Trận chiến đẫm máu Rzhev tạo đà cho Hồng quân trong trận Stalingrad

VOV.VN - Trong trận Rzhev (Thế chiến 2), Hồng quân Liên Xô không giành được thắng lợi. Nhưng trận đó tạo nền tảng cho thắng lợi của họ ở Stalingrad và Kursk.

Trận chiến Rzhev diễn ra tại một thị trấn nhỏ ở tây bắc Nga thời Thế chiến 2. Hồng quân Liên Xô thất bại trong trận chiến này. Tuy nhiên, trận đánh đó đã đặt nền móng cho các thắng lợi mang tính quyết định của Hồng quân trước phát xít Đức ở thành phố Stalingrad và khúc lồi Kursk.

1 tran chien Rzhev, the chien (3) -rbth.jpg

 

Quân Đức không dễ bị đánh bại

Khi Hồng quân bắt đầu phản kích gần Moscow vào tháng 12/1941, quân đội Đức đã bị đánh bật khỏi thủ đô Liên Xô tới 300km. Trùm phát xít Adolf Hitler phải thừa nhận: “Lần đầu tiên trong cuộc chiến này tôi ra một lệnh rút lui trên một khu vực lớn của mặt trận”.

Dẫu vậy, hy vọng của các tư lệnh Liên Xô về việc đánh tan Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Đức một cách chóng vánh đã chứng tỏ là điều nôn nóng.

Bất chấp áp lực lớn khủng khiếp từ các binh sĩ Liên Xô, quân Đức vẫn xoay sở được để bám chắc đầu cầu giữa các thị trấn Rzhev và Vyazma, chỉ cách Moscow 200km. Trong vài năm liền, khúc lồi này giống như một cái gai nhọn thúc vào sườn các tư lệnh Liên Xô, vì từ đây quân Đức có thể mở một cuộc tấn công mới vào thủ đô Xô viết bất cứ lúc nào.

Và chính tại đây trong thời kỳ từ tháng 10/1941 đến tháng 3/1943, một trong các trận chiến đẫm máu nhất của Thế chiến 2 đã diễn ra – trận Rzhev. Phía Liên Xô không sử dụng thuật ngữ này. Liên Xô coi mỗi cuộc tấn công để hủy diệt đầu cầu nguy hiểm kia là một chiến dịch riêng rẽ. Một số sử gia đương thời cũng giữ quan điểm này.

Quân Đức đã biến khúc lồi Rzhev-Vyazma thành một pháo đài thực sự. Riêng phía trước Rzhev, chúng đã xây 559 ụ súng bằng đất và gỗ cùng các hố chiến đấu cá nhân, và 7km đường hào chống tăng. Tới một nửa Cụm Tập đoàn quân Trung tâm tập trung trong khu vực này. Hệ thống tuyên truyền của Đức gọi đây là “phòng tuyến bất khả xâm phạm của Quốc trưởng”, đồng thời tuyên bố rằng “việc đánh mất Rzhev sẽ tương đương với việc để mất một nửa Berlin”.

Theo sử gia Alexey Isaev, Rzhev trở thành một “Verdun của Thế chiến 2”. Nơi đây không thể áp dụng chiến tranh chớp nhoáng mà phải tiến hành các trận đánh kéo dài, khiến hàng trăm ngàn mạng người bị nghiền nát trong “cối xay thịt” này.

2 tran chien Rzhev, the chien (2) -sputnik.jpg

 

Mất nhiều xương máu do đánh giá thấp sức kháng cự của Đức

Sau khi bị đẩy lùi vào mùa đông năm 1942, Hồng quân tiếp tục nỗ lực vào mùa hè. Nhưng do đánh giá thấp năng lực của địch, các chỉ huy Liên Xô đã mắc sai lầm như tổ chức các cuộc tấn công “vỗ mặt”, khiến nỗ lực của họ tan thành mây khói.

Cuộc tấn công bằng nửa triệu quân trong Chiến dịch Tiến công Rzhev-Sychovka Thứ nhất đã thất bại trong ý đồ đột phá qua nhiều phòng tuyến của đối phương.

Boris Gorbachevsky, chỉ huy một tiểu đội bộ binh thuộc Sư đoàn Súng trường 215 nhớ lại: “Hàng ngàn mảnh đạn pháo, như các con bọ cạp, văng vào những người lính, cắt lìa thi thể họ trộn vào đất cát. Các sĩ quan còn sống tiếp tục hô ‘Xung phong! Xung phong!’ trước khi gục ngã nốt bên thi thể các chiến sĩ của mình”.

