Toàn cảnh quân đội Gabon đảo chính, lật đổ “triều đại chính trị” quyền lực
VOV.VN - Đảo chính nổ ra ở Gabon vào ngày 30/8, đẩy quốc gia Trung Phi này vào tình trạng hỗn loạn. Quân đội đã lật đổ Tổng thống Ali Bongo thuộc một gia đình đã cầm quyền tại đất nước này trong hơn nửa thế kỷ.
Đảo chính nổ ra ở Gabon chỉ vài phút sau khi ủy ban bầu cử tuyên bố ông Ali Bongo tái đắc cử tổng thống tại quốc gia này.
Ông Ali Bongo đối mặt với các cáo buộc về gian lận bầu cử và tham nhũng kể từ khi ông bắt đầu lãnh đạo Gabon giàu dầu mỏ nhưng vẫn nghèo đói cách đây gần 14 năm. Sau đảo chính, cư dân thủ đô Gabon ăn mừng và ôm chầm lấy những người lính ngay trên đường phố.
Thông tin sơ bộ cho hay, ông Bongo đang bị quản thúc tại gia, con trai ông cũng đã bị bắt giữ, tất cả đường biên giới của Gabon đã bị đóng cửa. Các lãnh đạo quốc tế bày tỏ quan ngại và lên án cuộc đảo chính.
Đảo chính diễn ra như thế nào?
Quân đội Gabon giành chính quyền vào ngày 30/8 ngay sau khi cơ quan tổ chức bầu cử của Gabon thông báo ông Bongo tái đắc cử tổng thống sau cuộc bầu cử được tổ chức vào kỳ nghỉ cuối tuần trước.
Khi đảo chính nổ ra, các quân nhân thông báo trên truyền hình quốc gia rằng họ đã nắm quyền lực nhà nước. Họ tuyên bố, kết quả bầu cử vừa qua là vô hiệu lực, toàn bộ biên giới bị đóng cửa, hàng loạt cơ quan chính quyền bị giải tán, bao gồm cả hai viện của quốc hội.
Các thủ lĩnh đảo chính quân sự cho biết, ông Bongo đã bị quản thúc tại gia, Người con trai của Tổng thống, Noureddin Bongo Valentin, đã bị bắt cùng 6 người khác vì “tội phản quốc”.
Một video của hãng thông tấn Pháp AFP cho thấy ông Bongo đang ngồi trong một ngôi nhà trông như thư viện. Video cho biết, ông Bongo đang “ở trong dinh thự” và không biết điều gì đang xảy ra. Ông nói: “Con trai tôi đang ở đâu đó, vợ tôi thì ở nơi khác”.
Trong lúc ấy, chính quyền quân sự lâm thời đã chỉ định tướng Brice Oligui Nguema (từng là cận vệ của cha ông Bongo, lãnh đạo tiền nhiệm của Gabon) làm lãnh đạo chuyển tiếp.
Tướng Oligui nói với tờ báo Pháp Le Monde rằng Bongo hưởng “tất cả các quyền của mình” với tư cách là một công dân Gabon “bình thường”.
Diễn biến thực địa tại Gabon
Các đoạn video ăn mừng ở Gabon lan truyền trên mạng internet vào hôm 30/8, trong đó có cảnh các binh sĩ nước này công kênh tướng Oligui trên vai và hô to “tổng thống”.
Cư dân thủ đô Libreville của Gabon nhảy múa trên đường phố, theo các đoạn video được chia sẻ với CNN và đăng tải trên các mạng xã hội. Có đoạn video ghi cảnh người dân hô “đã được giải phóng” và vẫy cờ Gabon ở quận Nzeng Ayong bên các xe quân sự.
Cảnh tượng tương tự diễn ra ở các vùng khác của Gabon, bao gồm thành phố Port-Gentil lớn thứ 2 của đất nước. Một bộ phận kiều dân Gabon ở nước ngoài cũng hoan nghênh cuộc đảo chính.
Một sinh viên Gabon chia sẻ: “Tôi chắc chắn điều mà người dân Gabon mong muốn là đảng Dân chủ Gabon của ông Bongo rời bỏ quyền lực. 60 năm là quá nhiều rồi”.
