Trận chiến dầu mỏ giữa Nga và phương Tây mới chỉ bắt đầu
VOV.VN - Trong trường hợp Nga không tuân thủ giá trần mà EU định áp lên dầu khí Nga, có khả năng một “cuộc chiến tiêu hao” sẽ xảy ra giữa Moscow và phương Tây.
Ngày 2/9/2022, bộ trưởng tài chính các nước G7 (bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ) ra thông cáo khẳng định kế hoạch thực hiện giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Phương Tây muốn đánh quỵ Nga qua các lệnh trừng phạt
Ý tưởng áp giá trần là nhằm tạo đòn bẩy gia tăng kiểm soát của Mỹ và châu Âu đối với các dịch vụ bảo hiểm và vận tải hàng hóa, nhằm ngăn cản các ngành đó khỏi hỗ trợ bất cứ hoạt động vận chuyển dầu nào không đáp ứng giá trần chưa được quyết định, từ đó buộc Nga phải tuân thủ quy định mới. Một khi kế hoạch này được hoàn tất, các nước G7 hy vọng thực hiện được giá trần này đối với dầu thô, bắt đầu từ ngày 5/12, còn giá trần với các sản phẩm tinh chế sẽ triển khai vào thời điểm 2 tháng sau đó.
Trong một thông cáo cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi động thái trên là “một bước đi quan trọng hướng tới việc đạt mục tiêu kép là vừa giảm áp lực giá năng lượng toàn cầu vừa giảm doanh thu của Nga - thứ có thể được dùng cho cuộc chiến của họ tại Ukraine”.
Mỹ và châu Âu hy vọng một bước đi như vậy sẽ giúp lấp đầy lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ mà phương Tây đã áp đặt lên Nga kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hồi tháng 2.
Cho tới nay, nền kinh tế Nga vẫn ổn do họ bán được dầu và thu được nhiều tiền từ đó. Theo Nhật báo Phố Wall, Moscow đã thu được 74 tỷ USD thông qua bán dầu tính đến tháng 7 năm nay.
Nếu G7 có thể thực hiện thành công một mức giá trần, họ có thể duy trì giá dầu tương đối ổn định trong khi đồng thời giới hạn lợi nhuận của Nga, tìm ra điểm cân bằng giữa hiện trạng và một đề xuất trước đó về cấm hoàn toàn hoạt động bảo hiểm đối với xuất khẩu dầu dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2022 này. Hiện vẫn còn đó câu hỏi về liệu kế hoạch này có triển khai được hay không và hiệu quả đến đâu.
Trong các vấn đề liên quan, quan trọng nhất là phản ứng của Nga. Theo cách hiểu thông thường, Nga sẽ tuân thủ các quy định mới bởi vì dù giảm lợi nhuận thì vẫn có lợi hơn là không còn lợi nhuận. Tuy nhiên, Nga là một trường hợp đặc biệt.
Sergey Vakulenko - một nhà phân tích năng lượng độc lập, cựu lãnh đạo bộ phận Chiến lược và Đổi mới tại công ty Gazprom Neft, viết cho Carnegie Politika vào tháng 7/2022: “Nga là một người chơi chiến lược với một hàm giá trị hơi ngoại lai, rất giỏi ở các trò chơi có tổng âm… Moscow có thể có khuynh hướng thiết lập không phải là giá trần mà là giá sàn, cấm xuất khẩu ở giá thấp hơn ngưỡng đó… và khi ấy Moscow có thể đợi cho nhóm bên mua (không tuân theo luật chơi chung kia) tới gõ cửa nhà họ”.
Tổng thống Nga Putin đã đe dọa trả đũa các nước tham gia áp giá trần. Tương tự như với các lệnh trừng phạt trước đây, ông Putin và các đồng minh của mình chắc chắn đang thai nghén cách vượt qua các trần mới, bao gồm việc co liệu có để cho doanh nghiệp bảo hiểm Nga và châu Á cung cấp bảo hiểm cho dầu Nga xuất khẩu.
Đối tác của G7 có đồng lòng với họ?
Nhân tố quan trọng khác cần tính tới là các bên quan trọng khác ngoài Nga và G7 phản ứng trước “sáng kiến” trên của G7, bao gồm các nước thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Saudi Arabia vào đầu mùa hè vừa qua nhằm thuyết phục Riyadh bơm thêm dầu và xuất khẩu thêm dầu, một phần để giảm tác động từ khả năng áp giá trần lên Nga. Đồng thời, có tin cho biết, đây gần như là nhiệm vụ bất khả thi, một phần vì Saudi Arabia đã hết cung.
Nhưng hỗ trợ phương Tây trong thực thi giá trần lên dầu mỏ Nga cũng có thể đi ngược lại lợi ích của Saudi Arabia và của các nước thành viên khác trong khối OPEC. Đặt ra giá trần sẽ tạo mối đe dọa trực tiếp đối với khả năng của OPEC trong việc lập giá dầu toàn cầu.
Trong một bài báo cho Carnegie, cây bút Vakulenko viết rằng “Nghịch lý thay, Nga có thể nhận được sự giúp đỡ từ các nước OPEC ở đây. Một các-ten các bên mua có nguy cơ thao túng toàn bộ thị trường dầu mỏ và giá cả của nó”. Như vậy, dù Saudi Arabia có dư thừa dầu mỏ hay không thì họ vẫn ngần ngại trong việc gia tăng xuất khẩu.
Mặc dù chưa rõ phản ứng của Saudi Arabia đối với giá trần, cho tới nay nước này và OPEC đã lựa chọn cách tiếp cận ngược lại. Do giá dầu gần đây giảm, OPEC nhất trí giảm sản lượng dầu mỏ.
Cuối cùng, G7 cùng cần đến Trung Quốc và Ấn Độ để kế hoạch của mình thành công. Hai cường quốc kinh tế này là những nước mua dầu lớn kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, nhập tới hơn một nữa số dầu mỏ Nga xuất khẩu qua đường biển. Cho tới nay, hai nước này không cam kết về cách thức phản ứng trước giá trần. Bộ trưởng dầu mỏ Ấn Độ Shri Hardeep Singh Puri vừa cho biết, ông sẽ xem xét đề xuất đó, nhưng cuối cùng ông không có xung dột đạo đức nào trong làm ăn với Nga. Trước đó, trong tháng 9 này, ông Puri nói: “Tôi có nghĩa vụ đạo đức đối với khách hàng của tôi”.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh hy vọng “các nước phù hợp sẽ có các nỗ lực mang tính xây dựng để giảm nhẹ tình hình thông qua đối thoại và tham vấn, chứ không phải làm điều ngược lại”.
Nếu Nga không tuân thủ giá trần, một cuộc chiến tiêu hao có thể gia tăng giữa Nga và phương Tây. Nếu ông Putin quyết định ngừng xuất khẩu sang các nước thực hiện giá trần trước tháng 12 tới, giá dầu sẽ tăng một lần nữa, gây đau đầu về mặt chính trị cho ông Biden trước đợt bầu cử giữa kỳ sắp tới của Mỹ.
Như vậy, ý đồ tạo giá trần nghe có vẻ rất xứng đáng, trên thực tế, ý tưởng này lại khó triển khai. Phải tính đến quá nhiều bên. Nếu G7, Nga và OPEC không sẵn lòng nhúc nhích, cái giá của việc triển khai ý đồ đó có thể sẽ rất lớn./.