Vì sao không quân Liên Xô thất bại trước phát xít Đức năm 1941?
VOV.VN - Khi phát xít Đức tấn công Liên Xô vào năm 1941, cả lục quân và không quân Xô viết đều hứng chịu thất bại nặng nề trong giai đoạn đầu.
Không quân Nga đã và đang thể hiện sức mạnh ở chiến trường Syria. Ngoài Mỹ, Nga là nước có năng lực đưa không quân đến phóng chiếu sức mạnh ở những nơi cách xa biên giới nước mình.
Máy bay cường kích Il-2 nhả đạn vào đội hình quân Đức. Ảnh: RIA. |
Tuy nhiên ngày xưa không phải lúc nào Nga cũng được như vậy. Nga bắt đầu nhận thức rõ về tầm quan trọng của phi cơ quân sự trong những ngày đen tối hứng chịu đòn xâm lược của nước Đức Quốc xã.
Thế chiến thứ 2 đánh dấu sự trưởng thành của không quân Nga (nằm trong Liên Xô) cũng như thời kỳ đen tối nhất của nó.
Mất 1.200 máy bay trong một ngày
Năm 1941, Không quân Liên Xô hứng chịu thất bại thảm họa. Trong sáu tháng đầu tiên của cuộc chiến Xô-Đức, phía Liên Xô mất gần 70% tổng số máy bay chiến đấu của mình. Vào ngày 22/6/1941 - ngày Đức xâm lược Liên Xô, Hồng quân bị tổn thất tới 1.200 máy bay. Thậm chí trong số phi cơ bị tiêu diệt đó, có tới một nửa chưa kịp cất cánh.
Số phận bi thảm của điệp viên cung cấp tin chiến lược cho Liên Xô
Không quân Đức cũng hứng chịu thiệt hại nặng trong thời kỳ này. Tuy nhiên cán cân so sánh bất lợi cho bên Liên Xô. Tổn thất vào ngày 22/6 là một cú sốc lớn cho các tướng lĩnh Xô viết. Sau khi bay thị sát quanh các sân bay thuộc quyền quản lý của mình bị phát xít tàn phá, tư lệnh lực lượng không quân của quân khu Belorusiaan đã tự sát vì thất vọng.
Không quân Đức Quốc xã (Luftwaffe) lúc đó được coi là mạnh nhất thế giới. Nhờ vào năng lực tác chiến tốt, chỉ cần đến mùa đông là quân Đức đã biến được lợi thế đông gấp 3 của không quân Liên Xô thành con số 0, đạt được sự cân bằng về số lượng – điều này cộng thêm với ưu thế chất lượng của Luftwaffe đã giúp không quân Đức chiếm ưu thế trên bầu trời.
Không quân phát xít Đức oanh kích thành phố của Liên Xô vào ngày 22/6/1941. Ảnh: RIA. |
Phi công Đức định vị được mục tiêu bằng việc sử dụng các trạm theo dõi vận hành hiệu quả, nhờ đó vô hiệu hóa được ưu thế chiến thuật của phi cơ Xô viết tại nhiều khu vực chiến trường khác nhau. Các phi công Hồng quân tỏ rõ tinh thần xả thân anh hùng, thường sẵn sàng đâm va máy bay đối phương nhưng điều này không đủ để đảo ngược tình thế.
Lý do thất bại
Hồng quân sở hữu các loại máy bay vừa nhiều vừa đa dạng. Trong đó có các phi cơ mới như Il-2 (biệt hiệu “Xe tăng bay”) và các phi cơ lỗi thời, với số lượng nhiều gấp 3 lần máy bay mới.
Tuy nhiên bản thân các máy bay mới của Liên Xô cũng có nhược điểm về động cơ và hệ thống liên lạc. Lớp giáp của tiêm kích cơ Liên Xô kém đến mức ngay cả các khẩu súng máy loại nhẹ của oanh tạc cơ Đức cũng đủ sức xuyên thủng.
Phi công Mỹ không chiến dữ dội với tiêm kích MiG của Triều Tiên
Việc huấn luyện phi công quân sự Liên Xô lúc đó là theo kiểu cung cấp “lúa non”. Phi công gần như chỉ có thời gian học cách vận hành máy bay mới. Ngay trước cuộc chiến tranh vệ quốc, các trường phi công Xô viết đã phải lao động cật lực thêm giờ, cho “ra lò” hàng ngàn phi công mới. Số lượng học viên tốt nghiệp trường phi công lớn tới mức nhiều người không được trở thành sĩ quan để tránh tình trạng quá đông đội ngũ chỉ huy.
Không phải tất cả các phi công trẻ đều đạt đến cấp độ chuyên nghiệp. Điều này thể hiện rõ trong cuộc chiến Liên Xô-Phần Lan trong 2 năm 1939-1940. Trong cuộc chiến này, một lực lượng nhỏ không quân Phần Lan đã gây cho không quân Xô viết nhiều vấn đề nghiêm trọng cho dù phía Liên Xô chiếm ưu thế áp đảo về số lượng máy bay.
Gốc rễ vấn đề
Tuy nhiên vấn đề vì sao năm 1941 là năm thảm họa đối với không quân Liên Xô lại phức tạp hơn nhiều. Cần lưu ý rằng việc xây dựng lực lượng không quân Liên Xô “đủ lông đủ cánh” mới chỉ bắt đầu trước chiến tranh 10 năm.
Công nhân lắp rắp chiếc phi cơ cường kích Il-2 tại một nhà máy Liên Xô. Ảnh: TASS |
Các nhà máy sản xuất máy bay thường mới được xây dựng trên các bãi mới giải phóng mặt bằng ở vùng nông thôn, lại không có đủ cả vật liệu lẫn kỹ sư và công nhân. Mà phi cơ quân sự lại đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, ngành hàng không cần đến sự hỗ trợ của công nghiệp hóa chất, điện tử và luyện kim phát triển cao. Các hỗ trợ này cũng được xây dựng cấp tốc để dùng luôn.
Các nhà thiết kế của Liên Xô chủ yếu nghiên cứu thông qua phương pháp thử và sai. Các nhược điểm của động cơ máy bay giới hạn mức độ tự do hành động của phi công và các nỗ lực giải quyết các vấn đề này trong ngắn hạn đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, việc thiếu sĩ quan chỉ huy có năng lực cũng là một vấn đề lớn. Lãnh đạo của Liên Xô đã có một số sai lầm khiến cho Hồng quân bị mất nhiều cán bộ giỏi từ trước khi nổ ra chiến tranh.
Cuộc đời chìm nổi của thiên tài quân sự Liên Xô Tukhachevsky
Mức độ huấn luyện và kinh nghiệm tác chiến của các phi công Liên Xô không đạt đến mức độ cần thiết và họ vẫn đang trong quá trình hấp thụ các bài học rút ra từ thời gian chiến đấu bên phe Cộng hòa chống phát xít trong Nội chiến Tây Ban Nha vài năm trước đó./.