Trung Quốc: Nỗi ám ảnh đeo đẳng về chính sách một con

VOV.VN - Những “tổn thương” từ chính sách một con vẫn đeo đẳng trong tâm trí không ít cặp vợ chồng Trung Quốc.

LTS: Từ ngày 1/1/2016, các cặp vợ chồng ở Trung Quốc được quyền sinh con thứ 2. Thế nhưng dấu ấn một thời kỳ dài thực hiện chính sách một con “khắc nghiệt” vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người dân Trung Quốc. VOV.VN xin giới thiệu với độc giả một bài viết trên tờ New York Times nói về vấn đề thi hành chính sách một con trước đây.

Chị Feng bên bào thai của mình. Ảnh: Weibo.

Ba năm sau khi trở thành một biểu tượng của những cứng rắn thái quá trong chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc, cuối cùng chị Feng Jianmei đã sinh đứa con gái thứ 2 vào tháng 8/2015.

Hồi năm 2012, Feng đã phải phá thai sau khi các quan chức tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) ép chị phải làm vậy. Một người ủng hộ Feng đã đăng tải lên mạng xã hội bức ảnh chị cùng bào thai dính máu. Điều này đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc và khiến cho vài quan chức bị mất chức. Mặc dù vậy, chồng của Feng đã bị một số quan địa phương thuê du côn đánh đập.

Giờ thì Trung Quốc đã chuyển hẳn từ nới lỏng chính sách một con sang xóa bỏ chính sách này. Thế nhưng những ký ức về hệ lụy của chính sách đó vẫn còn hằn sâu trong tâm trí nhiều người dân của đất nước đông dân nhất thế giới này.

Trong các hậu quả tiêu cực của việc thi hành một cách cứng rắn chính sách một con có tình trạng ép triệt sản hoặc nạo thai, tình trạng giết trẻ sơ sinh và việc mua bán trẻ em.

Trường hợp của Feng nói trên là rất đặc biệt nên đã thu hút sự chú ý của nhiều người Trung Quốc, đồng thời tập hợp được nhiều lời kêu gọi - bao gồm cả của các quan chức và giới lập pháp, về việc phải chấm dứt chính sách một con này.

Tuy nhiên những gì mà Feng hứng chịu thực ra cũng xảy ra ở nhiều nơi. Các quan chức Trung Quốc ở các cấp (từ trung ương đến làng bản) đã răm rắp thực hiện chính sách 1 con được áp dụng từ năm 1979.

Ngay từ đầu, các cán bộ Trung Quốc được thông báo rằng việc kiềm chế gia tăng dân số là một ưu tiên, và sự nghiệp của họ có thể bị ảnh hưởng nếu họ không đáp ứng được các mục tiêu kiểm soát dân số.

Liang Zhongtong, 68 tuổi, trước đây là cố vấn cho các quan chức cấp cao về kế hoạch hóa gia đình, nói: “Chính quyền trung ương dù không chủ động ủng hộ các biện pháp mạnh mẽ nhưng họ lại ngầm ủng hộ các biện pháp này bằng cách lặng im”. Từ cách đây vài thập kỷ, Liang đã ủng hộ chính sách 2 con.

Áp phích tuyên truyền về thực hiện chính sách một con tại Trung Quốc. Ảnh: Corbis.

Hậu quả cay đắng từ chính sách này không dừng lại ở các lạm dụng của giới chức địa phương. Một số bậc cha mẹ Trung Quốc, vốn trọng nam khinh nữ, đã sử dụng việc phá thai hoặc giết trẻ sơ sinh để bảo đảm họ có được một cậu con trai. Hệ quả là, hiện nay, tỷ lệ giới tính sơ sinh là 117 bé nam so với 100 bé gái. Ước tính vào năm 2020 Trung Quốc sẽ có 30 triệu nam giới độc thân do không lấy được vợ - một nhà kinh tế học nước này đã phải đưa ra đề xuất để cho một người vợ được lấy nhiều chồng.

Ngoài vấn đề mất cân bằng giới, Trung Quốc còn đối mặt vấn đề khác, đó là không duy trì được tỷ lệ sinh thay thế khi mà trung bình một phụ nữ nước này chỉ sinh 1,6 con. Người già sẽ thiếu người chăm sóc. Tốc độ kinh tế đang giảm là một trong các biểu hiện của tác động tiêu cực từ chính sách 1 con.

Yang Zhizhu, một học giả về luật tại Đại học Chính trị Thanh Niên Trung Quốc (ở Bắc Kinh), cho biết: “Chính sách này đã có tác động lớn đến quá trình phát triển xã hội của Trung Quốc, thậm chí còn lớn hơn cả Cách mạng Văn hóa”.

