Tổng thống Obama và chiến lược châu Á - Thái Bình Dương

(VOV) - Mới tái đắc cử, Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã có ngay chuyến công du tới Đông Nam Á.

Chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tuần này được dư luận quan tâm. Điểm đặc biệt là chuyến thăm không chỉ nhằm thắt chặt mối quan hệ lâu đời giữa Mỹ - Thái Lan, đánh dấu bước cải thiện đáng kể của mối quan hệ Mỹ - Myanmarr, mà còn tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng các liên kết hình thành xung quanh khu vực có vị trí ngày càng quan trọng này.

Nếu như Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành cả nhiệm kỳ đầu tiên để thiết lập những khái niệm ban đầu của sự chuyển hướng chiến lược ngoại giao sang khu vực châu Á Thái Bình Dương, thì thời điểm sau khi đã đắc cử nhiệm kỳ 2 là thích hợp nhất để người đứng đầu nước Mỹ đưa chính sách này vào thực tế.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiến hành chuyến công du 4 ngày tới 3 quốc gia Đông Nam Á là Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Chuyến thăm diễn ra khi mà dư vị chiến thắng của cuộc bầu cử Tổng thống hồi đầu tháng còn chưa phai khiến người ta liên tưởng tới một sự khẳng định mạnh mẽ của ông Obama trong nhiệm kỳ 2 này: thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ tại châu Á - Thái Bình Dương để nước Mỹ có thể tận dụng được những lợi ích chiến lược tại khu vực.

Các điểm dừng chân của Tổng thống Obama ở Đông Nam Á

Thái  Lan là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ. Sau buổi hội đàm tại thủ đô Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã mô tả chuyến thăm của ông Obama là "cơ hội hoàn hảo" để tiến tới dịp kỷ niệm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thủ tướng Yingluck còn cho biết, Thái Lan sẽ cân nhắc vấn đề tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đảm bảo các thủ tục pháp lý trong nước về vấn đề này: “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một nền tảng mạnh mẽ trong việc mở rộng thương mại và đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và chỉ có thông qua sự tin tưởng cũng như mối quan hệ đối tác, chúng ta mới có thể đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho các quốc gia”.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh, mối quan hệ đồng minh lịch sử kéo dài giữa Mỹ và Thái Lan sẽ tạo nền tảng cho chính sách ngoại giao của Mỹ trong khu vực. Chuyến thăm này còn là dịp để Mỹ củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác với Thái Lan - một trong những đối tác quân sự chủ yếu của Mỹ trong khu vực: “Tất cả những gì mà tôi thấy là khả năng phục hồi, mối quan hệ khăng khít của Thái Lan – đó là nền tảng cho mối quan hệ liên minh của hai nước. Đó là lý do tại sao cho đến nay, Thái Lan luôn là “người bạn” lâu năm nhất của Mỹ tại châu Á. Chúng ta có thể tự hào về mối quan hệ thân thiện của 2 nước, đồng thời tự hào về Thủ tướng Thái Lan - người đang đưa đất nước đi trên con đường dân chủ, tự do và phát triển”.

Từ Thái Lan, Tổng thống Mỹ Obama bay tới thăm Myanmar trong một chuyến công du lịch sử. Chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới quốc gia Đông Nam Á mới bắt đầu tiến trình cải cách và dân chủ hóa này và được cho là sẽ góp phần cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa 2 nước.

Ông Obama cho biết, chuyến thăm lần này được coi như một sự công nhận của Mỹ đối với những tiến bộ đã đạt được của Myanmar trên con đường dân chủ và kêu gọi những cải cách lớn hơn cần được thực hiện trong tương lai. Ông Obama cho biết, ông không khẳng định rằng Myanmar đã làm tất cả những gì cần phải làm, song Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng giúp quốc gia châu Á này không bị thụt lùi.

Chặng dừng chân cuối cùng của Tổng thống Obama là Campuchia nơi ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Tại Campuchia, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen, ông Obama cũng nhắc tới khả năng Mỹ xóa 70% nợ cho Campuchia để giúp nước này cải thiện các lĩnh vực xã hội, giáo dục, văn hóa. Nhân dịp này, Tổng thống Mỹ Obama và lãnh đạo các nước ASEAN cũng đã thảo luận về sáng kiến mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư song phương trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tổng thống Obama (trái) bắt tay Thủ tướng Campuchia Hun Sen (ảnh: CsMonitor)

Chưa bao giờ cụm từ “Trở lại châu Á- Thái Bình Dương” được giới phân tích nhắc nhiều đến vậy trong hơn 2 năm trở lại đây khi đề cập tới chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Nó cho thấy những ưu tiên cao của chính quyền Mỹ với khu vực này. Vậy khái niệm này bao hàm những gì và nước Mỹ sẽ hiện thực hóa nó ra sao?

