Tàu ngầm Liên Xô suýt phóng ngư lôi hạt nhân vào Mỹ trong Sự kiện Cuba 1962
VOV.VN - Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã nhiều lần đứng bên bờ vực chiến tranh hạt nhân. Tháng 10/1962, một tàu ngầm Liên Xô giữa vòng vây của hải quân Mỹ đã suýt khai hỏa ngư lôi hạt nhân, tạo ra nguy cơ kích hoạt chiến tranh hủy diệt.
Tháng 10/2022 là tròn 60 năm sự kiện Khủng hoảng Tên lửa Cuba, khi Mỹ và Liên Xô đối đầu căng thẳng và đẩy thế giới tới sát bờ vực chiến tranh hạt nhân hủy diệt.
Đây là một bài học mà nhân loại phải khắc ghi cho những tình huống khủng hoảng sắp tới, nhất là trong bối cảnh xung đột quân sự Ukraine - Nga đã diễn ra căng thẳng với nhiều diễn biến khó lường, trong đó có cả kịch bản hạt nhân.
Căng thẳng gia tăng
Vào ngày 1/10/1962, bốn tàu ngầm Liên Xô, mỗi tàu đều trang bị ngư lôi hạt nhân, rời vịnh Kola ở Biển Barents để đi Cuba. Hạm đội mini có mục đích bí mật là củng cố sự hiện diện quân sự to lớn của Liên Xô tại và xung quanh quốc đảo Cuba, bảo vệ quá trình xây dựng các điểm bố trí tên lửa phòng thủ theo yêu cầu của Cuba sau khi Mỹ thực hiện Sự kiện Vịnh Con Lợn nhằm lật đổ chính quyền cách mạng của ông Fidel Castro.
Theo lời kể của Vasily Arkhipov - Phó Đô đốc tàu ngầm B-59 (mới được Tàng thư An ninh Mỹ công bố lần đầu tiên để tưởng nhớ sự kiện này), thời tiết trong hành trình trên biển “nói chung thuận lợi cho việc giữ bí mật” - “có bão, mây thấp, tầm nhìn hạn chế, mù tuyết, mưa”.
Trong hải trình, họ phát hiện “mức độ hoạt động gia tăng của các trạm định vị vô tuyến máy bay săn ngầm” nhưng đoàn tàu ngầm vẫn chưa bị đối phương phát hiện cho đến ngày 18/10, khi tình báo Xô viết “chặn thu được một thông điệp từ một đài phát thanh Pháp thông báo cho một số phóng viên rằng tàu ngầm Liên Xô đã xâm nhập Đại Tây Dương và hiện nay đang tiến tới bờ biển Mỹ”.
Arkhipov kể: “Khó nói được họ đã phát hiện ra tàu ngầm như thế nào… Tuy nhiên, có thể khẳng định tương đối tự tin là tàu ngầm không bị radar máy bay phát hiện”.
Bốn ngày sau đó, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy công bố phong tỏa Cuba và triển khai vô số tàu và máy bay hải quân Mỹ tới các bờ biển Cuba và vắt qua Đại Tây Dương, với mệnh lệnh yêu cầu bất cứ tàu ngầm nước ngoài nào tiến tới khu vực đó cần trồi lên mặt biển để phục vụ mục đích nhận diện. Các chỉ huy tàu chiến Mỹ được lệnh tấn công bất cứ tàu ngầm nào của nước ngoài từ chối tuân thủ yêu cầu trên.
Vào ngày 23/10, các tàu ngầm Mỹ bắt đầu tiến hành trinh sát ở gần đó để dò tìm các tàu chưa bị phát hiện.
Arkhipov nhớ lại, do vậy, “các chỉ huy Liên Xô được lệnh phải trong trạng thái báo động cao nhất để tiếp tục di chuyển bí mật”.
Vào ngày 24/10, các tàu ngầm Liên Xô đến các “khu vực được chỉ định” gần Cuba. Cùng ngày đó, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev nói với đại diện cao cấp của Washington ở Moscow rằng nếu các tàu Mỹ bắt đầu tìm kiếm tàu buôn Liên Xô, điều này sẽ bị coi là hành động hải tặc và ông sẽ ra lệnh cho tàu ngầm Liên Xô tiêu diệt các tàu Mỹ quấy nhiễu.
Tình hình rất căng khi một tàu B-59 trồi lên mặt biển để sạc ắc quy.
