Trung Quốc đang “hất cẳng” Mỹ ở châu Mỹ Latin

VOV.VN - Nối tiếp thành công ở châu Phi, Trung Quốc đang tích cực mở rộng thế lực về mọi mặt ngay trên “sân sau” của siêu cường Mỹ.

Châu Mỹ Latin là một khu vực dân đông, đất rộng, tài nguyên thiên nhiên phong phú, lại sở hữu đường bờ biển dài. Hiện vùng này đang có nhiều bước chuyển về kinh tế, với Brazil nổi lên như một đầu tàu của khu vực và nằm trong tốp 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Vốn được coi là “sân sau” của Mỹ, giờ đây khu vực Nam Mỹ và Caribbean đã trở thành sới đấu của cả các “đại gia” khác như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Argentina năm 2014 và cung cấp cho nước này các khoản vay quan trọng (ảnh: AP)

Nhân Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2014 tổ chức ở Brazil, Tổng thống Nga Putin ghé thăm các nước trong khu vực, ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác song phương về kinh tế, khoa học kỹ thuật và năng lượng.

Nhật Bản dù không nằm trong khối BRICS nhưng Thủ tướng Abe của nước này cũng mới kết thúc chuyến công du 11 ngày tới khu vực này, với hai trọng tâm là hợp tác kinh tế và giành sự ủng hộ chính trị của khu vực cho chiếc ghế không thường trực của Nhật Bản tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công du 9 ngày tới châu Mỹ Latin - đây là chuyến thăm lần thứ 2 của ông Tập tới khu vực này trên cương vị Chủ tịch nước. Thời kỳ còn là Phó Chủ tịch nước, ông Tập cũng từng công cán sang đây.

Trong hơn thập kỷ qua, quan hệ giữa Trung Quốc và châu Mỹ Latin phát triển không ngừng, khác với thời kỳ trước đây khi Trung Quốc tỏ ra không mặn mà lắm với khu vực này, có lẽ do ngại ảnh hưởng truyền thống của Mỹ.

Hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào khu vực này cao hơn FDI Trung Quốc ở nhiều nơi khác ngoài châu Á. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và châu Mỹ Latin tăng nhanh từ 13 tỷ USD năm 2000 lên mức 261 tỷ USD năm 2013 (vượt cả mốc hơn 200 tỷ USD giá trị thương mại Trung Quốc-châu Phi năm 2013), đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của châu Mỹ Latin.

Trung Quốc đã “thâm nhập” mạnh mẽ vào hàng loạt nước như Brazil, Venezuela, Argentina, Chile, Peru, Mexico, Cuba, Nicaragua, Colombia… Quốc gia Đông Bắc Á này hiện đã nâng cấp quan hệ với Venezuela và Argentina lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”. Riêng ở một số nước như Brazil, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất.

Tất nhiên kim ngạch thương mại giữa Mỹ và toàn bộ châu Mỹ Latin vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo và giữ vị trí số 1. Tuy nhiên thương mại giữa Trung Quốc và khu vực này đang tăng lên nhanh chóng và được dự báo sẽ thay thế dần vị trí của cả EU và Mỹ.

Ý đồ của Trung Quốc

Là cường quốc đi sau, tiềm lực còn những hạn chế nhất định nên khi bước ra thế giới, Trung Quốc đã thận trọng lựa chọn châu Phi và châu Mỹ Latin làm 2 hướng đột phá chính (ngoài châu Á) để có thể phát huy lợi thế và sức cạnh tranh của mình.

Về chính trị, Trung Quốc nỗ lực gia tăng ảnh hưởng nói chung tại châu Mỹ Latin, tích cực xây dựng quyền lực mềm, tạo sức lan tỏa văn hóa, mở tới 32 viện Khổng Tử trong toàn khu vực.

Một ưu tiên mũi nhọn của Trung Quốc là tăng cường quan hệ với khu vực này để cô lập Đài Loan (hiện trong số ít ỏi các nước công nhận Đài Loan, có tới một nửa nằm ở châu Mỹ Latin).

Trong bối cảnh Mỹ ráo riết xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường hiện diện quân sự sát với lãnh thổ Trung Quốc, ủng hộ các đối thủ của Trung Quốc, thì việc Trung Quốc củng cố quan hệ với các nước Mỹ Latin không khác nào đòn phản pháo, “chọc” thẳng vào sau lưng siêu cường Mỹ.