Cùng nhìn lại chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương theo dòng thời gian:

1. Vài tháng sau khi lên cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu thông báo Chiến lược tái cam kết với châu Á – Thái Bình Dương. Trên thực tế Washington chưa bao giờ lãng quên khu vực này. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, do mải tập trung tiềm lực vào khu vực Trung Đông và Nam Á với 2 chiến trường Afghanistan và Iraq, nên đến giờ đây, chính quyền Mỹ mới giật mình nhận ra rằng lợi ích của mình tại châu Á Thái Bình Dương đang bị suy yếu, đặc biệt trong bối cảnh tiềm lực kinh tế, chính trị và ảnh hưởng của Trung Quốc không ngừng được mở rộng nhanh chóng trong khu vực.

2. Sức mạnh toàn cầu của Mỹ dựa phần lớn vào khả năng kiểm soát của nước này trên các đại dương và châu Á Thái Bình Dương chính là sân chơi của các quan hệ kinh tế và chính trị trong tương lai. Vì vậy, ngay lập tức Chính quyền Obama đã đầu tư đáng kể nguồn vốn chính trị vào châu Á kể từ sau thông báo rầm rộ trở lại Thái Bình Dương từ hơn ba năm trước. 

3. Với Tổng thống Obama, người từng sống ở cả Hawaii và Indonesia đã giúp ông thấm nhuần một thế giới quan Thái Bình Dương. Việc rút quân khỏi Iraq và Afghanistan càng cho ông cơ hội để tập trung nguồn lực gia tăng ảnh hưởng ở khu vực chiến lược này. Và chính quyền của ông Obama lập tức thực thi một loạt biện pháp nhằm hiện thực hóa chiến lược này.

4. Trước hết, làm bạn với các nước ở châu Á - Thái Bình Dương. Hiện Mỹ đã vượt qua các mối quan hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Á Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines để kết nối với những nền kinh tế mới nổi trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia. Đáng chú ý, thỏa thuận quân sự với Australia, việc tăng cường hợp tác quân sự và thông qua Đối tác toàn diện Mỹ- Indonesia, cùng cái bắt tay chiến lược với Ấn Độ là những ví dụ cụ thể nhất cho bước tiến của nước Mỹ.

5. Tiếp đến phải kể đến nỗ lực định hình các thể chế đa phương trong khu vực mà điển hình là vai trò của Mỹ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương- TPP, đồng thời tránh để ra đời một đồng minh mạnh trong khu vực mà không có sự tham gia của Mỹ. Ngoài ASEAN và một số thể chế kinh tế và chiến lược do ASEAN đứng đầu, Mỹ còn phối hợp với một loạt các khối tiểu khu vực như Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương, Hội nghị thượng đỉnh sông Mê Công.

6. Tự điều chỉnh chính sách. Nước Mỹ đang tái bố trí lực lượng ở Thái Bình Dương để nâng cao tính hiệu quả, điều chỉnh lại học thuyết quân sự nhằm đối phó với các thách thức mới xuất phát từ thực tế như việc một số nước từ chối tiếp nhận các căn cứ quân sự của Mỹ, hay sắp xếp lại các quan hệ đối tác an ninh. Washington đang xác định mục tiêu can dự chiến lược trải dài từ Ấn Độ Dương tới bờ biển phía Tây nước Mỹ, tạo ra một cấu trúc chiến lược mới cho thế kỷ 21.  

7. Trong năm 2012, liên tiếp có những động thái nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này, như việc điều 200 binh sĩ đầu tiên thuộc lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 3 của Mỹ tới căn cứ quân sự thành phố Darwin, Australia và tuyên bố phái các tàu chiến tới Singapore để tiến hành tập trận chung. Hồi tháng 4, 4.500 binh sĩ Mỹ đã được triển khai luân phiên tới Philippines để tiến hành cuộc tập trận chung thường niên.

8. Với Tổng thống Obama, điểm mạnh trong chính sách đối ngoại ở nhiệm kỳ thứ nhất là một trong những tiêu chí mà cử tri Mỹ đánh giá cao ở ông trong cuộc bầu cử vừa qua. Thành công của việc chuyển hướng chiến lược ngoại giao tới khu vực châu Á – TBD cũng có phần đóng góp trong đó. Và không có gì ngạc nhiên nếu chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai sẽ tiếp nối một chính sách đã được thực tế chứng minh.

Thách thức của người Mỹ

Góc nhìn của nước Mỹ với thế giới và nhất là quan điểm với khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được thể hiện rõ trong 4 năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Obama. Đắc cử nhiệm kỳ hai cũng có nghĩa ông Obama sẽ có nhiều thời gian để thực hiện những chính sách với khu vực quan trọng này theo lộ trình đã định. Nhưng bối cảnh hiện tại đã thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi nước Mỹ phải tự xác định vị trí của mình trên bản đồ của khu vực quan trọng này.

