Thế yếu của xe tăng trong tác chiến thế kỷ 21, khi UAV lên ngôi
VOV.VN - Khi các máy bay không người lái (UAV) làm mưa làm gió trên chiến trường thế kỷ 21, ngay cả các xe tăng chủ lực như Abrams của Mỹ cũng dễ dàng bị hạ gục. Xe tăng bộc lộ nhiều điểm yếu khó che chắn dù chúng vẫn là công cụ hàng đầu để đánh chiếm lãnh thổ.
Cuộc chiến bằng UAV ở Ukraine đang cải biến tác chiến hiện đại và gây ra tổn thất lớn cho lực lượng xe tăng, bao gồm cả xe tăng hạng mạnh do siêu cường Mỹ chế tạo. UAV có thể làm thay đổi cách con người sử dụng xe tăng trong xung đột tương lai.
Trong 2 tháng qua, quân đội Nga đã bắn hạ 5 trong số 31 xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất, theo một quan chức cấp cao của Mỹ. Số xe tăng này được Lầu Năm Góc gửi cho Ukraine vào mùa thu năm 2023. Đại tá Reisner, chuyên gia huấn luyện quân sự của Áo, cho biết, còn có ít nhất 3 chiếc Abrams nữa bị hư hại kể từ xung trận trong xung đột vũ trang với Nga vào đầu năm nay (2024). Ông Reisner đã theo dõi tình trạng vũ khí được sử dụng và mất mát trong cuộc xung đột này.
Theo web phân tích quân sự Oryx, số xe tăng nói trên chỉ là một phần trong tổng số 796 xe tăng chủ lực của Ukraine bị phá hủy, thu giữ và vứt bỏ kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Dữ liệu của Oryx cho thấy, Nga cũng bị tổn thất một số lượng xe tăng rất lớn.
Ngoài xe tăng do Mỹ và Nga sản xuất, xe tăng Leopard do Đức sản xuất cũng bị ngắm bắn trên chiến trường Ukraine, với ít nhất 30 chiếc bị phá hủy, vẫn theo Oryx.
Trong số các xe tăng trên, Abrams được đánh giá là mạnh hàng đầu. Tuy nhiên xe tăng này vẫn dễ dàng bị UAV cảm tử tiêu diệt.
Vũ khí diệt tăng có độ chính xác cao với giá thành thấp
Xe tăng có uy lực lớn nhưng không phải là không thể bị xuyên thủng. Chỗ yếu nhất của xe tăng nằm ở những vị trí giáp mỏng: Trên nóc, ở khối động cơ phía sau, và ở khoảng giữa thân xe và tháp pháo. Trong nhiều năm, các chỗ yếu này đã bị tấn công bằng súng B-41, tên lửa diệt tăng, thuốc nổ tự chế và mìn.
Ngày nay, UAV, đặc biệt là UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) được sử dụng để tấn công xe tăng với độ chính xác cao hơn nữa. Các FPV gắn camera truyền hình ảnh theo thời gian thực về cho trắc thủ, người sẽ điều khiển UAV đánh vào các điểm yếu nhất trên xe tăng. Đại tá Reisner cho biết, cũng có trường hợp, FPV được tung ra để hạ nốc-ao những chiếc xe tăng đã bị hư hại do mìn và tên lửa chống tăng nhằm ngăn tình trạng đối phương cố khôi phục lại chúng.
UAV có giá chỉ khoảng 500 USD nhưng lại có thể vô hiệu hóa chiếc xe tăng Abrams trị giá tới 10 triệu USD.
Đại tá Reisner đã sưu tập được các video trên chiến trường Ukraine ghi cảnh UAV truy đuổi xe tăng hoặc bay thẳng vào tháp pháo đang mở. “Thật không thể tin được”, ông thốt lên.
Bảo vệ xe tăng không dễ dàng, đơn giản
Đầu năm 2024, xe tăng Abrams được triển khai cùng Lữ đoàn cơ giới 47 của Ukraine khi quân đội nước này cố gắng duy trì kiểm soát thị trấn Avdiivka nhưng thất bại.