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế và hỗ trợ tài chính cho châu Mỹ Latin, Trung Quốc có thêm nhiều cơ may giành được thiện cảm cùng lá phiếu ủng hộ của các nước Mỹ Latin không chỉ ngay tại khu vực này mà còn tại diễn đàn Liên Hợp Quốc và trong các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng như các nước khác.

Trong quá trình làm ăn tại đây, phía Trung Quốc tranh thủ giới thiệu khái niệm an ninh mới và một trật tự chính trị - kinh tế quốc tế mới theo giác độ của Trung Quốc. Trước mắt chưa có điều kiện bá chủ toàn thế giới, Trung Quốc đặt ra mục tiêu vừa tầm hơn là cổ xúy cho thế giới đa cực, từ đó làm xói mòn thế giới đơn cực do Mỹ thống trị.

Đã có những nước ở châu Mỹ Latin, như Ecuador chẳng hạn, rất “cảm động” trước sự giúp đỡ tài chính của Trung Quốc.

Ví dụ, ngày 17/7 vừa rồi, bản tin Tân Hoa xã trích dẫn lời của Tổng thống Ecuador Rafael Correa thể hiện sự hàm ơn đối với Trung Quốc như sau: “Ecuador, với tư cách là một trong các nước nhỏ nhất ở Nam Mỹ, nhận được sự tôn trọng từ phía Trung Quốc – những người đã chủ động giúp đỡ phát triển kinh tế xã hội của đất nước này, và đời sống nhân dân Ecuador đã trở nên tốt hơn nhờ vào sự ủng hộ của Trung Quốc trong nhiều dự án phát triển”.

Tổng thống Ecuador Rafael Correa hồ hởi bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Brazil hôm 16/7 (ảnh: Tân Hoa xã)

Không những vậy, Tổng thống Ecuador còn khẳng định “nhân dân Ecuador yêu Trung Quốc, ngưỡng mộ bề dày lịch sử, nền văn hóa cùng với các thành tựu cải cách mở cửa của đất nước này”.

Lưu ý thêm, Ecuador sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latin và Caribbe (CELAC) vào năm 2015 và Tổng thống Ecuador trong cuộc gặp với ông Tập đã hứa sẽ hỗ trợ Trung Quốc thâm nhập sâu hơn nữa vào châu Mỹ Latin.

Tuy nhiên, trọng tâm trong quan hệ Trung Quốc-châu Mỹ Latin vẫn là kinh tế thương mại. Trung Quốc tỏ ra thực dụng hơn cả Mỹ. Khác với Mỹ, Trung Quốc không đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài. Giới lãnh đạo Bắc Kinh đặt mục tiêu dành 20-50 năm để phát triển kinh tế và đuổi kịp các nước tiên tiến.

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc thấy ở châu Mỹ Latin nhiều thứ cần thiết cho mình.

Trước tiên là các nguồn dầu mỏ và khoáng sản, đặc biệt là quặng kim loại như sắt, đồng… (dồi dào và rẻ) - tất cả đều rất cần cho công xưởng lớn nhất thế giới. Không chỉ nhập nhiều dầu mỏ, Trung Quốc còn là nhà nhập khẩu quặng thép hàng đầu thế giới.

Thứ hai, Trung Quốc rất say mê nhập… nông sản (nhất là đậu nành) của châu Mỹ Latin, khu vực có đất đai màu mỡ và lợi thế to lớn về nông nghiệp. Trung Quốc có nhu cầu cao về lương thực do nước này dân số đông, tiềm năng nông nghiệp không quá mạnh mà diện tích đất nông nghiệp lại thu hẹp dần cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Trung Quốc hiện chiếm tới 40% lượng đậu nành nhập khẩu trên thế giới; một nửa trong số lượng đậu nành nhập khẩu của Trung Quốc là đến từ khu vực châu Mỹ. 

Như vậy, Trung Quốc không giới hạn nguồn cung cấp tài nguyên vào châu Á và châu Phi. Khu vực Mỹ Latin đã trở thành địa bàn chiến lược bảo đảm cả an ninh năng lượng lẫn an ninh lương thực cho quốc gia đông dân nhất thế giới.

Châu Mỹ Latin không chỉ cung cấp nguyên nhiên liệu cho Trung Quốc mà còn là thị trường tiêu thụ quan trọng cho nước này. Hàng hóa Made in China tràn ngập châu Mỹ Latin y như ở châu Phi. Các hiệp định tự do thương mại song phương càng được ký kết thì hàng hóa Trung Quốc càng tung hoành ở Nam Mỹ. Thực tế này giúp Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.