Một phát ngôn viên của chính quyền quân sự cho hay: Quân đội Gabon đang áp đặt lệnh giới nghiêm từ 6h chiều đến 6h sáng. Các cửa khẩu biên giới sẽ vẫn đóng cửa cho “tới khi có thêm thông báo”. Tuy nhiên, tướng Oligui đã bắn tín hiệu về khả năng khôi phục lại hoạt động của các kênh phát thanh và truyền hình quốc tế.
Gia tộc Bongo là những ai?
Ali Bongo, 64 tuổi, tiếp nhận quyền lực từ cha mình, ông Omar Bongo, người qua đời vì trụy tim khi điều trị ung thư ruột vào năm 2009, sau khi tại vị gần 42 năm.
Ông Omar Bongo lên nắm quyền vào năm 1967 vào thời điểm 7 năm sau khi Gabon giành được độc lập từ Pháp.
Ông Omar quản lý quốc gia Gabon một cách cứng rắn, thực hiện chế độ một đảng trong nhiều năm và chỉ áp dụng chế độ đa đảng vào năm 1991, dù vậy đảng của ông vẫn nắm chắc chính quyền.
Còn Ali Bongo bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1981, đảm đương các chức vụ như ngoại trưởng, nghị sĩ và bộ trưởng quốc phòng trước khi trở thành tổng thống vào năm 2009, theo website đại sứ quán Gabon ở Mỹ.
Tuy nhiên hai cha con ông Bongo đều vấp phải nhiều chỉ trích, đặc biệt là trong bối cảnh quốc gia Gabon chứng kiến khoảng cách giàu nghèo khổng lồ. Một cuộc điều tra của cảnh sát tài chính Pháp vào năm 2007 phát hiện gia đình Bongo sở hữu 39 tài sản ở Pháp, 70 tài khoản ngân hàng và 9 ô tô sang trọng với tổng trị giá là 1,5 triệu euro, theo nguồn tin Reuters.
Ba lần đắc cử của Ali Bongo đều gây tranh cãi sâu sắc, đôi khi tạo ra các cuộc biểu tình bạo lực trên toàn quốc. Phe đối lập Gabon cũng tố cuộc bầu cử tuần này là gian lận. Trong khi đó, đội ngũ của Bongo bác bỏ các cáo buộc về những điều bất thường trong bầu cử.
Tương tự, vào năm 2016, sau khi Bongo được tuyên bố đắc cử, đối thủ chính của ông nói rằng quyết định của Tòa án hiến pháp công nhận kết quả bầu cử gây tranh cãi là “thiên vị”. Một cuộc đảo chính thất bại chống lại Bongo đã xảy ra vào năm 2019.
Phản ứng của thế giới
Đã có rất nhiều cuộc đảo chính ở các thuộc địa cũ của Pháp tại châu Phi, như Mali, Guinea, Burkina Faso, Chad, Niger, Tunisia và nay là Gabon.
Lý do mà giới đảo chính đưa ra là tình trạng tham nhũng, quản lý yếu kém, và nghèo đói, theo nhà phân tích chính trị Remi Adekoya.
Trong khi đó, các quốc gia châu Phi khác đã chỉ trích cuộc đảo chính mới đây tại Gabon. Liên minh châu Phi (đại diện cho 55 quốc gia thành viên) đã tổ chức họp khẩn cấp vào hôm 30/8. Chủ tịch Ủy ban của khối này, Moussa Faki Mahamat, tuyên bố lên án cuộc đảo chính, đồng thời kêu gọi quân đội Gabon bảo đảm an toàn cho Ali Bongo và khôi phục “trật tự hiến pháp dân chủ”.
Hôm 30/8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng lên án cuộc đảo chính, hối thúc tất cả các bên tôn trọng pháp quyền và nhân quyền. Mặc dù vậy, ông Guterres bày tỏ quan ngại trước các “thông tin về các vi phạm đối với quyền tự do căn bản” trong quá trình bầu cử ở Gabon.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 30/8 nói rằng Mỹ “cực lực phản đối việc quân đội nắm quyền hoặc chuyển giao quyền lực một cách vi hiến”. Ông này hối thúc các thủ lĩnh đảo chính “bảo tồn chế độ dân sự”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra các tuyên bố tương tự. Anh lên án đảo chính, hối thúc khôi phục chính quyền cũ. Còn nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu cảnh báo, đảo chính sẽ “làm tăng bất ổn trong toàn khu vực”.