Đại tá Reisner cho biết, các UAV có khả năng đã nhắm thành công vào xe tăng Abrams do Lữ đoàn 47 dường như không có được sự bảo vệ bằng hệ thống phòng không tầm ngắn như pháo tự hành Gepard do Đức thiết kế.
Có thể ngăn chặn FPV bằng thiết bị gây nhiễu (làm gián đoạn kết nối giữa FPV và trắc thủ từ xa). Súng bắn đạn ghém hoặc lưới cá cũng có thể dùng để phá hủy hoặc bắt gọn một số loại UAV trên chiến trường.
Michael Kofman - nghiên cứu viên cao cấp tại tổ chức Carnegie ở Washington (Mỹ) cho rằng “vào giai đoạn hiện nay, phương tiện hiệu quả nhất để đánh bại FPV là tác chiến điện tử và nhiều loại phòng thủ thụ đông”, bao gồm lớp giáp bổ sung và các loại tấm chắn trên xe tăng.
Ông Koftman cho biết, để đánh bại FPV cần “cách tiếp cận linh hoạt, tổng hợp trên chiến trường”.
Theo Đại tá Reisner, Ukraine ưu tiên sử dụng hệ thống phòng không Gepard để bảo vệ thành phố và cơ sở hạ tầng trọng yếu nên lực lượng xe tăng nước này mất đi một phương tiện bảo vệ hữu hiệu.
Phát ngôn viên Lữ đoàn 47 và Bộ Quốc phòng Ukraine từ chối bình luận về vấn đề này. Tuy nhiên, các binh sĩ Ukraine khác cho biết, họ hiếm khi được sử dụng tên lửa đất đối không và các hệ thống phòng không khác để đối phó với FPV vì những vũ khí này thường được dùng để bắn hạ máy bay phản lực và trực thăng. Hơn nữa, một số chuyên gia nghi ngờ hiệu quả của những hệ thống đó trước các UAV có kích cỡ nhỏ bé và bay nhanh nên khó bị radar phát hiện.
David M. van Weel - quan chức NATO phụ trách về hình thức tác chiến mới, cho hay, một số quân đội đang thử nghiệm tia laser mang năng lượng cao để đốt cháy UAV tấn công. Các dòng năng lượng tập trung có hướng này có khả năng đánh trúng các mục tiêu nhỏ như FPV. Nhưng ông van Weel cũng cho rằng sớm muộn người ta sẽ nghĩ ra cách để vô hiệu hóa vũ khí dạng laser.
Vai trò chính của xe tăng ngày nay
Liệu xe tăng đã lỗi thời trong thế kỷ 21?
Đại tá Reisner cho rằng các kỹ sư quân đội đã tìm ra những cách thức mới để phá hủy xe tăng chừng nào chúng còn được sử dụng trên chiến trường. Ông cũng cho rằng FPV không khiến các xe tăng như Abrams hay Leopard trở nên lỗi thời ở Ukraine.
Xe tăng vẫn là vũ khí sát thương hàng đầu trong tác chiến trên bộ. Đại tá Reisner khẳng định: “Nếu muốn chiếm lãnh thổ, vẫn phải cần đến xe tăng”.
Tuy nhiên, Đại tá Reisner dự báo các UAV kiểu FPV sẽ thúc đẩy tác chiến ngầm trong tương lai. Ông nói, trong hình thức tác chiến này, các vũ khí điều khiển từ xa sẽ tác chiến trên mặt đất, còn các quân nhân sẽ điều khiển vũ khí từ các boong-ke gần đó để bảo đảm vẫn quan sát được vũ khí và kiểm soát vô tuyến đối với thiết bị.
Đại tá Reisner dự báo các cuộc lục chiến như vậy sẽ tạo ra thế đối đầu giữa UAV góc nhìn thứ nhất với các phương tiện không người lái trên bộ.