Một món quà khác mà Trung Quốc thu được trong quan hệ với châu Mỹ Latin là việc một số nước ở đây công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường.

Bên cạnh việc nhập dầu, quặng và nông sản, Trung Quốc cũng tích cực đầu tư ngược vào châu Mỹ Latin. Tuy nhiên, giống như ở châu Phi, Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào hạ tầng vận tải, công nghiệp khai khoáng, và nông nghiệp – tức là những lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho việc nhập nguyên nhiên liệu từ vùng này. Không những vậy, Trung Quốc còn cung cấp tàu chở dầu, ví dụ cho Venezuela, hoặc trợ giúp nước này đóng tàu chở dầu. Nếu cần thiết, Trung Quốc có thể xây dựng nhà máy sản xuất thép ngay tại chỗ để bớt chi phí vận chuyển và tránh thuế.

Đáng chú ý, Trung Quốc đang khẩn trương xúc tiến xây dựng hệ thống đường sắt trong mỗi nước châu Mỹ Latin, trong nội bộ châu lục này, và tuyến đường sắt nối bờ đông (ven Đại Tây Dương) và bờ tây (ven Thái Bình Dương) của châu lục. Tuyến đường sắt xuyên châu Mỹ Latin sẽ cạnh tranh với kênh đào Panama. Không những thế, Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận với Nicaragua để xây tại nước này một con kênh nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương còn lớn hơn cả kênh Panama, cho phép các tàu container cỡ lớn hơn đi qua.

Trung Quốc sẽ xây kênh đào Nicaragua cạnh tranh với kênh đào Panama (ảnh: zerohedge)

Cả tuyến đường sắt xuyên châu lục và con kênh mới sẽ cho phép tăng cường khai thác nguyên nhiên liệu châu lục, xuất khẩu hàng hóa sang đây, và giảm đáng kể chi phí vận chuyển so với chỉ dựa vào hàng hải và kênh Panama.

Riêng con kênh mới tại Nicaragua còn có ý nghĩa chính trị; một khi được đào xong và đưa vào sử dụng, nó sẽ làm xói mòn vị thế của kênh Panama - biểu tượng cho ảnh hưởng của người Mỹ ở châu Mỹ Latin.

Danh mục đầu tư của Trung Quốc còn bao gồm lĩnh vực viễn thông. Sở hữu những hãng viễn thông khổng lồ như Huawei (Hoa Vi), khi đầu tư vào lĩnh vực này, Trung Quốc không chỉ thu lợi kinh tế mà còn được cho là có điều kiện nắm thông tin tình báo trong khu vực này.

>> Xem thêm: Tình báo mạng của Mỹ nhìn xuyên thấu đối thủ Trung Quốc

Ngoài ra Trung Quốc còn tham gia hoạt động cho vay. Một mặt, điều này phục vụ chính công cuộc khai phá châu Mỹ Latin và giúp Trung Quốc hưởng lợi kinh tế. Mặt khác nó “ghi thêm điểm” cho Trung Quốc trong mắt người Nam Mỹ đang thiếu vốn và gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

Trung Quốc cũng có hợp tác khoa học công nghệ, nhưng chủ yếu là với Brazil (nước có tiềm lực nhất Nam Mỹ), trong các lĩnh vực như công nghệ vũ trụ, vệ tinh, chế tạo máy bay.

Vì sao Trung Quốc giành được lợi thế?

Trước hết đó là do tính năng động đặc biệt của người Hoa và ban lãnh đạo Trung Quốc. Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc thực dụng hơn bao giờ hết và họ đã phát triển cả một hệ thống tư tưởng ngoại giao kinh tế và chính sách ngoại thương đồ sộ.

Nhiều thủ thuật khôn khéo ở châu Phi được vận dụng tiếp ở châu Mỹ Latin. Trung Quốc cố gắng quan hệ ngoại giao tốt với các nước trong khu vực. Một số nước như Venezuela có mối giao hảo đặc biệt với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (ảnh: Reuters)

Theo giới quan sát phương Tây, Trung Quốc “làm ngơ” trước các vấn đề về nhân quyền và cải cách kinh tế ở Nam Mỹ và vùng Caribbe. Các khoản cho vay của Trung Quốc không gắn với điều kiện nào. Trong khi đó các thể chế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển Liên châu Mỹ, Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Mỹ (tất cả đều chịu ảnh hưởng của chính phủ Mỹ và phương Tây) đặt ra cho người đi vay các tiêu chuẩn ngặt nghèo liên quan đến nhân quyền và yêu cầu tư nhân hóa nền kinh tế.