Yang đã bị phạt và cấm giảng dạy vào năm 2010 sau khi anh và vợ mình sinh con thứ 2. Yang nói tiếp: “Chính sách này làm hư hại cấu trúc dân số, cả cấu trúc tuổi và giới. Nó cũng làm thay đổi nếp nghĩ của người dân Trung Quốc, khiến thanh niên không còn mặn mà với việc sinh và nuôi con”.

Tất nhiên, trước năm 2016 thì những cặp vợ chồng nào sinh con thứ 3 càng bị làm khó. Như trường hợp Pan Chunyan, chủ một cửa hàng ở tỉnh Phúc Kiến. Giới chức địa phương đã đưa chị tới một bệnh viện, ở đó một y tá tiêm vào cơ thể chị thuốc xổ thai trong lúc các nhóm bặm trợn không cho các thành viên gia đình chị vào trong.

Pan trả lời phỏng vấn của điện thoại: “Đó là điều đau đớn nhất từng xảy đến với tôi. Tôi không thể nào tưởng tượng được mình sẽ lại sinh bé nữa. Cháu bé của tôi đã là một sinh linh phát triển. Nó suốt ngày đạp trong bụng tôi”.

Chính sách  một con bắt nguồn từ nhóm kế hoạch hóa gia đình trong Quốc vụ viện Trung Quốc. Trong nhiều năm, chính phủ Trung Quốc khuyến khích các công dân sinh ít con. Nhưng đến năm 1979, các lãnh đạo Trung Quốc, theo tư vấn của nhóm trên, thực hiện một bước đi táo bạo.

Một "tiểu hoàng đế Trung Quốc" (giữa). Ảnh: vocativ.

Các ông Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình – các lãnh đạo kế vị lãnh tụ Mao Trạch Đông, cùng các quan chức hàng đầu khác của Trung Quốc khi ấy “đều tin rằng dân số lớn là trở ngại chính đối với phát triển kinh tế”.

Nhà nghiên cứu Liang nói: Từ năm 1979, chính sách này lan rộng khắp Trung Quốc.

Vẫn lời ông Liang – học giả về vấn đề dân số tại Học viện Khoa học Xã hội Quảng Tây: “Từ trước năm 1979, đã có sẵn các nhóm kế hoạch hóa gia đình trong các đảng ủy từ cấp tỉnh trở xuống, tức là đã có hệ thống để làm việc này rồi”.

Năm năm sau, ông Liang viết thư cho Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó là Hồ Diệu Bang, trong đó ông Liang lập luận rằng nếu các gia đình được phép sinh 2 con thì vẫn có thể giữ được dân số Trung Quốc ở mức 1,2 tỷ vào năm 2000.

Ông Liang đề xuất áp dụng thí điểm cách tiếp cận này ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Giới chức đồng ý cho thí điểm. Dự án được tiến hành bí mật ở vùng nông thông Yicheng trong vài thập kỷ và cuối cùng chứng minh rằng tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ giảm một cách tự nhiên. Tuy nhiên, ông Liang nói, những bằng chứng từ dự án thí điểm này không bao giờ được nhân rộng ra do vấp phải sự phớt lờ hoặc phản đối từ các quan chức ngành kế hoạch hóa gia đình ở cấp trung ương.

Trong khi đó, trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, chính sách chủ đạo về dân số vẫn thống lĩnh. Các gia đình nào không được miễn thực hiện chính sách 1 con sẽ bị phạt tiền rất nặng nếu bị phát hiện vi phạm. Nếu là nhân viên nhà nước thì sẽ bị đuổi việc, đảng viên thì bị khai trừ. Một số gia đình lách luật bằng cách không đăng ký khai sinh khi sinh con ngoài chỉ tiêu.

Ở các thành phố các quan chức dựng những tấm áp phích thể hiện những cặp vợ chồng rạng ngời bên đứa con thiên thần duy nhất của họ. Một khẩu hiệu viết: “Sinh ít con hơn và trồng nhiều cây hơn.” Các khẩu hiệu ở nông thôn – nơi người dân có xu hướng muốn đẻ nhiều con, còn hà khắc hơn. Chẳng hạn, có khẩu hiệu như thế này: “Nếu không chịu phá thai thì sẽ bị phá nhà và mất gia súc”.

Các ủy ban kế hoạch gia đình và giới chức địa phương trên khắp Trung Quốc thực hiện công việc kiểm soát dân số một cách hà khắc, họ coi việc đạt được các mục tiêu giảm sinh là một trách nhiệm tập thể. Tùy từng vùng, mục tiêu có thể khác đi. Một số nơi người ta cố gắng duy trì tổng số dân. Ở nơi khác người ta quan tâm nhiều đến số lượng ca sinh hoặc tỷ lệ tăng dân số.

Mayling Birney – một giáo sư tại Đại học Kinh tế London, đã nghiên cứu hệ thống đánh giá cán bộ của Trung Quốc và cho biết các vị có chức sắc trong làng có thể mất việc nếu không đạt được mục tiêu kế hoạch hóa dân số.