Arkhipov kể lại, khi nổi lên, tàu phát hiện ra: “Một tàu sân bay, 9 tàu khu trục, 4 máy bay Neptune, bị vây giữa 3 vòng vây đồng tâm của các lực lượng tuần duyên, chỉ 30m trên đầu là máy bay, đèn pha rọi chiếu cực mạnh, pháo tự động nhả đạn (hơn 300 phát), bom chìm được thả xuống, tàu khu trục tiến sát tàu ngầm ở cự ly nguy hiểm, chĩa súng vào tàu ngầm, tiếng loa vang to yêu cầu tắt động cơ, v.v..”.
Trưởng tàu ngầm Valentin Savitsky đã bị sốc và choáng ngợp trước phản ứng mà họ gặp phải từ phía Mỹ. Giao thức họ được chỉ dẫn trong tình huống này là tàu cần “lặn khẩn cấp” để chuẩn bị phóng đầu đạn hạt nhân vào đối phương.
Nhiều thủy thủ tàu ngầm về sau nói rằng Savitsky đã ra lệnh lặn và phóng ngư lôi hạt nhân chết người, có thể kích hoạt Thế chiến III.
Sự tỉnh táo thắng thế
Arkhipov kể tiếp: “Sau khi tàu lặn, không ai nghĩ về câu hỏi liệu máy bay phía trên có bắn vào tàu ngầm hay là vào xung quanh. Đây là chiến tranh. Nhưng máy bay khi bay qua tháp chỉ huy của tàu ngầm, tầm 1 tới 3 giây trước khi khai hỏa, đã bật đèn pha cực mạnh làm chói mắt của những người trên tàu ngầm đến mức mắt của họ bị tổn thương. Trưởng tàu không hiểu chuyện gì đang diễn ra nữa”.
May cho thế giới, Arkhipov vẫn ở trong tháp tàu ngầm khi Savitsky ban hành lệnh khai hỏa. Nếu Arkhipov không ở đó, mọi chuyện thật khó lường.
Nhận thấy người Mỹ chỉ đang phát đi tín hiệu cảnh báo cho tàu ngầm chứ không phải tấn công tàu, ông đã trấn tĩnh viên chỉ huy đang khá hoảng hốt lúc đó, bảo đảm các lệnh của trưởng tàu không được truyền tới sĩ quan phụ trách phóng ngư lôi của tàu ngầm. Sau đó, một thông điệp rõ ràng đã được gửi ngược trở lại phía Mỹ yêu cầu ngừng tất cả các hành động khiêu khích.
Điều này có nghĩa là 12 đợt máy bay tiêm kích bay qua đầu tàu ngầm là “không đáng ngại” và các đoạn thu sóng phát từ đài phát thanh công của Mỹ cho thấy mặc dù “tình hình căng thẳng và bên bờ vực chiến tranh”, đây hoàn toàn chưa phải là chiến tranh. Tình hình đã được “tháo ngòi” thành công.
Ngày hôm sau, tàu ngầm B-59 nạp đầy đủ ắc quy lặn xuống mà không bị cảnh báo, rồi quay trở về căn cứ. Tại đó, một ủy viên cấp cao của Hội đồng Quân sự Liên Xô nói với thủy thủ đoàn: “Chúng tôi đã không nghĩ được các đồng chí có thể sống sót trở về”.
Công chúng Mỹ vẫn không hay biết về sự cố này và việc tàu ngầm Liên Xô đã cận kề hành động phóng đầu đạn hạt nhân như thế nào, cho tới mãi nhiều thập kỷ sau đó.
Khi thông tin đó lần đầu tiên được tiết lộ, nó đã gây sốc nhưng rồi cũng bị quên lãng. Nhưng sau bao thời gian, sự kiện đó vẫn chứng minh một điều rằng các tình huống nguy hiểm trong chính trị quốc tế có thể được giải quyết bằng những cái đầu lạnh.
Sau đó, Mỹ và Liên Xô đã thực hiện nhiều biện pháp ngoại giao và sự nhượng bộ lẫn nhau để chấm dứt thế đối đầu nguy hiểm này.
Moscow và Washington cũng thiết lập một đường dây nóng, bảo đảm sự liên lạc trực tiếp và nhanh chóng giữa 2 siêu cường, duy trì hòa bình đến thập niên 1980./.