Vì sao Triều Tiên quyết giữ con bài hạt nhân?

(VOV) - Mặc cho sức ép của quốc tế và cả Trung Quốc, Triều Tiên vẫn một mực phát triển vũ khí hạt nhân như điểm tựa sống còn.

Hôm 8/3, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã cho đăng tải nội dung bản ghi nhớ do Ủy ban Hòa bình Quốc gia Triều Tiên (NPCK) đưa ra. Theo đó, phía CHDCND Triều Tiên khẳng định chính Mỹ là người chủ động dùng đòn răn đe hạt nhân với Triều Tiên trước và đẩy quốc gia Đông Bắc Á đến chỗ phải phát triển hạt nhân để tự vệ.

Bản ghi nhớ cũng nêu rõ, thực ra Triều Tiên cũng muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng “cây muốn lặng gió chẳng đừng”. Văn bản này đã liệt kê lại lịch sử đe dọa hạt nhân của Mỹ đối với Triều Tiên.

Vai trò của Mỹ

Theo tài liệu do KCNA trích dẫn trên website của hãng này, thì vào tháng 8/1950 (khi Chiến tranh Triều Tiên bùng phát), Mỹ đã vận chuyển vũ khí hạt nhân sang bán đảo Triều Tiên. Cuối năm đó, theo NPCK, phía Mỹ công khai tiết lộ kế hoạch sẽ ném tầm 30-50 quả bom nguyên tử xuống dọc biên giới Triều Tiên-Trung Quốc.

Chiến tranh Triều Tiên là 1 trong các cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử (ảnh: universalhistory)


Tổng thống đắc cử Mỹ vào thời điểm đó là Eisenhower tuyên bố vào tháng 5/1953 rằng nếu tính đến phương diện tài chính thì sử dụng 1 quả bom nguyên tử ở Triều Tiên sẽ có lợi hơn là dùng nhiều vũ khí thông thường.

Văn bản của Triều Tiên khẳng định, sau khi “thất bại thảm hại” trong cuộc chiến Triều Tiên, phía Mỹ đã “thâm hiểm” dùng đến ngón đòn hạt nhân để leo thang sang một cuộc chiến mới.

KCNA dẫn nguồn tin NPCK cho rằng Mỹ đã vũ trang hạt nhân cho lực lượng quân sự nước này ở Hàn Quốc, thành lập đơn vị Pentomic được trang bị bom hạt nhân cấp chiến thuật, tiểu đoàn tên lửa hạt nhân Honest John và tiểu đoàn pháo binh nguyên tử 280mm.

Năm 1958, Mỹ đã đưa tiểu đoàn hỏa tiễn chiến thuật 588 của không quân Mỹ sang, đồng thời lập bộ chỉ huy tên lửa thông minh cho các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc.

Tài liệu của Triều Tiên viết tiếp: Sau cuộc Chiến tranh Việt Nam, Mỹ tuyên bố Hàn Quốc là mặt trận phòng vệ, đồng thời tìm kiếm biến Hàn Quốc thành căn cứ hạt nhân. Trên thực tế, Hạ nghị sĩ Mỹ Ronald đã thừa nhận tại Quốc hội rằng Mỹ đã vận chuyển hơn 1.000 vũ khí hạt nhân sang Hàn Quốc và sử dụng 54 phi cơ để mang bom hạt nhân.

Vào những năm 1980, vẫn theo tài liệu của NPCK, Mỹ đã hối thúc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ đồn trú trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vào đầu thập niên này, quân Mỹ đã cho triển khai 31 viên đạn đại bác hạt nhân cỡ 155mm, 133 quả bom hạt nhân để không quân sử dụng, 63 quả đạn hạt nhân dành cho lựu pháo cỡ 8 inch, và 21 quả mìn hạt nhân trước mỗi căn cứ của mình.

Và như vậy, theo NPCK, Hàn Quốc đã trở thành tiền đồn hạt nhân lớn nhất của Mỹ, với đủ loại vũ khí hạt nhân như bom, đạn pháo, đầu đạn tên lửa, mìn, và phương tiện chuyên chở cũng như căn cứ và kho chứa.

Lính Australia tham gia bên phía Mỹ-Hàn trong Chiến tranh Triều Tiên (ảnh: koreanwar commemmoration.gov.au)


Vào năm 1969, khi máy bay trinh sát EC-121 của Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời Triều Tiên, phía Mỹ đã đặt máy bay chiến thuật trang bị vũ khí hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và Tổng thống Mỹ khi ấy là Nixon đã hạ lệnh sử dụng bom nguyên tử nếu Triều Tiên phản kích.