Birney cho biết bà đã tiến hành khảo sát ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam. Kết quả cho thấy đa số các trưởng thôn bị cho nghỉ việc hoặc bị phạt nặng nếu như không đạt được mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình.

Trong vài năm gần đây, một số biến cố xảy ra đã khiến công chúng rộ lên các tranh luận về chính sách một con.

Chẳng hạn trong trận động đất Tứ Xuyên năm 2008, hàng ngàn trẻ em thiệt mạng do các ngôi trường xây dựng kém bị đổ sụp. Thế là các bậc cha mẹ khóc lóc than vãn về việc mình đã tuân thủ chính sách một con. Nhiều cặp vợ chồng nói, giờ thì mình già quá rồi, không sinh được con nữa. Khi đó chính phủ Trung Quốc đã ứng phó bằng việc gửi các đoàn bác sĩ tới đây để hỗ trợ khôi phục lại khả năng sinh nở ở những người đã thực hiện triệt sản trước đó.

Một số nhân vật ở Trung Quốc đã ra sức phản đối chính sách triệt sản. Nhân vật Chen Guangcheng từng bị địa phương tạm giữ do phát tán các tài liệu về ép triệt sản và phá thai cũng như tổ chức phản kháng hòa bình. Năm 2012, nhân vật này chạy vào Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.

Cùng năm đó, nổi lên các vụ việc của chị Feng và chị Pan cùng với những tấm hình chụp họ trong bệnh viện lan tràn trên mạng internet.

Thậm chí Hu Xijin, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu (trực thuộc Nhân dân Nhật báo) của Trung Quốc cũng đã lên tiếng nói rằng những gì mà Feng phải trải qua là “dã man”. Tuy nhiên ông này vẫn chốt thêm rằng “kế hoạch hóa gia đình đem lại nhiều điều tích cực hơn là mặt trái cho Trung Quốc”.

Quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu thay đổi từ đây. Năm 2013, lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố các cặp vợ chồng mà vợ hoặc chồng là con một thì có thể sinh hai mà không bị phạt. Và đến 2015 lãnh đạo nước này quyết định chuyển hẳn sang chính sách hai con./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chính sách một con: Thế khó của Trung Quốc
Chính sách một con: Thế khó của Trung Quốc

(VOV) - Quả bom dân số khiến Trung Quốc theo đuổi chính sách 1 con. Tuy nhiên, nước này đang phải đối diện với nhiều hệ lụy không mong muốn.

Chính sách một con: Thế khó của Trung Quốc

Chính sách một con: Thế khó của Trung Quốc

(VOV) - Quả bom dân số khiến Trung Quốc theo đuổi chính sách 1 con. Tuy nhiên, nước này đang phải đối diện với nhiều hệ lụy không mong muốn.

Trung Quốc chính thức nới lỏng chính sách một con
Trung Quốc chính thức nới lỏng chính sách một con

VOV.VN - Động thái mới diễn ra trong bối cảnh, ước tính đến năm 2050, hơn một phần tư dân số Trung Quốc sẽ trên 65 tuổi.

Trung Quốc chính thức nới lỏng chính sách một con

Trung Quốc chính thức nới lỏng chính sách một con

VOV.VN - Động thái mới diễn ra trong bối cảnh, ước tính đến năm 2050, hơn một phần tư dân số Trung Quốc sẽ trên 65 tuổi.

Bi kịch của phụ nữ Trung Quốc từ chính sách 1 con:Phá thai hay chồng mất việc
Bi kịch của phụ nữ Trung Quốc từ chính sách 1 con:Phá thai hay chồng mất việc

VOV.VN - Tuy chính sách một con đã được nới lỏng nhưng vẫn còn rất nhiều cặp vợ chồng khao khát có đứa con thứ 2 nhưng lại bị rơi vào trường hợp “cấm đẻ”.

Bi kịch của phụ nữ Trung Quốc từ chính sách 1 con:Phá thai hay chồng mất việc

Bi kịch của phụ nữ Trung Quốc từ chính sách 1 con:Phá thai hay chồng mất việc

VOV.VN - Tuy chính sách một con đã được nới lỏng nhưng vẫn còn rất nhiều cặp vợ chồng khao khát có đứa con thứ 2 nhưng lại bị rơi vào trường hợp “cấm đẻ”.

Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con
Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con

VOV.VN - Bắt đầu từ ngày 1/1/2016, mọi cặp vợ chồng kết hôn tại Trung Quốc đều có quyền sinh con thứ 2 sau khi nước này chính thức chấm dứt chính sách một con.

Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con

Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con

VOV.VN - Bắt đầu từ ngày 1/1/2016, mọi cặp vợ chồng kết hôn tại Trung Quốc đều có quyền sinh con thứ 2 sau khi nước này chính thức chấm dứt chính sách một con.