Hứng chịu tổn thất nặng nề, quân Liên Xô chỉ có thể tiến được vài chục kilômét vào lãnh thổ do địch kiểm soát trong các trận đánh vào mùa hè và mùa thu.

Rồi mưa lớn xuất hiện, gây phức tạp cho các hoạt động trên không và cuộc tấn công nói chung của Hồng quân.

Petr Mikhin, chỉ huy trung đội tác xạ của Sư đoàn Súng trường 52 nhớ lại cảnh đánh giáp lá cà với quân địch: “Trong chiến hào, nước ngập tới đầu gối, ở dưới nước là thi thể đồng đội chúng tôi và xác chết của lính Đức. Chân đứng trên nền trơn trượt, chúng tôi phải cố giữ thăng bằng, tránh né những đòn chết người và giáng đòn đáp trả”.

Vào ngày 27/9, các đơn vị thuộc Tập đoàn quân số 30 cố tiến vào Rzhev nhưng đã bị lực lượng bổ sung mới đến của đối phương đánh bật ra. 

Hồng quân vẫn tiêu hao đáng kể sinh lực đối phương, chia lửa với Stalingrad

Tuy nhiên, quân Đức cũng phải trả một giá đắt ở “Cối xay thịt Rzhev” vào mùa hè và mùa thu 1942. Trong vài tuần tác chiến, sư đoàn lớn nhất của quân đội phát xít Đức – Grossdeutschland (nghĩa là “Đại Đức”, gồm 18.000 quân nhân) đã có khoảng 10.000 người bị chết hoặc bị thương. Trong nhiều trung đoàn thuộc Tập đoàn quân số 9 của tướng Đức Walther Model, tất cả các cựu binh kỳ cựu từng tham gia các chiến dịch quân sự ở Ba Lan và Pháp và cuộc tấn công Liên Xô năm 1941 đều đã tử trận. Chúng được thay thế bằng các tân binh thiếu kinh nghiệm từ Tây Âu sang.

Sử gia Svetlana Gerasimova nhận xét trong một phân tích về “Lò sát sinh Rzhev” như sau “Đối với Hitler, vấn đề uy tín là chiếm Stalingrad và không bỏ Rzhev; còn đối với Stalin, đó là chiếm Rzhev và không từ bỏ Stalingrad”.

Về phía Liên Xô, Chiến dịch Tiến công Rzhev-Sychovka Thứ nhất đã không đạt được mục tiêu này nhưng đã vô hiệu hóa hoạt động chuẩn bị của đối phương cho một cuộc tiến công mới nhằm vào Moscow, đồng thời đã lôi kéo vào trận các sư đoàn Đức vốn được dành cho trận Stalingrad đang bắt đầu.

Chiến dịch Tiến công Rzhev-Sychovka Thứ hai (mang mật danh Chiến dịch Sao Hỏa) ít được biết hơn so với chiến dịch “song sinh” – Sao Thiên Vương ở Stalingrad.

Hồng quân khởi động Chiến dịch Sao Hỏa vào ngày 25/11, một tuần sau Chiến dịch Sao Thiên Vương, huy động nhiều binh sĩ và pháo binh ở Rzhev hơn Stalingrad. Tuy nhiên Hồng quân đã không thành công trong việc vây Tập đoàn quân số 9 trong thế gọng kìm như với Tập đoàn quân số 6 của Thống chế Đức Friedrich Paulus. Ở Rzhev, không có lực lượng Romania yếu hơn gác sườn quân Đức, và các đợt tấn công của Liên Xô liên tục bị đẩy lui bởi lực lượng phòng thủ được chuẩn bị tốt.

Vào giữa tháng 12/1942, cuộc tấn công Rzhev của Hồng quân cuối cùng cũng mất hết xung lực. Nhưng dù Chiến dịch Sao Hỏa không đạt được mục tiêu đề ra, nó vẫn có tác dụng ghìm chân các sư đoàn Đức và ngăn chúng tiến về Stalingrad để giải cứu cho Tập đoàn quân số 6 bị bao vây.

Sau thất bại tại Stalingrad và việc quân Liên Xô chiếm được thành phố Velikiye Luki ở sau lưng Tập đoàn quân số 4 và số 9, quân Đức ở Khúc lồi Rzhev-Vyazma tự thấy mình đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Do vậy, chúng đã phải rút hoàn toàn khỏi khúc lồi này thông qua Chiến dịch Buffel (nghĩa là “Trâu nước”) vào tháng 3/1943. Mối đe dọa đối với Moscow cuối cùng đã được dỡ bỏ.