Thực tế, các khoản tài chính mà Trung Quốc cung cấp cho khu vực này còn lớn hơn cả các khoản tín dụng và đầu tư mà Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Liên châu Mỹ và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu của Mỹ dành cho châu Mỹ Latin gộp lại.

Hơn nữa, bản thân các nước châu Mỹ Latin cũng kêu gọi Trung Quốc vào đầu tư. Một số nước bên bờ phá sản và bị phương Tây quay lưng lại (như Argentina) đã được Trung Quốc hỗ trợ tài chính đúng lúc và nhiệt tình.

Về mặt truyền thống, Trung Quốc gần gũi với châu Phi hơn (do văn hóa, khoảng cách địa lý và phong trào giải phóng dân tộc vào những năm 1950-1960). Tuy nhiên, ở châu Mỹ Latin, Trung Quốc lại có những lợi thế mới. Thời gian qua, lực lượng cánh tả lên nắm quyền ở nhiều nước Mỹ Latin – nhiều nước trong số này (như Venezuela, Bolivia,… chưa kể Cuba) có thái độ chống Mỹ gay gắt. Và nhìn chung, tâm lý của châu Mỹ Latin là muốn bớt phụ thuộc vào Mỹ và EU và không muốn làm “sân sau” cho Mỹ. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc trở thành một lựa chọn hợp lý cho các nước này để cân bằng lại.

>> Đọc thêm: Phương Tây sợ Trung Quốc ở châu Phi

Đà tiến của Trung Quốc ở châu Mỹ Latin được tiếp thêm sức từ việc Mỹ bị cuốn vào tình hình Iraq và Afghanistan. Từ sau sự kiện 11/9 năm 2001, Mỹ mải mê chinh chiến ở hai quốc gia này và tham gia vào các cuộc tiễu trừ khủng bố toàn cầu. Gần đây, khi Mỹ đã rút quân khỏi Iraq (năm 2011) và rút quân dần khỏi Afghanistan (trong năm 2014) thì tình hình ở hai nước này lại xấu đi nghiêm trọng. Riêng ở Iraq mới đây, nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến quân rất mạnh mẽ và thi hành nhiều chính sách tàn ác với người dân địa phương, buộc Mỹ phải dùng máy bay tấn công các vị trí của lực lượng này. Tình hình Libya cũng xấu đi nhanh chóng với sự trỗi dậy của các phiến quân sau một thời gian dài ông Gaddafi bị lật đổ nhờ sự hậu thuẫn của Mỹ. Tất cả khiến cho Mỹ càng thêm “bỏ bê” địa bàn ngay sau lưng họ.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Phi hôm 5/8 vừa rồi cho thấy Mỹ đã sực tỉnh về bước lùi thảm hại của họ ở châu Phi trước sự lấn lướt của Trung Quốc. Các cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào châu Phi mà Washington đưa ra tại hội nghị này đồng nghĩa với việc Mỹ không thể dồn nhiều “lửa đầu tư” cho mặt trận Nam Mỹ.

Vừa hoan nghênh, vừa lo ngại

Công bằng mà nói, khách hàng Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc và các khoản tín dụng của Trung Quốc đã ít nhiều giúp châu Mỹ Latin thay da đổi thịt, bớt lệ thuộc vào Mỹ và EU, hạn chế ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và châu Âu, đồng thời tiếp cận được nhiều hơn với thị trường thế giới.

Trước mắt, khi nội lực Trung Quốc chưa đến mức tuyệt đỉnh và nước này còn gặp muôn vàn vấn đề nội bộ thì tham vọng bá quyền và bành trướng lãnh thổ của họ chủ yếu giới hạn vào châu Á, đặc biệt là Đông Á. Cho nên va chạm giữa Trung Quốc và những nơi xa xôi như châu Mỹ Latin chưa thể hiện rõ.

Châu Mỹ Latin lại khác biệt với châu Phi về văn hóa. Mức sống người dân và cơ sở hạ tầng ở đây cũng tốt hơn ở châu Phi. Trung Quốc để mắt đến châu Mỹ Latin sau khi đã có nhiều kinh nghiệm đầu tư ở châu Phi nên chắc sẽ có nhiều điều chỉnh khôn khéo để bám chắc hơn nữa vào địa bàn chiến lược này.