Châu Á- Thái Bình Dương vẫn hấp dẫn và đầy biến động, là nơi sản xuất hàng hóa và dịch vụ lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiềm năng nhất. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố quyết định đến thành bại của chính sách ngoại giao của Mỹ đối với khu vực này. Nó xuất phát từ chính nước Mỹ và từ tình hình khu vực.

Thứ nhất, nước Mỹ giờ không còn đủ sức mạnh để theo đuổi một cuộc phiêu lưu mới. Ông Obama sẽ phải cân nhắc khi vẫn muốn tăng cường ảnh hưởng ở châu Á trong bối cảnh kinh tế Mỹ trầy trật. Trước mắt, nếu không thỏa thuận được với những người Cộng hòa - lực lượng vẫn kiểm soát Hạ viện trong nhiệm kỳ hai, ông Obama sẽ không thể giúp nước Mỹ tránh được cú sốc kinh tế khi thâm hụt ngân sách giảm mạnh nhưng sức tăng trưởng kinh tế cũng giảm tới khoảng 4% trong năm 2013. Tăng thuế và cắt giảm chi tiêu sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm sau và kinh tế Mỹ vẫn còn nguy cơ suy thoái, ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Washington không thể tiếp tục đầu tư về kinh tế và quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương, nơi hoạt động trong các lĩnh vực này đang diễn ra rất nhộn nhịp. Đó là chưa kể tới nỗi lo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2020, báo động sự chuyển dịch chiến lược mà Mỹ không hề mong muốn.

Thứ hai, Mỹ phải cân bằng quan hệ với Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Chính quyền Obama nhiệm kỳ 2 sẽ phải duy trì sự cân bằng lực lượng trong khu vực, ít nhất là khi chưa thể chắc chắn về cách hành xử của Trung Quốc tại khu vực này. Sự đan xen của yếu tố Trung Quốc trong các mối quan hệ giữa Mỹ với nhiều đồng minh tại khu vực cũng là một bài toán khó.

Thứ ba, Mỹ cần tiếp tục coi chính sách ở châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu dù sẽ có những thay đổi. Sự xáo trộn trước hết là ở Mỹ khi Ngoại trưởng Hillary Clinton chắc chắn sẽ không tại vị trong nhiệm kỳ 2 của chính quyền Obama cùng sự ra đi của một số nhà ngoại giao kỳ cựu thấu hiểu vấn đề châu Á. Các chính sách có thể bị điều chỉnh, ưu tiên châu Á có thể bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Trong khi đó, nước Mỹ cũng sẽ phải tìm hiểu những thay đổi ở Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18. Những câu hỏi đó sẽ là thách thức cho tham vọng trở lại châu Á Thái Bình Dương của cường quốc số một thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhìn lại chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ tại châu Á
Nhìn lại chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ tại châu Á

(VOV) - Chuyến thăm này giúp thắt chặt liên minh quốc phòng với Thái Lan, tăng hiện diện của Mỹ ở khu vực,…

Nhìn lại chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ tại châu Á

Nhìn lại chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ tại châu Á

(VOV) - Chuyến thăm này giúp thắt chặt liên minh quốc phòng với Thái Lan, tăng hiện diện của Mỹ ở khu vực,…

Ngoại trưởng Mỹ và bài phát biểu về chính sách châu Á
Ngoại trưởng Mỹ và bài phát biểu về chính sách châu Á

Bà Hillary Clinton hôm 28/10 bác bỏ ý niệm cho rằng các quyền lợi của Hoa Kỳ và của Trung Quốc “đối chọi nhau về cơ bản”.  

Ngoại trưởng Mỹ và bài phát biểu về chính sách châu Á

Ngoại trưởng Mỹ và bài phát biểu về chính sách châu Á

Bà Hillary Clinton hôm 28/10 bác bỏ ý niệm cho rằng các quyền lợi của Hoa Kỳ và của Trung Quốc “đối chọi nhau về cơ bản”.  

‘Yếu tố’ Mỹ trong tranh chấp Trung - Nhật
‘Yếu tố’ Mỹ trong tranh chấp Trung - Nhật

(VOV) - Từ thời kỳ đầu, Mỹ đã can dự vào tranh chấp chủ quyền giữa 2 nước và ít dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ dễ dàng từ bỏ...

‘Yếu tố’ Mỹ trong tranh chấp Trung - Nhật

‘Yếu tố’ Mỹ trong tranh chấp Trung - Nhật

(VOV) - Từ thời kỳ đầu, Mỹ đã can dự vào tranh chấp chủ quyền giữa 2 nước và ít dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ dễ dàng từ bỏ...