Theo quan điểm của Alexey Isayev, chiến sự ở Rzhev không chỉ là một nhân tố quan trọng trong thành công của Hồng quân ở Stalingrad mà còn gián tiếp trợ giúp chiến thắng của Liên Xô ở trận vòng cung Kursk vào mùa hè năm 1943.

Tập đoàn quân số 9 của Walther Model đã bị kiệt sức và mất nhiều quân nhân giàu kinh nghiệm trong trận Rzhev, nên không thể khôi phục sức chiến đấu trước khi giao chiến ở khu vực Khúc lồi Kursk.

Trong trận Rzhev, Hồng quân có hơn 1,3 triệu người bị chết, bị thương, mất tích, hoặc bị bắt trong thời kỳ từ tháng 10/1941 đến tháng 3/1943. Tổn thất phía Đức là khoảng 400.000-700.000 người. Xương cốt nhiều quân nhân tử trận đã hòa tan vào đất tại chiến trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quân Thụy Điển giúp Đức đánh Liên Xô trong Thế chiến 2 như thế nào?
Quân Thụy Điển giúp Đức đánh Liên Xô trong Thế chiến 2 như thế nào?

​​​​​​​VOV.VN - Liên Xô chưa bao giờ đe dọa nước Thụy Điển trung lập nhưng lại có hàng ngàn người Thụy Điển tiến về phía đông để đánh Hồng quân trong Thế chiến 2.

Quân Thụy Điển giúp Đức đánh Liên Xô trong Thế chiến 2 như thế nào?

Quân Thụy Điển giúp Đức đánh Liên Xô trong Thế chiến 2 như thế nào?

​​​​​​​VOV.VN - Liên Xô chưa bao giờ đe dọa nước Thụy Điển trung lập nhưng lại có hàng ngàn người Thụy Điển tiến về phía đông để đánh Hồng quân trong Thế chiến 2.

10 điều ít biết về trận chiến Berlin giữa Hồng quân và phát xít Đức
10 điều ít biết về trận chiến Berlin giữa Hồng quân và phát xít Đức

VOV.VN - Hải quân Liên Xô đã được huy động vào cả trận chiến đánh chiếm thủ đô Berlin (Đức) hoàn toàn ở trên cạn, không giáp biển.

10 điều ít biết về trận chiến Berlin giữa Hồng quân và phát xít Đức

10 điều ít biết về trận chiến Berlin giữa Hồng quân và phát xít Đức

VOV.VN - Hải quân Liên Xô đã được huy động vào cả trận chiến đánh chiếm thủ đô Berlin (Đức) hoàn toàn ở trên cạn, không giáp biển.

Vì sao Hồng quân Liên Xô đơn độc đánh chiếm Berlin của Đức Quốc xã?
Vì sao Hồng quân Liên Xô đơn độc đánh chiếm Berlin của Đức Quốc xã?

VOV.VN - Mỹ và Anh cũng định công phá Berlin nhưng rốt cuộc chỉ có quân đội Liên Xô mới thực hiện được việc đánh chiếm thành phố này trong Thế chiến 2.

Vì sao Hồng quân Liên Xô đơn độc đánh chiếm Berlin của Đức Quốc xã?

Vì sao Hồng quân Liên Xô đơn độc đánh chiếm Berlin của Đức Quốc xã?

VOV.VN - Mỹ và Anh cũng định công phá Berlin nhưng rốt cuộc chỉ có quân đội Liên Xô mới thực hiện được việc đánh chiếm thành phố này trong Thế chiến 2.

Vì sao phát xít Đức không phá nổi mật mã Liên Xô trong Thế chiến 2?
Vì sao phát xít Đức không phá nổi mật mã Liên Xô trong Thế chiến 2?

VOV.VN - Lực lượng của phe Trục (phe phát xít) chuyên về phá mã đã không tài nào đọc nổi các thông điệp được mã hóa của Liên Xô mà chúng chặn được.

Vì sao phát xít Đức không phá nổi mật mã Liên Xô trong Thế chiến 2?

Vì sao phát xít Đức không phá nổi mật mã Liên Xô trong Thế chiến 2?

VOV.VN - Lực lượng của phe Trục (phe phát xít) chuyên về phá mã đã không tài nào đọc nổi các thông điệp được mã hóa của Liên Xô mà chúng chặn được.