Một Chinatown (khu phố người Hoa) ở quốc gia Mỹ Latin Costa Rica (ảnh: ticotimes.net)

Dẫu vậy vẫn có những chia rẽ nhất định trong nội bộ châu Mỹ Latin trong cách nhìn nhận Trung Quốc. Ngoài những người ủng hộ, có những người nghi ngờ vai trò của Trung Quốc, e sợ “nguy cơ” trở thành một châu Phi thứ 2.

Chiêu hạ giá đồng nhân dân tệ để kích thích xuất khẩu sang các nước Mỹ Latin đã gây khó chịu cho một số nước này.

Trong mối quan hệ bất đối xứng với một quốc gia Đông Bắc Á khổng lồ, nhiều chính phủ vùng Mỹ Latin lo ngại nước mình chỉ là nơi cung cấp đồ ăn và khoáng sản cho Trung Quốc, và không có nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Việc tập trung xuất khẩu nguyên nhiêu liệu có giá trị thấp sang Trung Quốc khiến cho cơ cấu kinh tế của các nước Mỹ Latin lạc hậu và các ngành công nghiệp sản xuất ở đây khó phát triển.

Đã có những cuộc biểu tình phản đối hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường hay việc các doanh nhân Trung Quốc mua đất với diện tích rộng ở Nam Mỹ.

Một vài nước, trong đó có Brazil và Argentina, đã áp dụng một số biện pháp chống phá giá trước cơn lụt hàng hóa giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc.

Các nước trong vùng còn đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai khoáng của Trung Quốc và nạn chặt phá rừng để trồng nông sản (nhất là đậu tương) đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc.

Cá biệt có doanh nghiệp Mỹ Latin liên kết với Trung Quốc để sản xuất máy bay đã tố phía đối tác Trung Quốc đánh cắp công nghệ chế tạo máy bay của họ.

Riêng Brazil - nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latin, thành viên khối BRICS - đã có những động thái cho thấy họ muốn làm đối tác bình đẳng với Trung Quốc chứ không phải là “tay chân” cho quốc gia này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao phương Tây sợ Trung Quốc ở châu Phi?
Vì sao phương Tây sợ Trung Quốc ở châu Phi?

(VOV) - Không phải đến bây giờ phương Tây mới đưa ra những cáo buộc về sự hiện diện của Trung Quốc tại Lục địa Đen.

Vì sao phương Tây sợ Trung Quốc ở châu Phi?

Vì sao phương Tây sợ Trung Quốc ở châu Phi?

(VOV) - Không phải đến bây giờ phương Tây mới đưa ra những cáo buộc về sự hiện diện của Trung Quốc tại Lục địa Đen.

Viễn Đông Nga phụ thuộc nguồn vốn và nhân công Trung Quốc
Viễn Đông Nga phụ thuộc nguồn vốn và nhân công Trung Quốc

VOV.VN - Nga muốn hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông. Trớ trêu thay, chỉ có Trung Quốc là sẵn lòng đưa vốn và người vào đây.

Viễn Đông Nga phụ thuộc nguồn vốn và nhân công Trung Quốc

Viễn Đông Nga phụ thuộc nguồn vốn và nhân công Trung Quốc

VOV.VN - Nga muốn hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông. Trớ trêu thay, chỉ có Trung Quốc là sẵn lòng đưa vốn và người vào đây.

Tình báo mạng của Mỹ nhìn xuyên thấu đối thủ Trung Quốc?
Tình báo mạng của Mỹ nhìn xuyên thấu đối thủ Trung Quốc?

VOV.VN - Tiết lộ mới đây cho thấy lực lượng tình báo tín hiệu của Mỹ (mà đại diện là NSA) cao tay đến nhường nào.

Tình báo mạng của Mỹ nhìn xuyên thấu đối thủ Trung Quốc?

Tình báo mạng của Mỹ nhìn xuyên thấu đối thủ Trung Quốc?

VOV.VN - Tiết lộ mới đây cho thấy lực lượng tình báo tín hiệu của Mỹ (mà đại diện là NSA) cao tay đến nhường nào.

Nga, Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ “chưa từng thấy”
Nga, Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ “chưa từng thấy”

VOV.VN - Chưa bao giờ quan hệ giữa 2 cường quốc láng giềng này lại toàn diện và đi vào thực chất như hiện nay.

Nga, Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ “chưa từng thấy”

Nga, Trung Quốc hưởng lợi từ mối quan hệ “chưa từng thấy”

VOV.VN - Chưa bao giờ quan hệ giữa 2 cường quốc láng giềng này lại toàn diện và đi vào thực chất như hiện nay.