lộ một phần tài liệu mật cuối cùng
Trong một tài liệu khác công bố hôm 26/10, cựu Giám đốc FBI Edgar Hoover đã bày tỏ quan ngại về một lời đe dọa nhằm vào kẻ thủ ác Oswald.
“Chẳng có gì thêm về vụ Oswald ngoại trừ việc hắn ta đã chết. Đêm qua, chúng tôi đã nhận được một cuộc gọi đến văn phòng ở Dallas từ một người đàn ông nói giọng rất bình tĩnh rằng anh ta là thành viên của một tổ chức muốn giết Oswald” – ông Hoover cho biết.
Cựu Giám đốc FBI cũng cho biết cảnh sát Dallas đã đảm bảo rằng sẽ bảo vệ Oswald nhưng cuối cùng vẫn để Jack Ruby giết chết anh ta ngày 24/11/1963, chỉ 2 ngày sau vụ ám sát Kennedy.
Thủ phạm gặp điệp viên KGB trước khi ám sát ông Kennedy
Theo các tài liệu Mỹ vừa công bố, 2 tháng trước khi ám sát Tổng thống Kennedy, Oswald đã nói chuyện với một nhân viên KGB “bằng một thứ tiếng Nga bập bõm”.
“Theo ghi chép từ một cuộc điện thoại nghe lén ở Mexico City, Oswald đã có mặt ở Đại sứ quán Liên bang Xô Viết tại đó ngày 28/9/1963 và nói chuyện với nhân viên lãnh sự tên Valeriy Vladimirovich Kostikov” – tài liệu nêu rõ. Kostikov được cho là một điệp viên cấp cao thuộc Cục 13, đơn vị chuyên trách về các vụ ám sát của KGB.
Theo CIA, cơ quan này biết về chuyến đi của Oswald đến Mexico City khi tên này gọi đến Đại sứ quán Liên bang Xô Viết vào ngày 1/10/1963. Hắn đã khai tên tuổi và nói bằng một thứ tiếng Nga bập bõm. Theo tài liệu này, hắn đã hỏi nhân viên bảo vệ nghe điện thoại là liệu có “bất cứ thứ gì mới liên quan tới bức điện tín đến Washington”.
Một tài liệu khác tiết lộ, FBI cũng biết về cuộc gặp ngày 1/10/1963, hơn 1 tháng trước khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, nghĩa là Oswald vốn đã nằm trong “radar” giám sát của các cơ quan an ninh, tình báo Mỹ. Các nhân viên FBI đã bị một ủy ban thượng viện Mỹ “xoay như chong chóng” vì đã không ngăn cản chuyến đi của Oswald đến Mexico hồi tháng 9, trước vụ ám sát 2 tháng.
Tại cuộc điều trần, một Thượng nghị sỹ đã tỏ ra rất gay gắt về việc FBI không có bất cứ phân tích nào khi một công dân Mỹ, trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, có thể tới Mexico City, liên hệ với lãnh sự Cuba và Đại sứ quán Liên bang Xô Viết mà không bị thẩm vấn khi trở về nước./.