Và đến năm 2002, khi bán đảo Triều Tiên gần như ở trong tình trạng “báo động”, phía Mỹ đã cho phép quân đội Mỹ đóng ở đây quyền đánh phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân. Phía Mỹ thậm chí còn khẳng định sẽ dùng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ để phá hủy các cơ sở dưới lòng đất của Triều Tiên.

NPCK cho biết thêm, vào năm 2009, trong cuộc họp tư vấn an ninh Mỹ-Hàn lần thứ 41, hai bên đã ra thông cáo chung trong đó Mỹ hứa bảo đảm chiếc ô hạt nhân cho Hàn Quốc bên cạnh các trợ giúp quân sự khác.

“Hàn Quốc tích cực hưởng ứng”

Bản ghi nhớ của NPCK cũng tố Hàn Quốc khuyến khích đưa vũ khí hạt nhân sang nước này, đồng thời tích cực tham gia cùng Mỹ chuẩn bị cho 1 cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại CHDCND Triều Tiên.

NPCK tiết lộ một số chi tiết như, Tổng thống Chun Doo-hwan của Hàn Quốc từng cho phép Mỹ mang 1 quả bom neutron sang Hàn Quốc vào những năm 1980.

Năm 1969 chính quyền quân sự của ông Park Chung-hee đã đề ra kế hoạch (bí mật) phát triển vũ khí hạt nhân và chuẩn bị nhiên liệu hạt nhân. Chế độ của ông Park đã lập 1 đội phát triển hạt nhân và tên lửa vào năm 1974 và chuẩn bị khu vực phát triển nhiên liệu hạt nhân vào năm 1976.

Tháng 9/1978, Hàn Quốc bắn thử tên lửa đất đối đất Paekgom có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do viện nghiên cứu khoa học quốc phòng của nước này phát triển.

Tháng 11/1985, Hàn Quốc hoàn thành việc xây dựng 1 cơ sở tách plutonium và đưa cơ sở này vào hoạt động từ năm 1987.

Một cảnh giao tranh giữa đôi bên trong Chiến tranh Triều Tiên (ảnh: bodypoliticaus)


Tài liệu Triều Tiên khẳng định Hàn Quốc đã chỉ đạo các hoạt động phát triển phương tiện phóng vũ khí hạt nhân, bao gồm tên lửa đất đối đất Hyonmu có tầm bắn 256km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa từng được triển khai vào năm 1987 cho 1 cuộc chiến tranh thực sự.

Bản ghi nhớ tiếp tục cáo buộc Hàn Quốc và đồng minh Mỹ đã vạch ra một số kịch bản xâm lược Triều Tiên và đã thực hiện vô số cuộc diễn tập quân sự lớn hàng năm nhằm vào Triều Tiên.

Nó cũng khẳng định, kể cả dưới chính quyền Obama, quan điểm thù địch của Mỹ với Triều Tiên vẫn không hề thay đổi.

Bằng tất cả các dẫn chứng và lý lẽ nói trên, bản ghi nhớ đi đến chỗ kết luận CHDCND Triều Tiên đã đúng đắn và chính đáng khi quyết định sử dụng răn đe hạt nhân để phòng vệ trước các đe dọa hạt nhân của Mỹ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Triều Tiên: Từ bỏ hạt nhân là chết
Triều Tiên: Từ bỏ hạt nhân là chết

(VOV) - Hãng thông tấn nước này vừa tuyên bố, hễ nước nào vì sợ Mỹ mà từ bỏ chương trình hạt nhân thì đều có kết cục bi thảm.

Triều Tiên: Từ bỏ hạt nhân là chết

Triều Tiên: Từ bỏ hạt nhân là chết

(VOV) - Hãng thông tấn nước này vừa tuyên bố, hễ nước nào vì sợ Mỹ mà từ bỏ chương trình hạt nhân thì đều có kết cục bi thảm.

Cận cảnh Triều Tiên
Cận cảnh Triều Tiên

(VOV) - Từ khi trở thành lãnh tụ tối cao của Triều Tiên cách đây 1 năm, ông Kim Jong-un đã có nhiều động thái canh tân đất nước.

Cận cảnh Triều Tiên

Cận cảnh Triều Tiên

(VOV) - Từ khi trở thành lãnh tụ tối cao của Triều Tiên cách đây 1 năm, ông Kim Jong-un đã có nhiều động thái canh tân đất nước.